BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Hoàng Vy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Hoàng Vy. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

BÁO CHÍ Ở MIỀN NAM TRƯỚC 1975 – Trần Hoàng Vy



Theo tin của các báo mới đây thì ở miền Nam trước năm 1975 có khoảng trên 50 tờ báo các loại. Song căn cứ vào thống kê của Nha Báo chí Bộ Thông tin VNCH từ thập niên 60 cho đến trước ngày 30/4/1975, toàn miền Nam có trên 150 tờ báo, tạp chí, nguyệt san các loại như sau: Á Châu, An Tiêm, Ánh Sáng, Âu Cơ. Bách Khoa, Bình Minh, Báo Đen, Buổi Sáng, Bốn Phương, Bút Thép. Chân Trời Mới, Chiến Sĩ Cộng Hòa, Chỉ Đạo, Chính Luận, Chiêu Dương, Chính Văn, Công Báo VNCH, Công Luận, Cười, Con Ong, Chọn Lọc. Da Vàng, Dân, Dân Chủ, Dân Đen, Dân Ta, Dân Tiến, Dân Chúng, Dân Ý, Diễn Đàn, Diều Hâu, Duy Tân, Duy Dân, Đa Minh, Đại Học, Đại Đoàn Kết, Đất Đứng, Đất Mới, Đất Sống, Đất Tổ, Đen Trắng, Đi Và Sống, Điện Ảnh, Điện Tín, Đời Mới, Đông Phương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Độc Lập, Đuốc Nhà Nam, Đường Sáng. Giao Điểm, Gió Mới. Hải Triều Âm, Hành Động, Hiện Đại, Hòa Bình, Hóa Giải, Hồng, Hồng Lĩnh, Hương Quê, Hoàn Cầu, Huyền Bí, Học Báo. Khởi Hành, Kịch Ảnh, Kỷ Nguyên Mới, Khai Phá. Lá Bối, Lập Trường, Lẽ Sống, Lên Đường, Liên Minh. Màn Ảnh, Mây Hồng, Minh Tinh, Minh Tâm, Mùa Lúa Mới. Ngày Nay, Ngày Mới, Ngôn Luận, Người Dân, Nguồn Sáng, Nhân Loại, Nhân Chủ, Phổ Thông, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Đẹp, Phụ Nữ Tân Tiến, Phương Đông. Quan Điểm, Quyết Tiến, Quật Khởi, Quật Cường, Quyền Sống. Rạng Đông. Sài Gòn Mới, Sáng Tạo, Sáng Dội Miền Nam, Sinh Lực, Sóng Thần, Sống, Sống Mới, Sống Đạo.Tân Văn, Tân Phong, Tia Sáng, Tin Mới, Tin Sớm, Tin Văn, Tiến, Tiếng Chuông, Tiếng Vang, Tranh Đấu, Trắng Đen, Thách Đố, Thanh Niên, Thẳng Tiến, Thân Dân, Thần Chung, Thế Kỷ 20, Thi Ca, Thời Đại, Thời Luận, Thời Tập, Thời Báo, Thủ Đô, Tìm Hiểu, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Trình Bày, Trinh Thám, Trời Nam, Tự Do, Tư Tưởng. Vạn Hạnh, Văn, Văn Hóa Tập San, Văn Hóa Ngày Nay, Văn Mới, Văn Nghệ, Văn Nghệ Tập San, Văn Nghệ Mới, Văn Học, Văn Hữu, Văn Hữu Á Châu, Văn Nghệ Học Sinh, Văn Nghệ Tiền Phong, Văn Nghệ Tự Do, Văn Xã, Văn Chương, Vấn Đề, Vận Hội Mới, Vui Sống. Xây Dựng, Ý Thức, Yêu, Yiễm Yiễm Thư Trang...
 

Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

TẢN MẠN VỀ TỪ “TẤM MẲN” - Trần Hoàng Vy



“Tấm mẳn” vốn xuất phát từ Nam bộ, thuở người Việt tìm xuống phía Nam mở cõi... Thuở ban đầu, lúc chưa khai phá, gạo thóc khó khăn, người ta phải gom những hạt gạo gãy, bể thay vì để nuôi gia súc, lại để dành nấu cơm ăn sáng. Hạt gạo đó được gọi là “tấm”, tức hạt gạo khi sàng, giã bị bể đôi hay gãy nát, và người ta cũng có thể hiểu là gạo tấm là hạt gạo bị lọt xuống giần, sàng... Riêng từ “mẳn”, theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Paulus Của và Tự điển Tiếng Việt thì có hai nghĩa là: hạt gạo gãy nát và hơi mặn (vị), suy diễn thêm còn có nghĩa “người hẹp hòi”“món canh nấu mặn”! Gọi người “mẳn tính” là người hẹp hòi hay để bụng những điều nhỏ nhặt”? Đó cũng là những từ Nôm mà người đi khai hoang mở cõi thường dùng, đến nay cũng đã dần bị mai một và thuộc từ “cổ” hay bản ngữ, ít người sử dụng.
 

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

“TÁM PHỐ SÀI GÒN”, THƠ NGUYÊN SA - Trần Hoàng Vy

Cũng như Paris, Sài Gòn đã lưu dấu trong thơ Nguyên Sa, “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Nhưng bài thơ “Tám phố Sài Gòn” của Nguyên Sa đã tạo nên sự tranh cãi trong giới văn nghệ sĩ. Tại sao lại “Tám phố Sài Gòn” mà không phải con số nào khác, vì Sài Gòn đâu chỉ có 8 phố như “Hà Nội 36 phố phường”
 
Ảnh: Bruce Baumler/flickr|ManhHai
 
1.
 
Trong một lần “trà dư tửu hậu” có đủ các tay văn nghệ sĩ của cả ba miền nước Việt ở 81 Trần Quốc Thảo, một anh bạn bỗng cao hứng ngâm mấy câu thơ “Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều/ Cánh tay tà áo sát vòng eo/ Có nghe đôi mắt vòng quanh áo/ Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo…” (Tám phố Sài Gòn, Nguyên Sa), rồi đặt câu hỏi với mọi người: “Theo nhà thơ Nguyên Sa, thì Sài Gòn có… tám phố, vậy mấy ông ở Sài Gòn lâu năm có biết đó là tám phố nào không?”. Cuộc cãi vã, tranh luận ì xèo nổ ra, nhưng rốt cuộc cũng chẳng ông nào, bà nào xác định đủ Sài Gòn có bao nhiêu phố?…
 

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

ĐỌC “MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN”, THƠ TRẦN HOÀNG VY - Châu Thạch


  
                      Nhà thơ Trần Hoàng Vy

 
MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN
 
Một hôm chợt nhớ... con đường
Năm xưa, trưa nắng tan trường em đi
Giòn vang tiếng guốc xuân thì
Áo bay cánh trắng nhu mì nón che
 
Một hôm chợt nhớ vỉa hè
Bột chiên, bò bía, chén chè, ly kem...
Là khi tôi chợt nhớ em
Bộ phim rạp Rex, Eden... đượm tình!
 
Con đường với hàng me xinh
Một trưa bất chợt ve thình lình vang
Nụ hôn vội vội, vàng vàng
Ghế công viên, phút mơ màng chợt qua?
 
Nhớ Sài Gòn, Lambretta...
Tiếng xe quyện khói đường ra Bạch Đằng
Hàng Xanh, cư xá mưa giăng
Nhớ Sài Gòn, Thảo cầm viên... chung dù
 
Phố Bonard, đường Nguyễn Du
Hàng hiên thư viện, tiếng gù chim câu
Dìu nhau ý hợp tâm đầu
Sài Gòn hò hẹn, lâu lâu Bến Thành...
 
Nhớ đêm đèn đỏ, đèn xanh
Đêm màu hồng ước ta thành phu thê?
Rước dâu xe ngựa Thị Nghè
Qua Văn Khoa chợt lòng nghe mơ màng
 
Sài Gòn thuở bước lang thang
Trót thương gác trọ đêm vàng vọt đau
Lăn theo từng giọt mưa mau
Trên tay chiếc lá mùa sau biết còn?
 
Một hôm chợt nhớ Sài Gòn
Sài Gòn... đi mất chỉ còn mùi hương?...
 
                           Tháng tư, Sài Gòn
                          TRẦN HOÀNG VY
 
 *

Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “MỘT HÔM CHỢT NHỚ SÀI GÒN” THƠ TRẦN HOÀNG VY 
                                                                             Châu Thạch
 
Chỉ cần đọc “Một Hôm Chợt Nhớ Sài Gòn” thì những cảm xúc dâng tràn trong tâm hồn tôi rồi. Tựa đề bài thơ đã là môt câu thơ bình dị, nhưng hiên hữu ngay trong tôi cả một khung trời yêu thương dẫy đầy kỷ niệm. “Sài Gòn ơi, ta nhớ người trong cuộc đời!”

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

MẸ ƠI - Thơ Trần Hoàng Vy


       
         Nhà thơ Trần Hoàng Vy


MẸ ƠI

Đọt lục bình non luộc với kèo nèo
Trả cá kho cong vạt lửa bếp rơm
Những bữa cơm nghèo
Năm xưa còn mẹ...
Mẹ ơi!

Tà áo nâu khô, buổi trưa nắng lửa
Mẹ về chung chiêng, cơn mưa một nửa
Trái thị thơm rơi ra
Chiếc nón lá giữ lại sợi tóc xưa, hồi trẻ
Mẹ ơi!

Bàn thờ ngoại hoa điệp thơm ngái
Ly nước giếng trắng trong mãi
Nãi chuối vàng ươm màu mật ong
Có đôi mắt mẹ thuở còn con gái?

Mẹ theo chồng mười mấy mùa sinh nở
Những lần đi biển... mồ côi
Dòng sữa vắt ra cạn dòng máu đỏ
Mẹ ơi!

Chiếc chõng tre nhà mình
Vạt thâm đen: “bên ướt mẹ nằm
Bên ráo con lăn”...
Ầu ơ, mùa giá lạnh...

Những cánh sẻ nâu, từ mái nhà tranh, bay ra
Bay mãi...
Mẹ chống gậy, chiều chiều
Ra ngõ ngóng phương xa.

Mùa Vu lan, chỗ mẹ ngồi một đóa hoa muống trắng
Chỗ mẹ nằm, một chén cơm trắng
Và nhang khói bay
Bên di ảnh mẹ buồn!

Mẹ ơi!
Ao thả kèo nèo nhiều con cá lội
Lục bình giờ hoa tím ngắt
Các con trở về. Mẹ đi chợ xa
Rất xa...

Mùa Vu lan vắng mẹ, 2012
TRẦN HOÀNG VY

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

“GIANG HỒ TÊ CHÂN”, THƠ TRẦN HOÀNG VY - Mang Viên Long

Nguồn:  



“GIANG HỒ TÊ CHÂN”, THƠ TRẦN HOÀNG VY
                                                             Mang Viên Long

Giang hồ tê chân (trang 65) là một trong 47 bài thơ của tập thơ thứ 5- “Tự Khúc”, của Nhà thơ Trần Hoàng Vy vừa dược nhà xuất bản  Thanh Niên ấn hành vào tháng 8 năm 2010. Tôi cảm thấy “rất khoái” bài thơ GHTC - nên muốn ghi lại đôi điều để chia sẻ cùng bạn đọc - và tác giả - (cũng là để cảm tạ một tấm lòng…)

“ Giang hồ tê chân quên dép rớt
bạn hiền tìm không biết rớt nơi đâu
bỗng thấy tiếc một thời sung sức
mòn gót giày lên núi, xuống sâu”

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

THƠ PHẠM HỮU QUANG (1952 - 2000) - Trần Hoàng Vy


Nguồn:


          
           Nhà thơ Trần Hoàng Vy


         THƠ PHẠM HỮU QUANG (1952 - 2000)

Ở vào cái tuổi 49 Phạm Hữu Quang đã "giang hồ" vào cõi hư vô đến nay đã 18 năm. Còn nhớ năm 1990 ở phía Nam ra tham dự Trại viết Thiếu nhi lần thứ I do Hội NVVN tổ chức gồm có mấy người : Phạm Hữu Quang (An Giang) Nguyễn Thái Nguyên (Cà Mau) Trần Thị Hoàng Anh (Đồng Tháp) và tôi. Tôi ở chung phòng với Phạm Hữu Quang. Phạm Hữu Quang người to mập khuôn mặt hợp với võ hơn văn vậy mà những bài thơ Quang viết cho thiếu nhi rất hồn nhiên ngộ nghĩnh và đáng yêu. Bên cạnh những bài thơ cho người lớn cũng rất ấn tượng nhiều bạn bè nhớ là bài "Giang hồ". Tới đâu cũng nghe anh em đọc: "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà". THV xin trân trọng giới thiệu lại bài thơ "Giang hồ" của anh.

                                                                                  Trần Hoàng Vy


 Nhà thơ Phạm Hữu Quang sinh năm 1952 tại Thốt Nốt Cần Thơ và mất năm 2000 tại An Giang. Ông sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều rất có hồn.
"ta về ừ nhỉ ta về thôi
ô hay bến thuyền kèo cột gãy
qua mùa hoạn lộ chẳng còn vui"
(Trích Khúc ru, 1986)


  
GIANG HỒ

Tàu đi qua phố tàu qua phố
Phố lạ mà quen ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi trèo thang với giặt đồ

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một góc si

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ thôi trời đất cứ liêu xiêu

Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giầy trời sẵn gió
Ngựa về ta đứng bụi mù tung

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

PHẠM HỮU QUANG