BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ CHUYẾN KINH LÝ CỦA VUA BẢO ĐẠI ĐẾN BÌNH THUẬN - Lê Huân


                               Bảo Đại thăm ngôi chùa trong dinh Tuần vũ Bình Thuận


CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ CHUYẾN KINH LÝ CỦA VUA BẢO ĐẠI ĐẾN BÌNH THUẬN
                                                                                          Lê Huân

HOÀNG ĐẾ ĐẠI NAM

Năm 1925 vua Khải Định mất, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy khi mới 12 tuổi từ Pháp về nước thọ tang cha rồi được tôn lên kế vị hoàng đế, lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập. Sau 10 năm học tại Pháp, tháng 9 năm 1932, Bảo Đại về nước, ra đạo dụ số 1 tuyên cáo tự chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ Đại Nam Hoàng Triều. Sau khi chấp chính, Bảo Đại đã cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính, cải tổ nội các và sắc phong thêm 5 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính nhằm thay thế các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực. Đồng thời vua đã thực hiện kinh lý các tỉnh từ Bắc vào Nam.

TUẦN DU PHƯƠNG NAM

Ngày 13 tháng giêng năm Quý Dậu (năm Bảo Đại thứ 8), tức ngày 7/2/1933, Ngự tiền Văn phòng triều đình Huế ra dụ: “Tuần hạnh là không phải đi chơi, chính là đi xem xét. Trẫm lên nối ngôi cao… Nay nhân tiết xuân, khí trời ấm áp, định đến hạ tuần tháng này đi vào các tỉnh đạo Gia Lai, Kontum, Ban Mê Thuột, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai Thượng. Hành trình nhật ký sẽ do Cơ mật thương đồng quy tòa lục ra cho biết. Giá hạnh đến đâu, thời trú tất tại Hành cung hay Đạo lỵ cho quan viên địa phương và thân sĩ chiêm yết, để cho trên dưới thỏa tình. Còn việc nghinh tiếp, nên theo ý trẫm, làm cho giản tiện, chớ nên phiền dân”.

Các quan đại thần hộ giá gồm: Nguyễn Hữu Bài, Viện trưởng Viện cơ mật; Thượng thư Ngự tiền Phạm Quỳnh và các quan tùy tùng, hộ vệ. Ngoài ra còn có Khâm sứ Trung kỳ Châtel và các quan Pháp tùng giá. Đoàn xa giá gồm 10 xe, trong đó có 2 xe chở đồ ngự dụng và hành lý thường đi trước đạo Ngự chừng một vài giờ.

Một tuần sau, ngày 20 tháng giêng (14/2/1933), lễ xuất phát tại kinh thành Huế: “Sáng 8 giờ 15 phút, Ngài ngự ra ngồi tại điện Cần Chánh, quan Hộ giá đại thần và quan Lưu kinh đại thần làm lễ bái mạng, vái ba vái, rồi ông Hoàng thân và các quan đại thần Cơ mật, Tôn nhân, với văn võ đình thần đều mặc nhung phục vào chầu thỉnh an và tống giá. 8 giờ rưỡi quan Khâm sứ qua chầu. Ngài ngự ra cửa Đại Cung Môn lên xe khải loan. Trên kỳ đài bắn bảy phát lịnh. Các quan tùng giá theo thứ tự đã sắp đặt đều lên xe đi theo. Buổi mai ấy tạnh ráo, không nắng không mưa, khí trời ấm áp, dễ chịu”.

Toàn bộ chuyến tuần du phương Nam của hoàng đế Bảo Đại và tùy tùng đã được quan Cơ mật thương đồng quý tòa ghi chép tường thuật chi tiết qua bài “Ngự giá Nam tuần hành trình ký” ký tên Song Cử in trên Nam Phong tạp chí phát hành năm 1933.

 ĐẾN BÌNH THUẬN

Trải qua 6 ngày thăm các tỉnh đạo Gia Lai, Kontum, Ban Mê Thuột, Khánh Hòa, Ninh Thuận, khoảng 1 giờ chiều ngày 20/2/1933 vua đến địa đầu Bình Thuận. Tại Cà Ná, quan Sứ Auger và quan Tuần phủ Bình Thuận Ngô Đình Diệm chực nghinh giá. 3 giờ vua đến Long Hương, quan huyện Tuy Phong đón tiếp và tổ chức người dân múa hát cho vua xem. Sau đó đoàn tiếp tục đi Phan Thiết.

Trong bài “Ngự giá Nam tuần hành trình ký”, Song Cử thuật lại: “5 giờ 30 phút đến Phan Thiết. Khi đi dọc đàng đến địa phận Bình Thuận thấy cờ Long tinh cắm cả hai bên đàng cái. Đến tỉnh thân hào sĩ nữ đứng chực cung nghinh tỏ ý nhiệt thành lắm. Khi đó ngài truyền hạ mui xe ngự xuống để cho thiên hạ cung chiêm. Đến cửa Hành cung (tỉnh đường), có phường nhạc người Nam kỳ đánh bài Đăng đàn cà bài Quốc ca chào. Ngài ngự và quan khâm sứ đứng trên xe đợi cho hết bản rồi mới vào Hành cung”.

BẢO ĐẠI THĂM HỘI QUÁN NGƯỜI HOA Ở PHAN THIẾT

Tại tỉnh đường, quan Tuần vũ và quan Sứ Bình Thuận làm lễ   nghinh giá rất trọng thể. Sau khi đáp từ xong, nhìn ra ngoài thấy rất nhiều thân hào, trí thức, Hoa kiều đứng chầu ngoài sân, Bảo Đại đã đi bộ ra sân gặp gỡ mọi người. Sau đó ngài đến tòa sứ ngự thiện (ăn tối), rồi ra bờ sông Cà Ty xem các tiết mục biểu diễn múa đèn theo tiếng nhạc và múa lân, múa rồng rất khéo léo của người dân Phan Thiết. Vua đã dùng xe ngự bộ đi dọc bờ sông Cà Ty xem các chiếc thuyền hoa đăng trên sông được người dân trang trí rất đẹp đón tiếp nhà vua.

                                        Bảo Đại thăm Hội quán người Hoa Phan Thiết.

THĂM BIA ĐÀI

Sáng hôm sau (21/2) nhà vua xuất giá đi kinh lý các nơi ở Phan Thiết. Đầu tiên vua đi dự lễ lạc thành nhà bia ghi công những nhà hảo tâm đóng góp cho hội “Như Tây Du học hội” (Bia Đài) ở làng Tú Luông nằm trên đường cái quan Nam Bắc (đường 1). Dọc đường vua đi, hai bên phố phường, nhà nào cũng có bày bàn bái hạ. “Khi xe ngự đi qua ở các lư hương trên bái hạ, khói lên nghi ngút, trầm thơm ngạt ngào… Giữa khí trời nắng đang nóng, mà thiên hạ chen nhau đứng đợi cung chiêm đông lắm”. Đại diện cho hội viên “Như Tây Du học hội” ông Phan Quang Hướng đọc lời chúc, trong đó có đoạn “Nay hoàng thượng ngự giá đến chỗ dựng bia này trước hết, mặt trời soi đến, rạng vẻ hào quang… thật là rực rỡ muôn phần, xưa nay tỉnh này chưa có. Dân chúng tôi như cỏ mây gặp mùa xuân, xin bắt chước người đời xưa đem câu tam chúc mà dâng hoàng thượng”.

Sau đó Bảo Đại đến thăm “Hội Đồng nghiệp nước mắm”. Hội này lập ra từ năm 1926 tập hợp các nhà hàm hộ làm nước mắm cả người Pháp và người Nam tại Bình Thuận. “Khi giá đến, viên hội trưởng cung nghinh và đọc tờ chúc đại ý bày tỏ tình hình của hội, rồi cung đạo Ngài dự lãm cách làm nước mắm cho đế các vô hũ (tỉn) gởi đi bán các nơi”, Song Cử viết.

 THĂM TRƯỜNG PHÁP VIỆT

9 giờ 30 phút, Bảo Đại đến thăm Trường tiểu học Pháp Việt Phan Thiết. Vì vua muốn thưởng lãm lớp học nên trước đó các quan đã thông báo cho học sinh ở lại trong lớp chứ không ra ngoài   nghinh đón. Khi vua vào thăm, 1 học sinh đại diện cho học sinh Bình Thuận đọc tờ chúc “Muôn tâu hoàng đế. Hôm nay mong ân thánh giá giá lâm, thiệt là một hạnh phúc rất lớn cho trường Phan Thiết và cho con dân thiếu niên chúng tôi. Trong lịch sử các trường nhỏ nhen này, sẽ có thêm được một trường rực rỡ từ xưa đến nay chưa từng có. Vậy chúng tôi xin đại diện cả thiếu niên tỉnh Bình Thuận để kính chúc hoàng thượng thọ tỷ Nam sơn, phước như Đông hải, và xin nguyện rằng đương lúc thanh xuân này, cố công rèn tập để ngày sau trưởng thành trở nên người dân trung thành với thánh chúa. Muôn chúc Bảo Đại hoàng đế vạn tuế!”.

 THĂM TỨ BANG NGƯỜI HOA

Sau khi thăm trường học, vua đến Nghĩa từ của tứ bang người Hoa. Các bang trưởng mặc áo lễ phục dài ra cung nghinh. Sau khi vua đã an tọa xem các tiết mục múa hát chúc tụng của học sinh người Hoa. Rồi các bang trưởng là đại biểu Hoa kiều ở Nam kỳ ra, lần lượt kéo nhau ra sắp hàng đứng trước Ngự tọa làm lễ tam khấu. Sau đó vua đi thăm trường học của người Hoa và xem triển lãm các sản phẩm thủ công, đồ thêu, dệt, vẽ… của học sinh người Hoa làm. Sau đó hoàng đế đi thăm Bệnh viện Phan Thiết. Bác sĩ Terrisse Giám đốc Bệnh viện nghinh giá và đưa vua đi tham quan bệnh viện.

Đến trưa vua về lại dinh Tuần vũ ngự thiện (ăn trưa) và nghỉ ngơi. Đến chiều khoảng 2 giờ khải giá đi Đồng Nai Thượng.

Sau năm Quý Dậu ấy đúng 1 giáp (12 năm), vào năm Ất Dậu 1945, Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đã trở thành “cựu hoàng” trong cuộc thoái vị lịch sử.

                                                                                              Lê Huân

Nguồn:
http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/chuyen-it-biet-ve-chuyen-kinh-ly-cua-vua-bao-dai-den-binh-thuan-126894.html

Không có nhận xét nào: