BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

TIẾNG HỒ CẦM GIEO CẢM XÚC VÀO THƠ TÔI - La Thụy


Đàn tỳ bà

Đại thi hào Nguyễn Du tả tài nghệ đánh đàn Thúy Kiều :

Cung, thương, làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương

Các cụ Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim và Nguyễn Văn Vĩnh… đều chú giải: “Hồ cầm là cây đàn Tỳ Bà, vì đời xưa, vua Hán Nguyên Đế có bà Chiêu Quân phải đi cống rợ Hồ, thường hay đánh cây đàn ấy, nên mới gọi là Hồ cầm”.
Nhà thơ Tản Đà lại cho rằng: “Hồ cầm là cây đàn của rợ Hồ, nguyên chính là cái nhị; vì có kiểu nhị làm giống như cây Tỳ Bà, cho nên Tỳ Bà người ta cũng gọi là Hồ cầm”.

Nói tóm lại, các học giả đã chú giải Truyện Kiều đều cho Hồ cầm là đàn Tỳ Bà, hầu hết giảng: “Chiêu Quân khi đi cống Hồ, hay đánh đàn Tỳ Bà, nên đàn Tỳ Bà có tên là Hồ cầm”. Đọc lời chú giải về “hồ cầm” của các học giả trên, ban đầu tôi đinh ninh “hồ cầm” là đàn tỳ bà. Chỉ có ý của nhà thơ Tản Đà là có khác: “Hồ cầm là cây đàn của rợ Hồ, nguyên chính là cái nhị…”

Tìm hiểu về hồ cầm ta biết:

Hồ cầm là một loại đàn của người Hồ (tên gọi được người Hán dùng để chỉ các dân tộc sinh sống tại vùng giáp giới giữa tây bắc Trung Quốc với các nước Trung Á). Nó là nhạc cụ của những người du mục, được dùng trong sinh hoạt văn nghệ dân gian và trong các cuộc tế lễ.  Như thế, nhạc cụ này có thể có nguồn gốc từ các khu vực ở phía bắc hoặc phía tây của Trung Quốc thường có người dân du mục cư của các bộ tộc gần Trung Quốc trong quá khứ.


Hồ cầm hiện nay có xuất xứ từ Ấn Độ và vùng Trung Á, được du nhập vào Trung Quốc từ thế kỷ I đến thế kỷ III sau công nguyên từ người Hồ trong thời kỳ thịnh đạt của “Con đường tơ lụa”. Vì vậy nên người Việt Nam gọi theo ngôn ngữ của mình là đàn hồ.
Hiện nay, hồ cầm có mặt trong hầu hết các dàn nhạc dân tộc cổ truyền Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan. Loại đàn này cũng có mặt ở Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước khu vực Tây Á và Kavkaz. 
Loại nhạc cụ này dần dần được bản địa hóa. Không chỉ người Kinh mà các dân tộc khác ở Việt Nam cũng chế tác đàn hồ cho mình. Trong các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam, đàn hồ luôn có mặt. Thời cổ, dân gian Việt Nam có một loại đàn giống với đàn này, được gọi là đàn gáo (có bầu đàn giống cái gáo, mặt đàn bằng gỗ mỏng). Do cấu tạo và tính năng tương tự, nó được coi như một họ hàng của hồ cầm.

Từ điển Từ Hải cho chúng ta hiểu rằng:
“Hồ cầm là tên một nhạc khí; xuất xứ tại Bắc Phiên, nên gọi là Hồ cầm; ống làm bằng trúc, mặt căng da trăn; trên có cán nhỏ, dài chừng một thước; đầu cán có lỗ xuyên ngang, và 2 trục, quấn 2 dây, căng thẳng trên mặt ống; dùng cung trúc căng mã vĩ mà cọ xát thành thanh âm”.

Nhạc khí này ta gọi là Cây hồ hay Đàn gáo cùng loại với Cây nhị hay Đàn cò.
Như vậy, hồ cầm (đàn hồ) ở Việt Nam chính là nhị hồ (đàn nhị). 

Nhà thơ Xuân Diệu có bài thơ “Nhị hồ” thật hay, trong đó có hai câu:

“Nhị hồ để bốc niềm cô tịch,
Không khóc, nhưng mà buồn hiu hiu...”

Cũng trong bài thơ “Nhị hồ” này, xuất hiện hai câu thơ bình thanh cũng rất hay:
 
       “Sương nương theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi...”

Hai câu thơ trên được coi là dạng thơ bình thanh tiên phong của làng thơ Việt Nam, đồng thời với các bài thơ bình thanh “Tỳ bà”, “Hoàng hoa” của Bích Khê, hay bài thơ “Tiêu sầu” của Hàn Mặc Tử

Trong một đêm khuya thanh vắng, tiếng nhị hồ réo rắt ai oán gieo vào lòng tôi nỗi u hoài, tôi đã cảm tác bài thơ lục bát “Hồ cầm” hoàn toàn bình thanh:

HỒ CẦM    

Vang đêm thanh hồ cầm ngân    
Trăng ngà giăng tơ cung trầm buông lơi    
Lâng lâng tình đang lên khơi    
Hồ, xừ, xang… lòng chơi vơi canh dài    
Mơ hồ hồn xưa liêu trai    
Mồ thu hoang vu chừ ai u hoài    
Vương mang chi, đàn ngân dài    
Lưu dư hương… ồ trang đài về đâu    
Tương tư sao, đàn dâng sầu    
Say men nồng hay say màu thời gian    
Vời chân mây, nhòa non ngàn    
Bâng khuâng heo may, mơ màng hơi thu    
Ai phiêu diêu trong sương mù    
Người muôn năm… từ thâm u quay về    
Trần gian kia còn si mê?    
Hồ cầm cao cung, thương hề niềm xưa    
Rơi rưng rưng từng âm thừa    
Sao trời lung linh đường tơ chìm dần

                                                                                                    
    

Bài thơ “HỒ CẦM” tôi lấy cảm hứng từ các câu thơ : “Ái thính thu phần quỷ xướng thi” (Vương Ngư Dương), “Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời” (Tản Đà), “Quạnh quẽ thu phần thơ bặt tiếng” (Vũ Hoàng Chương). Tiếng nhị hồ réo rắt, não nuột vừa bặt tiếng thì bài thơ “HỒ CẦM” cũng xong câu cuối…

                                                                                             La Thụy

Không có nhận xét nào: