BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Đức Tùng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Đức Tùng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

ĐƯỜNG ÂM HỒN - Truyện ngắn Chinua Achebe, Nguyễn Đức Tùng dịch


Chinua Achebe


Lời giới thiệu:
 
Chinua Achebe, một trong những nhà văn châu Phi nổi tiếng nhất, thường xuất hiện trong các tuyển tập truyện ngắn thế giới bằng tiếng Anh. Ông sinh tại Nigeria, 1930, thuộc bộ lạc Ibo ở miền Nam Nigeria. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc trong ngành phát thanh, rồi làm nhân viên cho bộ thông tin trong thời gian chiến tranh. Achebe định cư tại Hoa Kỳ và giảng dạy tại trường đại học Massachusetts. Tiểu thuyết: Things Fall Apart (Mọi thứ đều tan vỡ), 1958; No Longer At Ease (Không còn dễ chịu nữa), 1960; Arrow of God (Mũi tên của Thượng đế), 1964; Man of People (Người của nhân dân), 1966. Truyện ngắn: Sacrificial Egg (Cái trứng hi sinh), 1962; Girls at War (Những cô gái trong chiến tranh), 1973. Thơ: Christmas in Biafra (Mùa giáng sinh ở Biafra). Tiểu luận: Hope and Impediments (Hi vọng và trở ngại). Thường viết về châu Phi, Achebe gửi gắm trong tác phẩm của mình niềm ước vọng về những đổi thay tốt đẹp cho người dân và đất nước nơi ông sinh ra.
 
Truyện ngắn sau đây mô tả sự xung đột giữa tham vọng cá nhân, thói hãnh tiến ích kỉ và các giá trị dân gian, nhưng đằng sau là sự xung đột có tính sâu xa giữa phát triển và văn hóa. Nó là ẩn dụ về sự phá huỷ môi trường thiên nhiên và môi trường tinh thần, vốn là một quan tâm thường xuyên của Achebe.
 
                                                       Người dịch: Nguyễn Đức Tùng
 

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO - Nguyễn Đức Tùng


Tác giả Nguyễn Đức Tùng

 1. Đọc mỗi lần một chữ

Khi tôi học lớp Năm, có lần được thầy gọi lên bảng đọc cho cả lớp chép một đoạn trích từ cuốn Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch Hà Mai Anh, nguyên tác Edmond De Amicis. Đó là sách dạy chính thức trong nhà trường miền Nam thời ấy. Giờ ám tả, học trò lắng nghe, chép lên giấy. Năm cuối bậc tiểu học, chuẩn bị thi vào trung học, nên bài cũng khó hơn. Phải đọc từng câu, dấu phẩy dừng ngắn, dấu chấm dừng dài, các chữ tiếng nước ngoài phải đọc chậm. Khi thấy tôi luống cuống, chữ nọ xọ chữ kia, thầy bắt dừng lại, đọc chậm, với lời khuyên: em hãy đọc mỗi lần một chữ. Tôi đọc lại.

Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Garônê.
Giờ vào lớp, ông Perbôni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crôtxi khốn nạn – tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crôtxi những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy, học trò cười ầm cả lên. Crôtxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perbôni ở ngoài bước vào.
Mọi người hết vía, chạy trốn về chỗ và ngồi im thin thít.
Thầy giáo lên bục cau mày hỏi :
– Ai ném lọ mực ?
Chẳng ai hé răng.

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

THANH THẢO, HÁT GIỮA GIÓ MƯA - Nguyễn Đức Tùng

(Lời tựa cho tập thơ “Hát Giữa Gió Mưa” của Thanh Thảo, 2022)
 
Nhà thơ Thanh Thảo

Thơ thức dậy mỗi ngày. Công việc của nó không chỉ là ghi lại đời sống, mà còn góp phần tạo ra một đời sống mới, trước đó chưa từng có. Thơ hồi phục mối quan hệ giữa xúc cảm và kiến thức, giữa kinh nghiệm và tâm linh. Tuy vậy một bài thơ vẫn giữ trong nó sự mất cân bằng hướng về phía trước, cái còn lại trong một bài thơ là một điều gì không được êm thấm, khác với sự ru ngủ. Thơ không phải là bài hát ru, vì thế. Đó là lối kể chuyện điềm tĩnh như không, mà chan chứa nỗi lòng, ai nghe cũng được, không nghe không sao.
 
lục bình ơi cho tôi trôi với
trôi lên rồi trôi xuống thôi mà
trong đầu tôi bao ý nghĩ bôn ba
làm sao hôm nay có ai đặt bài
kiếm một chút tiền còm cho trẻ nhỏ
kiếm một vài cánh hoa chầm chậm thả
lên trời
 

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

TRẦN QUANG QUÝ, TA LẺ LOI ĐƠN CHIẾC BIẾT NHƯỜNG NÀO - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Trần Quang Quý


You'll never catch a fish
that way. One caught a fish that way.
                                      Robert Hass
 
Thơ hôm nay không viết về đời sống, nó viết về cái thiếu của đời sống. Cũng vậy, nhà thơ không đi tìm giải thoát ra khỏi khổ đau, họ đi xuyên qua, sống với, những đau khổ, vì chúng làm nên tâm hồn chúng ta bây giờ. Không phải sự thật nào cũng đẹp, không phải chúng ta làm điều gì cũng đúng, đôi khi trái lại. Nhưng chúng ta làm, như thể đó là con đường, và không hối hận về sau. Con người không nắm giữ tương lai trong tay mình, không biết được tình yêu nào chờ ta cuối ngày. Nhưng khi một khoảng khắc tới, bạn lập tức nhìn ra nó, như khuôn mặt trong gương. Lúc ấy, Trần Quang Quý (1955- 2022) trở nên đằm thắm:
 
Trong nỗi đau tôi
Đêm nay bạn đến
Không hoa
Không rượu
Ánh mắt thẳm nỗi người
Tôi tin cậy nắm bàn tay im lặng
Nỗi riêng tôi
Hình như lặn bớt vào tim bạn
Hình như sự im lặng của bạn
Ngọn lửa không màu nhóm lại trái tim tôi
 

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022

MẶT HỒ ÊM Ả - Nguyễn Đức Tùng

                   (Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường 2022)



Mùa hè đã qua, một mùa hè bận rộn. Chúc mừng con hoàn thành lớp cứu nạn của huấn luyện viên bơi lội thiếu niên. Chúng ta phải học cách tiếp xúc với nguy hiểm. Nhận ra nó, chọn cách ứng phó, học cách giúp đỡ người khác. Gặp nạn, có người bình tĩnh, có người không. Hầu hết là không.
 

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

GIỚI THIỆU THƠ DẠ THẢO PHƯƠNG - Nguyễn Đức Tùng

Đôi khi, một người như Dạ Thảo Phương làm cho tôi yêu Hà Nội.
đôi lúc thèm cuống quýt được chạy về Hà Nội
ngồi vỉa hè, ấp má một chén trà nóng
cho lòng lại được bình yên
Đó là một Hà Nội thanh bình, trang nhã.
Đó cũng là một Hà Nội mục nát, tan hoang.
ước
một ngày thức dậy
ban công ngập rác thối
lá non rữa nát
những hoa hồng teo quắt
con chim bên chùa Bà Đá thôi hót
tốt nhất - đã chết
bình nước trên bàn cũng cạn
chuông Nhà Thờ Lớn
câm

Nhà thơ Dạ Thảo Phương

Thơ chị khởi đi từ tự truyện và mơ màng (memoir and reveries). Đó là sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại, sự soi chiếu một khoảnh khắc trong hiện tại bằng nguồn cảm xúc và suy tư từ những năm tháng bạn đã sống qua. Thơ xuất hiện trước sự viết. Trước khi chúng ta đọc một bài thơ như văn bản trên giấy, hay trên màn hình, thơ đến như một âm thanh. Chữ viết có tính cố định, khi bạn trở lại chúng vẫn nằm ở đó. Việc đọc lớn lên, làm cho bài thơ xuất hiện như âm nhạc, không cố định như vậy, chúng thay đổi theo thời gian. Thơ của Dạ Thảo Phương vang lên một thứ nhạc điệu riêng.
 
anh hỏi da thịt em ngát sen tự khi nào
anh ơi, từ những ngày tháng tuyệt mù em chưa biết anh
em đã là sen, từ trong bùn tối
 

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

HÀ NỘI, DƯƠNG TƯỜNG - Nguyễn Đức Tùng

           Xin đăng lại bài này để mừng nhà thơ chín mươi tuổi 
           (4. 8. 1932- 4. 8. 2022. NĐT)
 

Ngày 6 tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, chúng tôi đến thăm nhà thơ Dương Tường tại nhà riêng. Dương Tường ngồi sau một chiếc bàn nhỏ và thấp chất đầy sách vở và ly tách giữa một căn phòng rộng dùng làm phòng triển lãm tranh. Tranh treo kín các tường. Chúng tôi gồm có Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng, và nhiều bạn bè văn nghệ khác, người từ Sài Gòn ra, người ở ngay Hà Nội. Trưa hôm đó Dương Tường dẫn chúng tôi đi thăm phố và ăn trưa. Chiều hôm sau, 7 tháng 4, một mình tôi quay lại địa chỉ trên theo lời hẹn.
Buổi chiều Hà Nội nhiều nắng, nhưng mát, dịu dàng. Chiếc ngõ dẫn vào nhà ông sâu, quanh co, vắng người, như ở chốn quê. Anh chị Dương Tường đón tôi ở cửa, tươi cười, thân ái.
Ngồi gần bên nhà thơ, hai người trong căn phòng rộng và im vắng, tôi có cảm giác chất nghệ sĩ trong người Dương Tường toả ra thành một với những bức tranh trên tường. Buổi chiều có vẻ siêu thực.
 

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

ĐỌC THƠ HOÀNG VŨ THUẬT - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Có một điều gì đã xong và một điều gì chưa xong trong thơ Hoàng Vũ Thuật, tựa như sự thăng bằng đạt được hôm qua, hôm nay biến mất. Vì vậy, anh trở đi trở lại nhiều lần trước một sự vật, nhìn chúng dưới những góc cạnh khác nhau, làm cho sự thật hiện lên trong những ánh sáng khác, khi cằn cỗi, khi tinh khôi.
 
anh quay lại khi anh không còn nữa
bước vào nhà và sẽ
gọi tên em
 

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

CUNG TIẾN, ĐỜI LẬP TỪ NHỮNG ĐÊM HOANG SƠ - Nguyễn Đức Tùng



Chị em của thơ thì có nhiều: tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, báo chí, phim ảnh, kịch nghệ, nhưng đối với tôi, người thân nhất, người chị em ruột của thơ, chính là ca khúc.
 

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

ĐINH THỊ NHƯ THÚY, ĐÃ CÓ SAI LẦM Ở ĐÂU ĐÓ - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy

Sự chú ý của chúng ta là món quà tặng gởi cuộc đời. Sự chú ý của một cá nhân đối với một chi tiết tạo ra tâm cảnh. Con người bình đẳng trước ngôn ngữ, được tự do chọn lựa. Không có một tự do nào lớn hơn tự do suy nghĩ và biểu hiện. Những bài thơ hay đòi hỏi người đọc đi xa hơn nữa, nhìn thấy phía sau của sự vật, bên kia chân trời. Chúng ta di chuyển trong một thế giới hỗn loạn, đi tìm sự yên tĩnh ở nơi náo động, đi tìm thăng bằng ở nơi mất thăng bằng. Tất cả đều cần đến sự chú ý hay sự bao quát hoặc cả hai. Ngày hôm nay hầu hết người làm thơ có khuynh hướng viết dài. Đinh Thị Như Thúy cũng là một người như vậy, mặc dù trong các bài thơ của chị , các chi tiết được chú ý. Người đọc hôm nay ngày càng làm quen với các câu thơ dài, sự nối kết giữa chúng với nhau, với các hình ảnh lớn lao, bộn bề, sự mô tả từ xa tới gần. Thơ trữ tình được định nghĩa lại. Ngày trước, người ta tin rằng thơ trữ tình dùng để mô tả những xúc cảm cá nhân, không dùng để mô tả các sự kiện. Ngày nay thơ trữ tình cũng biến đổi, chúng dung chứa nhiều hơn các khả năng, mô tả các sự kiện khách quan, mô tả sự mất mát và sự toàn vẹn, mô tả sự đổ vỡ, đi tìm một năng lượng trữ tình trong những hình thức phi đối xứng.
 
Chiều có giới hạn
thủ đoạn, xảo trá vô hạn
đêm có giới hạn
kiểu cọ, vênh váo vô hạn
biển có giới hạn
nông cạn, dốt nát vô hạn
phi lý mãi đến chẳng còn phi lý nữa
Ào ạt đường về có cơn mưa
hào phóng ném muôn ngàn giọt lành
hào phóng phục sinh màu lá
ào ạt cá mòi phập phồng mang thả
những bọt khí tròn trong suốt
 

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2022

LÊ ANH HOÀI, BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU LÀM CHIM NHỎ ĐI - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Lê Anh Hoài

Nhà thơ Lê Anh Hoài gởi cho chúng tôi các bài thơ sau đây. Thơ anh đi giữa thế giới hiện thực và thế giới suy tưởng. Nhiều bài thơ có yếu tố xúc cảm, nhưng bao giờ anh cũng vượt qua giai đoạn ấy, làm chủ ngôn ngữ, đi xa hơn trong việc diễn dịch về thế giới mà anh nhìn thấy. Từ những nhận xét ban đầu, các quan sát đơn giản, anh nâng chúng lên, mang lại cho chúng hơi thở thực sự của văn chương, đó là sự nhìn nhận thế giới từ góc nhìn riêng biệt. Bài thơ của anh là công việc đi vào một thế giới ngầm, là con đường thăm dò cái bên trong của sự vật.
 
trong ngày hạnh phúc thế giới
ta nói về những bất hạnh như lang ben tâm hồn và trĩ tư tưởng
 
hạnh phúc thật giản dị
như giữa thế giới ôn dịch
đất nước bạn không mắc trong khi nhiều bệnh nền hơn thằng hàng xóm lắm tiền
thế là thăng hạng liên miên
 
khi bạn bị cuốn đến chân một vị thánh
bạn chỉ làm vị thánh dài thêm kiếp thánh và bạn thì hèn thêm kiếp người
những vị thánh vừa vặn với khoảng trời
gắng gượng bay chỉ vì bạn vỗ tay
 

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

THÁNG TƯ, LÊ ĐẠT - Nguyễn Đức Tùng thực hiện

Để nhớ tháng tư, mười lăm năm trước, ở Hà Nội.
                                                Nguyễn Đức Tùng
                                                (4. 2007- 4. 2022)
 
Từ trái sang phải: Du Tử Lê, Lê Đạt, Nguyễn Đức Tùng
(Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo)
 
Người đầu tiên mà chúng tôi đến thăm trong dịp ghé Hà Nội tháng 4. 2007, là nhà thơ Lê Đạt. Chúng tôi gồm có Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng và một số bạn bè văn nghệ, đến nhà riêng của ông. Lê Đạt vừa dọn đến ở chung với người con trai được một năm, trong một khu phố yên tĩnh, hơi khó tìm đường. Trời Hà Nội sáng sớm mây mù, gió lao xao, mát mẻ dễ chịu. Đường nào cũng có nhiều cây xanh, nhưng không nghe tiếng chim hót. Trước ngõ nhà ông có vài gánh hàng rong, làm tôi nhớ đến Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam. Lê Đạt tiếp chúng tôi trên căn gác nhỏ, nụ cười vui, dáng điệu nhanh, hỏi và trả lời dứt khoát. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông phá lên cười. Trên vách tường sau lưng chỗ ông ngồi, có treo hai tấm hình. Một là tấm poster lớn đem về từ Ngày hội Thơ Việt Nam 15 tháng Giêng âm lịch, tổ chức ở Văn Miếu Hà Nội, chụp chân dung của ông, phía sau là nền hoa mimosa vàng. Poster được chuẩn bị bởi nhà thơ trẻ Hữu Việt. Bên cạnh là giấy chứng nhận Giải thưởng Nhà nước 2007.
 
                                                               Nguyễn Đức Tùng (4. 2007)
 

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

“ĐÊM UKRAINE” TUYỂN TẬP CỦA NHÀ VĂN MARCI SHORE - Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu



Lời giới thiệu của dịch giả:
 
Đêm Ukraine là tuyển tập của nhà văn Marci Shore, viết về cuộc cách mạng Ukraine tháng Hai, 2014, còn gọi là cuộc cách mạng Maidan. Sự kiện này đã lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, dẫn đến sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, cuộc chiếm đóng Crimea và sự hình thành hai vùng tự trị Donetsk và Luhansk.
Tám năm sau, tháng Hai năm 2022, lịch sử lặp lại trên quy mô thảm khốc hơn.
Dưới ngòi bút của Marci Shore, đó không phải chỉ là một cuộc cách mạng, một cuộc chiến tranh, không chỉ là những sự kiện, mặc dù chúng được mô tả chi tiết, kết quả của một quá trình điều tra tường tận, mà chính yếu là câu chuyện của những cá nhân, cuộc chiến đấu của họ, số phận riêng tư, tình yêu và cái chết của họ.
Shore sinh năm 1972, giảng dạy ở trường đại học Yale, Hoa Kỳ. Bà nghiên cứu về lịch sử văn học, khía cạnh chính trị của văn chương, hiện tượng học và chủ nghĩa Mác. Shore bám sát các vấn đề thời sự của Đông Âu, Ba Lan, Ukraine, và các nước lân cận. Nhà văn gốc Do Thái này còn là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác, như Mùi vị của tro tàn (The taste of ashes).
Cám ơn nhà văn Đinh Từ Bích Thúy và nhà văn Đặng Thơ Thơ đã giới thiệu văn chương Ukraine và văn chương viết về Ukraine cho tôi. Trong những ngày nóng bỏng của cuộc chiến tranh xâm lược do Putin gây ra, 2022, mời bạn đọc bốn truyện ngắn hay bút ký sau đây, để hiểu thêm phần nào một dân tộc anh hùng và đau khổ, một vùng đất xinh đẹp đang chìm trong lửa đạn, và tất nhiên, những con người tự do rất đáng yêu.
Tôi nghĩ, văn học không làm thay đổi được lịch sử, nhưng có lẽ nó giúp cho người đọc hiểu hơn những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và giúp họ trong các chọn lựa riêng tư, khó khăn, của mình.
 
                                                                             Nguyễn Đức Tùng
                                                                                     3. 2022
 
1. ĐẤT CỦA GOGOL
 
Vào tối thứ Tư, ngày 19 tháng 2 năm 2014, nhà nghiên cứu chính trị và trí thức nổi tiếng người Ukraine Mykola Riabchuk thuyết trình trước một căn phòng đông đúc ở Vienna. Mykola nói một cách bình tĩnh, trầm tư. Dù không lạc quan nhưng ông vẫn hy vọng. Ông hoàn toàn tin rằng cuộc chiến giành tự do ở Ukraine sẽ tiếp tục. Có lẽ lần này cuộc chiến sẽ không thành công; nhưng Mykola chắc chắn rằng, nếu không phải là lúc này, thì một ngày nào đó nó sẽ thành công.
Ông trả lời tất cả các câu hỏi một cách cởi mở. Ông không hề nói gì với khán giả, rằng vợ ông và đứa con trai hai mươi sáu tuổi của họ, đang ở Kiev, và đứa con trai Yuri, đã trở về nhà lúc 4 giờ sáng hôm ấy và bây giờ lại có mặt trên Maidan, một lần nữa, rằng Mykola không biết liệu Yuri có bị sát hại vào đêm hôm ấy hay không, hay có lẽ bây giờ chàng trai ấy đang đứng nói chuyện trong thư viện của Viện Khoa học Nhân văn.
(Cha mẹ của anh không bao giờ yêu cầu anh ở nhà, Yuri nói với tôi khi chúng tôi gặp lại nhau sau đó ở Kiev. “Bạn vượt qua ranh giới…,” anh nói thế.
“Bạn có nghĩ rằng bạn có thể bị giết hại?” Tôi hỏi anh.
“Vâng, tôi đã sợ thế.”)
“Chúng ta có thể làm gì?” một phụ nữ Ba Lan trẻ tuổi trong số khán giả lên tiếng hỏi.
Đáp lại, Mykola mô tả một cảnh trong vở kịch của Nikolai Gogol, vở Quan thanh tra. Vào cuối vở kịch, một người chủ nông trại tên Piotr Ivanovich Bobchinsky tiến lại gần quan thanh tra đến từ thủ đô Saint Petersburg với một lời “yêu cầu khiêm tốn,” anh ấy cầu xin vị quan của mình một cách hết sức cung kính, khi ông ta trở lại Saint Petersburg, xin làm ơn nói với sa hoàng rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky đang sống ở thị trấn này.
Chỉ thế thôi, đơn giản xin nhớ rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky, thế thôi.
“Chỉ cần nhớ,” Mykola trả lời người phụ nữ trẻ, rằng “Có một đất nước tên là Ukraine.”
 
(Nguyên tác: The Land of Gogol, The Ukrainian Night)
 

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

THÁI HẠO, TIẾNG NÓI MỚI, VANG RỀN - Nguyễn Đức Tùng




Thế giới thường xuyên thay đổi, nhưng chưa bao giờ thay đổi nhanh đến thế, như trong những năm qua. Dịch bệnh, chiến tranh, tra tấn, dân tộc chia rẽ, môi trường thiên nhiên bị tàn phá đến cùng kiệt. Con người ngày càng tham lam, ngày càng sống hời hợt và giả dối.
Và bên dưới tất cả những thứ ấy, có một điều gì sâu hơn nữa, sâu xa nhất, chi phối tất cả: sự sợ hãi.
 
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Tôi đã tự hỏi ngàn lần
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Loài linh trưởng trong tôi gào thét
Đại ngàn trút lá
Tôi thèm làm người
Nguyên sinh
Trăng vỡ trên đỉnh trời
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Câu hỏi làm tôi nổi giận
Thèm một que diêm
để châm lửa vào cánh rừng
 

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

ĐỌC LẠI HOÀNG CẦM - Nguyễn Đức Tùng



Thơ Hoàng Cầm cao quý. Thơ ông tưởng xa mà gần. Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng tìm cách trò chuyện với người đọc, ngay cả khi đó không phải là ý định của người viết. Không phải nhà thơ nào cũng chủ trương mời gọi người đọc đi vào bài thơ của mình. Các nhà thơ siêu thực ở phương Tây có ngôn ngữ khó hiểu, cánh cửa vào bài thơ của họ không mở rộng. Bài thơ của Hoàng Cầm không nói với chúng ta, người đọc, mà trò chuyện với nhân vật của mình, trong thế giới riêng lẻ của mình. Một bài thơ thành công là khi những xúc cảm, thông qua ngôn ngữ, thiết lập được mối quan hệ với người đọc, khiến cho họ có thể tham dự vào quá trình sáng tạo. Việc đọc ngày càng nâng cao thì một ngôn ngữ chất phác trong thơ ngày càng bị loại bỏ. Những bài thơ của Hoàng Cầm viết sau Về Kinh Bắc rơi vào tình trạng hiện thực mộc mạc ấy. Cái còn lại của ông, cao điểm nhất của tài năng Hoàng Cầm, vẫn nằm ở tập Về Kinh Bắc, và cả Mưa Thuận Thành, một ngôn ngữ bàng hoàng siêu thực, mặc dù nhà thơ có thể không có chủ ý. Đó là chủ nghĩa siêu thực tự phát, hay như Hoàng Cầm nói, có tính tâm linh, từ giấc mơ. Khác với Thanh Tâm Tuyền ở miền Nam, có ý thức, cùng thời, nhưng xuất bản công khai, với sự tiếp nhận dè dặt của công chúng. Cố gắng của ông không phải là làm mới ngôn ngữ, và về phương diện này Hoàng Cầm đi sau Lê Đạt, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, nhưng trong các nhà thơ thuộc nhóm Nhân Văn và Giai Phẩm, thành tựu trước mắt của ông có lẽ lớn nhất, không phải chỉ vì thơ ông phổ biến, được nhiều người yêu mến, mà vì Hoàng Cầm thực sự làm mới những xúc cảm của sự đọc. Ngay từ trước tập Về Kinh Bắc:
 
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
 
Là ẩn dụ mới. Và do đó, câu thơ mới, đặc trưng của Hoàng Cầm, một ngôn ngữ hình ảnh. Hình ảnh trong thơ Hoàng Cầm có thể xuất hiện như ẩn dụ trong một câu thơ, cũng có thể là hình ảnh trung tâm của toàn bài thơ. Những hình ảnh ấy không phải chỉ là sự trang trí, có thì đẹp lên, không có thì câu thơ vẫn tồn tại, trái lại hình ảnh trung tâm ấy, cái mà người xưa gọi là tứ thơ, quyết định toàn bộ giá trị hay phần lớn giá trị của một bài.
 
Chị đưa Em đến bến này
Cheo leo mỏm đá
Trước vực, sau khe
Thòng lọng tơ gì cuốn gót
 

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

QUÁN HỚT TÓC - Nguyễn Đức Tùng



Quán hớt tóc là nơi bọn thanh niên trong làng tụ tập tán dóc, bàn chuyện chiến tranh hòa bình, các nhân vật Xuân thu Chiến quốc, chuyện cô nào sắp lấy chồng, phim cao bồi Viễn Tây, mùa khoai mùa lúa, chuyện đi quân dịch, vui buồn thi cử. Khi tôi còn bé, mỗi tháng phải trình diện quán ấy một lần, lệnh của ba tôi. Ông rất ghét bọn con trai để tóc dài, mà chẳng cứ gì ông, người lớn, thầy cô giáo của tôi, đều thế. Tôi lò dò bước vào quán, vách đất trộn phân trâu quét vôi trắng mái tranh có dàn mướp bò qua, nhìn quanh tìm chỗ ngồi, dỏng tai nghe chuyện khách, dân cày cấy, học sinh, viên chức.
 

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

NGUYỄN HƯNG QUỐC, GÂY SỰ VỚI HƯ KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng


Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc


Giữa thiên đàng và địa ngục
Tôi chọn cái ở giữa:
Trần gian
(20)
 
Trần gian cũng là chọn lựa của nhiều nhà thơ. Ngôn ngữ Nguyễn Hưng Quốc giản dị, mạch lạc, các bài thơ của anh có ý tứ rõ ràng. Sự rõ ràng ấy làm cho bài thơ sáng lên, có sức thuyết phục, mặc dù có thể không gây ra ám ảnh. Đọc thơ ba câu của anh, tôi nghĩ đến các nhà thơ hình tượng của Mỹ, như Ezra Pound, những người chịu ảnh hưởng ít nhiều từ truyền thống Nhật Bản, nhưng thơ anh không hẳn là haiku. Chỉ đôi khi có khuynh hướng ấy:
 
Con quạ đen
Mổ nắng
Giữa chiều quạnh hiu
(251)
 

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

KÝ ỨC VỀ TRƯỜNG XƯA, BẠN CŨ: LÊ MINH VÀ NHỮNG THỦ KHOA TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG QUẢNG TRỊ - Nguyễn Đặng Mừng


Tác giả Nguyễn Đặng Mừng.    

Duyên cơ đã cho tôi được quen thân cả ba thủ khoa vào đệ thất Trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, Lê Minh niên khóa 1965, Lê Đức 1966, và Nguyễn Đức Tùng 1967. Đậu vào Nguyễn Hoàng đã khó, đậu thủ khoa là một vinh dự. Cả ba rất giỏi các môn khoa học mà lại đặc biệt yêu văn chương. Chúng tôi thường trao đổi với nhau những cuốn sách văn học, những tạp chí hay như Văn, Bách Khoa, Văn Học thời đó.
 
Số phận của ba thủ khoa ấy giờ thế nào?
 

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

CUỐN SÁCH ĐẦU TIÊN - Nguyễn Đức Tùng



Cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc khi ở ngoài đất nước là một món quà. Tôi hoàn toàn không biết người gửi. Tôi tìm thấy nó dưới tấm thảm cũ góc nhà trong khu tạm giam gần thủ đô Bangkok. Tôi thức dậy trước khi trời sáng, không ngủ được, bồn chồn, cảm giác có vật cộm lên dưới gót chân. Đó là cuốn sách rách bìa nhưng bên trong còn tốt, giấy ố vàng nhưng chữ đọc được. Cuốn sách không nằm đó một mình, không nằm đó một cách cô độc, nó nằm chờ ở đó như người bạn chờ người bạn. Cuốn sách như tác phẩm nghệ thuật được một nghệ sĩ để lại trên đường đi, vì quá nặng, hay cố tình để lại cho người đến sau. Cuốn sách ấy như một nhân vật, không yêu ai, không phụ ai, không chú ý đến người nào, nằm im lặng ở đó nhưng đã học quá nhiều điều từ những năm tháng tối tăm, biết bao người đi qua, dừng lại, nằm xuống, nằm xuống mãi, không ai nhìn thấy vì nó nằm ở chỗ lõm sâu nhất của sàn xi măng lạnh lẽo. Cuốn sách không được phê bình, không được mang tới, kiên nhẫn như tác phẩm vĩ đại, như kho tàng chôn giấu kỹ, là vật duy nhất còn sống sót dưới đống gạch đá của ngôi nhà tan nát vì chiến tranh. Nó ở đó, lưu giữ ký ức của loài người, sự sinh thành các tính cách, tham lam và ích kỷ, cao thượng và hy sinh, dằng dặc nỗi buồn của tình yêu của ba người đàn ông.
 

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

ĐỖ QUYÊN, CHO TA KHÓC MỘT HỆ NGƯỜI - Nguyễn Đức Tùng


 
         Đỗ Quyên và hai chân dung 
         bởi Nguyễn Đại Giang (Hoa Kỳ, 2008) và Trần Tuy (Việt Nam, 1982)
 

Đỗ Quyên làm thơ như sống chính cuộc đời mình. Thơ trữ tình và trường ca là công việc chính yếu của anh, mặc dù không phải là tất cả, và trong nhiều năm kể từ thời thanh niên, anh đã dành những nỗ lực quý báu nhất cho chúng. Anh hiểu rằng con người có thể làm được nhiều việc cho nhau, bày tỏ mối quan tâm rõ ràng đối với các vấn đề xã hội, chính trị, trong khi đó, một cách không hoàn toàn hiển nhiên, anh lại thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Đỗ Quyên thực ra là một trong những người góp phần phát triển khuynh hướng ấy trong thơ Việt, một cách chừng mực, ngay từ những năm chuyển tiếp của hai thế kỷ, thời kỳ dồn dập biến động: cách mạng, tan rã, chết chóc, lưu vong. Đến nay anh vẫn trung thành với chọn lựa của mình, với những biến đổi nào đó, tất nhiên.
 
Hôm nay
dương lịch
    Mồng Năm tháng Năm
Mắt xen qua ba bông hồng sẽ không bao giờ nở được
Tôi ngồi
            lập danh sách các bạn văn có thể vay tiền
Lúc này
           em đừng về
Hồng thắm đấy
                   nhưng sẽ không bao giờ nở