BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ - Hoàng Đằng


                   
                              Tác giả Hoàng Đằng


                 KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ
    (Bài viết này xem như lời thăm hỏi của tôi gởi vào trong ấy)

Tháng 4/1974, tôi là nhà giáo thuộc sở học chánh Quảng Trị “theo đoàn lưu dân” vào khẩn hoang lập ấp ở khu Láng Gòn tỉnh Bình Tuy.
Tôi trình diện Sở Học Chánh tỉnh Bình Tuy để mong được bố trí dạy ở một trường nào đó thuận tiện.

Chuyện không ngờ: Tôi gặp thầy Nguyễn Như Lộc, chánh sự vụ sở.
Thầy Lộc tốt nghiệp ĐHSP Huế ban Pháp văn hè 1961 (khoá 2 ĐHSP Huế đào tạo GSTHĐ2C). Ra trường, thầy nhận việc ở trường trung học Nguyễn Huệ, Tuy Hoà - tỉnh Phú Yên. Được ít lâu, thầy xin đổi về trường trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị để gần nhà là Huế. Sau đó, thầy được cử về Thừa Thiên làm hiệu trưởng trường trung học đệ 2 cấp Quảng Phước (Sịa) -huyện Quảng Điền.
Không biết do cơ duyên nào mà thầy đến Bình Tuy để đứng đầu Sở Học Chánh.

Trước đây, ở lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà, ngành giáo dục cấp tỉnh còn rời rạc.
Ở cấp tiểu học, các trường tiểu học trực thuộc ty tiểu học vụ, đứng đầu có trưởng ty.
Ở cấp trung học, các trường trung học công lập hoạt động độc lập và trực thuộc nha trung học, bộ giáo dục.
Đến năm 1973, Sở Học Chánh được thành lập quản lý luôn cả cấp tiểu học và trung học.
Đầu năm 1973, ở hầu hết các tỉnh, cơ cấu sở học chánh đã hình thành, tương đối hoàn chỉnh, trong khi đó, ở tỉnh Bình Tuy, có rắc rối chi đó mà sở học chánh thành hình muộn hơn – hình như đầu năm 1974, và đến tháng 4/1974, nhân sự cũng chưa đầy đủ.

Thầy Nguyễn Như Lộc vượt cả ngàn cây số vào đây, nhận chức chánh sự vụ, hình như cũng chỉ là bước đệm thôi. Nghe nói, thầy đang chờ học bổng gì đó để đi Pháp, học tiếp.
Gặp tôi, nhận ra người quen – cùng từng đồng nghiệp tại trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, thầy Nguyễn Như Lộc mừng lắm; thầy bố trí tôi vào ban thanh tra và đứng đầu ban thanh tra của sở.
Ban thanh tra lúc đó, ngoài tôi ra, còn gồm 1 thanh tra trung học là thầy Lê Văn Quang, hiệu trưởng trường trung học Cam Lộ Quảng Trị vào được tiến cử lên và 4 thanh tra tiểu học gồm 3 thanh tra tiểu học của ty tiểu học cũ là thầy Lê Ngọc Quý, thầy Nguyễn Văn Môn, thầy Trần Quan Sách thêm thầy Nguyễn Văn Duân, thanh tra tiểu học từ Quảng Trị vào.

Điều kiện làm thanh tra trung học là (1) phải đủ 30 tuổi, (2) làm hiệu trưởng ít nhất 2 năm. Cả hai điều kiện tôi không đáp ứng, tôi mới làm hiệu trưởng Triệu Phong một năm, còn về tuổi, đến tháng 10, tôi mới tròn 30. Không có người sẵn, thầy cho lập hồ sơ tiến cử gởi về bộ Giáo Dục, bộ cử tôi làm Quyền Thanh Tra.
Làm thanh tra vào dịp hè, tôi ngồi chơi xơi nước. May là lúc bấy giờ, các vị nhân sĩ Quảng Trị đang vận động mở trường trung học công lập ở khu Láng Gòn; thầy Nguyễn Như Lộc giao tôi lo thủ tục.

Bộ Giáo Dục ra nghị định mở trường Nguyễn Phúc Chu – một trường công lập có từ lớp 6 đến lớp 12 tại khu khẩn hoang lập ấp Láng Gòn,
Thời ấy, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà chỉ cho mở trường trung học tỉnh hạt – một hình thức công lập nhưng tỉnh phải đài thọ ngân sách. Việc mở trường công lập Nguyễn Phúc Chu là một biệt lệ, một sự ưu ái.
Tôi xin rời sở lên trường để gần gũi các con, thầy Lộc chấp nhận liền. Ước muốn chân thành của tôi là sẽ ở trường mãi mãi, giảng huấn cũng được, giữ chức gì đó trong ban giám hiệu cũng được. Vậy mà không!

Đầu năm 1975, Việt Nam Cộng Hoà cải tổ guồng máy hành chánh cấp tỉnh, Sở học chánh đổi thành ty văn hoá giáo dục và thanh niên gộp sở học chánh và ty thanh niên làm một. Chánh sự vụ sở học chánh giữ chức trưởng ty, trưởng ty thanh niên giữ chức phó ty phụ trách thanh niên, còn một phó ty phụ trách văn hoá giáo dục chưa có.
Xin nói thêm để người bây giờ hiểu: “Văn hoá” trong ty văn hoá giáo dục và thanh niên không có hoạt động nào hết, vì cấp bộ có quản lý ngành bảo tồn, bảo tàng mang tên bộ văn hoá giáo dục và thanh niên, nên cấp ty cũng giữ lại cho đủ từ; còn “thanh niên” chỉ có hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt học đường.

Thật ra, ở sở học chánh đã có 2 phụ tá chánh sự vụ: một phụ trách hành chánh tài chánh do thầy Hoàng Đức Thạc, nguyên giáo sư Quốc Học Huế do thầy Nguyễn Như Lộc rủ đi theo, tiến cử và một là phụ tá học vụ do thầy Nguyễn Văn Trang, trước đó là trưởng ty tiểu học vụ giữ. 
Không biết sao thầy Hoàng Đức Thạc, nhân dịp này, xin thuyên chuyển về Sài Gòn, còn thầy Nguyễn Văn Trang xin thuyên chuyển qua giữ chức hiệu trưởng trung học Bình Tuy thay thế thầy Vũ Đán Bình đang chờ bàn giao; thầy Nguyễn Văn Trang lấy cớ chưa đi động viên, làm phó ty – chức vụ ít quan trọng – sẽ có lệnh gọi, còn hiệu trưởng thì không.

Khi lập sở học chánh, ở các tỉnh khác, vị hiệu trưởng trường trung học ở tỉnh lên làm chánh sự vụ; ở Bình Tuy, đáng lẽ thầy Vũ Đán Bình lên làm chánh sự vụ, vậy mà không, lại phải bàn giao chức hiệu trưởng; tôi không biết lý do.
Thầy Nguyễn Như Lộc gọi tôi về, thầy nói rất tình cảm:
- Mình vào đây, nhìn lui nhìn tới không biết đề cử ai làm phó ty phụ trách mảng giáo dục, thôi Đằng về giúp mình một tay, anh em làm việc gần gũi nhau cho vui.

Thầy Nguyễn Như Lộc hơn tôi về tuổi tác, về thâm niên nghề nghiệp, về ngạch trật. Trong công việc, tôi xưng hô với thầy là “tôi” và “ông chánh sở”, chứ trong đời thường, tôi xưng hô với thầy là “em” và “anh”.
Thầy đem tình cảm nói với tôi vậy, thật ra, đấy cũng là lệnh, tôi chấp hành, nhận chức phó ty từ đầu tháng 2/1975.
Hy vọng với chức phó ty, sau một thời gian ngắn, tôi dễ dàng xin đổi về Sài Gòn để mấy đứa con có cơ hội tiến xa trên đường học vấn, còn bản thân tôi sẽ ghi danh học cao học.

Tuy nhiên, chuyện đời không phải khi nào muốn là được.
Cuối tháng 3 đầu tháng 4/1975, chiến sự đã rộn ràng, thầy Nguyễn Như Lộc đi công tác ở bộ, lâu ngày không về được vì mặt trận Xuân Lộc (Long Khánh) chận đường. Chính quyền tỉnh Bình Tuy cử thầy Vũ Đán Bình, hiệu trưởng trung học Bình Tuy cũ đã giao việc, nhưng chưa được chỉ định nhiệm sở làm xử lý thường vụ trưởng ty để điều hành công việc.
Trớ trêu là không biết vì sao tỉnh cử mà bộ không chịu, hai bên trao đổi qua về sao đó, kết quả là tỉnh huỷ sự vụ lệnh của thầy Vũ Đán Bình, ký sự vụ lệnh mới cử tôi làm xử lý thường vụ trưởng ty văn hoá giáo dục và thanh niên.

Sự vụ lệnh ký này 17/4/1975, tống đạt đến tôi ngày 18/4/1975. Quân giải phóng sắp sửa vào Phan Thiết, cách đó khoảng hơn 50 km; nhân viên văn phòng ty một số di tản, một số ở nhà không tới làm việc nữa và tôi cũng ở nhà luôn.
Đêm 22 rạng 23/4/1975, quân giải phóng chiếm tỉnh lỵ Bình Tuy. Tôi từ giã nghề dạy học …

                                                                     Hoàng Đằng
                                                                      23/4/2020
                                                   (Mồng Một tháng Tư năm Canh Tý)

Không có nhận xét nào: