BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tháng chạp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tháng chạp. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

VÌ SAO THÁNG 12 ÂM LỊCH ĐƯỢC GỌI LÀ THÁNG CHẠP? - Phương Anh



Tháng 12 Âm lịch còn được dân gian gọi là tháng Chạp. Nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi này gắn liền với những đặc điểm cuộc sống, hoạt động của người dân trong thời điểm cuối năm.
 
Tháng Chạp là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa Việt Nam, tháng có nhiều ngày lễ, nhiều nghi thức thờ cúng quan trọng hướng về tổ tiên và chuẩn bị tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới.
 
Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là tháng Chạp?

Từ "chạp" có nguồn gốc từ chữ Hán "lạp", và thường được hiểu là gắn liền với khái niệm lễ lạp. Chữ "lạp" trong tiếng Hán có nghĩa là "bữa tiệc cuối năm" hay "lễ hội tạ ơn cuối năm". Đây là thời điểm mà người xưa tổ chức những lễ hội để cảm tạ tổ tiên, thần linh đã bảo vệ và phù hộ họ trong suốt một năm. Vì thế, tháng này còn được gọi là tháng "lạp" - một thời điểm quan trọng để tổng kết, nhìn lại những điều đã trải qua trong năm và chuẩn bị cho một năm mới.
 
Trong tiếng Hán, từ "lạp" có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa “lễ tế chạp”, tức lễ tế thần vào tháng cuối năm âm lịch. Theo lễ nhà Chu (Trung Quốc), lễ tế tất niên gọi là “đại lạp”. Vì thế, tháng cuối năm được gọi là “lạp nguyệt” (tháng có đại lạp).
 
Ngoài ra, chữ “lạp” trong tiếng Hán cũng có nghĩa là thịt cá muối hong khô. Tháng cuối năm là thời gian người ta tích trữ các loại thực phẩm để đối phó với mùa đông rét mướt, và cũng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong đó, thịt cá là loại thực phẩm quý giá, quan trọng.
 
"Lạp" về sau phái sinh nét nghĩa “lễ cúng tổ tiên, ngày giỗ”. Khi vào tiếng Việt, lạp bị đọc chệch thành “chạp” và trở thành từ đồng nghĩa với “giỗ”. Cho nên, trong tiếng Việt mới có tổ hợp “ngày chạp” tương đương “ngày giỗ” và thường gộp gọn khi nói là “giỗ chạp”.