Tác giả Lê Nghị
1. Đặt vấn đề:
Có bạn hỏi tôi vì sao đưa nhiều truyền thuyết huyền
thoại vào Sử Việt Cho Cháu nhưng
không thấy đưa truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu?
Xin trả lời tóm tắt: cần phân biệt huyền thoại, chính
sử và dã sử.
Huyền thoại lịch sử là tái tạo hình ảnh thời chưa có sử.
Dã sử là phóng tác chính sử, là tác phẩm văn học. Truyền thuyết Thần Kim Quy có
yếu tố lịch sử: cải tiến thành trì và vũ khí trong lịch sử dân tộc nên đưa vào
bài sử. Riêng nội dung Trọng Thủy Mỵ - Châu thuộc về dã sử nên không đưa vào bài
sử.
Tôi
kể ngày xưa truyện Mỵ Châu
Trái
tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ
thần trót lỡ trao tay giặc
Nên
nỗi cơ đồ đắm bể sâu.
Theo quan điểm đó thì dẫn tới kết tội Trọng Thủy là
gián điệp ngoại bang và Mỵ Châu lụy tình mà phản bội quốc gia. Vì vậy truyện Trọng
Thuỷ- Mỵ Châu là một kết thúc không có hậu, xem cái chết của Mỵ Châu là bị đền
tội trước lịch sử.
Việc đưa nội dung dã sử, một tác phẩm văn học dân gian
như một bài học lịch sử sẽ dẫn đến sự kiện thiếu trung thực và làm lệch ý nghĩa
chính của truyền thuyết dân gian. Ta tự đặt câu hỏi: Liệu người xưa có dùng
truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu để dạy đời sau bài học mất cảnh giác như cách hiểu
hiện nay không? Hay là vì mục đích khác
2. Xuất
xứ truyền thuyết và bối cảnh lịch sử.
Khi phân tích một tác phẩm trước tiên là đề cập đến xuất
xứ. Từ xuất xứ ta mới tìm hiểu bối cảnh. Trọng Thủy-Mỵ Châu gắn liền với truyện
thần Kim Quy là một truyền thuyết có nhiều dị bản, một giai thoại trước đời Trần,
dựa trên bối cảnh lịch sử trước đó 900 năm. Truyện truyền miệng từ đời nào
không biết, được ghi chép lần đầu trong tuyển tập huyền thoại và giai thoại: Lĩnh Nam Chích Quái đầu đời Trần. Nội
dung câu truyện trong sách đó được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đời Lê, có dẫn nguồn từ Đại Việt Sử Ký đời Trần. Ngày nay xác định
truyện ra đời trước sử nhà Trần. Do đó, đừng hiểu nhầm cái gì sách sử ghi lại đều
là chính sử. Thường khi mở đầu bao giờ cũng có hai chữ: tương truyền....
Sau khi chép lại tư liệu từ Đại Việt Sử Ký, sử thần Ngô Sĩ Liên đời Lê cũng chú thích thêm truyện
Rùa Vàng, chẳng qua là cách giải thích của dân gian về lý do An Dương Vương mất
nước.
Xét về mặt lịch sử, ta thấy rằng quan điểm của người
viết sử từ nhà Trần đến gần cuối nhà Nguyễn xem nhà Triệu là triều chính thống,
yêu nước của người Việt. Triệu Đà là vị vua anh minh của người Việt. Vì vậy xem
việc sáp nhập Văn Lang, đổi tên là Âu Lạc, của An Dương Vương cũng tương tự sáp
nhập Âu Lạc vào Nam Việt không phải là chiến tranh giữa hai nước mà chỉ là xung
đột nội bộ của người Việt. Đó là một cách nhìn xuyên suốt không mâu thuẫn như
khi chọn Thục Phán mà lại loại Triệu Đà. Bởi loại nhà Triệu mới kết tội Mỵ Châu
bán nước.
Hai giai đoạn sáp nhập trên theo ngày tháng ghi trong
sử chỉ diễn ra trong vòng 20 năm. Được xem là quá trình liên minh đi đến thống
nhất toàn xứ Bách Việt đứng trước tham vọng của nhà Hán. Nhờ đó xứ Bách Việt giữ
được độc lập thêm 96 năm, kể từ lúc sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Bằng chứng ấy
không thể chối cãi.
Ta cũng thấy rằng kết thúc mỗi lần sáp nhập, chính sử
không ghi chép An Dương Vương giết vua Hùng, nhà Triệu giết An Dương Vương. Vậy
hai người đó ra sao? Dân gian giải thích vua Hùng nhảy giếng tự vẫn, An Dương
Vương biệt tích. Sử chỉ ghi lại giả thiết ấy thôi.
Sử cũng không ghi nhận một sự kiện nào quân tướng,
cũng như con cháu đời trước hoạt động kháng chiến, như thông lệ từ trước đến
nay khi bị cướp nước. Như vậy ngầm chứng minh việc sáp nhập là thuận đại đa số
nhân tâm. Hoàn toàn khác với nhà Tần xâm lược, Bách Việt kháng chiến 10 năm thắng
lợi; Đông Hán xâm lược, Nam Việt kháng chiến từ Quảng Đông đến Quảng Tây, sông
Lô gần 1 năm.
Thêm vào đó, nếu so với sử Ký Tư Mã Thiên, ĐVSKTT đã
quy nhầm năm sự kiện Triệu Đà chiếm Cổ Loa năm 208 TCN. Thực ra năm 208 Triệu
Đà 31 tuổi, làm gì có con lớn mà gửi rể ?!? Năm đó Triệu Đà theo lệnh Nhâm Ngao
đánh vào Quảng Tây. Trước đó 6 năm, tức năm 214 TCN, Thục Phán đã thắng đạo
quân 300.000 và giết chủ tướng Đồ Thư nhà Tần.Thục Phán năm ấy tuổi thanh niên,
còn là trang tuấn kiệt, quân lực Thục Phán hùng hậu. Tướng tiên phong của Triệu
Đà bị thua và chết cùng 3000 quân. Triệu Đà e ngại rút quân.
29 năm sau sự kiện chạm trán trên, Thục Phán đã kế tục
vua Hùng trong quốc hiệu Âu Lạc 18 năm, và đã chọn Trọng Thủy làm rể, mới diễn
ra sự kiện sáp nhập Âu Lạc vào năm 179 TCN . Do trong nhiều năm chưa so lại
chính sử nhà Hán, dựa vào nhiều thêu dệt sách Trung Hoa soạn sau đó 500 năm, ta
hiểu nhầm Triệu Đà nhiều đợt tấn công thành Cổ Loa. Triệu Đà sinh năm 239 TCN,
năm 179 TCN ông đã 60 tuổi, con đầu Trọng Thủy ít nhất cũng 35. Suy ra Trọng Thủy
nếu kết hôn đầu cũng đã 10 năm trước khi sáp nhập. Âu Lạc tồn tại 18 năm, có
khi Trọng Thủy cũng từng có mặt khi xây thành Cổ Loa.
3. Dã sử và ý nghĩa truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu
Dễ thấy các tình tiết hư cấu trong truyện Thần Kim
Quy. Ngoài chuyện quỷ Bạch Kê phá đám việc xây thành và Rùa biết nói đã rõ là
thêm thắt. Chi tiết xem trộm nỏ thần, Trọng Thủy dặn Mỵ Châu nếu có biến giữa 2
bên thì rải lông ngỗng làm dấu, chuyện ấy chỉ vợ chồng biết. Giả định An Dương
Vương khi tới đường cùng trước khi giết con gái yêu cũng phải hỏi vì sao quân
Triệu biết đường đuổi theo? Ắt Mỵ Châu phải kể lể dài dòng nguyên nhân. Nhưng
trong truyện chỉ nghe Rùa Vàng hiện ra bảo: “Giặc
ngồi sau lưng, vua quay lại không có ai khác, liền hiểu ra, chém đầu Mỵ Châu,
sau đó cầm sừng tê rẽ nước xuống biển”. Chỉ có vua biết toàn bộ câu truyện,
mà vua biệt tích, Trọng Thủy đến thì Mỵ Châu đã chết, lấy ai kể lại những tình
tiết cuối cùng đó?
Do vậy, toàn truyện vốn hư cấu, thêu dệt trên nền lịch
sử. Kết cấu truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu được lặp lại thời Lý Phật Tử - Triệu
Quang Phục: Lý Nhã Lang và Triệu nương,
Triệu Quang Phục thua do con rể tráo cái mũ móng rồng hộ thân?!? Sử gia Ngô
Sĩ Liên cũng nhấn mạnh cả hai câu truyện chỉ là dã sử. Ngày nay ta thấy rất nhiều
truyện cổ tích trên thế giới nói về những mối tình oan trái trong bối cảnh hai
thế lực tranh giành chi tiết tương tự, chỉ khác ông thần, bà tiên; khác vũ khí,
quyền phép gì đó mất linh.
Nếu lưu ý một chút tên nhân vật cũng không thật. Các
công chúa thời Hùng Vương đến Thục gọi là Mỵ nương chung chung như trong các
giai thoại về Trương Chi - Mỵ nương; Truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh... Cùng lắm
không biết tên cúng cơm thì gọi Thục nương, Thục công chúa. Nhưng ở đây tên cụ
thể là Châu. Có liên quan gì đến ngọc trai sau này? Phải chăng vì Trọng Thủy
tên nhân vật thật, trùng nghĩa “nặng tình
đầu”, đồng thời trùng với nghĩa “nước”
nên sinh ra hư cấu nhảy giếng nước tự vẫn cho vẹn tình?
Có liên quan gì đến chi tiết lấy Thủy (nước) rửa Châu
thì Châu toả sáng? Phải chăng tên Châu là đặt theo tên Thuỷ? Từ xuất xứ, sử
sách nêu trên đã xếp câu truyện vào tác phẩm văn học dã sử dân gian. Các chi tiết
hư cấu dẫn thêm trên cho thấy không có vai trò của Trọng Thuỷ - Mỵ Châu tác động
vào biến đổi lịch sử. Khác với hôn nhân Cù Thị và Triệu Minh Vương, điển hình
là chuyện gián điệp. Vì vậy người Việt không ai thờ kính. Nhưng Trọng Thủy - Mỵ
Châu lại được thờ. Không dân tộc nào lại thờ kính gián điệp và kẻ bán nước. Đương
nhiên những người xây dựng truyện Trọng Thủy và Mỵ Châu không nhằm mục đích chỉ
ra bài học cảnh giác.
Với góc nhìn văn học thì đây là một truyện tình đẹp
trong hoàn cảnh nghiệt ngã giữa các mưu đồ xung đột chính trị. Suy rộng ra mọi
cuộc nội chiến đều đem lại tang tóc, oan khuất cho người dân hai phía. Phải
chăng đó là ý nghĩa trước tiên mà tiền nhân muốn nhắc nhở hậu thế? Tiếp đến là
bài học muôn thuở của nhân loại: dù trong hoàn cảnh nào thì tình yêu thật lòng,
chung thủy cũng là điều được nhân gian tôn trọng. Câu truyện không nhằm tính
trung thực nhưng mang tính dân tộc và nhân văn là ở hai điểm ấy.
Nếu tiền nhân xem đó là truyện một chiều: xâm lược,
cài gián điệp, một bài học cảnh giác thì đã không có thêm tình tiết: trai biển
nhiễm máu trung trinh kết thành châu ngọc, nước giếng nhiễm hồn chung thủy thêm
toả sáng tình yêu.
Xét về mặt văn học thì truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu là
một kiệt tác trong kho tàng truyện ngắn dân gian. Kết cấu của truyện hấp dẫn,
xen vào các tình tiết không thật mà cảm giác lại rất thật, dữ kiện lịch sử đan
xen với trí tưởng tượng làm người nghe lần đầu ắt phải hồi hộp cho số phận nhân
vật. Kết thúc rất kịch tính, về hình thức không có hậu, nhân vật đều chết thảm.
Nhưng nội dung thì rất hậu: Tình yêu chân chính luôn tỏa sáng. Sự sáng tạo vượt
qua các truyện dân gian khác là chỗ ấy.
Tiền nhân có trân trọng mối tình đó mới lập miếu thờ cả
hai người. Ngay cả am thờ, tượng cụt đầu, giếng ngọc cũng mang tính biểu trưng.
Mỵ Châu không nhất thiết phải mất đầu mới chết. Nó chỉ muốn tải một thông điệp
tình yêu không phải xuất phát ở cái đầu mà từ quả tim. Một trái tim chia 3 phần
tươi đỏ ắt trong thế gian này chỉ có một. Trời sinh trái tim chỉ có hai phần
chính: phải và trái. Trừu tượng hoá cao lắm là bên hiếu bên tình. Nếu hỏi ai đó
khi có mâu thuẫn giữa hiếu và tình thì chọn bên nào? Chắc phần đông, kể cả tôi
trả lời chọn hiếu là phải. Nhưng hỡi ôi sự thật thì phần lớn của quả tim lại nằm
bên trái! Nên giả định thì chọn phải, nhưng có thật thì chọn điều trái lý:
tình!
Trọng Thuỷ hư cấu phải nhảy giếng tự vẫn. Chẳng qua
cái tên ông đã hàm ý nặng nghĩa trước sau.
Tên cũng trùng nghĩa chất nước, đã
nói trên. Nếu hư cấu ông chết kiểu nào đó trên cạn, thì khó liên kết làm cho
châu được tỏa sáng.
Ngày nay ta thấy phim, truyện thường diễn đạt thực trạng
hôn nhân. Từ trước hôn nhân đến khi ly dị là sự so đo, cân nhắc tranh chấp về
tài sản. Là âm mưu và cảnh giác chiếm đoạt công ty, cách giữ riêng tài sản. Hôn
nhân dựa vào cái đầu chứ không phải quả tim. Do đó hiếu tình không quan trọng nữa,
quan trọng là tiền! Quả thật có gì đó đi ngược với đạo lý truyền thống. Phải
chăng bắt đầu từ giáo dục những bài học tưởng như nhỏ nhặt.
Dạy sử cho trẻ em trước hết là dạy lòng yêu nước, yêu
dân tộc. Nhưng cần phân biệt chính sử và dã sử. Chúng ta không thể để trẻ em có
ấn tượng Truyện Rồng Tiên là phản khoa học: rồng lấy tiên sao đẻ ra trứng, người
sao lại từ trứng nở ra? Truyện Thánh Gióng làm gì có đứa trẻ nào ăn liên tục
các nồi cơm to mà thành tướng? Truyện Rùa Vàng gieo thắc mắc: không lẽ nếu
không có Rùa Vàng thì dân tộc ta không biết cách xây thành, làm ra vũ khí ? Thật
là buồn khi tôi đọc trên mạng, rất nhiều người lớn hiểu truyền thuyết mà hiểu
theo nghĩa đen. Họ chế diễu cười cợt, xem truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ, về
nguồn gốc dân tộc Việt là chuyện hoang đường. Đầu óc các vị đó ám ảnh một điều
duy nhất theo ghi chép của người Hoa rằng tổ tiên người Việt từ Tàu qua, điều
mà ngày nay khoa học đã bác bỏ.
Họ cũng nghĩ rằng tiền nhân rất ngây ngô, tưởng tượng
chuyện không khoa học. Họ quên một điều chỉ những đầu óc thông minh, biết suy
luận mới thêu dệt nên huyền thoại hấp dẫn nhớ lâu.
Tôi biết nhiều người mở miệng ra là nói đến khoa học,
thực chất là những người kém kiến thức, mới học vài bài vỡ lòng về duy vật sử
quan xưng mình là người có đầu óc khoa học. Bên cạnh đó họ không quan tâm đến
chuyện không thu được tiền. Những người đó lại có hành vi mê tín, bói toán, bái
lễ đình chùa, cầu xin, cúng tạ thần thánh bậc nhất.
Người lớn cần chỉ ra yếu tố ngụ ngôn trong từng truyền
thuyết và giai thoại dân gian Việt. Mỗi truyện chuyển tải một thế giới quan và
nhân sinh quan ca ngợi phẩm chất nào đó của người Việt, hoặc bài bác một hiện
tượng nào đó có hại cho nhân sinh...
Cũng như truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, Trọng Thủy - Mỵ
Châu không thuộc chính sử. Đó là một truyện dân gian thể hiện nhân sinh quan của
người Việt. Câu truyện mà đặt tên “tinh”
chứ không phải thánh, thần, tiên là hàm nghĩa chuyện xấu, chê bai việc giành
gái, giành của cải... mang họa đến loài người. Câu truyện mà có trọng tình,
châu ngọc là chuyện tốt nên theo: Tình yêu chân chính dù bị dập vùi oan nghiệt
vẫn luôn tỏa sáng. Ít nhiều câu truyện cũng ngầm kết án chiến tranh. Nghe xong
ai cũng thở dài cho thân phận con người, nhưng đồng thời đánh giá cao tình yêu
son sắt, thủy chung. Tính nhân văn khi xây dựng tâm hồn trẻ em qua văn học là
như vậy.
4. Kết luận
Trên cơ sở lắng nghe thông tin nhiều chiều, người biên
soạn Sử Việt Cho Cháu sau khi cân nhắc:
Truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu không là sự kiện chính sử, chỉ xây dựng trên nền
chính sử. Cuộc tình của nhân vật tiểu thuyết không hề có tác động thật vào lịch
sử. Nó là tác phẩm văn học đặt nhân vật trong vai bị tác động của lịch sử. Cụ
thể hai nhân vật Trọng Thủy, Mỵ Châu là nạn nhân của lịch sử. Hoàn toàn khác với
hôn nhân của Triệu Minh Đế nước Nam Việt với Cù thị gián điệp nhà Hán, có hành
vi sắp đặt âm mưu bán nước nhà chồng khi có điều kiện. Cũng cần biết thêm Cù thị
được nhà Hán ca ngợi như một nữ liệt sĩ của họ. Hành vi của Cù thị, nhân vật
chính sử tác động vào lịch sử. Triệu Minh Đế bị vợ lừa, đó mới là bài học cần cảnh
giác (sẽ nói ở bài: Lữ Gia tể tướng Triệu triều)
Nguyên nhân và diễn biến dẫn tới sáp nhập Âu Lạc vào
Nam Việt cần được tìm hiểu thêm một cách khoa học. Sách vở, đền tích của người
Việt bị các đời đô hộ Tàu phá huỷ, thiêu đốt. Người biên soạn cùng quan điểm sử
gia nhà Trần, cho rằng Triệu Đà có tầm nhìn xa, có thiện chí liên minh qua việc
gửi rể phương Nam. Cùng lúc liên minh với Mân Việt phía bắc cũng qua kết thông
gia. Nước Nam Việt suốt 96 năm hùng mạnh, trong đó có 70 năm Triệu Đà cầm quyền
không hề thôn tính Mân Việt và U Việt, cho thấy Triệu Đà không phải là kẻ tham
vọng.
An Dương Vương đến 179 TCN đã già yếu ở tuổi 72, không
có con trai, việc rể Trọng Thủy cùng cha ruột sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt rất
dễ dàng. Hán Sử không hề nhắc đến tên và vai trò Trọng Thuỷ. Xem như trước đó
Hán sử không biết gì nhiều về nội bộ của Bách Việt. Nhưng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận, con Trọng Thuỷ là Triệu Hồ, cháu
đích tôn của Triệu Đà đã kế ngôi Triệu Đà, hiệu là Triệu Văn Đế. Vì Triệu Đà sống
thọ 103 tuổi, khi ông mất tính ra Trọng Thủy phải ở tuổi 80. Vì vậy Trọng Thuỷ
mất trước cha là chuyện không gì bất thường. Đền tích thờ Triệu Đà tại Đồng
Xâm, Kiến Xương, Thái Bình có thờ người vợ Việt họ Trịnh của Triệu Đà là mẹ của
Trọng Thủy.
Sử
Việt Cho Cháu chỉ đưa chi tiết truyện Nỏ và thành Loa;
nhấn mạnh ý thức cải tiến quân sự của cha ông từ xa xưa, khi chiến tranh đã
chuyển sang giai đoạn hỗn chiến. Nghĩa là sự thắng thua do tương quan lực- lượng
quân sĩ hai bên dưới sự chỉ huy trận pháp của tướng, chứ không còn lệ thuộc võ
nghệ và sinh mạng của hai ông tướng cầm đầu trực tiếp đấu nhau. Nỏ thay cung tạo
nên lực bắn xa và mạnh khi quân địch kéo đến đông cần tiêu diệt từ xa. Khi cận
chiến bản thân cây nỏ vẫn là vũ khí đâm, đánh đều gây sát thương; gạt, đỡ hiệu
quả hơn cánh cung mỏng manh. Loa thành diện tiếp xúc với địch ít cho dù địch
đông quân, khác với thành 4 mặt, địch đông có thể tấn công đồng loạt. Truyện có
liên quan đến thế lực xâm lược đông quân của nhà Tần trước đó và nhà Hán tiếp
theo. Các yếu tố thần linh không nhắc tới trong bài học.
Người biên soạn xem truyện Trọng Thủy - Mỵ Châu là tác
phẩm văn học dân gian, hình thức sáng tạo, nội dung nhân văn, một kiệt tác của
truyện ngắn dân gian thời sơ sử. Vì vậy, không đưa vào bài học lịch sử. Bài học
mất cảnh giác dẫn tới mất nước nằm ở quan hệ Triệu Minh Đế và Cù Thị, những
tình tiết chính sử sẽ được nhấn mạnh trong bài sau.
Các em có tò mò đọc thêm bài này cũng cần hiểu đây chỉ
là một hướng tham khảo. Các em có quyền lựa chọn, không áp đặt tư duy người
biên soạn vào bài học. Bài văn vần dưới đây xem như là bài cảm tác của người
biên soạn ở khía cạnh cảm thụ văn học dân gian, không phải là bài học lịch sử.
Kính!
OAN
TÌNH TRỌNG THỦY – MỴ CHÂU
Truyện rằng tổn tướng hao
binh
Triệu không chiếm được
vương thành Cổ Loa
Nước cờ diệu kế sâu xa
Trọng Thủy ở rể hiếu hoà
kết thân (1)
Mỵ Châu gái Thục giai
nhân
Trai tài gái sắc mười
phân trùng phùng
Phải chăng vì chữ hiếu-
trung (2)
Đành mang tiếng phụ người
cùng gối chăn?
Xưa trao áo, quạt dày
lông
Lỡ khi ngày nóng đêm đông
một mình...
Ngờ đâu chóng cuộc đao
binh
Vợ Nam chồng Bắc hiếu
tình sao đây ?
Giữa cơn giáo phóng tên
bay
Rẽ riêng nẻo khuất, ngựa
hay xuyên rừng
Tung roi thét ngựa không
dừng
Ngựa lưng hằn vết, người
chừng lửa thiêu
Băng sông vượt núi trèo
đèo
Vó câu vạn dặm ruổi theo
dấu nàng...
Cố công mấy cũng muộn
màng
Máu loang áo quạt- khóc
than động trời:
Oan tình thôi thế đành
thôi
Giếng sâu cho trọn thề bồi
non sông...
Nước trong sáng ngọc biển
Đông
Trời cao bày tỏ hai lòng
thẳng ngay
Cổ Loa miếu cũ rêu dày
(3)
Người xưa ghi dấu: tình
này thiên thu
Lê Nghị
***
Ghi chú: (cho trẻ em nếu trẻ em có đọc.)
(1)
Ở rể: hình thức vừa kết thân vừa làm con tin. Hiếu hoà: thông qua giữ chữ hiếu
cả hai nhà mà đoàn kết liên minh chống giặc.
(2)
Hiếu - Trung: quan điểm Nho học cho rằng làm con phải nghe lời cha, làm dân phải
nghe lời vua tuyệt đối.
(3)
Rêu dày: Ở đây ý nói đã lâu năm, đừng nhầm ý bỏ hoang.
Dân
chúng cảm động mối tình này nên lập am thờ Mỵ Châu trước giếng nay còn tại di
tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét