BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Hiền Mây. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Hiền Mây. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

NGUYỄN VĂN ĐÔNG, VẦNG TRĂNG XẺ ĐÔI VẪN IN HÌNH BÓNG MỘT NGƯỜI – Phạm Hiền Mây



Nếu như Phạm Duy có Bên Cầu Biên Giới khiến cho hàng triệu con tim khán thính giả phải bồi hồi, say sưa theo giấc viễn mơ của một chàng trai trẻ, một giấc mơ đẹp không biên giới, rất lãng mạn và tình tứ, rất bay bổng và đầy khát khao, được viết năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy, khi Phạm Duy vừa tròn hai mươi sáu tuổi, thì.
Thì, Nguyễn Văn Đông (1932-2018), vào năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu, tức sau Phạm Duy mười năm, lúc Nguyễn Văn Đông vừa tròn hai mươi bốn tuổi, có Chiều Mưa Biên Giới.
 

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

NGUYỄN TÔN NHAN “Ở HOÀI THẾ GIỚI MẬT TÔNG MỎI RỒI” – Phạm Hiền Mây

Tên thật là Nguyễn Hữu Thành (1948-2011), ông là một nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo, với bút danh là Nguyễn Tôn Nhan.

Sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu ở mảng biên khảo với hơn năm mươi tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật. Đặc biệt nhứt là các bộ Bách Khoa Thư Văn Hóa Cổ Điển Trung Quốc, Hoài Nam Tử và Đại Từ Điển Thơ Đường.

Về thơ, ngoài một số bài thơ ông đăng trước năm bảy lăm trên một số tạp chí, ông còn xuất bản hai thi tập, Thánh CaLục Bát Ba Câu.



THƠ CHỮ HÁN

贈慶長            TẶNG KHÁNH TRƯỜNG
 
已多珠涙已多懷         dĩ đa châu lệ dĩ đa hoài
且惜蟾花閃閃乖         thả tích thiềm hoa thiểm thiểm quai
倚瘦枝霜光白玉         ỷ sấu chi sương quang bạch ngọc
重聲月夢馥瓊苔         trùng thanh nguyệt mộng phức quỳnh đài
過深更影縻遼也         quá thâm canh ảnh my liêu dã
到晩晨之睡寂哉         đáo vãn thần chi thụy tịch tai
盡獻人間千美意         tận hiến nhân gian thiên mỹ ý
使離忘卻早天涯     sử ly vong khước tảo thiên nhai
 
Đã nhiều nước mắt nhớ nhung hoài
Tiếc vì cảnh đẹp sớm tàn phai
Bày chút nhành sương xao ngọc trắng
Thèm nghe trăng mộng thoảng hương nhài
Lún mãi vào đêm chưa hết vắng
Ngủ say chiều muộn vẫn chưa ngoai
Dâng hết cho đời bao ý đẹp
Thì quên cách biệt kiếp nay dài
 
Khi tìm tòi trên mạng, tôi phát hiện ra, trong rất nhiều bài thơ làm bằng chữ Hán của Nguyễn Tôn Nhan, sau đó, có dịch sang tiếng Việt, tôi tình cờ thấy một bài thơ, với lời đề tặng người bạn vong niên vốn rất thân với tôi, họa sĩ, nhà văn Khánh Trường.

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

TRƯỜNG CA HÒN VỌNG PHU CỦA NHẠC SĨ LÊ THƯƠNG – Phạm Hiền Mây



Sinh năm một ngàn chín trăm mười bốn tại Hà Nội và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi sáu tại Sài Gòn, Lê Thương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất thời kỳ tiền chiến của tân nhạc Việt Nam.
Theo hồi ký của Phạm Duy, Lê Thương vốn là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Suốt hai mươi năm (1954-1975), ông làm ở trung tâm học liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.
Ông từng là giáo sư dạy Sử Địa tại một số trường tư, dạy tiếng Pháp tại Pétrus Ký và trường Quốc Gia Âm Nhạc - Kịch Nghệ vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước.
Ông đã sáng tác từ thời còn ở ngoài miền Bắc. Nhạc ông tự viết lời cũng có mà phổ từ thơ cũng nhiều. Trước khi viết trường ca Hòn Vọng Phu, ông từng viết những truyện ca và thậm chí, cả nhạc hài hước rất độc đáo. Những bản này được nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn nhiều lần vào thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi.
Quả là đa tài.
Không chỉ thế, ông còn đặt lời cho những bản nhạc ngắn của nước ngoài: Lào, Mỹ, Nhật Bản, Pháp.
Có một thời gian, ông cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi, với những bản nổi tiếng, học sinh thời ấy không ai là không biết: Học Sinh Hành Khúc, Thằng Cuội, Ông Ninh Ông Nang.
 

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

PHẠM HỮU QUANG, "GIANG HỒ TA CHỈ GIANG HỒ VẶT" - Phạm Hiền Mây



Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, là hai câu thơ, thú vị và thi vị, nhiều năm nay, vẫn luôn được mọi người nhắc đến trong niềm yêu mến và thương tưởng.
 
Giang hồ nghĩa là gì, mà sao trong thơ ca, văn chương và cả đời thường, lại nhắc tới nhiều vậy?
Học giả Đào Duy Anh trong Giản Yếu Hán Việt tự điển giảng hai chữ giang hồ như sau: Tam giang và ngũ hồ là chỗ ẩn dật - không có chỗ định trú - hư phù không tin được. Nghĩa rộng ra, giang hồ là từ dùng để chỉ cuộc sống phóng túng, rày đây mai đó, không ở yên một chỗ.
Từ nghĩa gốc sông to và ao lớn, chỉ cảnh thiên nhiên, người ta ám chỉ đến những người từng trải việc đời, rồi xa hơn nữa, người ta ám chỉ đến những người ngao du đây đó, thích du lịch, thích phiêu lưu, sống lang thang. Và nếu hiểu theo nghĩa xấu, thì giang hồ là làm giặc, là ăn cướp.
Trong tự điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh còn lấy hai câu sau đây để diễn giải thêm một nghĩa nữa của giang hồ, khi dùng cho nữ giới, thì đó là gái làng chơi, gái ăn sương:
 
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
Một mùa quan tái bốn mùa gió trăng
 

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

MAI THẢO, TA THẤY HÌNH TA NHỮNG MIẾU ĐỀN – Phạm Hiền Mây


                
Mai Thảo sinh năm một ngàn chín trăm hai mươi bảy tại Nam Định và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi tám tại Hoa Kỳ. Ông thọ bảy mươi mốt tuổi, là nhà văn, nhà thơ, là người cầm chịch tên tuổi trong giới làm văn nghệ.
 
Và, là một người cô đơn, tiêu biểu:
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy
                       (Không Tiếng)
 
Đời ông là trường thiên vũ khúc của, một mình, phòng trà, vũ trường, quán bar, văn chương, bạn bè, và, rượu:
 
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy.
                                   (Một Mình)
 
Thiệt ra, không chỉ Mai Thảo, hay bất kỳ một thiên tài thi ca, văn chương, nhạc họa nào, mới cảm ra rằng mình cô đơn. Sự cô đơn là món quà miễn phí từ thượng đế được phân phối đều khắp cho thiên hạ. Nhưng dù sao thì, với những tâm hồn nhạy cảm, đầy chất thơ, bay bổng và lãng mạn, cô đơn cũng sẽ vào khu trú, rồi tấn công, chiếm lãnh thổ nhiều hơn. Chúng thường trực, gặm nhấm triền miên, từ buổi sinh ra cho đến lúc chết đi, chất nghệ sĩ có trong người ta, vốn là thứ thức ăn ngon miệng nhứt của chúng:
 
Nửa đêm đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trong giấc ngủ đen
                                 (Đợi Bạn)

TA THẤY HÌNH TA NHỮNG MIẾU ĐỀN
 
ta thấy tên ta những bảng đường
đời ta, sử chép cả ngàn chương
sao không, hạt cát sông Hằng ấy
còn chứa trong lòng cả đại dương
 
ta thấy hình ta những miếu đền
tượng thờ nghìn bệ những công viên
sao không, khói với hương sùng kính
đều ngát thơm từ huyệt lãng quên
 
ta thấy muôn sao đứng kín trời
chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
sao không, một điểm lân tinh vẫn
cháy được lên từ đáy thẳm khơi
 
ta thấy đường ta Chúa hiện hình
vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
sao không, tâm thức riêng bờ cõi
địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi !
 
ta thấy nơi ta trục đất ngừng
và cùng một lúc trục đời ngưng
sao không, hạt bụi trong lòng trục
cũng đủ vòng quay phải đứng dừng
 
ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
tự thuở chim hồng rét mướt bay
 
ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
nhìn hình ta khuất bóng ta xa
sao không, huyết lệ trong trời đất
là phát sinh từ huyết lệ ta
 
ta thấy rèm nhung khép lại rồi
hạ màn, thế kỷ hết trò chơi
sao không, quay gót, tên hề đã
chán một trò điên diễn với người
 
ta thấy ta treo cổ dưới cành
rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
sao không, sao chẳng không là vậy
khi chẳng còn chi ở khúc quanh
 
                    Mai Thảo
(Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền -1989)
 

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

BÙI GIÁNG, “XIN CHÀO NHAU GIỮA CON ĐƯỜNG” – Phạm Hiền Mây



Đọc Bùi Giáng càng nhiều, tôi càng nhận ra, trong cõi đời ông, tức, cõi thơ ông, hoặc, chẳng gì quan trọng, hoặc, hết sức thiêng liêng, rất đáng để thờ phượng, rất đáng để dấu yêu.
Đọc Bùi Giáng càng nhiều, tôi càng nhận ra, thơ nói chung và thơ Bùi Giáng nói riêng, chỉ có thể cảm, chớ rất khó để luận bàn, phân tích. Thậm chí, hiểu thôi, cũng đã là việc bất khả.
Nói về Bùi Giáng, viết về Bùi Giáng, là quyền của người ta, chớ giờ đây, ông Bùi Giáng, ổng có gật đầu thừa nhận, hay lắc đầu phản kháng gì nữa đâu. Ổng đã về hẳn cõi của ổng rồi, một miền xa lăng lắc, chỉ khói và sương.
Mưa Nguồn là tập thơ đầu tiên của Bùi Giáng, xuất bản năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai và có cả thảy một trăm bốn mươi bài. Những bài này, đã lần lượt được viết, bắt đầu từ những năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám.
Trong một trăm bốn mươi bài ấy, tôi thích nhứt là hai bài: Mắt Buồn Chào Nguyên Xuân.
 
MẮT BUỒN
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)
 
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
 m trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
 
Câu “dặm khuya ngắt tạnh mù khơi” mà Bùi Giáng mượn từ truyện Kiều của Nguyễn Du để làm lời dẫn cho Mắt Buồn, được trích ở đoạn, Kiều từ biệt mẹ cha, cùng Mã Giám Sinh về Lâm Truy: dặm khuya ngắt tạnh mù khơi / thấy trăng mà thẹn những lời non sông. Đêm ấy, nàng ngước nhìn trăng và nhớ về cái đêm mà nàng cùng với Kim Trọng “vầng trăng vằng vặc giữa trời”, tự tình, thề nguyền hẹn ước, bằng những lời vàng đá, sắt son.
Đưa vào, thì chắc phải có ý nghĩa gì rồi, chớ chẳng thể là không.
Có thể đó là một ngậm ngùi nhắc nhở. Cũng có thể đó là một nhẹ nhàng trách than. Là tôi đoán thế thôi. Đọc thơ, rồi dùng trí liên tưởng của mình mà đoán này đoán nọ. Hên thì trúng. Nghĩ quá cạn cợt hoặc nghĩ quá xa xôi, thì trật. Mà trúng hay trật gì, thì cũng ích chi cho tác giả. Trúng hay trật gì thì giờ này, tác giả cũng có cãi được đâu. Ổng mất rồi, lấy đâu mà đối chứng.