BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Ngọc Lư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Ngọc Lư. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

TRỞ VỀ PHÁ TAM GIANG - Thơ Phạm Ngọc Lư

Anh Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vĩnh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên. Ngụ cư Đà Nẵng từ 1994.
Cựu sinh viên Hán Học Viện và Đại học Văn khoa Huế.
Tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm Quy Nhơn.
Bước vào con đường văn chương (viết trên các tạp chí Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Bách Khoa) trong những năm sống và dạy học ở Tuy Hòa trước năm 1975.
Anh đi về miền miên viễn ngày 27-5-2017 tại Đà Nẵng.

   
           Nhà thơ Phạm Ngọc Lư

 
TRỞ VỀ PHÁ TAM GIANG
 
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu
Mây trầm ngâm, khói nước miên man
 
Mười năm dong ruổi mòn đất khách
Về cố hương chiều xế nắng tàn
Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo
Rửa phong trần thẹn với Tam Giang
 
Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ
Còn người đi người đợi đò ngang
Còn xóm chài lưa thưa mành lưới
Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan
 
Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc
Cô lái đò chiều nay trán nhăn
Trừng mắt nhìn ta trách móc
“Mười mấy năm chú mới về làng!”
 
Mười mấy năm? Phải rồi, ta quên mất
Cái thuở áo cơm trở mặt phụ phàng
Điêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất
Ra đi mưu cầu y thực
Trở về nặng trĩu gian nan
 
Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn
Vợ xếp câu thơ chị gói khúc đàn
Đệ tử mươi người tung hô dâng rượu
Thôn nữ vài em gởi gắm gió trăng
Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ
Con tóc xanh hai đứa dùng dằng
Ta mím môi, chỉ Tam Giang thề hẹn
Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn
Bước xuống thuyền nhìn trời cao dõng dạc
Gõ mạn thuyền ngâm khúc "Hành phương Nam"
 
Hành phương Nam, hành phương Nam
Mười mấy năm tấm cám, thau vàng
Thấp cao danh lợi
 
Chí khí dở dang
Tơi tả bao phen buồn thân thế
Đắng cay mấy bận khiếp hồng nhan
Mưa miền Nam, nắng miền Nam
Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng
Mười mấy mùa trôi qua không nhớ
Quá đổi mưa đau
Quá nhiều nắng khổ
Lẽ nào Trời bỏ ta chăng?
Đọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự
Đọc lại thơ mình thẹn gió trăng
Chén rượu quê người sao mà bạc
Ân tình đất khách lắm đa đoan
 
Chiều nay về... bên phá Tam Giang
Phía bờ Đông vẫn xóm vẫn làng
Mười mấy năm còn ai trông ngóng
Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng
Mẹ có thương con gió bụi lầm than?
Chị có xót em một đời thất chí?
Em không buồn ta?
Sao lòng ta phai nhạt đá vàng!
 
Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang!
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Nước vẫn mặn mòi, mây quen thuộc
Sao lòng ta sóng gió ly tan
Xin xấu hổ với lời thề ngày trước:
“Không công danh bất phục hoàn”
Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu
Còn thương ta mời ta quá giang
Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước
Để trở về... đứng khóc dưới hương quan!
 
                                         1996
                                 Phạm Ngọc Lư
                       (Trích từ thi tập Đan Tâm)

 

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

BIÊN CƯƠNG HÀNH - Thơ của Phạm Ngọc Lư và cảm nhận của Huỳnh Xuân Sơn

Anh Phạm Ngọc Lư sinh năm 1946 (Bính Tuất) ở Vĩnh Xuân, Phú Vang, Thừa Thiên. Ngụ cư Đà Nẵng từ 1994. 
Cựu sinh viên Hán Học Viện và Đại học Văn khoa Huế. 
Tốt nghiệp trường Quốc gia Sư phạm Quy Nhơn.
Bước vào con đường văn chương (viết trên các tạp chí Văn, Khởi Hành, Ý Thức, Bách Khoa) trong những năm sống và dạy học ở Tuy Hòa trước năm 1975.
Anh vừa mới đi về miền miên viễn ngày 27-5-2017 tại Đà Nẵng.

            
           
                 BIÊN CƯƠNG HÀNH

                 Biên cương biên cương chào biên cương
                 Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
                 Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
                 Núi chập chùng như dãy mồ chôn
                 Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
                 Thổi lấp rừng già bạt núi non
                 Mùa khô tới theo chân thù địch
                 Ta về theo cho rậm chiến trường
                 Chiến trường ném bẹp núi
                 Núi mang cao điểm binh như vãi đậu
                 Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
                 Lớp lớp chồm lên đè ngút oan hờn
                 Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
                 Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
                 Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
                 Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
                 Biên cương biên cương đi biền biệt
                 Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
                 Trông núi có khi lầm bóng vợ
                 Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
                 Thôi em, sá chi ta mà đợi
                 Sá chi hạt cát giữa sa trường
                 Sa trường anh hùng còn vùi dập
                 Há rằng ta biết hẹn gì hơn?
                 Đây biên cương, ghê thay biên cương !
                 Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
                 Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
                 Mùa mưa về báo hiệu tai ương
                 Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
                 Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
                 Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
                 Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn
                 Cô hồn một lũ nơi quan tái
                 Có khi đã hóa thành thú muông
                 Cô hồn một lũ nơi đất trích
                 Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
                 Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
                 Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

                 Đây biên cương, ghê thay biên cương!
                 Tử khí bốc lên dày như sương
                 Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
                 Rừng núi ơi ta đến chia buồn
                 Buồn quá giả làm con vượn hú
                 Nào ngờ ta con thú bị thương
                 Chiều hôm bắt tay làm loa gọi
                 Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
                 Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
                 Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
                 Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
                 Hồn theo mây trắng ra biên cương
                 Thôi em, yêu chi ta thêm tội
                 Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
                 Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
                 Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
                 Thôi em, chớ liều thân cô phụ
                 Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
                 Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
                 Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
                 Há một mình ta xuôi biên tái
                 “Nhất khứ bất phục phản” là thường!

                Thôi em, còn chi ta mà đợi
                Ngày về: thân cạn máu khô xương
                Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
                Hề chi! Buổi chinh chiến tang thương
                Hề chi! Kiếp cây rừng đá núi
                Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.

                                           PHẠM NGỌC LƯ
                                             Tháng 5. 1972