BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Hữu Thăng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Hữu Thăng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN – Lê Hữu Thăng


            
                             Thầy Lê Hữu Thăng


TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 
                                                                                  
Dù ngôi trường ngày nay không còn tồn tại về mặt vật chất, nhưng tên tuổi của trường vẫn lưu truyền mãi mãi trong con tim của người dân Quảng Trị - nhất là trong lòng những thế hệ học sinh của ngôi trường được vinh dự mang tên Chúa Tiên. Xin tạ ơn quý vị thân hào nhân sĩ, quý vị phụ huynh học sinh của thập niên 1950 đã có tầm nhìn xa trông rộng, góp nhiều công sức xây dựng nên trường Trung học Nguyễn Hoàng. Xin tạ ơn quý thầy cô giáo đã hy sinh, tận tụy khai sáng trí tuệ, truyền đạt tư tưởng một nền giáo dục “nhân bản, dân tộc và khai phóng” để hàng chục thế hệ học sinh của trường Nguyễn Hoàng được thành danh, thành người hôm nay.
Vừa thoát khỏi ách đô hộ 80 năm của thực dân Pháp, một nạn đói kinh hoàng xảy ra vào cuối năm 1944 đến tháng 5-1945 trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị trở ra khắp vùng Bắc Bộ, đã giết chết hàng trăm ngàn người dân nước Việt. Xác người chết đói nằm rải rác trên các cánh đồng, trên những nẻo đường thị xã. Tiếp theo là những năm tháng chiến tranh khốc liệt đã hủy diệt môi trường sinh sống, đồng ruộng bỏ hoang, cơ sở cộng đồng, trường học bị bom đạn tàn phá. Trong hoàn cảnh ấy, tháng 9-1952, tiếng trống khai giảng trường Trung học Quảng Trị - tiền thân trường Trung học Nguyễn Hoàng đã vang lên như một giấc mơ huyền thoại của thế kỷ, như một tia sáng nhiệm màu soi đường cho tương lai tuổi trẻ Quảng Trị. Một ngày hội tưng bừng của phụ huynh học sinh và của cả cư dân trong tỉnh.

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

NHÓM THẦY GIÁO TRƯỜNG NGUYỄN HOÀNG VÀ HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC (1972 – 1975) – Lê Hữu Thăng


            
                                 Thầy cô Lê Hữu Thăng


NHÓM THẦY GIÁO TRƯỜNG NGUYỄN HOÀNG VÀ HIỀN LƯƠNG NGHĨA THỤC (1972 – 1975)
                                                                            Lê Hữu Thăng
           
Hiệp định Geneve năm 1954, sông Hiền Lương chia đôi đất nước để một số bà con quận Vĩnh Linh rời bỏ quê hương lánh nạn. Vết thương chưa hàn gắn được, nỗi đau xót chưa nguôi phai rồi mười tám năm sau, năm 1973, hiệp định Paris lại chia đất mẹ Quảng Trị thêm một lần nữa. Sông Thạch Hãn cùng với sông Hiền Lương đi vào những trang sử bi thảm của dân tộc, hòa với những nỗi khổ đau nghiệt ngã của người dân Quảng Trị. Trận chiến mùa hè năm 1972, hơn ba trăm ngàn người dân Quảng Trị phải di tản trong những tình huống vô cùng gian lao, nguy khốn để đến và tạm cư tại Đà Nẵng.
Những căn cứ, doanh trại của quân đội Mỹ ở Đà Nẵng được tổ chức thành 32 Trại tạm cư, chia làm 2 khu vực tả ngạn và hữu ngạn của sông Hàn (khu Non Nước và khu Hòa Khánh). Chỉ một tuần lễ sau, người dân đã có nếp sống tương đối ổn định, phối trí chỗ ở, trợ cấp thực phẩm (mỗi ngày 500g gạo/người), nước uống… chương trình giọt sữa cho trẻ con và bánh mì buổi sáng cho người lớn. Tuy nhiên, còn một vấn đề mà chính quyền chưa giải quyết được: việc học hành cho học sinh.