THỦY
CHUNG VỚI VỢ
Kha Tiệm Ly
Dưới triều Minh Anh Tông, ở huyện Ngô (Tô Châu), ai
cũng biết chàng họ Đường có biệt tài vẽ tranh mĩ nhân. Vẽ hàng nghìn bức họa mà
không gương mặt nào giống gương mặt nào đã là chuyện lạ, lại còn mỗi tranh như
đều được Đường truyền vào sinh khí nên người trong tranh sống động chẳng khác
gì người thật! Nếu tranh giai nhân vui, thì người xem mát cả tấm lòng, nếu
tranh giai nhân buồn, thì người xem cũng phải nhũn từ khúc ruột! Vương tôn công
tử đua nhau mà mua, đến nỗi mấy bậc phu nhân nhìn tranh mà không khỏi ghen hờn!
Lại lạ một điều, trong cơn say thì nét vẽ càng tuyệt xảo,
mĩ nhân (trong tranh) càng nguyệt thẹn hoa nhường… Một lần trong cơn say như vậy,
Đường phóng bút không ngừng, cho đến mệt mỏi, nằm gục bên giá vẽ lúc nào không
hay. Lúc tỉnh dậy thì trên giá là một tuyệt sắc giai nhân phong thái bất phàm,
mắt môi tưởng chừng cử động như người bằng thịt bằng xương! Bèn đặt tên tranh
là “Chân Phù Dung”. Nhiều phú hào quí
tộc ngã giá ngàn vàng, nhưng Đường một mực chối từ; nói: “Ai nhẫn tâm bán được vợ mình, thì hãy đặt điều kiện đổi chác với ta”.
Gần xa cho Đường hoang tưởng, không dè tiếng mỉa mai.
Từ đó lại sinh lòng yêu kẻ trong tranh! Khi ăn thì mời
cùng ăn; khi ngủ lại để tranh nằm kề bên gối! Có người biết chuyện chẳng nhịn
được cười, cho là ngây dại!
Một hôm trong lúc mơ màng, Đường choàng tay qua ôm
tranh, chợt thấy tay chân có cảm giác lạ lùng, sờ soạng một hồi thì cả kinh,
bèn thoắt ngồi dậy nhìn sang: Một giai nhân cực kì diễm lệ đang thiêm thiếp giấc
nồng, yếm đào lệch lạc. Đường sững sờ giây lâu, rồi nhận ra rằng gương mặt nàng
không khác gì với tố nữ trong tranh. Kinh ngạc tột cùng, chưa biệt liệu sao thì
kiều nữ giật mình, mỉm cười một cái, cũng đủ cho Đường hồn lạc phách xiêu. Giọng
oanh thỏ thẻ:
Đường toát mồ hôi, vừa mừng vừa sợ, đủ thứ ý nghĩ loạn
xạ trong đầu khó mà diễn đạt. Giây lâu bạo dạn hỏi:
- Nàng là yêu ma đến cợt ta chăng?
Kiều nữ bá cổ chàng kéo xuống:
- Hãy thử xem có phải yêu ma không nào?
Lần đầu được chạm thịt da người ngọc, hương thơm dậy
mũi; máu huyết Đường rần rần như muốn thoát khỏi châu thân, cảm giác cực kì khó
tả, trong lúc hồn như bay đến chín tầng mây, thì bao sợ hãi không còn; Đường bạo
gan:
- Được cùng nàng một đêm, sáng mai dù tim gan bị nàng
nuốt sạch, cũng đáng một đời!
Bèn cười:
- Tim gan của kẻ si tình nầy, có cho thiếp cũng chẳng
thèm!
Đường hỏi tên, nàng cười chúm chím:
- Thiếp chẳng phải là Phù Dung của chàng đây sao?
Hỏi thêm về gia thế, nàng gạt đi:
- Những thứ đó có làm ngọn lửa ái ân thêm bùng phát
thêm không mà hỏi?
Lại hỏi sao lại giống người trong tranh, thì nàng vừa
cười vừa ỡm ờ:
- Thiếp mà
không giống thiếp thì mới là lạ!
Đường còn ngờ, nhưng chẳng tiện hỏi thêm.
Từ đó cứ đầu hôm là đến, rồi cùng nhau vui vẻ gối
chăn; nhưng một hôm Phù Dung lại chối từ, nghiêm mặt bảo Đường:
- Làm trai mà suốt ngày chỉ mong lúc đêm về thì làm
nên tích sự gì! Thiếp thấy chàng tài hoa một mực, lại có lòng nhân hậu, nên bỏ
ngoài tai tiếng thị phi mà đến với chàng. Chớ nghĩ quấy là hạng cành chim lá
gió mà lầm! Từ nay phải tu chỉnh làm ăn. Với tiếng tăm, đức độ của chàng, thì
không thiếu gì cao bằng quân tử muốn làm bạn kết thân, há gì lại tối ngày lê la
với phường vô lại?
Đường cãi:
- Trong đám người mà nàng nói “cao bằng quân tử” ấy, bộ
chẳng ai là kẻ hèn hạ hay sao?
Phù Dung nhìn Đường, ánh mắt không còn long lanh như mặt
nước hồ, mà sắc bén tợ gươm:
- Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Người có trí thì chọn
lóng ngọt mà ăn, chọn chỗ lành mà ở. Hà tất để thiếp phải dạy nữa hay sao?
Lời nàng như đinh như thép khiến Đường nhũn dạ. Phù
Dung chỉ quanh nhà, nói:
- Chàng xem kìa! Đây là nhà ở hay là đống rác vậy?
Rồi tự tay thu xếp. Khi đâu đó ngăn nắp gọn gàng thì
gà đã gáy canh tư. Bèn nói:
- Thiếp phải đi đây! Ngày mai mà còn đụng đâu vứt đó
thì đừng trách thiếp!
Đường kéo tay nàng. Hiểu được ý, Phù Dung cương quyết:
- Có muốn thiếp đến nữa hay không thì bảo?
Thấy Đường không vui, Phù Dung mới ôn tồn:
- Làm gì mà mặt chàng như cành hoa héo vậy? Đạo vợ chồng
không phải là một buổi một ngày. Thiếp có đi mất đâu mà chàng sợ?
Vắng mấy hôm Phù Dung mới đến, Đường mừng như bắt được
vàng. Thấy Đường tiều tụy, nàng động lòng:
- Mới vắng thiếp có mấy ngày mà chàng xanh xao như vậy;
lỡ một ngày mà thiếp vĩnh viễn ra đi, chàng phải làm sao đây? Nói cho chàng
vui, thiếp đã sắp xếp mọi việc, đêm ngày không rời chàng nữa.
Đường cả mừng, ngỏ ý muốn nhờ người mai mối cho nàng
được rỡ ràng danh phận, nhưng Phù Dung đáp:
- Câu nệ làm gì thứ nghi lễ tầm thường ấy, thiếp chằng
màng đâu. Có điều chàng phải nhớ, là phải
giữ nhẹm việc thiếp có mặt trong nhà. Đó là điều cần thiết, chàng chẳng thể
quên.
Từ đó mọi việc nội trợ nhờ có Phù Dung mà đâu vào đấy.
Đường chỉ việc suốt ngày cặm cụi với bút với màu. Người mua nườm nượp ra vào,
nên tranh không sao vẽ kịp. Chẳng bao lâu, gia trang trở nên đồ sộ, nức tiếng một
vùng.
Bọn vô lại trước kia thấy Đường đại phát mà không còn
chè chén với chúng như xưa thì lấy làm ganh tức. Một buổi nhân tiết thanh minh,
chúng theo chàng đến mộ, hỏi lời gay gắt:
- Đường huynh nay mang áo gấm, thì còn nhớ chi đám áo
vải nầy!
Nhớ lới vợ, nhưng cực chẳng đã Đường phải mời chúng
vài li. Nào ngờ chúng đã rắp tâm, ép chàng mãi uống. Trong lúc hứng chí, chàng
kể hết mọi việc. Bọn chúng thích thú, cùng nói:
- Vậy bọn đệ phải đến chào đại tẩu cho đúng lễ!
Lúc đó Đường mới kinh hoàng, cơn say đã giảm đôi phần,
nhớ lời vợ dặn mà bụng dạ không yên; bèn thối thoát:
- Không nên! Không nên! Tiện nội không thích gặp người
lạ đâu!
Đám vô lại nháy mắt nhau. Một tên trong bọn trân tráo:
- Chỉ có ma mới chẳng dám gặp người! Ha ha!...
Đường đem mọi việc về nói với vợ, Phù Dung cả giận:
- Cũng tại ba hột rượu mà quên hết lời thiếp dặn, lần
sau lấy đó mà soi! Bọn vô lại nầy không trị chúng không xong. Bọn chúng có đến
thì chàng cứ lo việc của mình, mọi việc thiếp liệu cho.
Đường ầm ừ cho qua, mà bụng dạ không yên.
Hôm sau chúng đến thật! Ngang nhiên thẳng xuống hậu đường.
Thấy Phù Dung mặt xinh như ngọc, áo lụa như mây. Lòng sói nổi lên, đủ lời cợt
nhả. Phù Dung cũng không ngại mấy tiếng đẩy đưa, liếc mắt đưa tình…
Bọn chúng hể hả ra về sau khi nhìn Đường với những nụ
cười khó hiểu!
Hôm sau, ở thôn đông, dân làng phát hiên nhiều thi thể
bị cào nát cả mặt cả thân, có cái tim gan mất sạch.. Người thì bảo do hổ báo, kẻ
thì nói tại sài lang. Bỗng một tử thi, cựa cậy, thều thào:
- Chồn!... Một… bầy …chồn…to… như …sói…!
Thanh minh năm sau, Đường lại theo đoàn người tảo mộ,
khi về thì một đạo sĩ chặn đường; bảo:
- Công từ mục quang thất thần, ấn đường ảm đạm. Đó là
dấu hiệu yêu khí hoành hành… Không lo liệu thì Diêm Vương sớm gọi.
Đường thoáng bực mình. Đạo sĩ tiếp:
- Có phải gần đây nửa đêm về sáng, người đẹp thì nóng
như lửa, còn công tử thì lạnh như băng?
Bây giờ Đường mới biến sắc. Đạo sĩ lấy trong tay áo ra
một đạo linh phù, rồi căn dặn:
- Công tử muốn toàn mạng sống thì hãy lén để linh phù
nầy dưới gối, sẽ thấy chuyện lạ.
- Chuyện lạ là sao?
- Là con yêu kia sẽ không còn là người nữa!
Đường cương quyết:
- Không đời nào! Ta dù thiếu chữ thánh hiền nhưng cũng
biết câu: “Nhất nhật phu thê hề bá vạn
ân”. Vợ chồng một ngày cũng nghĩa, kẻ giết vợ cầu sinh thì cầm thú không bằng!
Ta thà làm phân cho cỏ, quyết không làm việc vô luân bại lí như vậy. Cảm ơn đạo
sĩ có lòng!
- Ta chưa thấy ai khù khờ như công tử vậy!
- Ma là sao, người là sao chứ? Ta chưa từng thấy ma hại
người bao giờ; nhưng người hại người thì ta nhìn đã chán chê con mắt: Vì danh lợi
mà giết nhau, vì nhục vinh mà giết nhau, vì tham mà giết nhau, vì sân mà giết
nhau, vì si mà giết nhau, vì oan gia trái chủ mà giết nhau… Ngày nào chẳng có?
Lại nhìn đạo sĩ; cay đắng:
- Bảo người ta giết vợ mình, cũng chẳng phải là con
người đó sao?
Đạo sĩ giận:
- Kẻ cuồng ngông như ngươi, chết cũng đáng đời!
Nói đoạn bỏ đi.
- Lão đạo sĩ nói đúng. Thiếp chẳng phải là người!
Đường nắm lấy tay vợ:
- Dù nàng là ma, là yêu tinh, hay là gì đi nữa, thì
nàng cũng là người vợ tuyệt vời của ta. Được một người vợ như nàng, ta mới cảm
thương đàn ông trên cõi đời nầy đã lấy người làm vợ!
Phù Dung cầm tay Đường đặt vào bụng mình.
- Cũng may là chàng có tấm chung tình nên không nghe lời
đạo sĩ thúi đó; nếu không giọt máu nầy phải chịu chết oan!
Đường mừng rơn mà mồ hôi đọng từng hột trên trán, chấp
tay nhìn lên trời:
- Ôi! Phúc lớn cho họ Đường nầy! Hoàng thiên bất phụ
thiện tâm nhân!
Rồi một hôm, nghe tiếng trẻ khóc trong phòng; Đường
quăng bút chạy vào. Phù Dung vui cười bảo:
- Chàng xem coi cái nghiệp chướng nầy có đáng nối dõi
Đường gia không nào?
Đường nhìn đứa con khôi ngô tuấn vĩ, lòng rộn niềm
vui, đến nỗi nói chẳng nên lời. Nỗi mừng chưa vơi thì Phù Dung âu sầu bảo:
- Tiếc thay! Duyên phần thiếp và chàng đã vẹn. Có nhớ
thiếp thì hãy cố nuôi nấng con nên người. Giờ thiếp phải đi đây.
Đường kinh hoàng:
- Sao nàng vội nói những lời biệt li khổ đau như vậy?
Vả lại, nàng còn yếu ớt lắm, lòng ta sao yên?
Phù Dung cười:
- Dù mưa gió bão bùng cũng không làm hại được thiếp
đâu!
- Nàng nói đi, là đi sao? Nàng vẫn biết ta sống không
thể thiếu nàng mà!
Phù Dung buồn buồn, mơ hồ:
- Có nhiều việc mà mình muốn cũng có được đâu!
Rồi hôn con, rồi nhìn chồng tha thiết. Đường ôm chặt
nàng, khóc lớn. Phù Dung mũi lòng, lau lệ cho chồng:
- Còn duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Đó là lẽ thường
tình của vạn vật. Chàng chớ bi ai như vậy.
Dù nói thế nhưng hoa dung ủ dột, sầu lệ lưng tròng,
đau thương kéo nặng từng bước chân đi!
Đứa bé sau nầy tài nghệ chẳng kém gì cha. Họ là tiên tổ
của Đường Bá Hổ, một danh họa, một trong tứ đại tài tử đất Giang Nam sau nầy.
KHA TIỆM LY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét