BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn PHAN CHÍNH. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PHAN CHÍNH. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

ĐẬP ĐÁ DỰNG Ở THỊ XÃ LAGI, TỈNH BÌNH THUẬN VỚI VƯỜN HOA ANH ĐÀO - Phan Chính

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phan Chính, trích trong tập sưu khảo “Lagi Đất Xưa – Diện Hải Bối Lâm” (nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017)



ĐẬP ĐÁ DỰNG Ở THỊ XÃ LAGI, TỈNH BÌNH THUẬN VỚI VƯỜN HOA ANH ĐÀO

Thị xã La Gi có thế mạnh về phát triển du lịch. Hiện có 4 cơ sở Dinh Thầy Thím, di  tích lịch sử Dốc Ông Bằng, Hòn Bà và Đình-vạn Phước Lộc, đã được Bộ Văn hoá Thông tin- Du lịch và UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là di tích lịch sử văn hoá, thắng tích và một số dinh vạn, đình chùa sẽ hình thành một tuyến du lịch tâm linh. Với La Gi, lễ hội dinh Thầy Thím đã tạo tiền đề cho phát triển du lịch từ hơn 30 năm qua. Về lâu dài, ngành du lịch phải xây dựng đồng bộ, đa dạng trong xu hướng phục vụ. Du khách đến La Gi không những để tắm biển, nghỉ dưỡng mà còn có nhu cầu tiếp cận với du lịch tâm linh, ẩm thực và các công trình, thắng tích tiêu biểu.

Có thể coi Đập Đá Dựng khá đặc trưng của một công trình xây dựng hài hoà với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, vắt mình qua dòng sông Dinh và nằm ngay trung tâm thị xã. Dưới chân đập là một bảo tàng đá, muôn hình muôn vẻ, tạo ra những bóng sương hư ảo từ thác nước biến đổi từng mùa.

Dưới thời VNCH khi vừa thành lập tỉnh Bình Tuy, đập Đá Dựng được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 1957, nay đã 60 năm. Địa hình hội tụ của đá với dáng đứng sừng sững lạ lùng như tên gọi. Đập dài 80m, chân dày 30m và cao 8m trên mặt nhằm tưới tiêu cho khoảng 500 ha ruộng, là nguồn nước sinh hoạt vừa định hình một điểm du lịch, tham quan hấp dẫn. Chỉ bằng những phương tiện thô sơ, sức người mà cảnh quan được cải tạo từ những gộp đá tự nhiên, cây rừng ven hai bờ đập đều có dàn bông giấy đỏ. Theo tư liệu 1957, trị giá công trình lúc đó trên 2 triệu đồng nhưng chỉ tốn ngân sách 100.000đ, còn lại là nguồn huy động từ cơ quan Viện trợ, tôn giáo, tổ chức xã hội. Thời gian xây dựng phần đập chỉ mất 4 tháng, trước khi mùa mưa đến. Mấy năm sau do lũ gây xói lở phía tả ngạn đầu đập nên xây dựng thêm khoảng 20 mét với nhiều ngăn xả nước, vách ngăn bằng những thanh vuông gỗ loại tốt, có thể rút lên, ghép lại theo rãnh vách ngăn đúc bê tông, tuỳ theo mực nước nguồn chảy xuống. Cũng từ cơn lũ đó mà tạo nên phần đá nổi tựa như một cù lao giữa hai dòng thác nước.

                                   Hoa anh đào ở thị xã La Gi

Phía hữu ngạn sông Dinh có một vườn hoa rợp bóng trên diện tích rộng khoảng 4 ha với những bồn hoa trang trí đan xen phượng đỏ và cây cảnh. Đặc biệt loài hoa đào này khác với loài mai anh đào ở Đà Lạt hay hoa anh đào Nhật Bản có thân cây nhiều nhánh và chỉ thích hợp ở xứ lạnh. Nhưng ở đây, thân cây suôn, xốp và lá mềm mại, những đoá hoa đóng chuỗi dài trên thân cây có màu hồng phấn và mùi hương ngào ngạt. Hoa nở mùa nào cũng có và rộ lên khi tiết trời vào xuân. Người dân địa phương gọi đó là hoa anh đào vì giống hệt hoa anh đào Nhật Bản.


       

Bậc thang từ mặt đập xuống bãi đá lô nhô có đắp tượng kỳ lân, cầu vọng nguyệt và tượng rồng “long ngư vượt vũ môn” dài chục mét, theo truyền thuyết ở thượng nguồn sông Trường Giang (TQ) có một thác nước, cá tập trung nhiều nếu con nào vượt lên thác sẽ hoá thân thành rồng (vũ môn). Trước đây có một nhà thuỷ tạ (toạ) mô phổng kiểu dáng chùa một cột ở Hà Nội đứng trong lòng hồ với hai tầng mái đúc ngói âm dương, hành lang trang trí hoa văn. Chỉ là chỗ nghỉ chân ngắm cảnh nhưng vẫn quen gọi đó là chùa nối với đập bằng một chiếc cầu phao. Nhà thuỷ tạ này bị lũ quét nhận chìm sau đó vài năm, nhưng với hình ảnh cũ ai cũng nhận ra Đập Đá Dựng ngày xưa. Với công trình kiên cố nằm giữa cảnh quan sông nước tĩnh lặng, vườn hoa anh đào rực rỡ đã trở thành khu pic-nic, cắm trại trong những ngày nghỉ cuối tuần và khách xa đến đều phải một lần ghi dấu vài bức ảnh bên chân thác nước trắng xoá và màu hoa đào kỳ diệu khó tìm thấy ở nơi nào.

                                                                                       Phan Chính

*

Mời xem thêm video clip “Buổi chiều dạo quanh Đập Đá Dựng” do bạn Lagitoday gửi trong phần ghi cảm nhận

            

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

ÂM VÀ NGỮ NGHĨA ĐỊA DANH LA GI - Phan Chính

La Thụy chân thành cám ơn ông Phan Chính, nguyên chủ tịch Chi Hội VHNT thị xã La Gi tặng tập sưu khảo LA GI ĐẤT XƯA DIỆN HẢI BỐI LÂM. Mạn phép được trích đăng bài viết thứ hai trong tập sưu khảo này.

            


            ÂM VÀ NGỮ NGHĨA ĐỊA DANH LA GI

            Địa danh La Gi xuất phát từ phần đất gồm các làng nằm ở cửa sông La Di (còn gọi là sông Dinh). Qua sách xưa, trong châu bản “Doanh điền biểu văn” của Nguyễn Thông năm 1877 và Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán Nhà Nguyễn soạn xong năm 1882 đã từng đề cập đến địa danh La Di gắn liền với vị trí địa lý tự nhiên ngày nay. Như vậy địa danh La Di từ khá lâu đã có trước làng Hàm Tân và sau đó là huyện Hàm Tân được thành lập vào năm 1916.Tuy nhiên, dưới thời Pháp thuộc bản đồ tỉnh Bình Thuận trong “Annuaire général de L’Indochine 1910” và các văn bản hành chánh của Tòa công sứ Bình Thuận đều viết “Ladi” thành “Lagi” tồn tại đến bây giờ.

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

VIDEO CLIP NGÂM THƠ "LỜI XIN LỖI" - Phan Chính, La Thuỵ

   
                           

Nhà thơ, nhà báo Phan Chính sinh năm 1943,  tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Trước năm 1975, ông với bút hiệu Đông Thuỳ đã xuất hiện trên các báo: Điện Tín, Sóng Thần, Độc Lập, Tin Sáng, Đại Dân Tộc... và các tập san văn học: Khởi Hành, Thời Nay, Tuổi Ngọc… Từ sau năm 1975 đến bây giờ  thơ, truyện ngắn của Phan Chính xuất hiện đều đặn trên các báo ở địa phương và Trung ương… Đến năm 2008, Phan Chính đã xuất bản 04 tập thơ: Trái độc, Giọt sương, Giữa truông đời, Biển trắng như lòng ta thức đợi ; Hàm Tân chuyện thuở  đầu (bút ký- năm 1988), Huyền thoại xứ biển (biên khảo- năm 2007). Ngoài ra, ông còn tham gia viết lịch sử truyền thống huyện Hàm Tân và thị xã La Gi (Bình Thuận). 
Xin giới thiệu bài thơ LỜI XIN LỖI của ông qua giọng ngâm thơ La Thuỵ

                  



                     LỜI XIN LỖI


                     Đêm  nay ta uống ly chào bạn

                     Rồi một rồi mai chắc gì hơn

                     Dẫu vuốt mắt nhau mà chẳng hẹn

                     Xoay vòng cho giáp cõi càn khôn


                     Trớ trêu cái số đời đen bạc

                     Mấy nẻo ưu phiền lại gặp ta

                     Mới hay khuya lắng hoen màu rượu

                     Để quặn thắt lòng chợt xót xa


                     Cạn ly thấy tiếc thời thơ dại

                     Năm tháng qua đi thật vô tình

                     Chút rưng rưng nghẹn ngào đôi mắt

                     Thôi đành nốc cạn cả mông mênh


                     Đất trời dung nạp ta từ đó

                     Thêm nắng mưa buồn thương nhớ ai

                     Nâng ly tìm lại hình nhân cũ

                     Tạ lỗi cùng ta chưa kịp say


                                                     Phan Chính