BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Kim Sơn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Kim Sơn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

CÓ CHĂNG, TIẾNG HÁN VIỆT? – Bùi Kim Sơn



Tiếng nói của bất cứ một dân tộc nào cũng vậy, đều biến thiên theo thời gian, không gian, và nhất là trong giao tiếp giữa các dân tộc. Biến thiên, nhưng là biến thiên để hoàn thiện.
 
Tiếng Việt cổ cũng vậy. Xưa, có rất nhiều tiếng còn khá thô mà người thời nay nghe vô cùng lạ tai. Không nói tới tiếng gốc của cả đại chủng trong đó có các nhóm Bách Việt, ngay cả tiếng Việt vào thế kỷ 17, khi các vị linh mục Dòng Tên Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… qua Việt Nam và với mong muốn tạo nên một loại chữ phục vụ cho việc truyền giáo (và cũng nhờ đó mà ngày nay ta có được chữ Quốc Ngữ), đã vô cùng vất vả khi nghiên cứu dùng chữ cái Latin để ký âm cho tiếng Việt.
 
Do các vị đều là những nhà trí thức, nhà ngôn ngữ học… nên khỏi phải nói tới công cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng cho việc ký âm. Như câu sau đây trong Kinh Lạy Cha, bản gốc in năm 1632, đã cho thấy công trình này vất vả như thế nào:
“Cia ciúm toi oẽ tlen bloèi ciúm toi nguyẽn daim Cia cã sám”.
Và theo chính tả được Alexandre de Rhodes chuẩn hóa trong Tự điển Việt Bồ La in năm 1651, câu kinh này đã được viết lại như sau:
“Cha chúng tôi ở tlên blời, chúng tôi nguiẹn danh Cha cả sáng” (Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng).
 
Phải lan man như vậy để thấy rằng tiếng Việt ngày xưa hãy còn thô thiển như thế nào. Nhưng cho tới ngày nay, bốn thế kỷ sau, tiếng Việt cũng như chữ Việt đã trở nên hoàn thiện tới mức không còn thể nào hoàn thiện hơn được nữa.
Trở lại với sự biến thiên của tiếng nói. Biến thiên theo không gian, thời gian là điều đương nhiên. Nhưng biến thiên do giao tiếp qua lại giữa các dân tộc với nhau mới là yếu tố quan trọng mà rõ nét nhất là tiếng Hán Việt.