BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2023

RỪNG – Thơ Lê Phước Sinh


  
              Nhà thơ Lê Phước Sinh
 

RỪNG
 
Khi Em âu yếm dụi vào ngực
ôm ấp trái tim của Anh
là Rừng gọi gió.
Khi Anh hôn vào má,
vào môi,
Rừng huýt gió tán thưởng.
Ngực phồng căng,
muôn chim thú rộn ràng hát ca,
màu xanh của núi đồi trần thế,
cuộn vào sương khói
rả tan
điều dối trá.
 
Lê Phước Sinh

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

CHÂU THẠCH MỘT NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG KHÁC QUÊ - Trương Công Hải


Tác giả Trương Công Hải

Anh Châu Thạch là người Điện Bàn, nói rặt giọng Quảng Nam. Nhưng tôi luôn coi anh là một đồng hương khác quê.
 
Bởi tự thuở thiếu thời anh theo bố ra sống và lớn lên tại thị xã Quảng Trị, quê hương tôi. Học trường Nguyễn Hoàng, uống nước gánh từ sông Thạch Hãn, đọc cọp báo tại hiệu sách Lương Giang, sáng ăn bún mụ Ấm tối bánh mì chú Hưng, xem cine ở rạp Đại Chúng. Anh đã lớn lên bằng chất liệu Quảng Trị cho đến lúc tòng quân đeo lon sỹ quan Quân Lực, bôn ba khắp bốn vùng chiến thuật.  Từ trại cải tạo về, anh sinh sống tại Đà Nẵng, nhập vào cộng đồng lưu dân người Quảng Trị, sinh hoạt các hội đồng hương, đồng môn và giao lưu với bạn bè hầu hết là người Quảng Trị cùng trang lứa.
 
Châu Thạch là người nghiệp dư làm thơ và viết bình thơ. Bình thơ là một thể loại khó, đòi hỏi phải có kiến thức và một tâm hồn nhạy cảm đủ cảm nhận được sáng tác của người khác để tái tạo vẻ đẹp của tác phẩm, giúp người đọc thưởng ngoạn tốt hơn. Và anh đã viết bình thơ nhiều hơn thơ anh làm.
 
Nhà thơ Châu Thạch

Vừa rồi Châu Thạch có tặng tôi tập thơ Qua Miền Ký Ức, miền ký ức của Châu Thạch cũng chính là ký ức của những lưu dân Quảng trị sau biến cố 1972 đã ra đi mà chưa hề trở lại.
 
Mỗi bài thơ của anh là mỗi niềm tiếc nuối về một thị xã, nơi đã từng lưu giữ biết bao kỷ niệm thời trai trẻ của anh, nay đã biến thành bình địa, tất cả đã bị chôn vùi dưới lớp bụi phế hưng.

Anh làm thơ như một cách giữ lại chút trầm tích cho gam màu ký ức:
 
“Hạt lóng lánh qua miền ký ức
Màu năm xưa soi giọt sương nay
Đời vô thường trơn tuột trên tay
Đá Thành Cổ đỏ rêu màu cháy
 
Trầm tích của nỗi đau lắng đáy
Niềm vui xưa đã hóa bọt bè
Chút vần thơ phụng nhiến trong veo
Xin vào đọc mở lòng yêu mến”
                                  (Lời tựa)
 
 Thị xã Quảng Trị bé nhỏ, hiền hòa theo năm tháng bên dòng sông Thạch Hãn, Châu Thạch rất dễ dàng gói trọn hết vào thơ. Tất cả đã được đánh thức bởi những câu thơ đẹp như:
 
“Áo trắng bồng bềnh
Con phố nhỏ mờ sương”
 
Hay:
 
“Gió tự Nhan Biều gió thổi qua
Thơm như hoa cúc hương hoa cà”
                          (Em Nhan Biều)
 
“Em Như Lệ Mắt chưa hề vướng lệ
Chỉ trời thu xanh biếc dưới hàng mi”
                                   (Em Như Lệ)
 
 Hình ảnh của một ngôi trường mang tên chúa Tiên nay không còn nữa được tái hiện bằng những lời mộc mạc:
 
“Có những chiều xưa trống điểm vang
Phố xưa Quảng Trị trường Nguyễn Hoàng
Bao cô thiếu nữ tan giờ học
Dạo bước vui chơi chẳng vội vàng”
                                    (Chiều Tím)
 
Và sau đây là một hồn thơ đầy ma lực, làm thức dậy ngôi Thành Cổ vốn đã ngủ yên từ mấy trăm năm:
 
“Và bóng ai đi dưới Cổ Thành
Chân chim từng bước gợn âm thanh
Mơ hồ tiếng nhạc qua đường vắng
Gõ cả tim người lặng lối xanh”
                              (Dáng Xưa)
 
Đọc Qua Miền Ký Ức của Châu Thạch, ta cảm thấy dường như tác giả đã bỏ quên con sông chảy qua thị xã Quảng Trị. Trong các tiêu đề không có bài nào dành riêng cho sông Thạch Hản cả. Thực ra thì không, tuy rằng không được đặc tả nhưng dòng sông Thạch Hãn trong thơ luôn được hóa thân vào nét xuân thì của người con gái hay loãng tan vào hương sắc của thiên nhiên như làn gió, hương hoa và vạt nắng chiều... Con sông Thạch Hãn trong thơ Châu Thạch như được dú trong thơ bằng phép ẩn dụ. Ta hãy cùng nhà thơ đi dọc triền sông:
 
“Những sáng mai em đạp xe đi học
Theo hàng tre xanh ngát suốt con đường
Ven dòng sông ẩn hiện giữa mù sương
Tà áo trắng lùa hương về phố thị”
                               (Em Như Lệ)
 
Hay lên một chuyến đò ngang:
 
“Gió tự Nhan Biều gió thổi qua
Thơm hương hoa cúc hương hoa cà
Thuyền ai tách bến ngang sông Thạch
Áo trắng đi về chung với hoa”
                                 (Em Nhan Biều)
 
 Có thể nói, khi nương vào thuật ẩn dụ để nói về dòng sông, Châu Thạch đã giải mã được một mật ngữ, khươi ra vẻ đẹp của dòng Thạch Hãn, từ lâu đã vốn mang một phận đời của mồ hôi đá.
 
Thực ra thì mỗi dòng sông đều có vẻ đẹp riêng của nó, vấn đề là nằm trong mắt ai mà thôi. Như một triết gia phương Tây đã nói: "vẻ đẹp của người con gái không nằm nơi đôi má hồng mà nằm trong ánh mắt của kẻ si tình".
 
Rồi thì cũng chính dòng sông đó với con nước im lìm mãi miết lạnh lùng trôi đã trở thành chứng nhân cho một cuộc đời dâu bể:
 
“Rồi một ngày kia rất hãi hùng
Lửa về theo hạ vượt qua sông
Tôi đi biền biệt theo chính chiến
Em đến rừng thiêng đón gió đông”
                           (Em Nhan Biều)
 
Tàn cuộc chiến chinh, tác giả về lại chốn xưa thì:
 “Hồn xưa tự ấy không về nữa /Ở cõi hư vô dấu đã chìm”
                                                                   (Hàn Mặc Tử)
 
Có thể nói bài Hư Mộng trong tập thơ là một bài xuất sắc, là tiếng khóc khô không lệ trong Qua Miền Ký Ức của Châu Thạch:
 
“Phố của ảo những ngày xưa còn đó
Tìm không ra dấu tích của một thời
Ta bươn bả giữa thành quách sụp đổ
Nhà em xưa ẩn hiện trong sương
  
Những ngã tư không phải của con đường
Ta đã đợi đón em thời xưa cũ
Trường trong mơ gạch màu tro ủ rũ
Hai hàng cây sa nước mắt song song
 
Ta bước đi quay quắt ở trong lòng
Tà áo trắng vật vờ bay trong gió”
 
Chỉ hai câu “Những ngã tư không phải của con đường/ta đã đợi đón em thời xưa cũ” cũng đủ để biết rằng thị xã đã được cơ cấu lại hoàn toàn mới. Một bài thơ hay thường chạm đến được cảm xúc của người đọc, Châu Thạch đã làm được điều đó. Từ một vùng bình địa, thị xã Quảng Trị nay được tái sinh. Đúng ra là đã được đầu thai bằng một vong hồn khác, không phải là linh hồn của một thị xã tiền kiếp
 
 Nói vậy vì qua trải nghiệm của bản thân tôi, khi lần đầu về thăm lại cố hương, cũng vẫn bến bờ sông cũ, nhưng sao nghe như nơi nầy hình như không phải là nơi trước đây mình đã từng thuộc về, khiến tôi cảm xúc viết những vần thơ sau đây:
 
“Tôi trở lại bên ni giòng Thạch Hãn
Đường Gia Long nay đã đổi tên rồi
Phía Nhan Biều mưa giăng mù bãi bắp
Con nước im lìm, mãi miết lạnh lùng trôi
 
Quảng Trị yêu thương nay sao nghe là lạ!
Vọng tiếng chuông ngân từ chùa Tỉnh Hội
Tôi gởi hồn tôi tới mênh mông
Còn mưa nào buồn hơn mưa trên sông?”
                               (Trương Công Hải)
 
Tóm lại, Một tập thơ thì có bài hay với người này, bài hay với người kia, nhưng những khổ thơ đã chọn trích dẫn trong bài viết này đối với tôi, là những mảnh lụa trong nhiều mảnh lụa mượt mà được lượm ra từ xấp vải thơ Qua Miền Ký Ức của Châu Thạch. Hơn nữa viết về thơ của một nhà chuyên bình thơ thì cũng hơi khó nên tôi xin dừng lại nơi đây. Và hy vọng rằng tôi sẽ không sai khi gọi anh là một người đồng hương khác quê, vì từ tố chất tới tâm hồn anh đã được hoàn toàn Quảng Trị hóa.
 
                                                                           Trương Công Hải
                                                                               Tháng 8/2023

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

CA TỪ DA DIẾT, ĐƯỢM BUỒN, BAO DUNG... TRONG NHẠC PHẨM “RU EM” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN - Mẫn Nhi



Yêu em, yêu thêm tình phụ.
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”
  
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một cuộc đời đầy u hoài, ông đã có nhiều mối tình dang dở để lại bao hụt hẫng và nuối tiếc. Tâm  hồn nhạc sĩ luôn chất chứa những cảm xúc khó tả mà chỉ riêng ông mới hiểu, bay bổng và đầy suy tư mỗi khi đón nhận niềm vui hay nỗi buồn. Mỗi tác phẩm của ông đều hiện rõ nỗi ưu tư như một gia vị quen thuộc xuyên suốt toàn bộ cuộc đời âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Cái buồn trong nhạc Trịnh chẳng biết bắt đầu từ đâu, cứ nhè nhẹ và tan theo từng lời ca bay bổng thanh thoát. Nhạc Trịnh còn là lời thơ, lời ru, mang giai điệu ngọt ngào, đằm thắm. Từng ngôn từ đều mang trong đó một ý nghĩa sâu xa và thậm chí là có nhiều tầng ngữ nghĩa. Đặc biệt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sở hữu hàng loạt ca khúc “Ru” иổi tiếng như Ru Tình, Ru Ta Ngậm Ngùi, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Ru Đời Đi Nhé… và một ca khúc kinh điển khác đó là “Ru Em”. Bài hát “Ru Em” với những lời ru ẩn giấu nỗi niềm rung động trong tâm  hồn nghệ sĩ và giai điệu du dương đem lại cho chúng ta một trải nghiệm đầy ý vị và cảm xúc.
 
Ru em ngủ những đêm khuya
Ru em ngủ tháng âm u
Ru em cùng những u mê
Ru em, ru em dù đã chia xa

Ru em về những đêm xưa
Ru em phụ rẩy trong ta
Ru em quì gối vong nô
Ru em, ru em vì dáng kiêu sa
 

TÌNH TRONG GIAN KHÓ - Nhạc Khê Kinh Kha, Xuân Phú trình bày

    
             


      

XUÂN HẠ THU ĐÔNG, MỘT, XUÂN QUÊ, VẬT VỜ, CÁ NƯỚC – Thơ Chu Vương Miện


  

 
XUÂN HẠ THU ĐÔNG
 
mai vàng mai trắng mọc trên đất
mọc lưng đồi và mọc cuối non
mai trắng tưởng lầm là mơ trắng
ở nam nhưng gốc vốn động đình
mai vàng mai trắng ngủ trong thơ
thơ đường tàu truyền mãi tận giờ?
có xuân có mai tươi thắm mãi
thiếp lan đình nét chữ hư chu
mai vàng mai trắng ngơi thơ việt
bát cơm phiếu mẫu của mai đình
ân nghĩa xưa nay tìm mỏi mắt
người về huyệt lạnh gửi mắt xanh
thời cở còn có nhị độ mai
ta cũng còn mai mai tứ thời
đông xuân thu hạ hoa trĩu lá
tiến lục huyền theo liêu trai?

THỬ ĐOÁN ĐỌC VĂN BIA BẰNG HÁN VĂN TÌM THẤY Ở TỈNH LỴ QUẢNG TRỊ - Hoàng Đằng




Tôi thấy trên trang facebook của Nguyễn Duy Ái có thông tin:

“Những năm làm nghề xây dựng trên địa bàn thị xã Quảng Trị, tôi lại cơ duyên được gặp khá nhiều ngôi mộ của liệt sĩ, tử sĩ, quan lại, nhân dân quá cố... Trong đó có ngôi mộ của Ngài Hàn Lâm Viện Thị độc, bia dựng năm 1935.
Tôi đã gửi thư về địa phương, qua nhiều kênh, ở Quảng Nam đã có thư xác nhận là Tổ Tiên của họ, nhưng sau đó thấy không liên hệ tiếp.
Các Liệt Sĩ thì phối hợp với Chính Quyền Địa Phương đưa lên Nghĩa Trang thị xã Quảng Trị.
Có hai tử sĩ thì người nhà đã xác nhận đưa về quê.
Hằng năm, trước mùa Vu Lan, ngày 10/7, gia đình tôi lên viếng mộ, vệ sinh và tổ chức hiệp kỵ cho các vong linh.
Phật dạy: Chúng sanh là cha mẹ của nhau, nên hữu duyên nầy chắc là những người yêu thương trong quá khứ.
Nhân mùa Vu Lan, chúng tôi luôn khấn nguyện cầu mong các vong linh sớm tái sanh về Miền Tịnh Quốc”.
 
Dưới những dòng thông tin, có ảnh tấm bia mộ “Ngài Hàn Lâm Viện Thị Độc” và ảnh chụp phần phiên âm của ai đó (có lẽ do ông Nguyễn Duy Ái cây nhờ) từ chữ Hán ra âm Hán Việt viết bằng chữ Quốc Ngữ, xin gọi là bản phiên âm văn bia 1.
 
I- BẢN PHIÊN ÂM VĂN BIA 1

 
“CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH NGHI LỘC HUYỆN VẠN TANG XÃ HÀN LÂM VIỆN THỊ ĐỘC

SUNG ĐIỀN KHÂM KHOA HOÀNH NHI TƯ HOÀNG SANH PHỦ QUÂN CHI MỘ
 
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM NHU NHÂM QUẢNG NAM TỈNH PHÚ BÌNH XÃ HƯƠNG XUÂN BÁI CHI

KHẢI ĐỊNH ẤT HỢI NIÊN NHUẬN TỨ NGUYỆT NHỊ THẬP LỤC NHẬT (1935).
 
Phần phiên âm tối nghĩa vì (1) người viết phiên âm nghe người đọc âm Hán Việt các chữ Hán không rõ nên viết sai nhiều chữ và (2) bản văn bia bằng chữ Hán khắc không rõ, lại lâu ngày bị lu mờ, phải vừa đọc vừa đoán.
 
II- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 2

Trên facebook, BS. Nguyễn Văn Nguyên đã đọc và phiên âm lại, kèm phần dịch nghĩa:
 
“ĐẠI NAM CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH, NGHI LỘC HUYỆN, VẠN TRANG XÃ, HÀN LÂM VIỆN KIỂM THẢO.

NGUYÊN QUẢNG NAM TỈNH TẤN THI HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ HÀN SINH, PHỦ QUÂN CHI MỘ.
 
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM LỤC NHÂN QUẢNG NAM TỈNH, PHÚ BÌNH XÃ, PHAN THỊ XUÂN BÁI CHÍ

KHẢI ĐỊNH ẤT SỬU NIÊN, NHUẬN TỨ NGUYỆT, NHỊ THẬP LỤC NHẬT
 
Tạm dịch như sau:
 
Đại Nam (tên nước ta), chồng quá vãng, tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc, xã Vạn Trang, là Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo
Nguyên quán Quảng Nam, Tấn Thi Hoàng Trúc Nhị, tự là Hàn Sinh, là mộ của phủ quân. 

Chánh thất phẩm Lục Nhân, tỉnh Quảng Nam, xã Phú Bình tên Phan Thị Xuân bái ghi.
Năm Ất Sửu triều vua Khải Định, tháng tư nhuận, ngày hai mươi sáu.”
 
BS. Nguyễn Văn Nguyên đã tìm thấy một số điều xét ra không hợp lý trong bản phiên âm trước:
 
1/ Thiếu chữ trên bia.
2/ Chức Kiểm Thảo Quan của Hàn Lâm Viện triều Nguyễn ngang hàng Thất phẩm. Thị Độc ngang hàng tứ phẩm.
3/ Người dưới mộ tên là Hoàng Trúc Nhị, Tấn Thi là làm bài được tấu cho vua phong hàm, không phải thi cử (hay còn gọi là ngự chế). Ông có tên tự là Hàn Sinh.
4/ Năm Ất Sửu 1925 là năm nhuận, Ất Hợi 1935 không nhuận.
5/ Vua Khải Định băng hà 1925. Niên hiệu Khải Định phải là khi vua còn tại vị. Năm 1935 là vua Bảo Đại.”
Phần phiên âm và dịch nghĩa của BS. Nguyễn Văn Nguyên tương đối đã soi rõ nhiều thông tin trong văn bia; tuy nhiên, chưa phải là tất cả.
 
III- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 3
 
Vì vậy, tôi muốn góp chuyện.
Qua cô bạn đồng môn, đồng khóa của tôi – Võ Hồng Phi - ở Viện Hán Học Huế ngày xưa, tôi nhờ ông Đỗ Chiêu Đức, người mà đọc trên mạng tôi biết có trình độ Hán Văn cao, đọc giùm.

Và đây là ý kiến của ông Đỗ Chiêu Đức:

Bia đá từ năm Ất Mão 乙卯 (1915) đời vua Khải Định, hơn một trăm năm rồi, chỗ bị mẻ sứt. lại được tô bù bằng xi-măng, nên ... Em (từ ông Đức xưng với cô bạn đồng môn đồng khóa của tôi ở Viện Hán Học Huế 1960 – 1965) đọc tới đâu thì tính tới đó thôi nghen !
Em sẽ đọc từ TRÊN xuống DƯỚI và từ hàng phía TAY PHẢI trước, rồi sang các hàng TAY TRÁI. Tất cả gồm có 4 hàng như dưới đây:
 
1. 大南故夫,乂安省,宜祿縣,萬莊社,翰林院檢討。
Đại Nam cố phu, Nghệ An Tỉnh, Nghi Lộc huyện, Vạn Trang xã, Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo.

Tạm dịch:

Chồng cũ (đã chết), ở tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc, Xã Vạn Trang, (chức vụ) là Kiễm Thảo của Viện Hàn Lâm.
 
2. x  x  廣南省,邏譯,黃行二字,語生,府君之墓。
x  x  Quảng Nam tỉnh, La dịch, Huỳnh Hành nhị tự, Ngữ Sinh, Phủ Quân chi mộ.
 
Tạm dịch:

Tỉnh Quảng Nam, LA DỊCH không hiểu là nghĩa gì, Hai chữ Huỳnh Hành,                    
NGỮ SINH không hiểu nghĩa, mộ của Người tên Phủ Quân

3. 正記六品录人,廣南省,富平社,潘氏春輝誌。
Chính ký Lục phẩm lục nhân, Quảng Nam tỉnh, Phú Bình xã, Phan Thị Xuân Huy chí.

Tạm dịch:

Người ghi lại chính là người có hàm Lục Phẩm, ở tỉnh Quảng nam, Xã Phú Bình,
Phan Thị Xuân Huy lập mộ chí.
 
4. 啟定, 乙卯年, 閏四月, 二十六日。
Khải Định, Ất Mão niên, Nhuận Tứ Nguyệt, Nhị thập lục nhật.

Tạm dịch:
Đời vua Khải Định, năm Ất Mão (1915), ngày 26, Tháng Tư nhuần.

Em chỉ đọc được có vậy thôi. Mong Chị thông cảm!
                                                               Nay kính,
                                                           Thầy Đồ Dõm
                                                          Đỗ Chiêu Đức”
 
Tôi xin cảm ơn ông Đỗ Chiêu Đức đã chịu khó, bỏ thì giờ giúp tôi.

 V- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 4

Vậy là đã có 3 vị phiên âm văn bia. Giờ, việc tìm hiểu ý của văn bia trên xin được xem như một buổi hội luận.
Sau khi đọc ý kiến của các vị thức giả, tôi cũng muốn tự phiên âm và dịch nghĩa – lẽ dĩ nhiên, vừa nhận dạng mặt chữ vừa đoán vì chữ không còn rõ ràng.

Và đây là bản phiên âm của tôi:
 
ĐẠI NAM CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH NGHI LỘC HUYỆN VẠN TRANG XÃ HÀN LÂM VIỆN KIỂM THẢO

NGUYÊN QUẢNG NAM TỈNH THÔNG DỊCH HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ NGỮ SINH PHỦ QUÂN CHI MỘ
 
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM NHU NHÂN (xem chú thích 1 ở dưới) QUẢNG NAM TỈNH PHÚ BÌNH XÃ PHAN THỊ XUÂN BÁI CHÍ

KHẢI ĐỊNH ẤT SỬU NIÊN NHUẬN TỨ NGUYỆT NHỊ THẬP LỤC NHẬT

Dịch nghĩa:

Mộ của chồng đã mất tên HOÀNG TRÚC NHỊ (xem chú thích 2 ở dưới) tự NGỮ SINH (người học về ngôn ngữ), chức Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo, người xã Vạn Trang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nước Đại Nam (tên nước Việt Nam kể từ triều Minh Mạng), nguyên làm thông dịch ở tỉnh Quảng Nam.
 
Bà Phan thị Xuân, người xã Phú Bình tỉnh Quảng Nam, vợ chính của quan Thất Phẩm lạy ghi.
Ngày 26/Tư nhuận/năm Ất Sửu (xem chú thích 3 ở dưới) đời vua Khải Định (16/6/1925)
 
V- TẠI SAO CÓ NGÔI MỘ NÀY Ở TỈNH LỴ QUẢNG TRỊ

Ông Nguyễn Duy Ái kể trường hợp phát hiện ngôi mộ có tấm bia:

 “… Khi em thi công trường Thanh niên Dân Tộc (hiện nay, trước mặt trường Trung Học Phổ Thông thị xã, trước đây là trường Nguyễn Hoàng) thì gặp 3 cái, tức là khu vực sau bến xe Nguyễn Hoàng ngày xưa đó anh. Rồi tất cả em quy về nghĩa địa thị xã Quảng Trị, khu vực em đặt mộ nhìn ra hồ Tích Tường”.

Mộ ngài Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo tìm thấy ở tỉnh lỵ Quảng Trị, nhưng trong văn bia không có thông tin Ngài giữ chức vụ gì trong chính quyền tỉnh Quảng Trị mà chỉ nói Ngài nguyên làm thông dịch ở tỉnh Quảng Nam.

Tôi đoán khi học hành xong, còn rất trẻ, từ quê tỉnh Nghệ An, Ngài được bổ nhiệm vào làm việc tại tỉnh Quảng Nam.
Ở tỉnh Quảng Nam, Ngài lấy vợ là bà Phan thị Xuân người xã Phú Bình huyện Quế Sơn.
Hai vợ chồng đem nhau từ Quảng Nam về thăm quê Nghệ An. Trên đường, đến Quảng Trị, có thể Ngài bị tai nạn gì đó hay bệnh đau đột ngột và qua đời. Đường sá xa xôi, bà Phan thị Xuân phải chôn chồng, lập mộ, dựng bia ở tỉnh lỵ Quảng Trị.

Nguyễn Duy Ái nói là đã thông báo vô Quảng Nam, có người nhận là thân nhân của Ngài, nhưng sau đó, họ cắt liên lạc.
Như thế, người nhận thân nhân ấy không phải thuộc trực hệ của Ngài, nói rõ ra không phải con cháu của Ngài; biết đâu Ngài và bà Phan thị Xuân chưa có con!
 
V- THÔNG ĐIỆP NHẮN GỞI
 
Qua đọc mấy chục chữ Hán trên văn bia, mỗi người đọc, đoán mỗi khác.
Việc đọc và hiểu Hán Văn không phải dễ.
Chuyện chồng của Trưng Trắc có tên Thi Sách hay Thi hiện nay đang rối; THI SÁCH THÊ TRƯNG TRẮC, xưa hiểu: Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, nay có nhà sử học hiểu: Thi lấy vợ là Trưng Trắc.

Chuyện tờ di chúc chỉ mấy chục chữ mà ý hiểu 2 cách khác nhau hoàn toàn:
DƯ THẤT THẬP TUẾ SINH ĐẮC NHẤT NAM TỬ NHI PHI NGÔ TỬ DÃ KỲ GIA TÀI GIAO DỮ TẾ NGOẠI NHÂN BẤT ĐẮC XÂM TRANH

Người viết di chúc muốn quan xử việc sau này hiểu là:

Ta bảy mươi tuổi sinh được một con trai mà PHI là con của ta; gia tài của ta giao cho nó; rể là người ngoài không được vào giành; chàng rể của người viết di chúc thì hiểu: Ta bảy mươi tuổi, sinh được một con trai nhưng không phải con ta; gia tài của ta giao cho rể; người ngoài không được vào giành.
 
Ấy là chưa nói đến chữ trên bia, trên trụ các công trình thờ tự, chữ bị sứt mẻ, khắc sai do trình độ của người khắc, trong các tài liệu qua thời gian chữ phai mờ hay bị ẩm ướt, mối mọt rỉa ráy, bào mòn …
 
Tôi thấy hiện nay trong cộng đồng không còn mấy người biết chữ Hán, hiểu Hán Văn rành rẽ nữa.
Vì vậy, những tài liệu gì bằng Hán Văn mà tiền nhân để lại thì xem như chuyện đã rồi, còn hiện tại và tương lai, có gì thì nên viết bằng chữ Quốc Ngữ.
Ấy là thông điệp tôi muốn nhắn gởi qua bài viết này.
 
                                                            01/9/2023 (17/Bảy/Quý Mão)
                                                                            Hoàng Đằng

PHẦN CHÚ THÍCH:
 
(1) Thụy hàm dành cho các phu nhân
Năm Minh Mạng 7 (1826), vua Minh Mạng ban lệnh chuẩn định việc phong ân sung thụy hàm cho phu nhân (nếu chỉ một vợ) hoặc các phu nhân (nếu nhiều vợ) của các quan viên. Thụy hàm này không phân biệt trật chánh tòng hoặc ban văn võ, được chuẩn định như sau:

Vợ quan Nhất phẩm: Phu nhân (夫人);
Vợ quan Nhị phẩm: Phu nhân (夫人), sau đổi Đoan nhân (端人)
Vợ quan Tam phẩm: Thục nhân (淑人);
Vợ quan Tứ phẩm: Cung nhân (恭人);
Vợ quan Ngũ phẩm: Nghi nhân (宜人);
Vợ quan Lục phẩm: An nhân (安人);
VỢ QUAN THẤT PHẨM: AN NHÂN (安人), sau đổi NHU NHÂN (柔人)
Vợ quan Bát phẩm: Nhụ nhân (孺人), sau đổi Cẩn nhân (謹人)
Vợ quan Cửu phẩm: Nhụ nhân (孺人)
                                              
(Thông tin do Bảo Lâm cung cấp)

 (2) Ngoài tên Hoàng Trúc Nhị do BS. Nguyễn Văn Nguyên đoán dịch, Ngài trong văn bia cũng có thể là tên Hoàng Trúc hay Hoàng Hành vì chữ TRÚC   và chữ HÀNH    gần giống nhau và cụm từ HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ NGỮ SINH có thể hiểu là Hoàng Trúc có 2 chữ  tự 2 là Ngữ Sinh.
(3) Phải là năm Ất Sửu – 1925 vì năm này có tháng Tư nhuận (theo LỊCH THẾ KỶ XX, nhà xuất bản Văn Hóa) và là năm cuối niên hiệu Khải Định (1916 – 1925).

BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC Ở ĐÂU – Thơ Trần Mai Ngân


 

 
BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC Ở ĐÂU
 
Mùa Thu bắt đầu và kết thúc ở đâu
Em không nhìn thấy cũng không hay biết
Em nhặt chiếc lá vàng luyến tiếc
Đi tìm anh và nói đây là bằng chứng!
 
Tháng Chín bắt đầu và ra đi như thế nào
Em mơ hồ chợt tỉnh chợt mê
Ôm tình yêu cũ trên đôi tay gầy guộc
Đi tìm anh - hỏi có còn không…
 
Bình minh bắt đầu từ con sông
Có nụ cười của chúng mình còn in trên tấm ảnh
Em nâng niu, anh vô tình
Em biết - nhưng lặng thinh…
 
Hoàng hôn tắt, ráng chiều cũng vội
Em không níu kéo làm gì
Tơ duyên mỏng nhẹ như áng mây bay đi
Phải rồi - thời gian là cơn mộng…
 
Em và anh bắt đầu từ đâu
Dấu chân sâu bên chiếc cầu dĩ vãng
Nhưng nước sông cứ trôi mãi
Không quay về - ta kết thúc rồi sao?
 
                             Trần Mai Ngân

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

BÀN LUẬN VỀ “Y DÀI, I NGẮN” – Vương Thanh



Tiếng Việt là một ngôn ngữ dễ viết và dễ đọc, hầu như phát âm sao thì viết như vậy. Nhưng có chữ “y dài” và “i ngắn” tuy chỉ đọc là “i” nhưng có chữ lại dùng “y dài”, chữ lại dùng “i ngắn”. Một số nhà ngôn ngữ học và bộ giáo dục Việt Nam năm sau 1975 vì muốn chỉ dựa theo phát âm mà viết chính tả, họ đưa ra chính sách chỉ dùng một thể “i” ngắn nếu phát âm “i” sẽ không dùng mẫu tự “y” dài và làm ra những thay đổi cho vào từ điển. Tất nhiên, những trường hợp ngoại lệ cũng được nhắc tới, ví dụ như là chữ “túy”, “thúy”  thì không thể không dùng “y” nếu dùng “i ngắn” sẽ thành chữ “túi”, “thúi” và những chữ như là “may” như trong may mắn, may áo, không thể thiếu y dài.
 

NHÂN MÙA VU LAN, ĐỌC LẠI BÀI THƠ “BÔNG HỒNG CHO MẸ” CỦA ĐỖ HỒNG NGỌC.... - Nguyên Hậu



Năm 2013, khi đang tìm hiểu về thơ miền Nam giai đoạn 1954-1975, tôi có dịp gặp gỡ nhà thơ Đỗ Nghê (bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc) tại Sài Gòn và được ông tặng cho tập thơ đầu tay mang tên Tình người (xuất bản năm 1967). Tôi đọc tập thơ và ấn tượng nhất là bài thơ Thư cho bé sơ sinh. Khi biết ông là một bác sĩ, viết bài thơ đó khi còn là một thực tập sinh tại bệnh viện Từ Dũ sau khi hoàn thành ca hộ sinh đầu tiên trong cuộc đời y nghiệp, tôi vừa khâm phục, vừa xúc động. Khâm phục vì một bác sĩ lại có thể làm một bài thơ với những ý tứ chân thành, sâu sắc đến thế. Còn cảm động vì những điều mà vị bác sĩ nhắn nhủ đến em bé sơ sinh lúc đó. Thông điệp mà ông nhắn đến em có lẽ cũng là thông điệp ông dành cho tất cả chúng ta, vì ai cũng từng lớn lên từ một đứa trẻ, còn xúc động là khi đặt bài thơ vào bối cảnh ra đời, những thập niên 60 của thế kỷ XX tại miền Nam, khi mỗi số phận được sinh ra đều phải đối mặt với chiến tranh, chết chóc, hiện thực phi lý mỗi ngày.