BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

GIÃ TỪ GA HUẾ - Đinh Hoa Lư


        
                       Tác giả Đinh Hoa Lư


       GIÃ TỪ GA HUẾ
                                                                 

Huế ! Huế ơi !
.....
cuộc đổi đời
dù đá nát vàng phai
nơi đất khách lạc loài
tôi vẫn nhớ mãi thương hoài về Huế.
(Thơ -Trần thị Lai Hồng)

Ôi GIAN NAN NHỮNG CÁI VÉ TÀU!

Thập niên 1980 dân mình sợ nhất là chuyện đi xa. Huống gì tôi, khi cầm cái giấy ra trại trong tay, nó không thể là cái giấy thông hành loại ưu tiên cho tôi về với gia đình một cách thuận lợi.

Chuyện cái vé tàu
Vé tàu đây là vé tàu hoả, hay xe lửa. Ai gọi sao cũng được miễn là đưa được cái 'thân hình' vào trong toa chiếc tàu chợ là một điều may mắn. Năm này nghe đã có tàu THỐNG NHẤT rồi nhưng đây không phải là hình ảnh người dân mong đợi , huống gì tôi là người tù được tha về.

Từ Tây Lộc tôi tìm cách lên ga Huế nằm chờ trong đêm. "Những tư tưởng lớn gặp nhau" tại đây. Trong cái phòng rộng không ghế, chẳng bàn người dân Huế đã lố nhố ngồi đây từ lâu. Họ còn nhanh hơn tôi, đến đây giờ đang dựa lưng vào vách nhà ga để đợi trời sáng. Những người dân lam lũ tay ai cũng không rời những cái bị lác, nhưng cái bao bột mỳ cũ đựng đồ bên trong. Qua ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn điện tròn tôi hướng về ba cái ô cửa bán vé đang đóng im ỉm vì sáng tới 'cán bộ' mới bán vé tàu.



Tôi cố gắng tìm một chỗ, ngồi bệt xuống cái nền xi măng dơ bẩn, dựa lưng suy nghĩ miên man. Tôi nhớ về hình ảnh mấy ngày qua, y như giấc mộng ... Những cái rẫy sắn bạt ngàn, những rừng mây nước đầy gai của Bình Điền phía Tây nam Huế, tiếng trại đọc tên người được tha về, những bước chân người về vội vã không dám ngó lui cái trại tù quá nhiều ấn tượng... tôi không thể chợp mắt chút nào, lòng nôn nao tưởng tượng đến hình ảnh gia đình tôi ba mẹ, các em, dì cậu bà con trong đó sẽ mừng thế nào khi bước chân tôi về đến ngõ.

Tôi lại nhớ về hình ảnh mẹ đích tôi em Hoà... còn lại sinh nhai ở Tây Lộc, anh Nghĩa, con đầu ba tôi giờ phiêu bạt ra sao? Tiếng mừng rỡ của những người bạn chí thiết của tôi tại xóm Cửa Hậu một thành phố mất rồi. Sự giúp đỡ chí tình của Bốn và bà con bạn bè ngoài Hải Trí, ngoài Đông Hà, ôi ! một tình thuơng, ngập tràn ân nghĩa.

Đêm còn dài. Tôi không dám bắt chuyện với ai. Cái rụt rè của người mới ra tù, giờ tôi nhớ lại. Có lẽ họ xem tôi như 'anh du kích' nào trên rừng mới về do tôi không bận áo quần sọc tù mà bận cái áo ka ki lính màu ô liu đã bạc màu . Cái mũ cối bằng rơm vàng mà trại phát, thêm cái ba lô VNCH cũ mà tôi từng dùng bao năm nay. Thỉnh thoảng tôi nắn lại kiểm soát cuộn tiền xem còn không? Tôi chia số tiền ra hai nơi; một nửa để mua vé, một nửa phòng thủ khi cần thiết.

GIÂY PHÚT BON CHEN

Độ ba giờ sáng thiên hạ đã tới chật cứng cả phòng đợi. Tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt, sự lo lắng của tôi tăng cao dần. Làm sao mà có vé bán đủ cho ngần ấy người ? Làm sao tôi có vé đây ? Hình ảnh khi trời rạng sáng sẽ ra sao trước ba cái ô nho nhỏ bán vé kia?
Năm giờ sáng trời đã hơi ràng rạng. Những khuôn mặt bồn chồn, tiếng ồn ào bắt đầu huyên náo. Một đám đông không phải đang sắp hàng thứ tự mà một đám đông bắt đầu dồn nén lẫn nhau. Từ ông già, trung niên cho đến mấy anh thanh niên đều chuẩn bị. Tôi tưởng tượng tất cả 'cơ bắp' của họ đã 'sẵn sàng'!
Riêng tôi tới sớm nên không cách cửa sổ bán vé bao nhiêu. Trong tâm tôi, nửa do dự nửa lo sợ, không sẵn sàng 'tung hết' sức lục ra đối phó với tình hình xem chừng gay cấn đến nơi. Mới ra tù, cái gì tôi cũng lo, cũng sợ. Tôi chưa hết cái cảm giác bị ràng buộc, canh chừng như ở trong trại. Mọi người, mọi thứ đều hơn tôi một bậc nên không dám dằng co hết sức với họ ...


Chợt tiếng tu huýt của người bảo vệ rít lên!?
Cửa bán vé mở rồi!
Tôi không kịp thấy người bán vé là nam hay nữ trong đó vì có một sức mạnh như 'triều dâng thác lũ' cứ đẩy tôi lui dần, lui dần ...  Lúc này sao tôi yếu quá? Hết sức bình sinh tôi cố lấn tới nhưng rất ít kết quả nào?
Tiếng la hét, chửi rủa loạn xạ vang lên như muốn nổ tung cái phòng đợi vé. Hết kiểm soát thật rồi?! Sự mất kiểm soát đến quá nhanh ngoài trí tưởng tượng của tôi? Nhưng thật ra có ai kiểm soát trong cái phòng này đâu? Giờ chỉ còn là sức mạnh và la hét cuồng nộ thôi; ngoại trừ tôi, do quá rụt rè không dám kéo ai, mạnh tay hay 'dữ dằn' với ai...

Tiếng còi lúc nảy giờ vang lên từng hồi liên tục, tiếng la ơi ói từ phía trước linh cảm có gì xảy ra? Có chuyện gì bất thường trước đó?
-Xê ra! xê ra !
Người bảo vệ vừa thổi còi vừa đạp lên vai người dân bươn về trước, tiếp đến hai ba người nữa. Anh ta phải đi trên "đống người" vì không còn cách nào chen lấn nỗi. Mặt anh đỏ gay, hơi thở hồng hộc, cái băng đỏ bảo vệ bên tay áo phải xập sình gần rời ra. Không ai chống lại anh. Bảo vệ vừa kéo vừa la hét, họ đạp trên đầu đám đông thật sự; tuy vậy chẳng thấy ai lùi lại sau.
- Chuyện chi? chuyện chi rứa!?
Câu trả lời rõ ràng cho tôi là hình ảnh ba người bảo vệ kéo lê thân mình anh thanh niên đầu tóc rũ rượi ra ngoài. Thì ra anh ta bị ngất. Tôi chứng kiến một sự thật trước mắt: một thanh niên phải xỉu khi giành vé tàu.
- Hết vé! hết vé rồi!
Tôi nghe tim mình như ngưng đập, trời đất muốn sụp đổ!
- Hết vé ? làm răng đây?
Cả đám đông khựng lại:
- Răng mà hết vé? mới bán mà?
- Tiêu chuẩn... ưu tiên... vừa phải thôi chớ?!
Người ta càu nhàu, người ta chửi rủa. Tôi không còn nghe gì khi trong tôi đang 'chết lịm' !
....
Thất vọng !
Thời gian này tôi vào phòng bưu điện đánh giây thép [1] vào Hàm Tân cho gia đình tôi biết khó mua vé tàu.
- Răng eng không tới Công An ga xin phương tiện ?
Một bác không mua được vé như tôi, sau khi nghe hoàn cảnh tôi mới được tha về nên mách cho tôi vậy...
Phòng công an Ga Huế nằm ở cuối dãy nhà này. Thú thật, vì nóng lòng bởi phương tiện nên tôi mới 'bấm bụng' đẩy cửa bước vào thôi.
Tôi không còn nhớ mấy ông công an Ga Huế bận đồ thường hay đồ cảnh phục nữa. Tôi đưa giấy ra trại ra và trình bày. Hình ảnh tôi nhớ sâu đậm nhất là cái lắc đầu lạnh lùng và ánh mắt lừ đừ như vô hồn từ chối lời thỉnh cầu của tôi về chuyện vé tàu vào nam. Họ trả lời tôi, họ chỉ lo an ninh còn vé tàu thì họ không có thẩm quyền .
Thế là hết, tôi thất vọng đi ra.
Tôi đi lên, đi xuống, gặp ai tôi hỏi đó...
Chợt ánh mắt tôi bắt gặp một đám người đang lố nhố trước mắt, tôi bước nhanh tới đó. Một thanh niên và một đứa bé đang đứng trấn một lỗ hổng vừa người chun qua tại bờ tường chia cách sân tàu tới và phía ngoài đường.
Người thanh niên và đứa thiếu niên đều có giọng nói Hà Tĩnh Nghệ An gì đó:
- Bác đưa ba đồng thì qua lộ ni! chờ tàu tới mấy bác cứ lên và sau đó cứ ghi vé phạt, ba đồng ba đồng thôi...
Tôi nghe thế mừng như sắp ‘chết đuối vớ được phao’ vậy. Thú thật giờ này mà hai người kia nói năm hay mười đồng tôi cũng phải đưa thôi. Một điều lạ, tại sao có cái lỗ này? mấy ông bảo vệ sao không biết ? Vào thời điểm đó tôi không có thì giờ để thắc mắc, chỉ đưa ngay ba đồng cho anh thanh niên giọng Nghệ An kia. Thấy lâu, anh ta vội đẩy tôi lên cao bảo tôi nhảy qua tường, dành lỗ đó cho mấy người còn lại chui qua...

Nhảy xuống xong, vội móc ngay cái ba lô lên vai, một thoáng nhìn anh thanh niên ra vẻ biết ơn, tội vội vàng chạy càng nhanh càng tốt do sợ an ninh bắt lại?! Cái sợ của tôi 'nhân đôi' do rằng tôi là một 'thằng phạm' [2] mới được tha về...

                                                                      Đinh Hoa Lư
                                                    (Trích ‘Ký ức Ra Trại’ của tác giả)

[1] Ngày xưa đánh điện tín (telegraphing) người trung hay nói là đi 'đánh giây thép'
[2] Ngoài kia hay gọi người tù nguòi bị án là phạm (phạm nhân)

Không có nhận xét nào: