BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Trung Sáng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Trung Sáng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

“EM XA LẠ QUÁ, ĐÂU CÒN PHẢI...”, KỶ NIỆM MỘT CHUYỆN TÌNH CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG... - Trần Trung Sáng

Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
 

Theo ông Vũ Hoàng Ðịch (tác giả bài thơ Ba Đình nắng, được Bùi Công Kỳ phổ nhạc), em ruột của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhân vật “nàng Tố” có tên là Tố Uyển, họ Trần. 

Vũ Hoàng Chương làm thơ gọi tên nàng là Tố Vân. Ông Địch cũng cho biết, việc “Tố của Hoàng trở thành Tố của... ai”, ai ở đây là ông Ðào Bá Cương, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Pháp, từ Pháp về làm đám cưới nàng Tố ở Hà Nội.

Tập thơ Mây, tập thơ gắn với giai thoại một chuyện tình của Vũ Hoàng Chương với nàng Tố Vân. Tập thơ Mây (nghĩa là Vân) được Đời Nay xuất bản năm 1943, bìa tập thơ lại do một họa sĩ tên Vân vẽ, đó chính là Tô Ngọc Vân. Tố Vân là con gái một gia đình khá giả và đã cùng thi sĩ họ Vũ trao nhau những lời yêu đương mặn nồng. Những rồi bỏ mặc những lời thề ước, nàng bỏ chàng đi lấy chồng vào ngày 12 tháng 6. Vì vậy trong tập thơ Mây có bài thơ mang tên Mười Hai Tháng Sáu, là một trong những bài thơ ông viết trong trạng thái mê man của men say, cái thứ men chất chồng tuyệt vọng:
 
“Tháng sáu, mười hai, từ đây nhé
Chung đôi, từ đây nhé lìa đôi!
Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
 
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai,
Tình ta, ta tiếc! cuồng, ta khóc.
Tố của Hoàng nay Tố của ai?…”
 
Dù hai người yêu nhau, nhưng Tố Vân đã được gia đình hứa hôn từ năm 12 tuổi. Theo tục lệ, nếu thoái hôn thì gia đình nhà gái phải trả lễ cho nhà trai. Gia đình Vũ Hoàng Chương lúc đó khá giả, sẵn sàng làm được việc này, nhưng “nàng thơ” nhút nhát của ông đã không dám hé răng với cha mẹ. Bởi vậy, họ đành chia tay nhau. Nhờ mối tình không thành với Tố Vân, Vũ Hoàng Chương có tập thơ Mây đi vào lịch sử thi ca Việt Nam, bên cạnh đó còn có kịch thơ Vân muội nổi tiếng được diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội ngay sau khi được sáng tác.

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

TÌM LẠI NƠI PHÁT TÍCH NHÓM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN - Trần Trung Sáng

“Nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhì (đường Lê Quý Đôn, cạnh di tích Khổng Miếu, TP.Hội An) được xây dựng sau và kiến trúc cũng không thể sánh bằng nhà thờ tộc Nguyễn Tường phái nhất (dựng năm 1806), ở xóm Dinh (8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Hội An). Nhà thờ phái nhì tuy còn lưu giữ nhiều thư tịch quý giá, gắn liền với danh thần Nguyễn Tường Phổ cùng 3 nhà văn trong nhóm Tự Lực văn đoàn (Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng), nhưng không phải là điểm tham quan chính thức như nhà thờ Nguyễn Tường phái nhất hiện nay”. Nghe nói như vậy, nhưng tôi vẫn bước qua cánh cổng nhà thờ trước mắt rảo nhìn toàn cảnh.

          
                          Tác giả bên tủ sách của nhóm Tự Lực văn đoàn
                      được lưu giữ tại từ đường Nguyễn Tường phái nhất.


    TÌM LẠI NƠI PHÁT TÍCH NHÓM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
                                                                             Trần Trung Sáng

Chủ nhà đi vắng, hoặc sinh hoạt gia đình ở khuất phía sau, nên không gian khu nhà vườn trông thật trầm lắng, u tịch, gần giống cái cảm giác nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã từng miêu tả khi ông đến nơi này vào một ngày đầu xuân 47 năm về trước: “...con đường màu đỏ nhạt, đọng nước với những khu vườn vẫn gợi cho tôi nhớ ở đâu đây, trong các truyện của Thạch Lam, một cảm giác lâng lâng, dịu dàng theo bóng nắng qua các chòm lá cây, rải trên mặt đường…”.  Cũng trong bài viết này, Nguyễn Văn Xuân có đoạn: “Ông Cụ Cố ông Nhất Linh xưa kia được phong tiết Việt (?), tới đâu đem cắm là có quyền nhận lãnh năm mẫu đất ở vùng đó”. Sự đó có đúng không? Nếu như thế thì cả khu vực mênh mông từ nhà thờ lớn (ở xóm Dinh) ra tới đây đều nằm trong vùng sở hữu của họ Nguyễn Tường cả hay sao? Chuyện đó, có cơ hội, tôi sẽ hỏi lại một nhân vật lão thành trong gia đình Nguyễn Tường” (“Năm mới đi viếng nhà thờ Nhất-Linh Nguyễn-Tường-Tam” của nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Bách Khoa, 1973).