BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

HẬN NAM QUAN - Kha Tiệm Ly


            
                           Ải Nam Quan - Ảnh chụp năm 1940


                          HẬN NAM QUAN

               Tổ quốc mất rồi núm ruột Hoàng Sa
               Nay lại mất ngàn dặm vuông quan ải
               Ai yêu nước mà lòng không tê tái
               Bởi núi sông nầy là xương máu ông cha

               Từ đao thù bầm nát mình hải đảo
               Thì biển ta đã dậy sóng căm hờn
               Nghe đất Lũng Nhai vang lời thề sắt máu
               Nghe gươm mài rêm đá núi Lam Sơn

               Đâu Diên Hồng, đâu cánh tay sát thát?
               Đâu Ngô Quyền, đâu Hưng Đạo đại vương?
               Đâu ánh mắt luôn rực ngời ánh thép?
               Đâu lửa hận thù hun đúc gươm thiêng?

               Ta nợ giang san lòng yêu tổ quốc,
               Nợ trống Ngọc Hồi, nợ thớt tượng Quang Trung.
               Nợ Ức Trai lời Bình Ngô đại cáo
               Nợ tổ tiên một dòng máu anh hùng

               Chẳng có dịp cho trường giang dậy sóng
               Nên cọc Bạch Đằng nuốt hận đứng chơ vơ
               Không đủ sức để nâng ngang nòng súng
               Ta vẫn còn chất thép trong thơ

                                           Kha Tiệm Ly

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

THƠ SƠN CƯỚC - Nguyễn Khôi


         

         Lời dẫn của tác giả:

         Nguyễn Khôi sinh ở Yên Bái (1938), lớn lên ở Thái Nguyên, làm việc ở Sơn La 21 năm, 1984 về Hà Nội giúp việc Hội Đồng Dân Tộc... nên có điều kiện cảm nghĩ  nhiều về vùng Dân tộc - miền núi.
                     
             
        *1-  VỚI SA PA

          Đã thầm hẹn lên Sa Pa nghỉ mát
          Ra "Cầu Mây" cùng đứng tựa rung rinh
          Thỏa mắt ngắm Phăng Xi Păng bát ngát
          Trời thần tiên riêng của chúng mình.
          Sa Pa mộng đẹp hơn cả mộng
          Sa Pa mơ hơn cả giấc mơ
          Mây thì cứ vẩn vơ phiêu lãng
          Cõi diệu huyền thực thực hư hư.
          Ừ dạo cảnh một mình đơn lẻ quá
          Chơi "chợ tình" ai đó kéo cùng co
          Cứ như thể buổi đầu "cho" mắc cỡ
          Ở dưới kia Cốc Lếu đợi mong chờ.
          Sa Pa đấy thả hồn thơ bay bổng
          Cứ như là hẹn đến để mà yêu
          Một chén rượu uống trong chiều lạnh cóng
          Một nụ hôn sương khói ở bên đèo.

                        Mùng 1 tháng 8 Bính Tý. 


Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

LƯỢM - Kha Tiệm Ly


             
                       Nhà thơ  Kha Tiệm Ly


            LƯỢM

            Dọc non nước lượm vài câu chánh khí,
            Lượm chút văn chương, lượm chút ngạo đời
            Lượm chút trượng phu, lượm tình tri kỷ,
            Lượm chút phong trần, ngâm rượu uống chơi.
                                                       Kha Tiệm Ly

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

TIÊU TƯƠNG - Nguyễn Khôi


      

         TIÊU TƯƠNG

         "Quân tại Tương giang đầu"...
                (Tặng : Nhã My)
                           
         Sao Tiêu Tương lại là buồn thương ?
         Để mưa rơi ướt cả dặm trường
         Chia ly như thể không gặp lại
         Để Trúc bên sông đốm võ vàng...
                   
         Sao Tiêu Tương lại là bi thương ?
         Nỗi đời hai ngả biệt âm dương
         Tình em như nước Trường Giang ấy
         Sớm tối theo anh tới mộ vàng...
                   
         Sao Tiêu Tương cho lòng tổn thương ?
         Trái tim sẻ nửa giữa đoạn trường
         Một nửa nát tan chìm đáy sóng
         Một nửa cầm tù nơi cố hương...
                   
         Sao Tiêu Tương để người trúng thương ?
         Dưỡng thương hao tổn mấy năm trường
         Cho hồn dậy lớn Thơ mọc cánh
         Chắp với hồn ai lạnh hơi sương...
                     
         Sao Tiêu Tương nên tình vấn vương ?
         Vượt cả ngục tù, vượt đại dương
         Tới một chiều nao im lặng sóng
         Đôi trái tim một nhịp thương thương...
                     
         Sao Tiêu Tương muôn đời sầu vương ?
         "Đa tạ Quân Vương : thiếp phụ chàng"
         Tựa bờ Lau trắng tình ngây ngất
         Thơ đà kiệt sức, hồn lang thang...
         Bên bờ Tiêu Tương, quê Từ Sơn

                              Mùa Vu Lan 2014
                                  Nguyễn Khôi

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

MẸ TÔI - Trần Nhàn


           
                     Nhạc sĩ Trần Nhàn

       Mùa vu lan, mời các bạn xem video clip MẸ TÔI

                      Nhạc và hoà âm: Trần Nhàn
                      Trình bày: Ca sĩ Phương Linh
                      Video clip: Phú Đoàn


       


      

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

THU - La Thuỵ

Thu đang về, mình làm thử bài thơ lục bát khoán thủ này đón thu! 
Lấy ý câu: "Ngô đồng nhất diệp lạc thiên hạ cộng tri thu" (một chiếc lá ngô đồng rơi thiên hạ đều biết thu tới rồi) để viết

           


               THU

                NGÔ buồn khép áo mơ màng
                ĐỒNG xa toả nắng đôi hàng mây bay
                NHẤT nhì mưa nắng đổi thay
                DIỆP sầu héo úa trơ gầy cành thân
                LẠC trong hơi ấm điệu vần
                THIÊN thu nghe gọi như trăn trở về
                HẠ xưa sực tỉnh hồn mê
                CỘNG sinh đồng tử lời thề bâng khuâng
                TRI âm chôn kín mộ phần
                THU nay lẽ bóng nhìn trăng ngậm ngùi

                                                              La Thuỵ

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

MUỘN MÀNG VỚI HUẾ - Phạm Tường Đại, Lệ Hường

      Nhà thơ, nhà giáo Phạm Tường Đại (1930 -2008), hội viên VHNT Bình Thuận, chủ nhiệm đầu tiên CLB THƠ CA LAGI (Bình Thuận), dù đã về miền thiên cổ 6 năm nay, nhưng hình ảnh của ông  vẫn còn tươi nét trong lòng bạn bè, thân tộc. Xin giới thiệu bài thơ MUỘN MÀNG VỚI HUẾ của ông với các bạn 


           

                                 Thơ: Phạm Tường Đại
                                 Diễn ngâm: Lệ Hường


                MUỘN MÀNG VỚI HUẾ

                Mây cổ tích lung linh chiều cánh mộng
                Mắt u hoài lay động sóng hồ thu
                Lời dịu ngọt đưa ta về với Huế
                Thương đêm trăng cô gái hái xương bồ

                Hơn một lần nghe câu hò Vĩ Dạ
                Mái chèo khuya man mác nước sông Hương
                Ai nghiêng nón đề thơ quên lối vào Thiên Mụ
                Để bây chừ còn vấn vấn vương vương

                Hy vọng một ngày lại trở về thăm Huế
                Cùng rong chơi điện Ngọc đá phong rêu
                Nhặt từng giọt chuông rơi phía chân trời nhung nhớ
                Thả xuống dòng xưa chút duyên muộn vơi chiều

                                                              Phạm Tường Đại

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

HÀM TÂN QUÊ HƯƠNG TÔI - Minh Khanh

Năm 1995, Phòng Giáo Dục Hàm Tân phối hợp với chi hội VHNT địa phương tổ chức cuộc thi sáng tác thơ văn với chủ đề Quê Hương cho học sinh toàn huyện tham gia. Thời điểm này, huyện Hàm Tân và  thị xã LaGi chưa chia tách địa bàn hành chính. Con trai mình - Minh Khanh, lúc đó học lớp 8 (trung học cơ sở), đạt giải nhì về thơ. Trong đợt giao lưu với CLB THƠ CA LA  GI mình giới thiệu bài thơ này:

   

   HÀM TÂN - QUÊ HƯƠNG TÔI

   Ai về quê tôi
   Hàm Tân thương mến
   Đây La Gi thị trấn xôn xao
   Nhà mới cất vẫy gọi mấy tầng cao
   Đường mở rộng mềm êm làn nhựa phủ

   

   Đây Đồi Dương êm ả
   Cành lá xạc xào bóng toả mát hồn thơ
   Bãi cát vàng run rẫy sóng trào xô
   Cùng biển cả dạt dào vòng luân vũ
   Hòn Bà mơ màng lờ lững mây vương
   Trời trong xanh óng ả nắng hồng ươm
   Tình thoáng gợn rập rờn theo sóng nước




    Đây Đá Dựng đập cao tràn thác lũ
    Hoa anh đào hé nụ đón xuân sang
    Xóm làng thanh bình êm như say ngủ
    Bướm chập chờn chao liệng cánh phong lưu
    Thoáng e ấp vườn hoa nghiêng má phấn
    Gió rì rào buông lơi lời tình tự


  

   Đây Tân Hải cây xanh màu lá mới
   Hàng dừa nghiêng bay xoã tóc nhung dài
   Dân Tam Tân tay chài tay lưới
   Biển dậy vang sóng vỗ tiếng hò khoan
   Thuyền trĩu nặng cá tôm về ắp bến

    

    Đây Sơn – Hà – Minh – Xuân – Thiện – Nghĩa
    Xóm làng quê êm ả khói lam chiều
    Chàng mục tử lưng trâu về chậm bước
    Bóng đồi cây dàn trải ánh hoàng hôn


    

    Chiều đi qua hương rừng hương biển
    Hương đất trời rộn rã lan bay
    Thoảng hồn quê dậy lên niềm cảm hứng
    Quê hương ơi! Muôn thuở nhớ thương hoái

                              MINH KHANH
                            (Hàm Tân - 1995)


  

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

BIỂN MAI HỒNG - La Thuỵ

         
    

  BIỂN MAI HỒNG

   Hòn Bà ngắm sóng trầm tư
   Đồi Dương ửng nắng liễu ru ven bờ
   Sương lam sực tỉnh hồn mơ
   Chao mình theo gió lượn lờ cùng mây.
   Cỏ xanh, mượt trải đất dày
   Dã tràng xe cát lạnh gầy dấu chân
   Bay cùng cánh mộng bâng khuâng
   Tình thơ ý nhạc như lần tuôn ra.
   Tiếng lòng xưa vẫn mặn mà
   Ồ sao gờn gợn âm ba nỗi mình
   Lặng lờ rùa biển đinh ninh
   Nghìn năm hóa kiếp đọng tình rong rêu.
   Dạt dào biển dậy niềm yêu
   Lung linh khói sóng phiêu diêu mộng lòng.

                                                     LA THUỴ
   

     

          Thơ : La Thuỵ
          Nhạc: Bùi Tuấn Anh
          Trình bày: Xuân Liễu
          Video clip: Quay trực tiếp năm 2005




Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

NHÂN SỰ VIỆC CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN - Hoàng Đằng


  chau-ban-trieu-nguyen-7715-1406697974.jp

Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin trao bằng công nhận Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam, ông Nguyễn Thái Bình.                                                                                                 Ảnh: Quỳnh Trang

NHÂN SỰ VIỆC 

CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN


Ngày 30/7/2014 vừa rồi, chính phủ Việt Nam đón nhận “Bằng Di Sản Tư Liệu Thuộc Chương Trình Ký Ức Thế Giới Khu Vực Châu Á – Thái Bình Dương” do UNESCO trao tặng công nhận đối với Châu Bản Triều Nguyễn.
Châu Bản Triều Nguyễn là những văn bản hành chánh quan trọng quản lý nhà nước về mọi mặt dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) từ vị vua đầu tiên là Gia Long đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại; những văn bản này gọi là Châu Bản vì có bút phê cho ý kiến bằng mực màu son đỏ (châu) của vua.
Trong Châu Bản, phần có tính thời sự nhất hiện thời là sự xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang có tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc. Trung Quốc là một nước lớn, mạnh hơn nước ta nhiều lần về mọi mặt. Việc đấu tranh chỉ trông cậy về mặt pháp lý và ngoại giao. Vì vậy, những gì còn ghi trong Châu Bản được đánh giá là bằng chứng lịch sử có giá trị cao.

          
Châu bản triều Nguyễn không chỉ là di sản chứa đựng những sự kiện lịch sử có giá trị, mà còn là minh chứng về chủ quyền biển đảo

Các vị vua triều Nguyễn đặc biệt là 2 vị đầu: Gia Long và Minh Mạng có tài năng, có kiến thức về trị nước, có tâm huyết với giang sơn. Hai vị vua ấy đã thống nhất trọn ven lãnh thổ quốc gia không những trên đất liền mà còn vươn ra các đảo xa trong vịnh Bắc bộ, trong biển Đông và trong vịnh Thái Lan. Hai vị vua ấy còn có công kiện toàn bộ máy quản lý lãnh thổ mà cho đến ngày nay dấu vết còn in ở một vài lãnh vực.