Tác
giả Đặng Xuân Xuyến
NGƯỜI
ĐÀN ÔNG BẤT LỰC
(Trích
trong ĐIỀM YẾU CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG HIỆN ĐẠI của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản
Văn hóa - Thông tin ; 2006 )
David Reuben, bác sỹ tâm lý ở California đã viết: “Hơn
bất cứ sự cố gắng nào khác của con người, tình dục ở nam giới là một trò chơi của
sự tự tin.”. Hay hiểu nôm na thì “chất lượng” của hoạt động tình dục là “chứng
chỉ” về sức mạnh của người đàn ông. Vì thế mà không ít đấng mày râu luôn trăn
trở một câu hỏi: Làm thế nào để chứng tỏ được nam tính của mình khi cuộc sống
hiện đại với vòng quay hối hả, gấp gáp, với những cạnh tranh, toan tính.... đã
làm không ít người đàn ông luôn trong tình trạng bị stress, dẫn đến những rối
loạn trong hoạt động tình dục, mà trong số đó là sự rối loạn về sự cương dương,
tức bất lực trong quan hệ vợ chồng.
Là sự rối loạn cương dương, khiến người đàn ông khó đạt
được sự cương cứng hoặc mất (một phần hoặc hoàn toàn) khả năng duy trì dương vật
trong trạng thái cương cứng để có thể tiến hành hoạt động tình dục bình thường.
Qua các cuộc thăm dò dư luận và những nghiên cứu của
các nhà khoa học tình dục trên thế giới, người ta đưa ra kết luận: “Gần 40% đàn
ông luôn ám ảnh sợ bất lực trong quan hệ vợ chồng. Trong các cuộc tào lao, tán
gẫu của các đấng mày râu, “chuyện ấy” được đưa ra bàn luận nhiều nhất, và thành
tích được phóng đại lên gấp nhiều lần. Người đàn ông có thể chấp nhận bị người
khác chê cười vì yếu kém trong công việc, chậm hiểu trong tiếp thu nhưng họ
không chấp nhận bị người khác chê cười về khả năng “truyền giống” của mình. Tố
chất của người đàn ông, theo họ quan trọng là phải mạnh mẽ về “chuyện ấy”, nếu
không thì khác gì chú gà tồ công nghiệp.
Các nhà khoa học tình dục khẳng định: Bất kỳ người đàn
ông nào cũng có thể lâm vào tình trạng khó khăn trong quan hệ tình dục. Một số
gặp phải lúc còn trẻ, một số gặp phải khi ở tuổi tứ tuần, còn số khác thì có
khi cả đời. Nguyên nhân chính dẫn đến sự “trục trặc” trong đa số các trường hợp
là do “rối loạn” trong hệ xung động thần kinh, xuất phát từ bộ não, được gọi là
vấn đề về chức năng hay gọi nôm na là “rối loạn tình dục”.
Căng thẳng, bồn chồn và thiếu tự tin vào sức mạnh “đàn
ông” của chính mình khi “xung trận” là kẻ thù số một tạo nên chứng bệnh rối loạn
tình dục ở đấng mày râu. Bên cạnh đó, sự chai lỳ trong cảm xúc, sự rạn nứt
trong tình cảm vợ chồng cũng là nguyên nhân dẫn đến chuyện “trên bảo dưới không
nghe” của người đàn ông. Một ví dụ được dẫn chứng dưới đây sẽ minh chứng cho lời
kết luận vừa rồi.
Đức Minh, một chàng trai hoàn toàn khỏe mạnh. Anh yêu
Hoa Vinh và cưới nàng từ một tình yêu chân thật. Ban đầu, Đức Minh nghĩ chỉ yêu
cho đời thêm hương vị nhưng rồi anh đã bị Hoa Vinh chinh phục. Từ quen biết đến
hôn nhân chỉ một quãng thời gian rất ngắn, họ chưa có điều kiện để thật sự hiểu
về nhau nên cuộc sống gia đình sớm rạn nứt.
Ban đầu, Đức Minh nghĩ, sống với nhau những khiếm khuyết
của hai người sẽ được khắc phục và anh tin sự ràng buộc của “tình chồng nghĩa vợ”
chắc hẳn cuộc hôn nhân sẽ không đổ vỡ. Nhưng cuộc đời biết bao điều bất ngờ,
Hoa Vinh còn quá trẻ, trong khi tuổi tác của Đức Minh sắp bước vào tuổi tứ tuần
nên hai người không thể có tiếng nói chung về sở thích, nhu cầu và bao điều
khác.
Vốn dĩ là cô gái hư hỏng, ham vui trong các cuộc chơi
tình ái nên nhu cầu “chuyện ấy” của Hoa Vinh khác hẳn mọi người. Dù mới lấy chồng,
được chồng nâng niu chiều chuộng nhưng Hoa Vinh vẫn “rong ruổi” cùng dăm bảy
tình nhân trong các cuộc chơi thác loạn. Tiếng xấu về Hoa Vinh trước và sau
ngày cưới đến tai Đức Minh ngày thêm nhiều, khiến anh không thể yêu Hoa Vinh được
nữa.
Trong một lần quan hệ, Đức Minh không thể làm được,
Hoa Vinh nhìn anh như nhìn kẻ xa lạ. Dướn đôi mắt mỏng như sợi chỉ, Hoa Vinh
buông lời giễu cợt: “Đức Minh à! Anh có phải là thằng đàn ông không đấy? Anh bị
pêdê à?” Đức Minh cảm thấy mình bị xúc phạm. Anh hận Hoa Vinh. Anh căm thù cuộc
hôn nhân không xứng tầm mà anh đã ngu muội để thiên hạ xỏ mũi dắt vào. Một thằng
đàn ông tài hoa, tử tế như anh mà lấy phải người vợ nhem nhuốc về nhân cách đã
là sự trả giá không đáng có, giờ lại phải nghe những lời hỗn hào của Hoa Vinh
làm anh suy sụp.
Bẵng đi chừng sáu tháng, trong một lần bị ma men quấy
nhiễu, anh đã nghe bạn xấu tìm đến chốn đèn mờ. Trước lúc “xung trận”, anh rất
tin tưởng vào sức mạnh nam nhi của mình nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt bì bì,
câng câng và đôi mắt ti hí hệt giống mắt Hoa Vinh, Đức Minh phát hoảng.... Tiếng
cười khinh bỉ, nhạo báng của gái lầu xanh như nhát dao cắm ngập vào tim. Minh cắm
đầu chạy trốn. Minh đau đớn tin rằng anh là kẻ có “vấn đề rất nặng về sinh lý”
nên đã về nhà nằng nặc làm đơn ly dị vợ.
Chúng tôi xin trích dẫn thêm một trường hợp dưới đây để
bạn đọc tham khảo, lưu ý rằng: Một trong những nguyên nhân phá vỡ chức năng
tình dục của đàn ông còn do tính khiếm nhã, bất lịch sự của bạn tình.
Phương Gia, 34 tuổi, than phiền với bác sỹ tâm lý về
chứng “trên bảo dưới không nghe” của mình. Trước năm 26 tuổi, anh không có vấn
đề gì về tình dục. Năm 26 tuổi, lần đầu anh quan hệ với phụ nữ và người bạn
tình đó không hài lòng về khả năng “chinh chiến” của anh... Vào một buổi sáng,
khi cô gái nằng nặc đòi “chuyện ấy”, vì mệt nên anh không thể đáp ứng được, cô
gái liền mắng anh là đồ đàn ông mặc váy... Anh hốt hoảng, bắt đầu tìm đọc những
cuốn sách y học về giới tính và tình dục. Trong mười năm qua, anh có “gần” hai
phụ nữ và những lần quan hệ ấy anh chẳng làm được “cơm cháo” gì... Bác sỹ đã trấn
an, cam đoan “chuyện ấy” của anh hoàn toàn bình thường và giải thích những trường
hợp như anh là hiếm thấy trong cuộc sống tình dục đối với lứa tuổi này.
Bác sỹ chỉ ra nguyên nhân thất bại của Phương Gia
chính là tình trạng về tâm lý thần kinh: Mỗi lần thất bại khi quan hệ vợ chồng,
sự lo âu và suy sụp tinh thần của người đàn ông lại tăng thêm, điều này sẽ dẫn
đến thất bại cho lần sau. Khi người đàn ông tin rằng họ bị bệnh thì nỗi sợ hãi
về tính nam (tính đực) của mình càng tăng lên, khả năng tình dục vì thế càng trở
nên kém cỏi. Họ sợ hãi thời khắc sẽ bị bạn tình chế nhạo, và trong thâm tâm cảm
thấy lòng tự trọng của người đàn ông bị tổn thương, họ run run không tin vào khả
năng hoàn thành nhiệm vụ “truyền giống” của mình. Lúc đó, sẽ xuất hiện một nghịch
lý: Khi người đàn ông càng ham muốn “chiếm đoạt” bằng được bạn tình thì càng có
nhiều khả năng trong khoảnh khắc quan trọng nhất họ lại không thể làm tròn “bổn
phận” của người đàn ông.
Chúng ta đọc lại quan điểm của bác sỹ Hồ Đắc Duy (Thái
độ của vợ đối với chồng bị bất lực) để hiểu rõ hơn về những nguyên nhân bất lực
trong chuyện “chăn gối” của người đàn ông:
“- Y học đã khám phá 75% bệnh nhân bị liệt dương đều
có một nguyên nhân thực thể như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, xương khớp, do
stress, lão hóa, rượu, thuốc lá hay thuốc men...
- Nguyên nhân tâm lý thuần túy chỉ chiếm 25%. Tuy
nhiên vấn đề tâm lý luôn là yếu tố quan trọng trong tất cả mọi nguyên nhân gây
ra tình trạng bất lực tạm thời hay bất lực tuyệt đối. Thực tế cho thấy trong mọi
nguyên nhân bất lực luôn luôn có đi kèm nguyên nhân tâm lý.”
Đi tìm căn nguyên sự bất lực của người đàn ông trong
sinh hoạt vợ chồng, các nhà khoa học tình dục còn liệt kê một loạt nguyên nhân
khác:
- Anh ta từng thất bại trong chuyện ân ái nên lo sợ sẽ
tái diễn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.
- Anh ta e ngại sẽ không làm cho vợ đạt tới cực khoái.
- Anh ta quá mệt mỏi vì công việc, vì stress trong cuộc
sống nên không còn hứng thú với chuyện “vợ chồng”.
- Anh ta thất vọng về cách ứng xử hoặc khiếm khuyết về
hình thức của bạn tình.
- Anh ta mặc cảm về những lỗi lầm trong quá khứ, về những
khiếm khuyết trên cơ thể mình...
Tóm lại, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất
lực của người đàn ông trong “chuyện vợ chồng”. Để “khôi phục” sức mạnh đàn ông
không phải một sớm một chiều mà là cả một thời gian dài, với sự phối hợp tận
tình, bền bỉ của người vợ, bạn tình.
Bàn về thái độ của người vợ đối với chồng bị bất lực,
bác sỹ Hồ Đắc Duy viết: “Chia xẻ ước muốn tình dục với người hôn phối của mình
là chuyện tự nhiên, cũng là sự tôn trọng lẫn nhau. Trao đổi để biết bạn tình của
mình muốn hay không muốn điều gì trong quan hệ tình dục, còn hơn là thái độ chịu
đựng lẫn nhau để dần dần xa lánh vì hiểu lầm, định kiến hay bất đồng quan niệm
trong vấn đề chăn gối.”
Các chuyên gia còn khẳng định: Trong số 100 người bị
liệt dương, trên thực tế có đến 99 người hoàn toàn khỏe mạnh. Nguyên nhân đẫn đến
sự “trục trặc” là vì lo sợ thất bại và không thú thật với bạn tình về sự căng
thẳng xuất hiện trước khi “vào trận”, hoặc quá đơn điệu trong mỗi lần “sinh hoạt”
vợ chồng, dẫn đến sự nhàm chán, từ đấy nảy sinh sự cáu bẳn, miễn cưỡng của người
“lâm trận”, gây nên chứng rối loạn tình dục (bất lực) ở người đàn ông.
Bên cạnh sự bất lực thông thường (dương vật không thể
cương cứng khi sinh hoạt vợ chồng) thì bệnh xuất tinh sớm (là hiện tượng phóng
tinh ở dương vật trước khi đưa vào âm đạo hoặc vừa đưa vào trong thời gian ngắn)
cũng làm khổ không ít đấng mày râu trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. Những
người mắc chứng xuất tinh sớm dù dùng kỹ thuật nào cũng không thể thực hiện được
một cuộc sinh hoạt tình dục đến đích, làm cho cả hai không được thỏa mãn tình dục..
Xin trích dẫn hai câu chuyện về sự “bất lực nửa vời”
trong “chuyện ấy” của người đàn ông đã ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình như thế
nào?
Trung Hiếu là một doanh nghiệp trẻ, thành đạt. Anh cưới
vợ khi tuổi gần 40 nên rất yêu chiều vợ. Nhìn vào anh, không ít thiếu nữ mơ ước
sau này đức lang quân của mình được như vậy. Trong những cuộc chuyện trò, họ
thường ca ngợi Kiều Trang là người may mắn, hạnh phúc vì lấy được ông chồng đẹp
trai, tài giỏi, lại hết mực yêu chiều vợ. Họ đinh ninh rằng, đôi vợ chồng Trung
Hiếu - Kiều Trang sẽ hạnh phúc viên mãn nhưng họ không thể ngờ sau một năm, đôi
“trai tài gái sắc” ấy lại đưa nhau ra tòa với lý do không hợp nhau trong cuộc sống.
Tất cả mọi người đều trách Kiều Trang là “lú lẫn”, “có voi đòi tiên”... Họ đâu
biết rằng, Trung Hiếu “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền”. Dù cố gắng rất nhiều,
trấn an và động viên nhau rất nhiều nhưng chàng Hiếu vẫn “không chịu tiến bộ”.
Rốt cuộc Kiều Trang buộc nói lời chia tay, chấp nhận lời thị phi, chê trách của
mọi người.
Mạnh Hùng cũng vậy. Anh là người đàn ông đầy sung mãn
về sức lực nhưng trong chuyện “vợ chồng” anh lại là kẻ “thiếu vốn trầm trọng”.
Mỗi lần hưng phấn, anh không làm chủ được mình nên tất cả mọi “yêu thương” anh
không thể làm cho vợ toại nguyện. Dù rất yêu chồng nhưng Hoài Thu cũng không thể
kéo dài cuộc sống gia đình với Mạnh Hùng. Ban đầu, Thu cố trấn an Hùng, động
viên và mua sách báo về cho chồng tham khảo nhưng Hùng vẫn “vung vãi vốn liếng
khi chưa vào đến chợ”. Cô thất vọng, buồn bực rồi luôn bẳn gắt với chồng. Cô
càng ngày càng đau khổ và chán ghét cuộc sống vợ chồng. Một bận, cơ quan Thu tổ
chức đi du lịch, tình cờ Thu gặp lại người bạn trai thời đại học.... Người vừa
bỏ vợ, kẻ đang chán chồng, chỉ sau một hồi hàn huyên về kỷ niệm thời sinh viên,
họ đã quấn quýt lấy nhau như là định mệnh. Sau chuyến du lịch đó, Thu làm đơn
ly dị.
Bên cạnh các nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn tình dục
nêu trên, một nguyên nhân nữa dẫn đến sự bất lực “chuyện ấy” của cánh mày râu
là sự thay đổi kích thích tố nam và kích thích tố nữ trong cơ thể người đàn
ông. Các bác sỹ chỉ ra rằng: Khi người đàn ông bước vào ngưỡng tuổi 40 - 45, sự
thay đổi về tâm sinh lý sẽ làm không ít người đàn ông “mạnh mẽ” phải giật mình
lo sợ vì khả năng “chuyện ấy” của mình bị suy giảm trầm trọng.
Trong những nguyên nhân dẫn đến chứng bất lực của người
đàn ông, các nhà tâm lý tình dục cũng liệt kê tới thủ phạm là rượu, thuốc lá và
các loại chất kích thích khác như café, trà... Thậm chí, quá khứ từ người hôn
phối cũng tác động làm cho “chuyện ấy” của người đàn ông trở nên có “vấn đề”.
Câu chuyện trục trặc về “chuyện ấy” của Khôi Nguyên là
một ví dụ cho nguyên nhân mới nghe qua tưởng rất buồn cười này.
Khôi nguyên dọn đến ở chung với Lệ Quyên, bất chấp sự
phản đối quyết liệt của gia đình. Vì tình yêu, anh chấp nhận tất cả, miễn sao
được sống cùng người anh yêu. Khi Lệ Quyên có thai, anh rất vui vì tình yêu của
anh đã đơm trái ngọt, nhưng thật buồn, vì không chịu được cuộc sống thiếu thốn,
vất vả, Lệ Quyên đã bỏ anh theo người đàn ông khác. Anh đau khổ, mất niềm tin
vào tình yêu từ đấy.
Năm tháng trôi đi, đến cái tuổi mà anh không thể “lừng
khừng” chuyện hôn nhân được nữa, vết thương lòng cũng đã nguôi ngoai, anh mới tạm
gác chuyện làm giàu để tìm người đắp xây hạnh phúc. Qua mai mối, anh lên “xe
hoa” với người phụ nữ kém anh mười tuổi. Trước ngày cưới, anh nhận được vô khối
lời “nhỏ to” của thiên hạ về tư cách vợ mình nhưng anh vẫn tin người vợ tương
lai của mình sẽ không như vậy, mà nếu có đúng vậy thì anh tin với tấm chân tình
của mình, vợ anh sẽ thay đổi nên anh vẫn y án theo kế hoạch của “bên nhà”. Lấy
nhau được vài tháng, cô ta đã trổ hết thói hư tật xấu của mình: Coi tiền quan
trọng hơn tất cả, hồn láo với chồng, chị chồng, bố chồng... Khôi Nguyên đau đớn
nhận ra anh là nạn nhân của cuộc hôn nhân đầy toan tính.
Khi mang bầu đứa con đầu lòng, cô ta bỏ nhà đi đêm với
gã nhân tình nghiện ngập. Khôi Nguyên cay đắng ngộ ra tình yêu của anh đã trao
nhầm đối tượng. Ngu muội lấy nhầm người vợ không xứng với mình về hình thức,
nhân phẩm vậy mà anh còn nghe lời đe dọa từ cô ta: “Anh dám cư xử với tôi như vậy
à? Rồi anh sẽ phải ân hận!” ... Nhiều lúc anh đã cố ngụy biện cho lỗi lầm của vợ
nhưng cứ mỗi lần nhìn thấy khuôn mặt câng câng, cùng giọng nói ken két của vợ
và nhất là khi nghĩ tới bản chất coi đồng tiền là trên hết của vợ làm anh hoảng
loạn. Anh đã cố gắng quên đi những chuyện quá khứ của vợ, nhưng mọi cố gắng của
anh đều trở thành vô vọng: Anh vẫn “hãi sợ” khi nhìn thấy vợ, thậm chí còn hoảng
hốt khi vô tình nghe mọi người bàn luận về chuyện vợ chồng con cái của họ đằm
thắm yêu thương. Miệt mài kiếm tiền, cung cúc lo lắng cho cuộc sống của vợ con
được no đủ, Khôi Nguyên đã thực sự trở thành người đàn ông tàn phế.
Tìm hiểu về nghề nghiệp của những NGƯỜI ĐÀN ÔNG BẤT LỰC,
người ta thấy đầy đủ các tầng lớp, độ tuổi (nhưng phần nhiều ở lứa tuổi sau 40)
trong xã hội nhưng trớ trêu một điều là những người “lao động trí óc”, những
người làm công tác văn phòng, những doanh nhân... lại chiếm tỷ lệ mắc chứng bất
lực khá cao. Sự nhạy cảm, tính quyết đóan, lòng tự tin trong công việc của những
người đàn ông này không giúp “sức mạnh nam nhi” của họ vượt trội, trái lại còn
tiềm ẩn những nguy cơ làm giảm hưng phấn khi “gần gũi” bạn tình, dẫn đến sự bất
lực tạm thời, hoặc bất lực tuyệt đối về “chuyện ấy” khá trầm trọng so với những
người đàn ông ít phải dùng đến “trí óc” trong công việc.
Công bằng mà nói, những người lao động trí óc, nhất là
những doanh nhân thường được xã hội quan tâm, trân trọng bởi những cống hiến của
họ cho xã hội, thế nhưng do làm việc trong môi trường mang tính cạnh tranh cao
nên họ dễ rơi vào tình trạng tinh thần căng thẳng kéo dài. Quan niệm về một người
khỏe mạnh phải được hiểu là người không bệnh tật, không âu lo, phiền muộn
(stress) nhưng những người thuộc nhóm đối tượng này đâu có được sự thoải mái về
tinh thần?
Chính những âu lo, trầm cảm, mà y học gọi chung là yếu
tố tâm lý, đã chi phối, ảnh hưởng mạnh tới “chất lượng” của người đàn ông trong
sinh hoạt vợ chồng. Hơn nữa, với đặc tính của công việc, họ cũng rất dễ rơi vào
tình trạng: Mải miết với công việc mà sao nhãng việc chăm lo sức khỏe của mình;
lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, bia rượu... để giải quyết những căng
thẳng của công việc nên dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường,
cao huyết áp... Tất cả những yếu tố đó đều là nguyên nhân gây nên sự sụt giảm
ham muốn, dẫn đến việc “sinh hoạt vợ chồng” bị thất bại...
Hỡi người đàn ông hiện đại, nếu chẳng may lúc nào đó
trong cuộc đời, xuất hiện sự trục trặc về “chuyện ấy”, xin đừng bi quan, căng
thẳng, mà hãy lẳng lặng tìm hiểu nguyên nhân để tự chữa trị điều sợ nói ra của
bản thân mình. Hơn ai hết, chàng phải thật sự là người khỏe mạnh mới đem lại hạnh
phúc cho chàng và cho chính những người thân yêu của chàng!
Hỡi người đàn ông hiện đại, chàng có làm được điều đó
không?
Đặng Xuân Xuyến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét