Nhà thơ Thế Lữ (1907-1989) là một nhân vật lừng lẫy trong đời sống nghệ thuật nước ta. Không chỉ góp phần hình thành thơ mới, ông còn đặt nền móng cho nền sân khấu
Việt Nam hiện đại. Và ông cũng là tác giả phần lời ca khúc “Xuân Và Tuổi Trẻ” được hát suốt 75 năm qua. Cuộc đời thành đạt của Thế Lữ, không thể không nhắc đến đóng góp của hai người vợ: bà Nguyễn Thị Khương lớn hơn ông 2 tuổi và bà Song
Kim nhỏ hơn ông 6 tuổi.
Bước vào giai đoạn thanh niên, chàng trai Nguyễn Thứ Lễ
thường xuyên đau ốm, nên nhiều người khuyên nên sớm cưới vợ. Dân gian vẫn quen
gọi tập quán ấy là “xung hỷ”. Con dâu út của Thế Lữ là bà Phạm Thảo Nguyên chia
sẻ: “Khi bố được 17 tuổi, bà nội về một làng đạo ở Hà Nam, đi xem mặt các cô
gái trong làng, bà chọn mẹ chồng tôi, một cô gái hiền lành ngoan đạo 19 tuổi
cho con trai của bà. Mẹ chúng tôi kể lại là trước đó, có nhiều người đến dạm hỏi
mẹ, nhưng cứ có người đến hỏi, là mẹ ốm rất nặng, chỉ khi bà Lang đến hỏi cho bố
thì không ốm, nên gia đình bằng lòng gả. Cưới con dâu về, theo tục lệ, bà nội
truyền nghề “bà lang” cho. Vì vậy, mẹ vừa phải đi chợ lo cơm nước cho toàn gia
đình, nuôi con nhỏ, cho con bú, vừa phải làm thuốc để bán, vừa đi khám bệnh cho
thuốc khi có khách mời (cũng có lúc, có thêm người giúp việc). Vì vậy mẹ học được
tính làm việc rất sạch sẽ, kỹ lưỡng, cẩn trọng khi nuôi trẻ, và làm cơm nước
khéo léo, tinh khiết. Và cũng vì đi chữa bệnh thường, mẹ có chút tiền dư để
riêng, không phải để tiêu cho mình, mà để bù tiền chợ cho bà hài lòng”.
Nhà
thơ Thế Lữ qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Đình Phúc.
NHÀ
THƠ THẾ LỮ VÀ HAI MỐI DUYÊN LÀNH
Tuy Hòa
Thế Lữ, tên thật Nguyễn Thứ Lễ, sinh ra và lớn lên ở Hải
Phòng. Năm 1934, ông cùng Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam và Tú Mỡ
thành lập Tự Lực Văn đoàn. Năm 1935, tập “Mấy vần thơ” của ông xuất hiện, góp
phần cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào Thơ Mới. Trong bài thơ “Cây đàn muôn điệu”,
Thế Lữ bộc bạch: “Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn
thể/ Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ/ Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca”. Và
ông thực hiện được ước mơ đời mình: “Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu. Lấy
thanh sắc trần gian làm tài liệu”. Năm 1944, khi cùng đoàn kịch lưu diễn tại Hội
An, Thế Lữ tình cờ nghe được một ca khúc của nhạc sĩ La Hối (1920- 1945) với ca
từ tiếng Trung của Diệp Truyền Hoa, ông lập tức viết thêm lời Việt: “Ngày thắm
tươi bên đời xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống/ Xuân về với ngàn hoa
tươi thắm/ Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”. Đến hôm nay, ca khúc “Xuân và tuổi
trẻ” với ca từ của Thế Lữ đã trở thành bài hát kinh điển không thể thiếu mỗi dịp
sum vầy đón Tết của người Việt.
Bà Nguyễn Thị Khương sinh hạ cho nhà thơ Thế Lữ cả thảy
4 người con, 3 trai 1 gái. Bà chấp nhận ở nhà thay chồng chăm sóc mẹ già và
nuôi dạy con thơ, để Thế Lữ được thỏa sức phô diễn tài nghệ trên Hà Nội. Vài
tháng, Thế Lữ mới về nhà dăm bữa, rồi lại đi theo tiếng gọi văn chương và sân
khấu. Bà Nguyễn Thị Khương không biết viết, nhưng biết đọc. Mỗi lá thư của chồng
gửi về, đều được bà cất giữ rất kỹ, để lâu lâu đem ra đọc lại cho bớt nỗi ngóng
trông và thương nhớ.
Tuy lãng đãng gió trăng, nhưng nhà thơ Thế Lữ cũng cảm
nhận được những vất vả mà vợ mình phải chịu đựng khi sống với mẹ chồng khó
tính. Ông giải thích cho vợ hiểu rằng, do tình duyên của mẹ gặp nhiều trắc trở
nên việc hành hạ con dâu cũng vì những uất ức không thể giãi bày với ai. Để cải
thiện quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, Thế Lữ viết một truyện ngắn mổ xẻ vướng mắc ấy
và giả vờ là tác phẩm của người khác, rồi đọc cho mẹ nghe. Thế Lữ có ngờ đâu bà
lang rất tinh ý, nghe chừng mấy đoạn đã cầm lấy cái tráp đựng trầu dằn mạnh xuống
phản một cái rầm: “À, thế ra anh lại muốn dạy tôi đấy!”. Thế Lữ sợ mẹ giận, vội
vàng chạy ngược lên Hà Nội. Còn lại bao nhiêu tai tương tiếp tục do bà Nguyễn
Thị Khương gánh hết.
Những ngày lang thang dựng kịch, Thế Lữ đã gặp một người
con gái Hà Nội đam mê sân khấu là Phạm Thị Nghĩa. Gia đình không chấp nhận “xướng
ca vô loài”, nên Phạm Thị Nghĩa chỉ mon men đến gần sàn diễn bằng tư cách một
người bán vé từ thiện. Với con mắt nhà nghề, Thế Lữ nhận ra Phạm Thị Nghĩa có
tài diễn viên. Vì vậy, khi đưa kịch bản “Gái không chồng” của Đoàn Phú Tứ lên
sân khấu tại Hải Phòng, Thế Lữ đã cho người lên Hà Nội mời Phạm Thị Nghĩa vào
vai cô Mão. Dù diễn ở Hải Phòng, nhưng Phạm Thị Nghĩa vẫn sợ người thân phát hiện,
nên đánh liều lấy nghệ danh Song Kim. Phút giây bất ngờ ấy, đã giúp nền kịch
nghệ Việt Nam sau này có được một Nghệ sĩ Nhân dân Song Kim.
Năm 1938, Thế Lữ đám cưới với Song Kim. Không ai phủ
nhận họ là cặp rất đẹp đôi trong giới nghệ sĩ, nhưng nỗi buồn lại trút sang cho
người vợ đầu vẫn lặng lẽ ở đất cảng. Dù xã hội thời đó vẫn xem đa thê là chuyện
bình thường, nhưng bà Nguyễn Thị Khương vẫn không khỏi bẽ bàng. Tuy nhiên, bà
luôn tìm cách che đậy niềm riêng ê chề kia. Bà dùng những câu chuyện nhẹ nhàng
để giúp các con gìn giữ hình ảnh tốt đẹp của người cha nổi tiếng. Bà kể: “Hồi
trẻ, bố hay nóng giận. Những khi giận, bố chỉ nện giầy nặng thêm lên thôi. Mẹ
nghe tiếng giầy là biết ngay, tránh không nói gì hết cho đến khi cơn giận của bố
tan đi”. Và bà kể: “Các con đã biết chuyện mẹ là người sung sướng nhất đời
chưa? Có một lần, mẹ đi tàu hỏa, có nói chuyện với một người chung toa. Khi biết
mẹ là vợ ông Thế Lữ, người đó nói: “Giời ơi! Thật thế à? Chị thật sung sướng
quá, chị là người sung sướng nhất đời!”.
Năm 1954, nhà thơ Thế Lữ đưa con trai đầu lòng là đạo
diễn Nguyễn Đình Nghi (1928-2001) đi kháng chiến, còn bà Nguyễn Thị Khương đưa
3 đứa con Nguyễn Quỳnh Trâm, Nguyễn Thế Học, Nguyễn Thế Tùng vào Nam. Vậy là
cách chia ngàn trùng. Không có con chung với nhà thơ Thế Lữ, nên Nghệ sĩ Nhân
dân Song Kim nuôi nấng đạo diễn Nguyễn Đình Nghi như con ruột. Trong một lá thư
gửi cho các em mình, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi phân tích chuyện ba người Thế Lữ
– Nguyễn Thị Khương và Song Kim rất thấu tình đạt lý: “Công bằng mà nói, bố sống
xa gia đình rất lâu và bố rất nổi tiếng. Hồi đó nhiều mệnh phụ đẹp như bà hoàng
của Hà Nội, cũng rất mê bố. Cho nên, không có người này thì có người khác đến với
bố thôi. Bố đã gặp được bà Song Kim là người cùng chí hướng, cùng bố xây dựng,
thực hiện những đam mê nghệ thuật. Hơn nữa bố có được một gia đình an ổn, hạnh
phúc để làm việc trong rất nhiều năm. Nhất là trong những năm đất nước chia cắt,
có người săn sóc tinh thần cũng như vật chất cho bố, thật là đáng quý. Chúng
mình phải kính trọng và cám ơn bà Song Kim. Vả lại, đây là một chuyện đã được
xã hội ngoài Bắc trong bao nhiêu năm nay công nhận, mình nên tôn trọng việc đó.
Họ hàng làng nước, ai nói gì cũng mặc họ…”.
Dù từng bồng bềnh “Tôi là người bộ hành phiêu lãng. Đường
trần gian xuôi ngược để vui chơi”, nhưng Thế Lữ vẫn dành sự quan tâm cho vợ
con. Sau khi đất nước thống nhất, nhà thơ Thế Lữ đã thương thảo với Nghệ sĩ
Nhân dân Song Kim để dọn vào Sài Gòn sống chung với bà Nguyễn Thị Khương. Ở căn
nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM), nhà thơ Thế Lữ có 12 năm
đoàn tụ với bà Nguyễn Thị Khương, từ 1977 đến khi qua đời vào ngày 3/6/1989.
Cũng chính ở căn nhà ấy, bà Nguyễn Thị Khương từng bỏ ra hơn 20 năm lầm lũi
thay chồng nuôi hai con trai Nguyễn Thế Học và Nguyễn Thế Tùng đều có được học
vị Tiến sĩ, riêng con gái Nguyễn Quỳnh Trâm trở thành một doanh nhân. Hình ảnh
bà Nguyễn Thị Khương được chính con dâu út Phạm Thảo Nguyên cảm nhận: “Mẹ có
dáng người tầm thước, vấn khăn vải, ăn trầu và còn răng đen. Mẹ là người cổ
kính, ăn nói nhỏ nhẹ, không to tiếng bao giờ. Mẹ rất hiền và nghe theo ý của
các con. Mẹ chăm lo cho các con, dù đã lớn, từng miếng ăn, giấc ngủ. Chưa bao
giờ tôi thấy mẹ khóc, ngay cả khi tiễn con cháu đi xa không biết bao giờ trở lại.
Mẹ nói mẹ không còn nước mắt”.
Tuy Hòa
Tuần
Báo Văn Nghệ TP.HCM số 579
Nguồn:
http://tuanbaovannghetphcm.vn/nha-tho-the-lu-va-hai-moi-duyen-lanh-so-579/
http://tuanbaovannghetphcm.vn/nha-tho-the-lu-va-hai-moi-duyen-lanh-so-579/
1 nhận xét:
Người không còn nước mắt là người đau khổ nhất, đến nỗi đã thành chai sạn. Nước mắt của họ không chảy ra ngoài, mà chảy vào trong.Bà không được như bà Hồ Xuân Hương dám lên tiếng phản kháng:" Chém cha cái kiếp lấy chồng chung! kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng...", mà âm thầm chịu đựng. Một sự cam chịu đặc trưng của người theo đạo Nho, không dám phản kháng!
Đăng nhận xét