BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

TÍN NGƯỠNG THẦN LINH XỨ BIỂN BÌNH THUẬN - Phan Chính


         


         TÍN NGƯỠNG THẦN LINH XỨ BIỂN BÌNH THUẬN
                                                                                    Phan Chính

Dải đất bờ biển Nam Trung bộ có địa hình phù hợp cho nhiều bến đỗ với làn sóng lưu dân, nhất là từ thời tiểu vương quốc Phanduranga cuối cùng, trở thành Thuận Thành trấn rồi tiếp đó là Bình Thuận phủ (1697). Cho nên đặc trưng về tín ngưỡng ở vùng đất duyên hải Bình Thuận trải dài gần 200 km bờ biển rải rác nhiều di tích đền chùa, miếu mạo, dinh vạn của dân bản địa Chăm - Việt, dân lưu vong Trung Hoa…

Cũng từ đó, ở đây dần dần hình thành một bản sắc khá riêng về tín ngưỡng thần linh được dung hợp, pha trộn với nhau làm nên giá trị văn hóa vùng miền vừa huyền bí vừa mang ý nghĩa nhân văn. Nếu lấy cột mốc bờ biển Bình Thuận từ Mũi Dinh - Cà Ná (Ninh Thuận) đến Mũi Bà (Xuyên Mộc - Bà Rịa) thì các điểm cư dân tứ xứ vào Đàng Trong, mở đất khai hoang thường tập trung định cư ở các vịnh biển lặng gió và cửa sông lớn. Đó là Bình Thạnh, La Gàn (Tuy Phong), Phan Rí (Bắc Bình), Mũi Né, Phú Hài (Phan Thiết), Kê Gà (Hàm Thuận Nam), Tam Tân, La Gi (La Gi), Phò Trì, Thắng Hải (Hàm Tân). Những cửa sông lớn như sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Cái, sông Mường Mán, Sông Phan, sông Dinh… Có thể coi đây là địa bàn để cư dân tiến sâu về phía nam mà cạnh đó là đất Mô Xoài (Bà Rịa - Biên Hòa). Theo sách “Thần, người và đất Việt” của Tạ Chí Đại Trường (1) - (Nxb Văn hóa Thông tin 2006) để có thể hình dung được lợi thế của Bình Thuận trong quá trình khám phá vùng đất miền Đông Nam bộ. Nhờ có điều kiện khảo sát thực địa, tác giả đã nhận định: “Nơi cửa Duồng (Yuôn/ Việt) ở Bình Thuận, bên trong còn tập họp Chàm đông đúc với một chủ quyền lay lắt nhưng đủ để đẩy người dân thường bỏ qua mà tiến lên đất Đồng Nai rồi tấp vào dọc biển Kampuchia. Dòng họ Nguyễn Thông tránh loạn Tây Sơn vào Gia Định cuối thế kỷ XVIII. Còn Bà Rịa mà địa danh có lẽ lấy từ danh xưng thần Pô Riyak cũng được cho là của một bà tên Rịa từ Phú Yên/ Bình Định đi vào đó lập nghiệp”

Đây cũng là cơ sở tham khảo đáng tin cậy. Vạn chài ngày xưa hay những xóm làng cư dân vùng biển sau này luôn nằm ở vị trí thuận lợi cho nhu cầu trên bến, dưới thuyền và sát bên cửa biển hoặc bãi neo thuyền… Hình ảnh xóm nhà chồ phên vách, mái lá, sàn ván ọp ẹp nối tiếp nhau, lấn lên mép sông trông nhếch nhác, bẩn thỉu do áp lực dân số của một thời cơ cực. Trong cuộc mưu sinh với con thuyền nan chao đảo, ngụp lặn giữa bão tố dưới chân những con sóng kinh hoàng thì chuyện sống chết thật mỏng manh. Cho nên họ chỉ biết tin vào thần linh mầu nhiệm từ trời cao hay từ đáy biển sâu ra tay độ trì cứu mạng.  Ngay địa đầu đất Bình Thuận ở Tuy Phong đã có hàng chục đền tháp của người Chăm như cụm đền tháp Pô Inư Nưgăr (Thế kỷ XVII) ở Phú Lạc, Pô Kloong Girai…cũng có liên quan đời sống tâm linh vùng biển. Nhưng mang nặng tín ngưỡng Phật giáo của người Việt, đó là nhiều ngôi chùa, miếu cổ, đình Bình An (1700), chùa Pháp Võ (1753), chùa Phước An (1762), miếu Hải Tân (1832), chùa Cổ Thạch (1840), chùa Thanh Vân (1844), miếu Long Hương (1897)... Đậm nét huyền bí hơn trong tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển La Gàn, Phan Rí Cửa có vạn Cá Mai / Lăng Ông (1908), vạn hội Lưới Năm, vạn Tả Tân (1819)… Một số đình vạn lập thêm gian thờ Tiền hiền, Hậu hiền và nhà Thanh minh thờ hương linh những người có công trong quá trình mở đất lập làng hoặc không có thân nhân thờ cúng. Phan Thiết từ giữa thế kỷ XIX đã trở thành trung tâm đô hội của tỉnh Bình Thuận, các làng chài ven cửa biển sông Cái (Phố Hài), Mường Mán (Cà Ty) dân cư đông đúc và đều xây dựng đình làng. Đặc biệt vạn Thủy Tú (Đức Thắng) với qui mô vừa là đình làng vừa là đền thờ thần Nam Hải đã được xây dựng từ năm Nhâm Ngọ 1762 trước khi có đình làng Đức Thắng (1847). 



Dưới triều Nguyễn đã ban cho vạn Thủy Tú 24 điệu sắc thần và được coi là một di sản văn hóa được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia. Tại đây còn lưu giữ một bộ xương Cá Ông lớn nhất nước có niên đại khoảng 200 năm. Ở phía nam tỉnh Bình Thuận, số dinh vạn mọc dầy hơn theo làng chài từ Quán Thùng (Tiến Thành, Phan Thiết) có vạn Vân Phong (Kê Gà), Hiệp Thành, Tân Phú, Tân Long, Phước Lộc (La Gi), Thắng Hải (Hàm Tân)… 


                                                Vạn Thủy Tú

Với Vạn Phước Lộc (La Gi) còn là một Đình làng, được công nhận Đình - Vạn, xếp hạng di tích quốc gia từ năm 2012 dù cơ sở kiến trúc chỉ là tôn tạo sau này. Nghiên cứu văn hóa của người Chăm, có một đời sống xã hội tiếp cận với nghề biển khá sớm. Từ xuất xứ những chiếc prau/ghe bầu, nghề chế biển hải sản người Chăm có nhiều kinh nghiệm nhưng do sự biến động thời cuộc, cư dân Chăm dạt dần vào đất liền và có một bộ phận hòa nhập với người miền núi Raglai, K’ho… 



Theo sách Việt sử: Xứ Đàng Trong, viết “Sau khi đất Chiêm thành ở các tỉnh Phú Yên ngày nay trở vào Nam bị các chúa Nguyễn lần lượt đánh chiếm thì một số người Chiêm cũng chạy lên núi ở phía Tây, sống với người Mọi…” của Phan Khoang, Nxb Khoa học xã hội 2016. Tuy vậy một số đền, miếu vẫn còn lưu lại nguồn gốc bản địa qua truyền thuyết Mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar-Thánh mẫu của người Chăm và với cộng đồng người Việt thì trở thành Thiên Y A Na - Bà Chúa Ngọc có tác động đến đời sống văn hóa tâm linh miền biển này. Ở đảo Phú Quý, đền thờ Công chúa Bàn Tranh (thế kỷ XV), đền thờ thầy Sài Nại hay Hòn Bà (La Gi) biểu tượng của sự linh hiển, chỗ dựa tinh thần cho ngư dân trong hoàn cảnh hiểm nguy… 


                    
   

                     Hòn Bà (La Gi), đường lên đền thờ  Thiên Y A Na - Bà Chúa Ngọc

Người Hoa bỏ xứ ra đi vì loạn lạc, sống đời lưu vong trên đất Việt cũng mang đến nhiều màu sắc tín ngưỡng cố xứ nhưng lâu dần đã biến đổi để phù hợp với văn hóa bản địa. Chùa Bà Đức Sanh (Phan Thiết), chùa Bà Thiên Hậu (Bắc Bình), không chỉ là lòng nhân của “Thông hiển linh nữ”, là Thần biển hay chùa Ông - Quan Đế Miếu, là trung tâm tín ngưỡng của người Hoa ở Phan Thiết, trong bố trí lễ thức thờ cúng cũng có một phần hướng sự ứng nghiệm dành cho người dân vùng biển.



Từ tín ngưỡng dân gian về thần linh biển, liên hệ sự tích Dinh Thầy Thím ở La Gi qua câu chuyện của một đạo sĩ quê Quảng Nam là người giàu lòng nhân ái, pháp thuật thâm sâu đã hóa phép dời ngôi đình làng bên thay cho ngôi đình làng nghèo khó quê mình. Bị Vua xử án phạt “tam ban triều điển”, thầy chọn án tự thắt cổ bằng tấm lụa điều biến thành rồng, cùng vợ bay về phía Nam và hạ xuống làng Tam Tân ẩn dật trong rừng sâu. Từ đó thầy làm nhiều việc thiện, cứu giúp dân nghèo, ốm đau và đặc biệt thầy dùng phép “sái đậu thành binh” đóng ghe cho ngư dân ra khơi chài lưới. Cho nên vừa là Dinh mà cũng vừa là Đình vì dân làng xưa nay vẫn thờ phụng thầy Thím và Thành hoàng, nhớ ơn Tiền hiền, Hậu hiền có công lập làng, mở đất. Nhiều người vẫn thắc mắc tại sao lại gọi là thầy Thím/ Thiếm? Thông thường Thím là vợ của người Chú (em trai của cha), còn nếu là vợ của thầy phải gọi là cô! Trong tập sách “Tục thờ cúng của Ngư phủ Khánh Hòa” của Lê Quang Nghiêm - có đề cập cách xưng hô “thầy Thím” như sau: “Cách đây 80 năm tại nam tỉnh Khánh Hòa từ mũi cầu Hin (?) đến vịnh Cam Ranh, có hai vợ chồng Pháp sư Chàm rất giỏi bùa phép. Chồng tên Cao, vợ Hồ Thị Mây, ngư dân vùng này gọi hai ông bà Pháp sư là “thầy Thiếm”. Trong mùa cá, họ thường nhờ thầy Thiếm cúng Gàng để cầu xin cho được mùa”…(2). Cũng có nhiều nghiên cứu về miền duyên hải Nam Trung bộ có những người làm nghề thầy cúng (Pháp sư) đọc chú dùng tiếng Chàm để cầu an cho gia chủ, ấn phù ghe thuyền cho thấy ảnh hưởng về văn hóa tâm linh từ người Chăm đối với vùng biển của cộng đồng Việt sau này. 


 


     Lễ hội Dinh Thầy Thím ở La Gi vào rằm tháng 9 âm lịch hàng năm. Ảnh: Đình Hòa

Lễ hội Dinh Thầy Thím ở La Gi vào rằm tháng 9 âm lịch hàng năm, nghi thức cúng lịch y vẫn nhắc đến mối nhân huệ của thầy Thím đối với dân làng biển Tam Tân và tái hiện tích xưa cổ lệ qua bài hò bả trạo của ngư dân miền Trung… Tín ngưỡng dân gian là nhu cầu tâm linh của một bộ phận trong xã hội, có ảnh hưởng không ít đến nghĩa cử hướng thiện, gắn kết với cộng đồng. Nhưng vẫn không tránh khỏi những biến tướng, tiêu cực trong  biện pháp tổ chức, hình thức lễ hội, cúng tế… Trong sự nghiệp phát triển văn hóa truyền thống địa phương đã trải qua quá trình chắt lọc, dung hợp, kế thừa và phát huy được giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc làm phong phú thêm sắc màu văn hóa của Bình Thuận ngày nay.  

                                                                                       Phan Chính

*
(1) Tạ Chí Đại Trường (quê Bình Định), ông từng làm việc tại Bệnh viện Đoàn Mạnh Hoạch (Phan Thiết), là Tiến sĩ sử học, tác giả nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử - Giải thưởng Văn chương toàn quốc 1970 (VNCH), giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh 2014. Ông mất năm 2016. 
(2) Tập sách biên khảo này được giải nhất của Trung tâm Văn bút Việt Nam - 1969, thời VNCH - Về địa lý phía Nam Khánh Hòa liên quan đến phần đất Bình Thuận. Họ tên (Cao, Mây) có thể là người Việt lai Chàm.

Không có nhận xét nào: