BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Chiêu Đức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Chiêu Đức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

CHỮ NHO... DỄ HỌC (1) – Đỗ Chiêu Đức


                             
LỜI NÓI ĐẦU
         
"CHỮ NHO... DỄ HỌC". Trước tiên, đây là những hồi ức của một thời giảng dạy chữ Nho trên lớp, được viết lại để gợi nhớ cho một thuở vàng son đã đi qua, và cũng để tự ôn tập lại những kiến thức đã lâu ngày bị bỏ xó vùi chôn trong đống tro tàn của dĩ vãng. Vì thế, "CHỮ NHO... DỄ HỌC" là những bài viết trao đổi trên mạng qua hình thức email với các bạn bè, thân hữu, cựu học sinh, sinh viên ... ở hải ngoại trên khắp thế giới với mục đích vừa tiêu khiển, vừa gợi nhớ, vừa nhắc nhở lại những gì của quê hương Tổ Quốc đã qua để làm ấm lại chút lòng của những kẻ tha phương cầu thực đang sống tạm dung nơi xứ lạ quê người.
         
Vì là những bài viết trao đổi nhau để cùng học tập, nên "CHỮ NHO... DỄ HỌC" không phải là những bài học nghiêm chỉnh như sách giáo khoa chính thống. Đây chỉ là những bài giảng mang tính chất phiếm luận, tùy hứng và tự nhiên như là những lời đang giảng trên lớp của một giảng viên thỉnh giảng không một chút chính quy nào cả!
        
Cho nên, " CHỮ NHO... DỄ HỌC " được viết với những thói quen như sau:
   - Sử dụng từ ngữ tự nhiên của người dân đồng bằng Nam Bộ theo tập quán của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sử dụng nhiều từ " Thì, Là, Mà..." như đang nói chuyện.
   - Giảng lan man tùy hứng như một bài phiếm luận không theo một trình tự nào nhất định cả. Vừa cổ vừa kim, khi Đông khi Tây, lúc văn ngôn lúc thì bạch thoại....
   - Đôi khi lặp tới lặp lui nhiều lần một điển tích, một giai thoại văn học, một từ ngữ đặc biệt... để người đọc dễ nhớ và khỏi phải tra cứu lại tài liệu hay mất công tìm lại ở những bài viết trước.
   - Không có phần bài tập cho mỗi cuối bài, mà thay vào đó là phần Câu Đố Chữ lý thú cho mỗi cuối bài học.
       
"CHỮ NHO... DỄ HỌC" được soạn là do sự cổ vũ khuyến khích của các thân hữu gần xa với chút lòng của kẻ tha hương dị quốc ước mong được góp một chút gì đó để duy trì văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau.
   
Học hải vô nhai, biển học mênh mông, dù cho có cẩn trọng như thế nào cũng không thể tránh khỏi có điều sai sót. Kính mong các bậc cao minh niệm tình hạ cố chỉ giáo cho.       
Rất lấy làm hân hạnh ! 
                                                                                        杜紹德
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức 
*             
CHỮ NHO ... DỄ HỌC 
                                      
Bài 1:
          
Như ta đã biết, chữ NHO tức là chữ Hán cổ, công cụ dùng để truyền bá đạo Nho của đức Khổng Phu Tử mà thành tên. “Chữ Nho … Dễ Học” là cách nói khuyến khích cho người học bớt thấy khó khi học chữ Nho mà thôi.            
Chữ Nho được hình thành bởi Lục Thư là : Tượng Hình, Chỉ Sự, Hội Ý, Hài Thanh, Chuyển Chú và Giả Tá. Bây giờ thì ta bắt đầu ...Vỡ Lòng bằng chữ Tượng Hình nhé!

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

CHỮ NHO... DỄ HỌC (12) – Đỗ Chiêu Đức


Thầy đồ Đỗ Chiêu Đức

Trong các bài viết của tôi hay nhắc đến "Chữ Nho...Dễ Học". Mời bạn xem bài số (12) có bộ ĐÃI trong đó. Nếu thấy thích, tôi sẽ gởi cho toàn bộ gồm 38 bài "Chữ Nho... Dễ Học".                                                                                                                       Thân mến 
                        
CHỮ NHO ... DỄ HỌC  (12)
                               
Các Bộ 4 Nét
               
                         
                   
 
        
Như lần trước, trước khi đề cặp đến bài viết mới, ta giải đáp câu đố của bài  viết trước .
            
Thượng nhi bất thượng,      上而不上,           
Hạ nhi bất hạ.                     下而不下。          
Thả nghi tại hạ,                   且宜在下,            
Bất khả tại thượng.             不可在上。
 
Giải Đố:         
- Trên mà không trên, Chữ THƯỢNG mà không có phần trên thì chỉ còn lại chữ NHẤT .       
- Dưới mà không dưới. Chữ HẠ mà không có phần dưới thì cũng chỉ còn lại co chữ NHẤT .        
- Nhưng nên ở dưới, Trong chữ THẢ và chữ NGHI thì chữ NHẤT nằm ở phía dưới. Còn...         
- Không thể ở trên. Trong chữ BẤT và chữ KHẢ thì chữ NHẤT nằm ở phía trên cùng.       
Bốn câu đều xoay quanh chữ NHẤT , nên đáp án là chữ NHẤT. Nghĩa của 2 chữ THẢ NGHI là Nhưng Nên, và nghĩa của 2 chữ BẤT KHẢ là Không Thể, chỉ để đánh lạc hướng suy đoán mà thôi!        
1. BỘ TỈ :
    TỈ  : là SO SÁNH. Đây là chữ dùng Tượng Hình để Chỉ Sự theo diễn tiến như sau:

                 
       Giáp Cốt Văn  甲骨文                            Kim Văn 金文 

                 
             Đại Triện 大篆                                 Tiểu Triện  小篆

                                          Lệ Thư 繁体隶
Ta thấy:   
Hình vẽ 2 người song song như đang so sánh nhau xem ai cao, ai thấp, ai béo, ai gầy vậy. Nên TỈ là So Sánh, là Ngang Bằng, là Hơn Thua. Từ kép của SO SÁNH là TỈ GIẢO 比較, ngoài ra ta còn gặp các từ bằng chữ TỈ sau đây: 
    
TỈ THÍ 比試 : là Thi đua xem ai giỏi hơn ai.   
TỈ VĂN TỈ VÕ 比文比武 : So tài Văn Võ với nhau xem ai giỏi.     
TỈ DỤ : là Đem cái gần giống để so sánh cho người ta hiểu.     
TỈ NHƯ 比如 : là Giống như là...     
TỈ LÂN 比鄰 : là Nhà hàng xóm sát vách. Trong bài 送杜少府之任蜀川 Tống Đỗ Thiếu Phủ chi nhâm Thục Xuyên, người đứng đầu Tứ Kiệt đời Sơ Đường là Vương Bột đã viết :
                  
內存知己,      Hải nội tồn tri kỷ,                    
天崖若比鄰.      Thiên nhai nhược TỈ LÂN.
 
Có nghĩa:     
Trong bốn bể còn có người tri kỷ với nhau, thì dù cho ...    
Xa cách tận chân trời, cũng giống như là đang ở sát vách với nhau vậy!

Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG: BA BÀI THƠ “MẪN NÔNG” CỦA LÝ THÂN – Đỗ Chiêu Đức



Theo “Vân Khê Hữu Nghị 云溪友議Cựu Đường Thư 舊唐書 ghi chép lại: Khoảng năm Trinh Nguyên đời vua Đường Đức Tông (799), chàng thư sinh LÝ THÂN 李紳 lai kinh ứng thí đã làm hai bài thơ MẪN NÔNG 憫農 (Thương xót cho nhà nông) dâng lên cho Tập Hiền Điện Hiệu Thư Lang LỮ ÔN 呂温 để cầu tiến thân, rất được Lữ xem trọng. Hai bài thơ đó như sau: 
               
其一                    Kỳ Nhất           
春種一粒粟,     Xuân chủng nhất lạp túc,          
秋收萬顆子。     Thu thâu vạn khỏa tử.           
四海無閒田,     Tứ hải vô nhàn điền,           
農夫猶餓死。     Nông phu do ngạ tử!
  
Có nghĩa:
                 
Mùa xuân một hạt gieo trồng,                 
Đến thu thu hoạch muôn lần nhiều hơn.                 
Khắp nơi chẳng có ruộng hoang,                 
Nông dân đói chết vẫn còn khắp nơi!

Bài thơ Mẫn Nông (kỳ nhất)
               

其二                    Kỳ Nhị           
鋤禾日當午,     Sừ hòa nhật đang ngọ,           
汗滴禾下土。     Hạn trích hòa hạ thổ.            
誰知盤中餐,     Thùy tri bàn trung xan,            
粒粒皆辛苦。     Lạp lạp giai tân khổ!
   
Có nghĩa:
                 
Cuốc cày giữa ngọ ban trưa,                 
Mồ hôi đổ xuống như mưa lúa trồng.                 
Ai người biết cơm trong mâm,                 
Từng hạt từng hạt muôn phần đắng cay!
     
Có học giả cho rằng bài ca dao sau đây của ta là bản phỏng dịch tuyệt vời của bài thơ MẪN NÔNG Kỳ Nhị nêu trên:
                
Cày đồng đang buổi ban trưa,            
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.                   
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,            
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!

Lý Thân và bài thơ Mẫn Nông (kỳ nhị)
     
Qua hai bài thơ MẪN NÔNG nêu trên, ta thấy LÝ THÂN quả là một chàng trai có bầu nhiệt huyết, có hoài bão lo cho dân cho nước. Thấy được sự bất công của xã hội và cảm thông với đời sống khốn khó của nông dân, những người làm ra hạt lúa để nuôi sống nhân dân lại là những người bị chết đói nhiều nhất; Cho nên, phải biết trân trọng từng hạt thóc hạt gạo do nông dân cực khổ lắm, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được, như hai câu ca dao đã nhắn nhủ:
                     
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,            
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần!!!
 

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG: SƠ ĐƯỜNG TỨ KIỆT (1) – Đỗ Chiêu Đức


Người đứng đầu Tứ Kiệt: Vương Bột
        
SƠ ĐƯỜNG TỨ KIỆT 初唐四傑 là "VƯƠNG DƯƠNG LƯ LẠC 王楊盧駱", đó chính là VƯƠNG BỘT 王勃, DƯƠNG QUÝNH 楊炯, LƯ CHIẾU LÂN 盧照鄰 và LẠC TÂN VƯƠNG 駱賓王. Họ đều là những văn thi sĩ sống dưới thời Đường Cao Tông và Võ Hậu, họ đã bứt phá ra khỏi Cung Thể Thi của thời Lục Triều, mặc dù lúc đó có rất nhiều người chỉ trích bài bác cười chê, nhưng họ đã thành công trong việc phát triển và hoàn chỉnh thể Ngũ ngôn Luật thi trong buổi sơ Đường. Thi Thánh ĐỖ PHỦ của buổi thịnh Đường đã có thơ về họ như sau:
                   
王楊盧駱當時體, Vương Dương Lư Lạc đương thời thể,   
輕薄為文哂未休。 Khinh bạc vi văn sẩn vị hưu.                   
爾曹身與名俱滅, Nhĩ tào thân dữ danh câu diệt,                   
不廢江河萬古流。 Bất phế giang hà vạn cổ lưu!    

Có nghĩa:
                    
VƯƠNG, DƯƠNG, LƯ, LẠC, xướng thơ,                   
Những phường khinh bạc mù mờ chê bay.                    
Lũ ngươi chết chẳng còn ai...                    
Thơ kia như nước chảy hoài muôn năm!
      
Quả nhiên, thơ văn của TỨ KIỆT như "giang hà vạn cổ lưu" chảy mãi cho đến ngày nay. Nào, ta hãy bắt đầu bằng người đứng đầu của Tứ Kiệt là VƯƠNG BỘT nhé! 
   

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

TRI KỶ, TRI ÂM – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


      
TRI là Biết, Kỷ là Mình; nên TRI KỶ 知己 là người hiểu biết về mình, không phải chỉ hiểu biết hời hợt bên ngoài, mà hiểu biết một cách sâu sắc tận tâm can và suy nghĩ của mình, thì mới gọi là TRI KỶ được. Như khi nghe Thúy Kiều nói lên cái ý định xưng bá đồ vương của mình, thì Từ Hải tỏ ra rất hài lòng:
                         
Nghe lời vừa ý gật đầu,              
Cười rằng: TRI KỶ trước sau mấy người!                        
Khen cho con mắt tinh đời,                  
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!

 
                         
Đôi bạn TRI KỶ đầu tiên hiểu rõ nhau nhất là Quản Trọng 管仲 và Bào Thúc Nha 鮑叔牙 thời Chiến Quốc, theo Sử Ký ghi lại như sau:  
 

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

THƠ ĐƯỜNG SÁU CHỮ - Biên khảo của Đỗ Chiêu Đức


          
LỤC NGÔN THI, thơ 6 chữ, cũng là một thể loại thi ca từ thời cổ đại của Trung Hoa. Mỗi câu thơ đều có 6 chữ, toàn bài thường là 4 câu trở lên, tuy không được lưu hành rộng rãi như thơ Ngũ ngôn (5 chữ) và thất ngôn (7 chữ), nhưng cũng là một thể thơ "Lục Ngôn" có nét độc đáo riêng, như bài "Điền Viên Lạc 田園樂" của Thi Phật Vương Duy đời Đường sau đây:
                
桃紅複含宿雨,   Đào hồng phục hàm túc vũ,               
柳綠更帶朝烟。   Liễu lục cánh đái triêu yên.               
花落家僮未掃,   Hoa lạc gia đồng vị tảo,                
鳥啼山客猶眠。   Điểu đề sơn khách do miên!
  
Có nghĩa:
                   
Hoa đào hồng vì mưa tối,                   
Sương sớm đưa cành liễu bay.                  
Hoa rụng gia đồng chưa quét,                   
Chim ca khách núi còn say

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2023

TIẾT TRÙNG CỬU - Phiếm Luận của Đỗ Chiêu Đức


                                                       Lễ ÔNG BÀ ngày xưa
        
Sau Tết Trung Thu là Tết Trùng Cửu, chữ Tết do chữ Tiết đọc trại ra mà thành. TIẾT là Thời Tiết 時節 chỉ Khí hậu có liên quan đến mùa màng. TIẾT cũng có nghĩa là ngày Lễ Tết trong năm. Một năm có mấy cái Tết lớn. Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất mở đầu cho một năm nằm trong tháng Giêng, Thanh Minh là Tết nằm trong tháng 3, Đoan Ngọ là Tết của tháng 5, Tháng 8 thì có Tết Trung Thu và Tháng 9 thì ta có Tết Trùng Cửu.

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

NHẬN XÉT VÀ GÓP Ý CÁC BÀI VIẾT VỀ "ĐỒ LONG NỮ TỬ" CỦA CHU VƯƠNG MIỆN – Đỗ Chiêu Đức


Thầy đồ Đỗ Chiêu Đức

Khoảng thập niên 1960-1970 của thế kỷ trước, hễ chiều chiều là người ta lại đón báo mới phát hành, để xem tin tức thời sự thì ít, mà để đọc truyện võ hiệp của Kim Dung thì nhiều hơn. Già trẻ lớn bé gì đều say mê theo dõi các tình tiết gay cấn, hấp dẫn, khúc chiết và có đượm chút gì đó như truyện trinh thám của sherlock home. Không phải chỉ có người Việt ở Sài Gòn mà người Hoa ở trong Chợ Lớn cũng thế; và không phải chỉ có dân Sài gòn Chợ lớn mới mê truyện võ hiệp của Kim Dung mà dân Lục tỉnh cũng như thế luôn!

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

RẰM THÁNG BẢY – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


 TRUNG NGUYÊN TIẾT
       
 Từ đời thượng cổ, Rằm Tháng Bảy là ngày Lễ Tế Tổ 祭祖節, cúng tế ông bà vì đã bắt đầu mùa thu hoạch; Và vì tháng bảy là tháng bắt đầu cho giữa năm về sau nên được gọi là TRUNG NGUYÊN TIẾT 中元節; Ta gọi là Tiết Trung Nguyên. Theo thuyết TAM NGUYÊN 三元 của Đạo Giáo bắt nguồn từ đời Đông Hán là: Thiên quan thượng nguyên tứ phước, Địa quan trung nguyên xá tội, Thủy quan hạ nguyên giải ách 天官上元賜福,地官中元赦罪,水官下元解厄.
Có nghĩa: 
Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng) tế các quan trên trời nhờ ban phước lộc; Trung Nguyên (Rằm tháng bảy) tế các quan dưới đất mong được xá tội; Hạ Nguyên (Rằm tháng mười) tế các quan dưới nước cầu xin giải hết mọi tai ách. Sau đời Hán khi Phật giáo đã du nhập và được tryền bá rộng rãi trong dân gian rồi, thì gọi ngày Rằm Tháng Bảy là ngày VU LAN BỒN TIẾT 盂蘭盆節, ta gọi là ngày Lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân là tha tội cho người chết, nên mới có tục lệ cúng Cô hồn Ngạ qủy 孤魂餓鬼, là các hồn phách cô đơn và những con ma đói.
Theo Kinh Chu Dịch, thì số 7 là con số của biến hóa phục sinh:

"Phản phúc kỳ đạo, thất nhựt lai phục, thiên hành dã" 
反覆其道,七日來複,天行也。

Có nghĩa:
Cái đạo ngược xuôi tuần hoàn, trong bảy ngày sẽ trở lại, đó là vận hành của trời.

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

THẮM THOÁT NĂM MƯƠI NĂM – Thơ Đỗ Chiêu Đức

                  
                 
                                          Thầy Đồ Đỗ Chiêu Đức


THẮM THOÁT NĂM MƯƠI NĂM
                                             
Thắm thoát thời gian khéo hững hờ                                     
Bóng câu, cửa sổ, thoáng như mơ                                    
Năm mươi năm cũ tình đeo đẵng                                    
Còn ngỡ hôm nào, khi tuổi thơ....                                      
                              
Năm mươi năm cũ tình chưa cũ                              
Còn nhớ không em tự thuở nào                              
Hai đứa tung tăng cùng đến lớp                               
Tan trường chung lối vẫn bên nhau
                                      
Em như Ngọc Nữ ngây thơ quá                                      
Đuổi bướm vờn hoa dại bên rào                                     
Anh thì ngờ nghệch nhìn ngơ ngác                                       
Chỉ cười khi thấy bướm bay cao 
                               
Phụng phịu dỗi hờn như trách móc                               
Suốt buổi lặng thinh chẳng nói gì                               
Anh ghẹo em cười ba bốn bận                               
Khi nhìn "Hồ điệp mãn viên phi"....(1)
                                                                      
Lần lữa, thời gian êm ả trôi                                        
Em tròn mười sáu, anh thế thôi,                                       
Sáng chiều hai buổi Phan Thanh Giản                                      
Bốn lượt đi về vẫn có đôi.
                                 
Xe đạp song song giữa nắng chiều                                 
Thướt tha trong gió nhẹ hiu hiu                                  
Phất phơ áo trắng bay theo gió                                 
Xao xuyến lòng anh tuổi chớm yêu !
                                          
Ngây thơ nào biết đến tình ai                                          
Em vẫn vô tư rạng nét ngài                                          
Nhìn anh vẫn mỉm cười trong nắng                                           
Để mặc gió lùa tóc rối bay...
                                    
Mười sáu em như nụ mai xanh                                   
Trong trắng trinh nguyên giấc mộng lành                                    
Đâu biết lòng anh đang rạo rực                                   
Mỗi chiều trong nắng gió mong manh
                                          
Từ đó anh thường hay ngẩn ngơ                                         
"Thi nhân Tiền Chiến" lẫn trong mơ                                             
Anh ngồi chép mãi thơ người khác                                            
Đâu biết chuyện mình cũng nên thơ
                                   
Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư....                                   
Đọc cả Đường thi lẫn Tống từ....                                    
Chép mãi trăm lần "Tình thứ nhất ,                                    
Đem cho em kèm với một lá thư..."(2)
                                             
Một buổi chiều kia anh đánh bạo                                              
Kẹp thư trong sách tỏ tình... thân                                           
Thẹn thùa ba, bốn, năm ngày tiếp                                           
Em chẳng nhìn anh lấy một lần !...
                                       
Im lặng, khiến lòng anh thấp thỏm                                      
Hỏi thì...Em lại bẳng như không:                                     
"Thấy ghét !". Em làm anh bối rối,                                      
Nhưng " ghét " là... yêu đó, phải không ?                                    
                                               
Rồi những chiều xuân ta có nhau                                                
"Thầy Cầu" vườn biếc, lá lao xao                                              
"Ninh Kiều" gió lộng, bao lưu luyến                                    
"Nhẹ bước" Đàn Tiên", những buổi nào !(3)
                                      
Anh với em như Điệp với Lan                                  
"Thanh mai trúc mã " đẹp muôn vàn                                    
Võ vẽ thơ Đường anh đọc thấy                                    
Chuyện mình sao giống khúc "Trường Can "...(4)
                   
Em bảo, em yêu thơ Thái Can                   
Thương người thiếu nữ khóc hoa lan                  
Ghét anh Hồ Dzếnh "Tình... dang dở"                  
Chê chàng Nguyễn Bính "...bước sang ngang"(5)
                                        
Em muốn duyên ta kết Tấn Tần                                       
Muôn đời vạn kiếp mãi không phân                                       
Xinh như Ngọc Nữ Tiên Đồng ấy                                       
Sớm dạo vườn đào, tối sông Ngân...
                                               
Tiếc thay anh chẳng phải Tiên Đồng                                
Mơ mộng em anh khéo viễn vông !                                               
Mười sáu yêu nhau chừng quá sớm                                               
Nên ngòi ly biệt đã khơi dòng...
                                       
Ấy thế, tình ta sớm nhạt màu                                        
Người đời miệng tiếng lắm xôn xao                                      
"Hộ đối môn đăng" muôn kiếp vẫn                                       
Là rào ngăn cách kẻ yêu nhau !
                                                
Em là gái "Khuê môn bất xuất" !                                                
Phận anh nghèo "Bạch diện thư sinh"                                 
Thói đời đen bạc cho nên nỗi                                                
Dang dở vì đâu một chữ tình ?!
                                         
Mười bảy anh thi rớt Tú Tài                                        
Lên đường viễn xứ một thân trai                                        
Cầu thực tha phương trong khói lửa                                         
Lòng còn trĩu nặng bóng hình ai !....
                                                 
Nỗi biệt ly nào chẳng xót xa                                                 
Tiễn đưa không một chén quan hà (6)                                         
Nhìn nhau cố nén lòng không khóc                                                
Không khóc mà sao mắt cứ nhòa...                                 

Từ ấy, đường đời ai nấy đi                
Các thành gia thất các tương nghi (7)                                 
Chạnh lòng giây phút khi nghe trẻ                                  
Hát bài "Hồ điệp mãn viên phi" !
                                        
Trải bao thế thái với nhân tình                                          
Dâu bể, nổi chìm, lắm đảo khuynh                                           
Mới hay "Tình... đẹp, khi... dang dở "                                            
Trách chi Hồ Dzếnh thuở bình sinh !
                                  
Năm mươi năm cũ, tình đeo đẳng                                  
Lòng vẫn tơ vương... chiếc áo dài !                                  
Mỗi lúc nắng chiều phơn phớt gió                                  
Bồi hồi lại nhớ... áo ai bay !
                                            
Những lúc trà dư tửu hậu tan                                             
Chạnh niềm cô lữ, buổi xuân tàn                                            
Chiều nay chợt thấy lòng xao xuyến                                            
Ngậm ngùi đọc lại khúc "Trường Can"...
                                  
"Mai Trúc" ngày xưa đã dở dang                                    
Phương trời cách biệt vẫn băn khoăn                                    
"Thanh Mai" vẫn thắm như ngày trước ?                                    
" Trúc Mã " giờ đây... đã cỗi cằn !
 
Thắm thoát thời gian khéo hững hờ                                            
Bóng câu, cửa sổ, thoáng như mơ                                             
Năm mươi năm cũ... tình đeo đẳng                                             
Còn ngỡ hôm nào, khi tuổi thơ !!!
                                      1914                                                         
                              Đỗ Chiêu Đức