Tác giả bài viết Nguyễn Thị Thu Sương
HOÀI NIỆM TRƯỜNG XƯA
Nguyễn Thị Thu Sương
Sau mùa hè năm 1974, Trường Trung học Nguyễn
Hoàng dời về lại Quảng Trị, đóng trên địa bàn huyện Hải Lăng. Những
học sinh không quay về Quảng Trị đi theo gia đình vào Nam, được học
tại các trường địa phương trú ngụ.
Ngày vào một trường trung học lớn, tôi cũng
gặp nhiều bỡ ngỡ. Tôi vào lớp 10C, một lớp thuộc ban văn chương thời
ấy, đó là mơ ước thời trung học của tôi. Tôi vào ngồi bàn đầu và
rụt rè làm quen thêm các bạn cùng bàn, tôi chỉ nhớ hai bạn chung bàn
đều tên là Nha Trang, nhưng tôi quên mất họ của các bạn ấy rồi. Tôi
cũng cố gắng học và cũng khá tự tin về các kiến thức học của các
thầy cô trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị trang bị cho mình. Qua
một thời gian học, tôi nhận thầy các bạn đa phần học hành chăm chỉ,
học giỏi, nghiên cứu bài kỹ trước khi đến lớp. Tôi cũng cảm thấy
mình bị áp lực và cần cố gắng hơn nữa.
Về Văn học, tôi cũng không sợ lắm, vẫn có thể
đứng hàng khá giỏi trong lớp. Môn Anh Văn, phần Reading và Writing thì
khá tốt, nhưng phần Listening và Speaking thì thấy mình thua sút so với
các bạn. Các bạn học nghe và nói lưu loát, được học thêm Hội Việt
Mỹ, qua đó mới thấy học sinh ở quê mình còn nhiều thiệt thòi quá.
Riêng môn Pháp văn tôi vẫn học tốt vì có ông ngoại dạy thêm ở nhà.
Các bạn đa số là con nhà giàu đi học nên áo quần rất đẹp, tuy cũng
mặc áo dài trắng đến trường, nhưng các bạn mặc những bộ áo dài
đẹp và hợp thời trang hơn, còn tôi vẫn là cô gái nghèo ăn mặc giản
dị đến trường. Các cô giáo đi dạy học mặt áo dài rất đẹp và sang
trọng, tôi nhận thấy hình như các cô mặc áo dài không trùng lắp từ
đầu tháng đến cuối tháng.
Điểm nổi bật nhất khi nhớ về trường Nữ Trung
học Huyền Trân Nha Trang là bầu cử chọn ban đại diện học sinh trường.
Các bạn chia ba liên danh, với các ban vận động bầu cử không thua gì
bầu cử tổng thống. Các liên danh bầu cử có khẩu hiệu, chương trình
hành động, kế họach hoạt động trong năm, liên danh nào cũng có ban
nhạc ca hát múa cổ vũ. Các áp phích dán khắp trường, cạnh tranh
nhau rất vui nhộn, không khí náo nhiệt tưng bừng. Ngày bầu cử, học
sinh được phát phiếu bầu đàng hoàng, có ban kiểm phiếu, được thầy cô
công bố kết quả liên danh trúng cử trong vòng một niên khóa. Tôi thấy
vui và đó là lần duy nhất trong đời học sinh của mình chứng kiến
buổi bầu ban đại diện học sinh của trường như thế.
Ngoài ra, tôi được học Nữ công gia chánh, học
làm bánh và thực hành tại lớp học. Giờ thể dục thể thao, học chạy
điền kinh, tham gia thi chạy tiếp sức tại trường.
Khi vào trường mới học, tôi hoàn toàn chưa quen
biết bạn học nào ở đây, thấy mình thật lạc lõng và cô đơn. Sau vài
buổi học, tôi tình cờ gặp một bạn Công Huyền Tôn Nữ Anh Đào, học
chung với tôi ở Quảng Trị từ tiểu học lên trung học. Hồi học ở quê,
tôi rất ngưỡng mộ Anh Đào vì lúc nào cũng đứng đầu lớp và nhận
phần thưởng cuối năm. Gặp lại nhau ở chốn xa lạ, tôi rất vui mừng.
Anh Đào học ban B, ban toán hồi đó, tôi học ban C nên rất tiếc vì ít
có dịp gặp nhau. Anh Đào cũng mừng lắm, có một buổi chiều bạn ấy
rủ tôi về nhà của bạn, gặp lại các chị và anh bạn học rất giỏi
nổi tiếng trường Nguyễn Hoàng ngày ấy, tôi thật ngưỡng mộ sự thông
minh của gia đình bạn ấy. Nhà Anh Đào ở gần chợ Xóm Mới Nha Trang.
Từ nhà ngoại tôi ở xóm Hoàng Diệu, Cửa Bé
đến Trường Nữ Trung học Huyền Trân Nha Trang khá xa, ngày nào tôi cũng
đi học một mình. Đây là năm học đầu tiên từ thời trung học, tôi phải
đi học một mình. Các năm trước khi nào tôi cũng cùng nhóm bạn thân,
vui vẻ nắm tay nhau đến trường. Một mình cô độc trên con đường dài
đến trường, tôi nghĩ nhiều đến bạn bè trường lớp cũ, không biết các
bạn còn nhớ đến tôi không? Riêng tôi, nhớ các bạn quá, nhớ cô bạn
Phục hay nhõng nhẻo, cười rất có dễ thương; nhớ Ái Hồng xinh đẹp
rất dịu dàng khả ái, ngây thơ đáng yêu; nhớ Mai Anh học giỏi lém
lĩnh, nhỏ bé, có nụ cười ấm áp; nhớ Hoa xinh đẹp, dịu dàng duyên
dáng, có nụ cười rất duyên; nhớ Quảng cô bạn ngang như cua, khi nào
cũng ham cãi và háo thắng…
Tôi đang nổ lực học hành, làm quen hòa nhập
với môi trường học mới, đang có kế hoạch tham gia học Hội Việt Mỹ
trau dồi khả năng Speaking và Listening của mình. Bỗng nhiên, mẹ báo
về lại Bình Tuy học, tôi buồn bã vô cùng, thấy mình đánh mất nhiều
cơ hội học tập trong đời. Tuy nhiên, tôi không thể thay đổi được quyết
định của mẹ, đành phải chuyển vào Bình Tuy học. Tôi chưa kịp làm
quen một bạn mới nào, chưa kịp có một kỷ niệm đáng nhớ với bạn bè
nơi đây. Tôi chỉ học ở trường Nữ Trung học Huyền Trân chỉ vỏn vẹn ba
tháng của học kỳ 1 niên khóa 1974 -1975.
Thành phố Nha Trang thật xinh đẹp, có những bãi
biển tuyệt vời, những ngày đi học, đi bộ trên con đường Duy Tân dọc
bờ biển lộng gió. Những ngôi nhà biệt thự màu trắng bên đường,
trồng nhiều hoa ty gôn màu hồng trên tường rào, tôi vừa đi vừa nhẩm
đọc mấy bài thơ của T.T.KH. Các hàng dừa rủ các cành lá bay phất
phơ như các cô gái xỏa mái tóc thề hông tóc trước biển cả mênh mông.
Các hàng dương xanh ngắt mọc dọc hai bên đường, gió biển thổi vào,
tạo âm thanh vun vút thật êm tai. Nhìn ra đại dương mênh mông xanh ngắt
trải dài tận chân trời, từng đợt sóng vổ vào bờ khi thì dạt dào êm
ái, khi thì ầm ầm giận dữ. Vịnh Nha Trang thật đẹp và thơ mộng.
Giã từ thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, giã
từ ông ngoại thương yêu, tôi vào Bình Tuy, vào vùng đất khẩn hoang lập
ấp Động Đền, vùng đất mới cả gia đình tôi đang sinh sống, nhưng tôi
chưa một lần đặt chân vào. Thật vậy, gia đình tôi đã đi theo Chương trình
Khẩn hoang lập ấp ở Bình Tuy từ mùa hè năm 1973, nhưng tôi được ba mạ
cho ở lại Non Nước Đà Nẵng học Trường Trung học Nguyễn Hoàng cho hết
năm lớp 9 niên khóa 1973-1974. Sau đó, tôi theo ông ngoại vào định cư ở
Nha Trang luôn, từ đó tôi chưa một lần về thăm gia đình ở Bình Tuy. Tôi
không thể hình dung cuộc sống của gia đình ở đó như thế nào.
Sau này khi tốt nghiệp đại học ra trường, tôi
được phân công về lại Nha Trang công tác. Tôi được về công tác tại Sở
Giao thông vận tải Phú Khánh (Nha Trang). Tôi đi qua trường Nữ Trung học
Huyền Trân Nha Trang, bây giờ trường đã thay tên đổi họ, tôi tần ngần
đứng trước cổng trường với bao bùi ngùi xúc động, nhớ về một thời
mình đã theo học dù thời gian không được dài.
Nguyễn Thị Thu Sương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét