BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyên Lạc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyên Lạc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (5b) - Nguyên Lạc



VI. ĐÔI ĐIỀU VỀ RƯỢU VANG TRẮNG VÀ RƯỢU VANG ĐỎ (tt)
1. Vang Trắng
(Đã đăng)
 
2. Vang đỏ
Ở phần trên, chúng ta đã sơ lược qua về vang trắng, giờ thử tìm hiểu về vang đỏ.
Mời đọc thêm trích đoạn từ các bài viết về Rượu của “đại tửu sĩ” Lão Ngoan Đồng:
 
[Trích đoạn]
Các đấng thi văn nhạc sĩ gốc Mít sính dùng từ, thường gọi bốn mùa là “xuân xanh – hạ trắng – thu vàng – đông xám”, tuy nhiên tửu sĩ Nguyễn VH ở Victoria còn văn huê hơn một bậc khi sử dụng chữ “đông tím”.
Số là tử sĩ họ Nguyễn đã yêu cầu hội chủ (chứ không phải “chủ hụi”) Hoàng Hoa Hội giới thiệu vài chai rượu “vang đỏ” đáng đồng tiền bát gạo để tửu sĩ uống trong mùa “đông tím” sắp tới.
Trả lời:
Nguyễn tửu sĩ thân mến,
Với một người thích chơi tới nơi tơi chốn, ngân sách gia đình “thặng dư” mà lại “uống thường nhưng không uống bao nhiêu” như tửu sĩ, Lão Ngoan Đồng (LNĐ) đề nghị mua các chai shiraz kha khá một chút, giá từ 30 tới 40 đô-la một chai, chẳng hạn:
– Mount Pleasant Rosehill Shiraz
– Penfolds 128
– Wolf Blass Grey Label Shiraz
– Passing Clouds Reserve Shiraz
Trường hợp muốn chơi đẹp với anh sui (cũng là dân sính vang đỏ), tửu sĩ có thể mua một trong các chai shiraz sau đây:
– Fox Creek Reserve Shiraz (khoảng $60 )
– Mount Langi Ghiran Shiraz (khoảng $60)
– Henschke Mt Edelstone Shiraz (khoảng $70-80)
Có điều LNĐ hơi thắc mắc là tại sao Nguyễn tửu sĩ hỏi về vang đỏ của Úc mà chỉ nhắc tới shiraz, không thấy nhắc tới cabernet sauvignon – một loại vang đỏ nổi tiếng khác của Úc (thường được gọi tắt là “cabernet”, hoặc có khi ngắn gọn hơn, là “cab”).
Nếu Nguyễn huynh đã uống thử mà không thích thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu chưa uống, hoặc uống rồi mà không để ý, LNĐ xin giới thiệu đôi hàng như sau:
Theo kỹ nghệ rượu vang quốc tế, trong số hàng trăm giống nho trồng để làm rượu vang, có 6 loại được xem là quý phái (noble) nhất, gồm 3 trắng – sauvignon blanc – riesling – chardonnay, và 3 đỏ – cabernet sauvignon – merlot – pinot noir.
Tức là không có shiraz!
Sở dĩ shiraz trở thành loại vang đỏ phổ biến và nổi tiếng nhất của Úc, là vì điều kiện phong thổ của Úc thích hợp nhất với giống nho này. Từ đó, các nhà trồng nho và làm rượu vang đã tìm hiểu, rút tỉa kinh nghiệm để sản xuất những chai shiraz ngon nhất thế giới, chẳng hạn “Grange” của hãng Penfolds, chai “Platinum Label” của hãng Wolf Blass.
Nhưng ở Pháp nói riêng, các nước tây phương khác nói chung, các chai vang đỏ nổi tiếng thường làm bằng nho cabernet sauvignon. Sự khác nhau giữa vang đỏ shiraz và vang đỏ cabernet sauvignon là: trong khi shiraz có “vị” đậm đà nhất, thì cabernet sauvignon nổi bật nhờ “sắc – hương”: màu rượu đẹp hơn, và mùi rượu thơm hơn.
Nếu so sánh hai loại vang đỏ này với đàn bà con gái, LNĐ có thể viết shiraz là một người vợ đảm đang, còn cabernet sauvignon là một người vợ xinh đẹp hấp dẫn. Nếu khi lập gia đình, tùy quan niệm của mỗi người mà chúng ta sẽ ưu tiên chọn nết hay chọn sắc, thì uống rượu cũng thế.
Người nào thích nhìn ngắm màu rượu, ngửi mùi thơm của rượu trước khi uống, thì sẽ chuộng cabernet sauvignon, còn người nào cầm ly lên là uống ngay, để khoan khoái hưởng cái vị đậm đà thấm qua từng kẽ răng, thì sẽ chuộng shiraz.
Vì thế, nếu Nguyễn tửu sĩ chưa từng uống cabernet sauvignon, hoặc uống rồi mà không để ý phân biệt, nhận xét, LNĐ đề nghị tửu sĩ uống thử một số chai cabernet sauvignon được ưa chuộng trên thị trường hiện nay, như:
– Wynns Coonawarra Estate Cabernet Sauvignon ($30-35)
– Orlando St Hugo Coonawarra Cabernet Sauvignon (($30-35)
– Balnaves Coonawarra Cabernet Sauvignon (($30-35)
Hoặc “nhẹ tiền” hơn, như:
– Saltram Mamre Brook Cabernet Sauvignon (khoảng $20)
– Rosemount Estate Show Reserve Cabernet Sauvignon (khoảng $20)
– West Cape Howe Cabernet Sauvignon (khoảng $20)
– Ring-bolt Cabernet Sauvignon (khoảng $20)
Muốn thử “sắc – hương – vị” của cabernet sauvignon, nên đi chung với các món ăn sau đây: bò bí-tết, sườn cừu nướng, hoặc vịt Bắc Kinh).
                                                                                     [Hết trích]
 

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (5a) - Nguyên Lạc



V. CÁC QUỐC GIA TRỒNG NHO VÀ LÀM RƯỢU CHÍNH CỦA THẾ GIỚI (tt)
 
6. Úc (Australia):
Hiện nay, Australia là nước sản xuất rượu vang lớn thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu rượu vang.
Diện tích trồng nho ở Úc chiếm khoảng 160.000 ha (năm 2020). Khu vực trồng nho nhiều nhất là ở Nam Úc, Tây Úc như New South Wales (NSW), Tasmania, Queensland, Victoria (VIC), trong đó Nam Úc chiếm 52%, New South Wales 24% và Victoria 15%…
Có rất nhiều thương hiệu vang nổi tiếng đến từ nước Australia như Pinot Noir, Merlot, Cabernet Sauvignon, Chardonnay, Riesling, Shiraz. Sản lượng rượu vang cung ứng ra thị trường thế giới hằng năm là 1,02 tỷ lít, thị trường trong nước tiêu thụ 40% sản lượng này, mức tiêu thụ tính theo đầu người 20,4 lít/năm.
Vùng Nam Australia có các địa danh Barossa Valley nổi tiếng với giống nho Syrah (Shiraz theo tiếng địa phương); địa danh Adelaide Hills nổi tiếng với các giống Sauvignon Blanc, Chardonnay và Pinot Noir; địa danh McLaren Vale nổi tiếng với các giống nho đỏ Syrah và Cabernet Sauvignon; địa danh Coonawarra nổi tiếng không những bởi giống nho Cabernet Sauvignon mà còn bởi cấu tạo đất gồm một lớp đất đỏ trên một tầng đá vôi. Chai vang Australia được giới sành điệu rượu vang nói tới nhiều nhất là chai Penfolds La Grange, làm từ nho Shiraz (Syrah).
Lịch sử nghề trồng nho ở Australia:
Nghề trồng nho ở Australia chắc chắn là một trong những nghề phát triển nhanh nhất thế giới.
Đầu thế kỷ thứ 19, người nhập cư, thương gia và các chủ đồn điền ở Australia đã đưa các giống nho Châu Âu vào trồng ở châu lục này. Từ năm 1820, nho đã được trồng nhiều ở bang Nam Nouvelle – Galles; tiếp đó, năm 1829, ở miền Tây nước Australia, nhờ nhà thực vật học Thomas Waterns; ở bang Victoria, nhờ việc phát hiện ra các mỏ vàng; cuối cùng, ở miền Nam nước Australia nhờ dân Italia nhập cư. Cho đến khi xuất hiện nạn rệp rễ nho Phyloxera năm 1877, bang Victoria đã là nơi cung cấp rượu chính cho toàn nước Australia. Những năm tiếp theo, vùng miền Nam, do không bị rệp Phyloxera tấn công, lại biết phát triển hệ thống kênh tưới tiêu trong thung lũng Murray và xuất khẩu rượu vang pha cồn sang Anh, nên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc.
Đến năm 1930, sản lượng nho vùng miền Nam nước Australia đã chiếm đến 75% tổng sản lượng nho toàn quốc. Rượu vang Australia xuất khẩu sang Anh đã giữ vị trí bá chủ trong suốt thời kỳ, trên cả rượu vang Pháp. Những năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, do nhu cầu tiêu thụ về rượu vang trong nưóc tăng lên rất mạnh, do những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng nho, làm rượu và do sự phát triển của hệ thống các cửa hàng chuyên môn, các hầm rượu và các Câu lạc bộ những người hâm mộ rượu vang, diện tích trồng nho và sản lượng rượu ở Australia cũng tăng lên nhanh chóng. Những năm 1980, 80% sản lượng rượu là rượu có chất lượng trung bình, được bán lẻ hoặc là rượu bịch (bag – in – box).
Chủ yếu rượu vang Australia được tiêu thụ trong nước, nhưng những năm gần đây, vang Australia xuất khẩu đã chiếm tới 25% tổng sản lượng quốc gia. Các nước nhập rượu Australia quan trọng nhất là: Anh, Thụy Điển, Đức, Ireland, Mỹ, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Sĩ và Hồng Kông.
Một số thương hiệu Australia nổi tiếng:
– Penfolds, nhất là rượu La Grange Hermitage, từ giống nho Shiraz,
– Wolf Blass – Yellow Label – Cabernet Sauvignon,
– Wynns – Cabernet – Shiraz,
 

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

LÊ MAI LĨNH, NGƯỜI TRUNG THỰC - Nguyên Lạc


Nhà thơ Lê Mai Lĩnh
 
Chắc các bạn đã biết về Diogenes thành Sinope, triết gia cổ Hy Lạp (412-323 TCN)
Vài giai thoại về ông:

– Diogenes thành Sinope và Alexander Đại đế

Theo sử gia Plutarch, khi Alexander Đại Đế tới Corinth, những người đứng đầu thành phố và các triết gia đã lũ lượt kéo nhau tới yết kiến Alexander, chỉ riêng Diogenes vắng mặt. Alexander bèn đích thân đi tìm Diogenes, và thấy ông này đang nằm dài sưởi nắng bên cái thùng ông dùng làm chỗ ngủ. Khi Alexander Đại Đế hỏi: “Hỡi nhà hiền triết, ngươi có muốn ta làm gì giúp ngươi không?”, Diogenes đã trả lời: “Ngài hãy đứng tránh sang một bên để khỏi che lấp ánh mặt trời của tôi.” Các triết gia và đám tùy tùng của Alexander Đại Đế nghe vậy cười phá lên, trong khi chính Alexander Đại Đế nói: “Nhưng thành thật mà nói, nếu ta không phải là Alexander, ta ước mình là Diogenes.”
                                                                                        (Wikipedia)
 
– Diogenes xách đèn tìm người ban ngày

Diogenes từng xách đèn lồng đi ngoài phố giữa ban ngày. Khi được hỏi làm gì đấy, ông trả lời: Tôi đang tìm kiếm một “con người” (thường được dịch thành “tìm kiếm một con người trung thực”). Tương truyền ông chỉ gặp toàn bọn bất lương và vô lại.
 
Tôi may mắn hơn Diogenes, không cần phải xách đèn đi rong ngoài phố giữa ban ngày để tìm người, vì tôi đã gặp được người trung thực, lương thiện: thi văn sĩ Lê Mai Lĩnh. Lê Mai Lĩnh trước đă gởi tặng tôi thi phẩm THƠ TÌNH THẾ KỶ, LƯƠNG QUYỀN – CÔ LÁNG GIỀNG, TUYỂN TẬP LÊ MAI LĨNH và gần đây quyển CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH – thi sĩ miền Nam Lê Mai Lĩnh (nhà xuất bản Nhân Ảnh năm 2023). Qua một thời gian đọc, tôi xin được ghi ra đây vài hàng về tiểu sử của ông, vài cảm nhận chủ quan về thơ văn ông xem như lời cảm ơn trân trọng đến thi văn nhân.
 

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (4) - Nguyên Lạc

                                                     (Kỳ 4)

V. CÁC QUỐC GIA TRỒNG NHO VÀ LÀM RƯỢU CHÍNH CỦA THẾ GIỚI
 
Hiện trên thế giới có khoảng 8 triệu héc ta đất trồng nho với sản lượng 248,2 triệu hl (Hectolit [hl] = 100 Lít) [năm 2012]. Diện tích trồng nho ở Tây Ban Nha đứng đầu, kế là Ý và Pháp đứng thứ 2, thứ 3 trên thế giới, nhưng Ý và Pháp lại đứng đầu thế giới về sản lượng rượu vang với lần lượt 40,83 triệu hectolit và 40,48 triệu hectolit năm 2012 so với 31,5 triệu hectolit của Tây Ban Nha.
 

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (3) - Nguyên Lạc

                                                   (Kỳ 3)

 
IV. CÁCH LÀM RƯỢU VANG TRUYỀN THỐNG
 
Cách làm rượu vang là quá trình chuyển hóa nước nho ép thành rượu. Thường cần khoảng từ 1,3-1,5kg nho tươi để thu được 1 lít rượu vang.
 
1. Các giai đoạn chủ yếu
Các giai đoạn chủ yếu trong quá trình sản xuất rượu là:
– tách cuống nho khỏi chùm nho,
– ép nước nho, ủ nho
– lên men.
Tùy theo ý muốn của nhà sản xuất rượu, muốn thu được rượu vang đỏ, hồng hay trắng mà các công đoạn sản xuất sẽ khác nhau. Giống nho làm rượu cũng ảnh hưởng đến loại rượu thu được.
Giai đoạn lên men rượu – giai đoạn chủ yếu của quá trình làm rượu – là một quá trình tự nhiên, trong đó đường có ở nho chuyển hóa thành cồn, do tác động của vi khuẩn và chất lên men có sẵn trong vỏ nho. Rượu trong quá trình lên men sẽ thải ra khí CO2 (Carbon dioxide). Chính loại khí này trong các chai rượu Champagne sẽ làm bật nút chai và làm rượu Champagne sủi bọt trông rất hấp dẫn.
Sau khi ép, nước nho được lọc cặn, cho thêm một lượng nhỏ khí sulfua để diệt khuẩn và được nuôi trong thùng inox hoặc thùng bê tông quét sơn thực phẩm (Epoxy) hay thùng gỗ sồi. Thời gian nuôi trong thùng gỗ do nhà sản xuất tính toán tùy theo tính chất của giống nho. Một thời gian sau, vang được rút ra khỏi thùng, lọc và đóng chai trước khi đem ra bán cho người tiêu dùng.
 

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (2) - Nguyên Lạc

                                                 (Kỳ 2)


Rượu nho được làm từ quả nho. Từ nước ép quả nho, khi ủ ta được rượu Vang (tiếng Pháp: Le vin). Mời các bạn bước vào “khu vườn Rượu nho” rồi thưởng thức “Cam lồ thủy”.
 
Phần I
 
RƯỢU VANG
 
Vài câu nói thú vị về rượu vang:
– Rượu vang là một trong những điều văn minh nhất thế giới và mang lại một mức độ thưởng thức thống khoái hơn bất cứ thứ gì ta có thể mua được trên cõi đời này – Ernest Hemingway
– Đàn ông cũng giống như rượu vang: Một số để lâu sẽ thành giấm, nhưng một số càng “có tuổi” lại càng ngon – Giáo hoàng John XXII
– Tình yêu cũng như rượu vang. Có những loại vài tháng là uống được, nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.
– Nếu muốn biết điều chân thật nhất của phụ nữ là gì, hãy để họ khóc. Nếu muốn hiểu đàn ông nghĩ gì, cứ để họ say.
 

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (1) – Nguyên Lạc

                                                  (KỲ I)


Theo chữ tượng hình của Trung Quốc, chữ rượu là Tửu gồm 2 bộ ghép nhau: bộ Thuỷ – là nước, ghép với bộ Dậu – là rượu lên men. Vậy Tửu có nghĩa là rượu lên men được cất bằng nước mà thành.
 
Nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới cho rằng Rượu là một phát minh vĩ đại của con người, sau Lửa.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

ĐÊM GIAO THỪA – Thơ Nguyên Lạc




ĐÊM GIAO THỪA
 
Có được gì đời lưu vong đất khách?
Ngoài vết thương sâu kín giấu trong lòng
Năm mới về nhức nhối lắm biết không?
Bao năm nữa? Quê hương bao năm nữa!
 
Bông tuyết trắng rơi rơi ngoài song cửa
Đêm giao thừa gió luồn lạnh qua khe
Rượu lữ thứ tay nâng mừng năm mới
Sao đắng môi? Lại lỗi hẹn câu thề!
 
Đã bao năm kể từ ngày dâu bể
Người xa người bỏ lại mảnh tình quê
Đời luân lạc đêm ba mươi nâng chén
Ta chúc ta sao lòng bỗng não nề!
 
Đêm đất khách giao thừa trời tuyết lệ!
Nhớ nắng xưa hồng thắm Tết quê nhà
Cố nhân ơi! Đón xuân nơi xứ lạ
Người phương nào? Lệ tuyết trắng thiết thê!
 
Dòng đời đó biết khi nao quay lại?
Cố hương ơi! Chờ ta nhé... ngày về!
 
                                   Nguyên Lạc
 

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

ĐÊM CUỐI NĂM TUYẾT ĐỔ THẤY GÌ? – Thơ Nguyên Lạc


   

 
ĐÊM CUỐI NĂM TUYẾT ĐỔ
THẤY GÌ?
 
Bâng khuâng cô lữ niềm cố xứ
Đêm nay bông tuyết trắng một màu
Màu trắng tang thương màu lệ tuyết
Tuyết lệ rơi rơi khóc bạc đầu
Cuối năm tuyết chạm miền ký ức
Ly khách thấy gì mà nhói đau?
 
*
Đêm tuyết đổ thấy đời cô lữ
Một nỗi sầu rất đỗi mênh mông
Thấy một thời oan nghiệt xa xăm
Cùng nỗi lạnh xuyên vào ngăn nhớ!
 
Đêm tuyết đổ thấy bao tan vỡ
Ẩn mình trong tiềm thức khói sương
Thấy lụi tàn lứa tuổi thanh xuân
Thấy ly biệt khốn cùng dâu bể!
 
Đêm tuyết đổ thấy dòng lệ khổ
Tiễn người anh cơ khổ ngục tù
Rồi khói mây... vượt trại hận thù
40 năm vợ con ngóng đợi!
40 năm con thơ vẫn đợi
Vẫn đợi chờ... chờ đợi không thôi
Người vọng phu đêm ra nằm nghĩa địa
Ôm bóng trăng... điên. Thê thảm một đời!
 
Đêm tuyết đổ thấy gì tôi hỡi?
Thấy. con đường khập khiễng cha đi
Mặt thống trầm trên đôi nạng sầu bi
Vào tử ngục...
Rồi mạng vong vì niềm tin tôn giáo!
 
Đêm tuyết đổ thấy tôi trở về vùng quê ảo não
Tiếng kêu chiều chim vịt bên nương
Hoài niệm phố xưa... đưa đón con đường
Nhớ tình khúc "Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt" [*]
 
Đêm tuyết đổ thấy. trước ngày vượt thoát
Căn chòi hoang đêm thân xác ân cần
- Ôm em đi anh ơi!
ngoài trời mưa lạnh lắm!
- Siết chắc em thêm anh ơi!
Cho bùng vỡ tình này
- Yêu em thêm anh ơi!
Ta tan nhau lần cuối
Mai sẽ rồi "xa cách nghìn trùng"!
Đêm nay cho nhau, cho cả não nùng
Rồi vĩnh biệt mai này ta sẽ...!
 
Đêm tuyết đổ thấy muôn trùng sóng dữ
Thấy sự thét gầm khủng khiếp của trùng dương
Thấy sự nhỏ bé cùng nỗi vô vọng của con người trước sóng cả nộ cuồng
Thấy đói khát. chết chóc. đau thương
thấy những dòng lệ ứa
Mẹ ngất con
Chồng khóc vợ
Thấy uất hận lũ hải tặc hung tàn
Bao trinh nguyên đời đã nát tan!
Gây chi cảnh đoạn trường sinh ly tử biệt?
 
Đêm tuyết đổ. tiếng thời gian thê thiết
Tích tắc. tích tắc. điệp khúc buồn như lời kinh tụng!
Nhớ quê hương. nhớ dòng sông. nhớ tiếng chiều đồng vọng
Nhớ bóng hình tóc rũ bên bến vời trông!
 
Đêm tuyết đổ. có một người đối bóng
Nến lụn. tim tàn. nỗi nhớ mênh mang!
Thấy một thời cùng bao nỗi tang thương
Đêm tuyết đổ cuối năm! Người ơi có biết?
 
*
Đâu đó tri âm người có biết?
Có kẻ đông nay hận bạc đầu
Khóc tuổi thanh xuân đời phi lý
Cuối năm thất chí độc ẩm sầu!
 
Còn đâu! còn gì đâu?
Ly khách sầu tha hương
Một thế hệ nhiễu nhương
Ôi nghiệt oan lịch sử!
 
                      Nguyên Lạc
 
[*] Lời nhạc Trả Lại Em Yêu - Phạm Duy
 

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

HẠT MƯA THƠM, THÁNG MƯỜI HAI – Thơ Nguyên Lạc


   

 
HẠT MƯA THƠM
 
1.
Còn nhớ không em cơn mưa ngày nào?
Góc phố ướt mưa nép chặt bên nhau
Những hạt mưa thu lăn tròn trên má
Hạt ướt môi trầm thơm ngát nôn nao
 
Ta lỡ uống mưa nồng nàn môi đó
Nên phải một đời nhớ nhớ thương thương
Lỡ uống hạt mưa ngọt ngào con gái
Nên suốt một đời vương vấn vấn vương!
 
2.
Hạt lạnh mưa ngoài không là hạt nhớ!
Hạt lạnh phố người đâu phải hạt thương!
Mơ mưa thu rơi phố đêm ngày đó
Hạt lăn môi người ta uống mùi hương
 
Có phải không em môi tình mưa đó
Không phải là mơ có phải vậy không?
Không phải ảo mong nụ hôn góc phố
Ta uống men tình ngây ngất trăm năm
 
3.
Không hạt mưa nào có thật sao em?
Mưa mơ môi tình ngọt mật ngày nào
Đâu góc phố đêm thân run bối rối?
Đâu lạnh mưa đời môi ấm tình nhau?
 
Ôi hạt mưa xanh môi hương quyến luyến
Hạt thơm môi người hạt nhớ thiên thu!
 

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

MƯỜI BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA NGUYÊN LẠC


   
                             Nhà thơ Nguyên Lạc

 
1. ĐÊM CHIA PHÔI
 
Ngấn lệ từ li mặn đắng môi
Cho nhau cho hết lúc chia phôi
Hành trang cuộc lữ đêm tình giữ
Mai phố nghìn xa chút hương người

 
2. ĐÊM CUỐI NĂM
 
Chong khuya lệ nến tiếng đêm trôi
Sầu khúc Hương xưa dáng ai ngời?
Đón Tết nơi nầy đêm trắng quá!
Rơi chi bông tuyết buốt tim người?!

 
3. TRẦM TƯ ĐÊM BÊN SÔNG
 
Tóc rồi sương điểm theo năm tháng
Sắc cũng tàn phai theo tuổi đời
Ai xui trăng rụng trên dòng lắng
Một kiếp người thôi thế nhân ơi!
 
 
4. PHONG VŨ
 
Phong là gió nhưng chắc đâu là gió?
Vũ là mưa nhưng có phải mưa đâu?
Khanh ơi gác trọ dâng hương sắc
Phong vũ nghìn năm cố lý sầu!
 
 
5. ĐÊM MƯA THU
 
Giọt mưa nào lăn tròn trên lá nhớ?
Tí tách nào nhắc nhở thuở yêu em?
Trong ký ức tận cùng đêm mưa đó
Trăm năm dù dâu bể cũng không quên!
 
 
6. CĂN BỆNH TÌNH YÊU
 
Tình yêu căn bệnh lạ lùng
Ai mà nhiễm phải không khùng cũng điên
Điên thì ta hãy cứ điên!
Yêu thì ta cứ! Có phiền em không?
 
 
7. TỘI CHO QUA
 
Gió lay rụng trái mù u
Giận ai bậu nói đi tu cho rồi?
Tội cho qua lắm bậu ơi!
Bậu đi tu chắc sự đời qua xong!
 
 
8. ÁO HỞ DẬY THÌ
 
Mơ màng em giấc chiêm bao
Gió lay áo hở hoa đào phương phi
Anh nghe tiếng gọi tình si
Mãn khai hiển lộ dậy thì... điếng anh!
 
 
9. MÙI HƯƠNG ĐÊM NÀO
 
Cánh đồng trăng khuyết thầm thì
Ôm em thân quế nhu mì mến thương
Bể dâu một thuở đoạn trường
Thiên thu vẫn mãi mùi hương đêm nào!
 
 
10. GIÓ CHIỀU
 
Chiều nào gió nhẹ bên nương
Thổi em hở áo ngực hường chín cây
Có người không rượu mà say
Trăm năm vẫn nhớ ửng hây chiều chiều
 
                                           Nguyên Lạc

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

QUẺ DỊCH: CÁCH LẬP & GIẢI ĐOÁN - Nguyên Lạc giới thiệu sách



 
[TRÍCH ĐOẠN TỪ SÁCH]
 
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Phần thứ nhất:
 
NHẬP MÔN KINH DỊCH/ ĐẠI CƯƠNG VỀ QUẺ DỊCH
 
I. Kinh Dịch
II. Thuật ngữ cần nhớ
III. Ý nghĩa các hào
IV. Quy tắc cần nhớ
 
Phần thứ hai: BÓI QUẺ DỊCH
 
I. Nghi thức bói và luật cảm ứng
II. Các phương pháp lập quẻ Dịch
III. Giải đoán quẻ
 
Phần thứ ba: PHỤ CHÚ
 
I. Phương pháp lập quẻ bằng thẻ tre
II. Bấm độn
 
Phần thứ tư: ÔN TẬP
 
I. Nước Việt của Câu Tiễn
II. Lập quẻ Dịch
III. Giải quẻ
IV. Chuyển đổi quẻ
 
LỜI KẾT
 
Lời nói đầu:
 
Bói Dịch không phải là mê tín, nó là khoa học. Có thể gọi là khoa học huyền bí. Vì vậy, Tiến sĩ Phân tâm học C.G. Jung (ông cùng với S. Freud là một trong những thủy tổ của khoa Phân Tâm Học, nghiên cứu về tiềm thức của loài người) năm 1949 đã dùng bói Dịch để biết việc quảng bá và giới thiệu Dịch (I Ching) từ tiếng Đức sang tiếng Anh có được thuận lợi hay không?. Bói được rất tốt, ông tiến hành và Dịch đã trở thành kinh điển cho các học giả và các trường đại học Tây Phương học hỏi.
 
Có 2 lý do để tôi viết tiểu luận này:
 
1/ Chúng ta chỉ sợ những gì mình không hiểu: Thí dụ như sợ Ma, vì chúng ta không biết rõ Ma là gì?. Nếu biết thì sẽ không sợ. Cũng vậy, chúng ta sợ chết, vì không biết chết ra sao, sau khi chết như thế nào?. Nếu chúng ta biết rõ thì chắc chúng ta cũng sẽ không sợ. Đó là lý do Phật giáo khuyên chúng ta nên tìm hiểu về sự chết (Tử)
Tôi viết tiểu luận này mong độc giả tìm hiểu rõ về Bói Dịch, không sợ nó nữa, để các ông thầy Bói toán, Phong thủy (giả), vì tư lợi, không còn “hù” ta được nữa. Bói Dịch mà vì tư lợi sẽ không bao giờ linh ứng.
 
2/ Kinh Dịch là 1 trong 5 Kinh chính của triết lý Đông Phương. Các nhà trí thức (Nho gia) xưa phải lào thông nó mới có thể đi thi. Điều đó chứng tỏ nó rất quan trọng. Bói Dịch rất khó hiểu đối với các người trẻ, người mới bắt đầu. Ngay cả sách được cho là kinh điển của cụ Ngô Tất Tố, phần giải thích về bói cũng rất khó hiểu. Tôi mong làm nó đơn giản hơn, dễ hiểu hơn để giúp các bạn trẻ, ai muốn tìm hiểu sẽ dễ dàng hơn, hầu mong giữ gìn những quý giá của ông cha không bị mai một!
 
Lại nữa, ý của Dịch cho rằng: con người tự mình vẫn có thể sửa đổi được số mạng của mình một phần nào; thế thì tại sao chúng ta không tự tìm hiểu, tự bói quẻ tìm phương thức đối ứng, mà phải nhờ người khác làm thay cho mình? Biết chắc họ thật sự là bậc thức giả không? Ở đời, biết đâu hư biết đâu thực, biết đâu chân biết đâu giả.
 

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

THƠ, HOA & NGƯỜI (3) - Nguyên Lạc


Hoa dã quỳ
 
(Có một số đoạn ở 2 bài trước được lập lại ở đây cho các bạn chưa đọc qua được hiểu)
 
HOA
 
Khi vui hay khi buồn, hoa luôn luôn là bạn trung thành của ta. Ta ăn uống, ta ca vũ, ta ve vãn đùa cợt với hoa. Ta kết hôn, làm lễ rửa tội với hoa. Ta không dám chết mà không có hoa. Ta thờ phượng với Bách hợp, ta mặc tưởng với Sen, ta bày trận với Hồng với Cúc. Ta lại còn muốn nói bằng ngôn ngữ của hoa. Không có hoa, làm sao ta có thể sống được?  
                                               (Trà Đạo / Chado - Okakura Kakuzo)
 

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

VỀ BÀI "NGÀY BÉ ĐỌC CA DAO" CỦA TÚ ĐIẾC - Nguyên Lạc


Nhà thơ Nguyên Lạc

 
HAI NHẬN XÉT
 
Tình cờ tôi đọc được bài viết "Ngày bé đọc ca dao" của Tú Điếc Trần Đức Phổ đăng trên các trang mạng, đặc biệt đoạn này làm tôi chú ý:
 
[Trích đoạn]

Có hai bài ca dao dài hơn bốn câu tôi thuộc lòng từ bé. Một là bài Trâu Ơi. Còn bài thứ hai ngày nay thấy trên mạng người ta đặt cho cái nhan đề: Lấy Chồng Sớm:
 
Lấy chồng từ thuở mười lăm,
Chồng chê tôi bé không nằm cùng tôi.
Đến khi mười tám đôi mươi,
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường.
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn chân giường gãy một còn ba.
Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.
...
 
Khi đã có vợ rồi, một hôm ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ tôi chợt nhớ đến bài ca dao trên, đọc lẩm nhẩm cho vui, tôi mới chợt phát hiện một điều quan trọng thú vị.
 
Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.
 
A, thì ra chị này cũng đáo để thật! Mới mười lăm mười bảy tuổi đầu anh chồng không ngó ngàng gì đến đã phật lòng về nhà méc với cha mẹ rồi! Thế thì mười chín đôi mươi được chồng thương không gãy chân giường mới lạ! Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh nhưng giọng điệu của chị không hề trách cứ giận hờn mà còn sung sướng khoái trá khi được “giao hòa” nữa nghen. Ai dám bảo phụ nữ ngày xưa là thiếu lửa trong chuyện vợ chồng?
 
Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!
 
Tôi đọc bài ca dao trên nhiều lần, mỗi lần lại chỉ hiểu tí chút. Quả thật người xưa làm ca dao rất tuyệt vời. Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp “Show do not tell” nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này. Bài Lấy Chồng Sớm là một điển hình. Toàn bài không nói đến mây mưa, ân ái, nụ hôn cháy bỏng, vòng tay siết chặt… không cần từ ngữ tục tĩu gì ráo, nhưng đọc xong ai cũng hiểu được chuyện gối chăn của cặp vợ chồng này nồng nàn, lên đỉnh như thế nào! Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.” Thật ra làm thơ không quan trọng ở chỗ dùng thủ pháp nào, miễn sao nó chuyên chở được ý nghĩa và cảm xúc đến với người đọc là ok. Thuyền nan hay ca-nô đều độ được người qua sông, cốt yếu chúng không chết máy hoặc gãy chèo giữa dòng.
                                                                                             Tú Điếc
[Hết trích]

.............
 
Nguồn bài viết:
 https://nghiathuc.com/2022/09/09/ngay-be-doc-ca-dao-tranducpho/