BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

KHÁNH LY: BỊ ÔNG CHỦ PHÒNG TRÀ GỌI LÀ CA SĨ VỚ VẨN, TỪ CHỐI KHÔNG CHO LÊN HÁT - Tùng Ninh

“Ông chủ vừa nhìn thấy tôi đã từ chối: Nhà hàng của tôi là nhà hàng lịch sự, sang trọng, không cho ca sĩ vớ vẩn lên hát” – danh ca Khánh Ly kể lại.


KHÁNH LY: BỊ ÔNG CHỦ PHÒNG TRÀ GỌI LÀ CA SĨ VỚ VẨN, TỪ CHỐI KHÔNG CHO LÊN HÁT
                                                                                          Tùng Ninh

Mới đây, tại chương trình The Jimmy Show, danh ca Khánh Ly đã bồi hồi kể lại thời gian đi hát tại các phòng trà ở Sài Gòn ngày trước và sống cùng dân giang hồ, vũ nữ tại Đà Lạt.

Bị mẹ đuổi khỏi nhà, chấp nhận tìm chỗ ở riêng để được đi hát

Thời còn trẻ, tôi đâu được hát ở các phòng trà. Lúc đó, ở Sài Gòn đếm được chưa tới 10 ca sĩ, ai cũng nổi tiếng. Bởi vậy, một con bé vô danh như tôi không ai để ý, không được gọi là ca sĩ.

Nhưng tôi buộc phải đổi tên từ Lệ Mai thành Khánh Ly vì mẹ tôi quá khó, cứ bắt tôi đi học. Tôi kiếm một cái tên khác để lén đi hát cho cả nhà khỏi biết.


Thời đó đi hát, tôi biết được chị Yến Vỹ, Trúc Mai, Kim Chi. Nhưng đấy là biết thôi chứ không dám lại gần. Tôi sợ, không biết phản ứng của các chị thế nào, chỉ dám đứng từ xa nhìn thôi. Nhưng nói vậy chứ thời đó ca sĩ hiền lắm.

Đến một ngày, không hiểu ai giới thiệu mà tôi được hát ở quán Anh Vũ. Người ta gọi đó là phòng trà nhưng thực ra là một quán cơm xã hội dành cho sinh viên. Tôi đến đó hát buổi tối, được biết thêm chị Thanh Lan, chị Lệ Thanh.

Thời điểm đó, chị Bạch Yến đã xuất ngoại rồi nên tôi không được gặp. Tôi chỉ biết, chị Bạch Yến là người đầu tiên hát nhạc ông Trịnh Công Sơn, với bài Lời buồn thánh.

Thời gian đó vào khoảng 1961, tôi bắt đầu đi hát ở các phòng trà, vừa hát vừa sợ bị cảnh sát bắt vì mới 15, 16 tuổi.

Tiếp đến, tôi chuyển sang hát ở phòng trà Đại Nam rồi gặp nhạc sĩ Lê Văn Thiện. Tôi đưa bài Ngăn cách cho ông ấy thì ông ấy gạt đi, kêu cải lương quá, không cho hát.



Tôi ngồi ở đó chơi thì được thấy chị Trúc Mai và chị Kim Chi. Hai chị hồi đó đẹp, sang như nữ hoàng. Họ ăn nhãn mà ăn rất nhỏ nhẹ. Đó là hình ảnh tôi nhớ mãi trong đầu.

Tôi nhìn vào sắc đẹp, địa vị của những chị ca sĩ đó mà ao ước được như họ. Tôi thèm lắm nhưng không bao giờ dám nghĩ sẽ được như thế.

Sau đó, mẹ tôi biết tôi đi hát, giận quá mới đuổi ra khỏi nhà. Tôi chấp nhận đi khỏi nhà để được đi hát. Thế là tôi đi hát có đồng nào góp lại, ráng tìm một chỗ để ở.

Sống cùng vũ nữ, được giang hồ bảo vệ, giúp đỡ

Đi hát được một thời gian, tôi quen nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuyết và mấy ông nữa. Các ông ấy bảo tôi muốn nổi tiếng thì phải gia nhập nhóm của các ông ấy nhưng tôi từ chối vì còn nhỏ, không nghĩ sẽ trở thành ca sĩ để gia nhập nhóm nọ nhóm kia.

Sau đó, tôi về lại Đà Lạt sống một thời gian. Tôi rời Sài Gòn về Đà Lạt để đi làm kiếm tiền. Ở Đà Lạt lúc đó có một nhà hàng được gọi là Night Club, bà chủ nhà hàng tới Sài Gòn một lần để tìm ca sĩ và gặp tôi nên bảo tôi về hát, thế là tôi đi xe đò về lại Đà Lạt. Thời điểm ấy vào khoảng cuối 1962.


Tại Night Club tôi hát có một tầng lầu riêng cho nhân viên ở lại. Tôi chọn ở lại Night Club và ở chung với các chị vũ nữ.

Vũ nữ ngày đó là kiểu đến vũ trường để nhảy chung với những khách không có bạn nhảy cùng. Những người đi nhảy phải trả tiền cho các vũ nữ đó theo giờ. Hết giờ thì ai về nhà nấy.

Người ta cứ nghĩ vũ nữ là xấu nhưng thời đó vũ nữ chỉ làm việc như vậy thôi, không làm gì khác.

Những người vũ nữ đó dù phong trần, khổ ải nhưng rất đáng quý, dễ thương.

Hồi đó, tôi còn chơi với anh em giang hồ. Nhưng anh em giang hồ không bao giờ làm phiền tới ca sĩ, nhạc sĩ, vũ nữ. Họ còn giúp đỡ, bảo vệ chúng tôi.

Thanh Tuyền, Phương Dung tuy nhỏ tuổi hơn nhưng nổi tiếng trước tôi nhiều

Thanh Tuyền cũng ở Đà Lạt nhưng tôi không biết. Thanh Tuyền lúc đó nhỏ lắm, mới có 13, 14 tuổi thôi.

Sau này, nhà hàng Night Club bị dẹp bỏ, tôi chuyển sang một phòng trà khác. Thanh Tuyền kể lại ngày ấy có ngồi nghe tôi hát nhạc Phạm Duy ở phòng trà đó.

Năm 15 tuổi, Thanh Tuyền tới Sài Gòn hát và nổi tiếng ngay. Bởi vậy mới nói, Thanh Tuyền, Phương Dung tuy nhỏ tuổi hơn nhưng nổi tiếng trước tôi nhiều. Chế Linh lúc đó cũng nổi tiếng lắm rồi.

Tới năm 1967, tôi hát với ông Trịnh Công Sơn thì mới được người ta biết tới. Bài đầu tiên tôi thu âm là Còn tuổi nào cho em.

Bị ông chủ phòng trà từ chối, gọi là ca sĩ vớ vẩn, không cho lên hát

Tới năm 1966, tôi xuống Sài Gòn thì gặp danh ca Minh Hiếu và làm quen. Một ngày nọ, cô Minh Hiếu bảo tôi có rảnh thì tới phòng trà Tự Do hát giùm cô vì cô bận.

                                                           Khánh Ly và Lệ Thu

Tôi nghe lời cô Minh Hiếu nên tới phòng trà xin hát. Ông chủ vừa nhìn thấy tôi đã từ chối: "Không, nhà hàng của tôi là nhà hàng lịch sự, sang trọng. Nếu ca sĩ của tôi có việc phải nghỉ, tôi sẽ để ban nhạc lên chơi chứ không cho ca sĩ vớ vẩn lên hát".

Tôi nghe xong lại lóc cóc đi về nhưng không buồn. Sự thật lúc đó là như thế, chẳng ai biết mình là ai, chỉ là một con nhỏ phấn son, áo quần không có. Nhìn không ra ca sĩ thì người ta không cho hát là đúng rồi.

Nhiều năm sau đó, chính ông chủ phòng trà Tự Do lại mời tôi về hát. Tôi có nhắc lại chuyện này và ông ấy chỉ cười thôi.

Thời gian hát tại phòng trà, thành công của tôi là mời được chị Lệ Thu về hát cùng. Tên Khánh Ly với Lệ Thu chạy song song nhau, nên tôi được đứng ngang hàng với chị Lệ Thu. 


Nguồn:
https://soha.vn/khanh-ly-bi-ong-chu-phong-tra-tu-choi-goi-la-ca-si-vo-van-khong-cho-len-hat-20200407074749389.htm

Không có nhận xét nào: