BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

TRI KỶ - Lương Minh Vũ


 TRI KỶ     
              (Tặng L.T.)

"TRI KỶ" là truyện ngắn hay của Lương Minh Vũ (hội viên Hội VHNT Bình Thuận) đã đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn VN năm 1997. Sau đó được in trong tập truyện "NẰM NGHIÊNG NHỚ NÚI", NXB Hội Nhà Văn 2006. Xin mời đọc

*
Quách Phong tên tự Tầm Cầu, dòng danh gia vọng tộc. Dòng họ này như có thiên hướng đặc biệt về lãnh vực văn chương, học thuật và nghệ thuật. Đời nào cũng sản sinh những bậc thức giả khoa bảng lại lỗi lạc về các môn cầm kỳ thi họa .
Người ta đồn : Dòng họ Quách có một điểm di truyền. Ấy là một nốt ruồi son, hình trái tim, đỏ như máu, mọc dưới rốn, ngay đan điền. Đó chính là nguyên nhân của tài năng. Người nào có nốt ruồi càng lớn, tài năng càng nhiều. Không biết hư thực ra sao, nhưng đến Quách Phong thì rõ là có thực. Nó không còn là nốt ruồi nhỏ mà cộm lên thành một cục tròn vo, to tướng, rắn đanh. Giới văn nghệ gọi đó là “ nốt son thi ca” còn dân gian thì gọi là “ cục thơ ”.
Quả thực, Quách Phong là một thiên tài thi ca, biết làm thơ trước khi biết viết. Càng lớn dường như cục tinh ba lạ lùng kia cũng lớn theo và liên tục phát tiết. Thơ chàng tuôn chảy như suối, mọi lúc mọi nơi, mọi thể loại hình thức. Xuất khẩu một bài tứ tuyệt, phóng bút một bài thất ngôn. Xong tuần rượu cũng xong luôn một bài hành trường thiên. Khắp kinh thành người ta tôn vinh nể trọng Quách Phong, từ vua quan đến thứ dân, từ giới văn nghệ đến bọn công khanh. Không phải vì chàng là quan lại triều đình - đã đỗ tiến sĩ, đương chức Lễ bộ thượng thư kiêm Hàn lâm học sĩ – mà vì chàng có tài móc thơ từ trong trái tim mình ra cũng dễ như người ta móc tiền trong túi.
Bấy giờ là cuối đời Nam Tống. Giặc giã loạn lạc, thiên hạ nhiễu nhương. Bao giá trị cũng theo tình hình đất nước mà suy vi. Thi ca cũng cùng số phận, mặc dù thời nào cũng có thi sĩ, thậm chí thời sau nhiều hơn thời trước. Người ta còn ăn còn mặc thì còn làm thơ. Song, cái hào quang rực rỡ, chói lọi nhất của tư tưởng thi ca thời Đường Tống thì đã qua từ lâu. Những Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đến Thôi Hiệu, Lý Thương Ẩn, Vương Xương Linh cùng hàng trăm tên tuổi lẫy lừng khác đã thành người thiên cổ. Rồi đến Tống, những Tô Thức, Âu Dương Tu, Vương An Thạch ... cũng lần lượt về làm bạn với giun dế. Nhưng những gì họ sáng tạo ra thì sống mãi với thời gian để thành bất tử.
Quách Phong đọc, cảm và khâm phục họ. Thâm tâm chàng nghĩ, mình là người cùng hội cùng thuyền. Nghe như máu huyết, tinh anh của họ đang lưu thông trong mạch máu mình. Nhưng chàng vẫn luôn cảm thấy một nỗi buồn trống vắng. Cái buồn của bậc tài hoa không ai chia sẻ. Một thi nhân chính hiệu không có một bạn thơ tri kỷ. Nỗi buồn của Tử Kỳ thiếu Bá Nha. Rất nhiều lần, chàng mơ được sinh ra cùng thời với bọn Lý, Đỗ... Hoặc bọn họ sinh muộn hơn để gặp chàng. Ôi! Thú vị biết bao, hạnh phúc biết bao. Gặp địch thủ xứng đáng, chàng sẽ như long hổ gặp phong vân. Có dịp đàm thi luận bút, ca ngâm xướng họa, thù tạc ân tình. Cục thơ trong chàng sẽ liên tục phát triển, biết đâu sẽ thành viên ngọc hiếm hoi trong kho tàng thi ca nhân loại. Biết đâu đối diện với thơ chàng, Lý Bạch cũng buông bút như đã từng buông bút trước một “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu.
Còn bây giờ, thi sĩ quanh chàng đều rỗng tuếch và giả tạo “ chẳng qua là trò vần vũ với chữ nghĩa, ngôn từ ”, chàng nghĩ, với một sự khinh bạc, thờ ơ. Lãnh đạm với những kẻ bái phục, suy tôn mình. Bởi vì “chúng chỉ biết khen nhưng không hiểu cái quái gì những điều ta viết bằng tâm huyết ”.
Trong tâm trạng đó, Quách Phong vẫn tiếp tục làm thơ, đều đều không mệt mỏi, như thể đó là mục đích duy nhất, là lẽ sống đời chàng.
Và cũng như những thi sĩ cô đơn khác, chàng cũng thích nhấm nháp những câu chữ mình làm ra một cách khoái trá, như con gấu nhấp nháp vị ngọt mật ong, với một lý do: Chính ta là kẻ hiểu cái hay của ta hơn ai hết.
Bỗng một ngày kia, xảy ra một biến cố quan trọng với Quách Phong.
Một thi nhân tài ba vừa xuất hiện.
Một người tên Âu Dương Túc, mà thiên hạ đồn đại là cháu chắt, hậu duệ của Âu Dương Tu, một trong bát đại gia Đường Tống “ lại một gã Trương Tam, Lý Tứ nào nữa đây? ”. Quách Phong nghĩ với sự thờ ơ cố hữu. Cho đến khi tiếng tăm gã thi sĩ có bà con cỡ súng thần công bắn không tới với Âu Dương Tu ngày một vang dội, rồi cuối cùng người ta đặt cho gã danh hiệu “Âu Dương thi tôn ” thì họ Quách không còn thờ ơ được nữa. Chàng bắt đầu quan tâm và lần đầu tiên để mắt đến thơ của một người cùng thời, được truyền tụng trong giới bằng hữu thi ca.
Và chàng rúng động tâm hồn.
Bằng trực cảm thi nhân, Quách Phong biết đó là những tuyệt tác. Tiếp tục tìm đọc càng sửng sốt. Quả thật, cõi thơ của gã có cái gì lâu nay chàng miệt mài vươn tới mà dường như chưa thỏa mãn. Nó đầy ắp tính vũ trụ và nhân sinh. Mọi sự quen thuộc qua thơ của họ Âu Dương dường như mới mẻ và tinh khôi như thể mới nhìn thấy lần đầu. Có sự già dặn u trầm của người thống khổ. Sự tinh tế, hoằng viễn của bậc minh triết. Có cái phóng túng, cuồng lãng của Lý Bạch, cái tài hoa bác học của Đỗ Phủ, có sự dung dị của Bạch Lạc Thiên, lại cũng có nỗi niềm mang mang sâu lắng của Lý Thương Ẩn v.v ... và v.v... không sao kể xiết.
Lòng Quách Phong nhức nhối. So với thơ hắn, thơ ta ra sao? Hắn là thi tôn, còn ta, Quách Tầm Cầu là thi gì? Sao ta chưa đạt danh hiệu ấy? Cùng với trái tim nhức nhối, cục thơ trong chàng cũng ngọ nguậy dữ tợn hơn. Đòi tuôn ra để minh chứng, khẳng định, để chiếm lĩnh ngôi thứ. Chàng sống trong tâm trạng phức tạp: khâm phục và tự ái, hoang mang và háo hức. Ôi! Phải chi thời ấy có tờ báo văn nghệ nào tổ chức thi thơ, có lẽ sẽ ngã ngũ. Nói vậy, chứ nếu có cuộc thi nào như thế, vị tất chàng đã tham gia. Ai là ngươi thứ ba tài giỏi hơn họ để chấm thi. Cho đến giờ, ngoài chàng, Túc chính là người thứ hai, cũng là kẻ xứng đáng cho chàng kết giao: Một tri kỷ.
Dò tìm tung tích Âu Dương Túc, không ai biết. Diện mạo, tuổi tác, thân thế chẳng ai tường. Có người bảo hắn là thiền sư, một du tăng hành cước giang hồ. Người khác bảo hắn là ẩn sĩ, đã từng làm quan ở một phủ. Lại có người nói, hắn thuộc phái Đạo gia, luyện đan ở Nga My Sơn. Tóm lại, là một kẻ dị thường. Thỉnh thoảng, lại có những bài thơ mới của hắn bay về kinh thành, đập chát chúa vào tai, vào mắt, vào trái tim bức bối của Quách Phong, còn hắn thì mịt mù mây khói.

Cục thơ càng ngọ nguậy, chàng bắt đầu nhìn lại mình. Đem tác phẩm mình ra xem xét, suy gẫm, hiệu đính. Nghiên cứu luôn những tác phẩm danh gia đời trước để so sánh, đo lường. Chàng chìm đắm vào việc đó. Muốn biết, đâu là bí quyết, chìa khóa của những vần thơ bất hủ kia? Chân lý của thơ là gì? Chàng loay hoay suốt ngày trong thư phòng : lục lọi, tìm kiếm, suy nghĩ, vò đầu bứt tai, viết, xóa, xé, phùng mang trợn mắt, đổ mồ hôi mồ kê. Vật lộn với đống sách vở hữu hình để tìm cái nguyên lý vô hình. Xao lãng, bê trễ việc quan triều đình và việc tư gia đình.
Cuối cùng, chàng vẫn chẳng hiểu thơ là cái quái quỷ gì dù đã thuộc lòng một núi thơ của thế gian, và tự mình cũng đã làm ra một núi thơ khác.
Dù sao, cũng chẳng bõ công. Thời gian làm nhà nghiên cứu lý luận, phê bình bất đắc dĩ. Phong cũng rút ra vài điều. Ấy là những nhà thơ lớn, thơ họ nồng nặc mùi đời, nhập thế hóa thân với đời. Chàng đọc thơ và hiểu về thời đại họ. Thơ họ như bánh xe gập ghềnh, nảy xốc theo con đường tồn sinh, hay nói tắt: thơ là cuộc tồn sinh. Bất giác chàng kinh hãi. Hình như đó là điều khác biệt với ta. Lâu nay, ta sống trong tháp ngà, thơ ta thiếu sinh khí cuộc sống, thiếu gió bụi đường đời.
Những điều ấy, tuy mới phát hiện lờ mờ, cũng đủ làm xáo động cuộc sống, rẽ hướng đời chàng. Chàng trả ấn từ quan, lên đường, bắt đầu cuộc sống du sơn ngoạn thủy, phiêu lãng giang hồ để “hít thở không khí đời, sâu sát với quần chúng nhân dân” một công hai việc, chàng sẽ tìm và diện kiến với Âu Dương thi tôn.


*
* *


Nhưng hỡi ơi! Âu Dương Túc đã thành người thiên cổ.
Quách Phong biết tin, khi ngao du đến núi Lô Sơn. Sau một thời gian giong ruổi, thơ có phần nhuận sắc hơn. Chàng thấy hạnh phúc, có điều vẫn chưa gặp Âu Dương Túc và lạ thay không còn nghe bài thơ mới nào của họ Âu Dương nữa. Bỗng Quách Phong biết được tin: vào tiết đoan ngọ hàng năm, Túc thường đến viếng Lô Sơn, thăm người bạn là một thiền sư đang ẩn tu ở đó. Đúng thời gian, Quách Phong đến Lô Sơn.
Đó là một danh thắng kỳ tuyệt, nổi tiếng nhiều đời, thu hút bao tao nhân mặc khách. Nơi đây, còn lưu lại những bút tích đề vịnh của những tay cự phách nhất: Lý Bạch đến Mạnh Hạo Nhiên, Hàn Dũ đến Tạ Linh Vận, Tô Đông Pha… và có cả Âu Dương Túc.
Chàng gặp vị thiền sư cho biết, Âu Dương Túc đã chết năm trước vì một cơn bạo bệnh. Chính vị sư đã an táng trong núi sâu. Quách Phong chới với, bàng hoàng. Chàng đi xem những bài thơ cuối cùng của Túc trên vách núi. Khác trước, lời lẽ dường như cuồng thống, một sự thiết tha yêu đời của kẻ sắp từ giã trần gian. Thế là từ nay không còn ai trên đời để họ Quách chia sẻ và thi thố. Bao miệt mài khổ luyện của chàng như quả đấm, đấm vào không khí. Cục thơ của chàng hình như cũng teo tóp đi chút ít.
Sau nỗi ngậm ngùi, tiếc thương là sự trống trải, chán nản. Chàng từ giã Lô Sơn, dĩ nhiên không quên để lại sáu bài thơ liên hoàn trên vách núi của thắng cảnh trứ danh này.


*
* *


Khi ghé bến Tầm Dương, cảnh vật có phần khác xưa. Vẫn khói sóng, mây trăng, trên bến dưới thuyền, vẫn thiên nhiên lạnh lùng trơ gan tuế nguyệt, mà con người như u buồn, xơ xác hơn giữa đời tao loạn, phù sinh. Quách Phong nghe như có tiếng tì bà réo rắt đâu đây, còn người xưa đã về tận nơi đâu ? Chàng ở lại Tầm Dương sau thời gian mỏi mệt dặm trường. Vả lại “vốn thực tế ” đủ để chàng sáng tác. Chàng chọn một cô thôn, dựng một thảo lư. Đó là Hắc Sa thôn, lác đác vài nóc nhà dân dã. Trong sinh hoạt đời thường, Phong cũng gặp gỡ, giao tiếp, rồi thời gian chàng kết giao bằng hữu với một số người ở đó : bọn Lý Cựu, Trương Tấn, Triệu Ngưu và Đỗ Thử, giai cấp thứ dân, mưu sinh bằng việc trồng trọt, lưới cá hoặc đốn củi, săn bắn. Họ thanh bần và đơn giản khác với cuộc sống quý tộc công hầu mà Quách Phong từng trải qua. Giữa bọn họ chàng học được nhiều điều. Chàng yêu mến hơn cả là Lý Cựu, một kẻ tiềm ẩn tư chất đặc biệt, hàng ngày Lý Cựu hành nghề mổ trâu bò hoặc đốn củi gánh ra chợ bán nuôi mẹ già. Tóm lại, bọn họ làm những công việc không lấy gì gần gũi với văn chương lại vô cùng ngưỡng mộ thi phú văn chương. Họ đặc biệt tôn kính, thần tượng Quách Phong, không phải vì chàng từng là quan lớn, là giai cấp tôn quý mà chính vì chàng là một thi sĩ kỳ tài, sản xuất ra những bài thơ tuyệt vời, giải bày hộ họ những ẩn ức, sinh lão bệnh tử, hỉ nộ ái ố, mà ở tầng lớp lê dân nghèo khổ họ không dám hoặc không khả năng làm được. Đó là công việc của bậc thánh hiền. Họ xem việc Quách Phong đến ẩn cư ở Hắc Sa thôn là một vinh dự lớn lao. Một con hạc mòng đỏ quý hiếm giữa bầy gà ri. Chàng thấy ấm lòng, vơi đi phần nào cô đơn, nỗi nhớ gia đình, vợ con, thê thiếp đang gởi gắm ở kinh thành. Nên dù những hạn chế của họ, tình cảm chàng ngày thêm đẹp đẽ. Hơn nữa còn có Lý Cựu, một kẻ không đến nỗi nào, gã tỏ ra mẫn cảm với thơ Quách Phong. Gã cục mịch ít nói, nhưng có lúc làm chàng bất ngờ khi đột nhiên phun ra những nhận xét, luận bình thơ với một sự thông minh rất bản năng.
Bỗng một hôm, Phong nhận ra Lý Cựu hình như không còn hào hứng khi nghe thơ mình. Ngạc nhiên, bèn hỏi:
- Sao thế Lý bằng hữu ? Bài này dở chăng ?
- Quả là dở thật.
Kinh ngạc hơn là mếch lòng, lần đầu tiên Quách Phong nghe lời chê bai của Lý Cựu.
- Lâu nay, bằng hữu vẫn bảo thơ ta rất hay cơ mà.
- Quách huynh thứ lỗi. Có lúc hay nhưng càng làm nhiều, càng về sau càng dở.
- Tại sao?
- Vì thiếu chân thật.
Quách Phong biến sắc, tai lùng bùng trước lời lẽ Lý Cựu, cũng là lần đầu tiên gã nói nhiều:
- Thiển ý đệ: Thơ cốt cái thật. Viết gì mình cảm thấy. Tâm can người giống nhau. Viết điều tâm can ta xúc động thì người khác xúc động. Thơ huynh cố trau chuốt, cầu kỳ, tìm tòi mới lạ vô tình xa sự thật, giống như chú ý da dẻ bên ngoài mà quên xương cốt bên trong. Huynh chưa thật cảm điều huynh viết. Tỷ như sự cô đơn, nỗi đau khổ, niềm yêu thương. Thơ huynh diễm ảo, tú lệ như tranh. Nhưng cuộc đời thì có đất đá, bụi bặm, bùn lầy...
- Những điều đó bằng hữu học từ đâu? Phong hỏi, lòng bàng hoàng.
- Đệ ngày xưa là một hàn sĩ thất cơ lỡ vận, có đọc chút ít sách thánh hiền. Nhưng thơ thì không sách nào nói cả, chỉ cảm bằng cái tâm thô lậu. Chẳng qua vì lòng tôn quý, ưu ái với sự nghiệp thi ca của huynh, mong huynh chớ phật lòng.
- Thì ra Lý bằng hữu học vấn nhiều hơn ta tưởng. Lý lẽ sâu xa, thông tuệ sự đời. Không chừng bằng hữu còn biết làm thơ. Cứ nói về thơ, Quách mỗ xin lĩnh hội.
- Không dám, nhiều lần huynh khuyên đệ thử tập làm thơ. Theo ngu ý đệ: thơ là nhu cầu, viết vì nhu cầu ấy thúc bách, nếu không sẽ không sống an nhiên được. Còn như không viết mà vẫn sống tự tại được, thì không cần phải viết, vì sẽ không bao giờ đạt đến cõi thượng thừa của thơ. Vậy hà tất phải tập làm gì cho khổ. Huynh quá quan trọng với thơ nên tâm không yên. Thơ do đời sinh ra, có đời mới có thơ, khởi đi từ Kinh Thi. Sao gọi là Kinh ? Vì nó không là của ai cả, nó của CUỘC ĐỜI, của CON NGƯỜI. Nói những điều đơn giản, chân thật của lòng người, ai cũng thấy, ai cũng biết, vậy mà vẫn làm lòng người xao xuyến. Tại sao? Đệ không biết. Đó là ẩn ngữ của thơ.
Quách Phong thật sự kinh ngạc. Lão này cũng khá. Chàng nghĩ, lòng không khỏi băn khoăn. Tất cả những điều đó chàng cũng mơ hồ cảm thấy, cũng là điều chưa sở đắc.
Cũng từ đó tình bạn hai người không còn tự nhiên. Phong đối với Cựu ra chiều hờ hững, lạnh nhạt. Lời của hắn như mũi dao thọc vào lòng tự tôn, ngã mạn, làm xì cục thơ đang phình lớn của chàng. Dù thế nào, sáng tác vẫn là việc vô vàn khó khăn. Lý Cựu, dù mẫn tiệp, cũng không là kẻ cầm bút, hắn không biết nỗi khổ sáng tạo. Nói bao giờ cũng dễ.
Quách Phong hoàn thành một tập thơ mới. Ở mãi cũng chán, chàng lại lên đường, rời bến Tầm Dương, thôn Hắc Sa, lại dấn bước vào sơn thanh, thủy tú. Dĩ nhiên không quên ghé kinh thành thăm nhà, đồng thời lấy ít kim ngân vốn còn nhiều ở kho bổng lộc gia đình, làm hộ phí hành trình.
Lúc chia tay, Lý Cựu u buồn nói:
- Quách huynh ra đi, không biết bao giờ gặp lại. Đời đầy bất trắc, người sống nay chết mai, đệ có tâm sự bộc bạch và xin huynh giúp cho một việc.
- Bằng hữu cũng bi quan sao? Cứ nói, ta sẵn lòng.
- Đệ xưa gốc Giang Lăng. Có người vợ mới cưới, ba sinh chưa bén. Vì có nhan sắc nên bị tiến cung, nhưng trốn thoát. Rồi thời cuộc chinh chiến không biết lưu lạc phương nào. Còn đệ là một nho sinh nghèo, thi rớt, bị xung lính, văn dốt võ dát, chỉ làm một chức võ quan nhỏ rồi bị thương trở về. Công danh lận đận, sinh kế bủa vây. Vì còn mẹ già phụng dưỡng, nên không có cơ hội tìm kiếm thê nhi. Nay huynh lên đường xuôi ngược mong huynh để tâm tìm giúp. Vạn nhất mà biết được tin hay gặp được tiện nội, nhờ huynh trao kỷ vật này, nàng khắc hiểu. Nhược bằng không gặp, xin huynh giữ lấy, xem như món quà tỏ lòng ngưỡng mộ với Quách huynh.
Nói xong, lấy ra một bức tranh vẽ chân dung một người con gái dung nhan mỹ miều và một chiếc quạt trầm hương. Lý Cựu viết vào bức tranh tên tuổi, lai lịch vơ, rồi viết vào chiếc quạt tình cảm nhắn gửi riêng tư, mà người trong cuộc mới hiểu.
Từ đó, Quách Phong xuôi ngược, mang theo bầu rượu túi thơ, cùng kỷ vật của Lý Cựu. Qua phố phường kẻ chợ hay thủy tận sơn cùng. Có dịp Quách Phong không quên dò tìm. Đã ba năm, việc Lý Cựu phó thác chẳng kết quả, chỉ túi thơ càng đầy và bầu rượu ngàn lần vơi đi. Tiếng tăm họ Quách, theo bước chân, càng trải xa, lan rộng.

Một buổi chiều, ngồi độc ẩm trong một quán trọ giữa tiết xuân. Có một người ở bàn bên đến thi lễ:
- Có phải đây là thi hào Quách Tầm Cầu tiên sinh chăng?
- Không dám, đích thị vãn sinh.
Người kia xưng tên Chu Thiên Bút. Thì ra là một họa gia nổi tiếng đương thời, đại biểu tầm cỡ phái Thủy- thái- họa, lại giỏi Thư pháp. Cũng cầm tinh con ngựa, lang bạt kỳ hồ. Thi sĩ gặp họa sĩ, kẻ sáng tác gặp người sáng tạo, chẳng mấy chốc họ thành tương đắc. Tửu phùng tương đắc thiên bôi thiểu. Rượu và lời thi nhau tuôn ra. Biết Thiên Bút là người kinh lịch, từng trải, Phong đem việc Lý Cựu hỏi thử với hy vọng mong manh, cho họ Chu xem kỷ vật. Lạ thay, gã họa sĩ nhìn chăm chú vào những dòng chữ trong tranh và quạt, biến sắc, hỏi:
- Ai viết những chữ này ?
- Một người bạn của vãn sinh, có điều gì thế ?
- Đây là thủ bút của thi tôn Âu Dương Túc.
Quách Phong cả cười:
- Chu huynh lầm lẫn rồi, đấy là Lý Cựu, hành nghề đồ tể. Không biết làm thơ. Chẳng phải thi tôn thi tiếc nào cả. Những chữ này hắn viết lúc chia tay ở Tầm Dương.
Chu Thiên Bút vuốt râu, nói như đinh đóng cột :
- Tiểu sinh một đời nghiên cứu thư pháp, thuộc biết tự dạng của khách văn chương nổi danh kim cổ. Chữ viết của Âu Dương thi tôn càng không hề lầm lẫn.
Rồi rút trong bọc ra một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp, bên cạnh có bốn câu thơ, ký tên Âu Dương Túc , nói :
- Tiểu sinh tình cờ được một lần hạnh ngộ với Thi tôn giống như với Quách tiên sinh hôm nay. Tiểu sinh vẽ và Túc đề thơ kỷ niệm.
Quách Phong nhìn kỹ, quả nhiên hoàn toàn giống dạng chữ trong tranh và quạt lâu nay chàng vẫn mang theo. Chàng kinh hoàng chợt nhớ bài thơ của Túc ở Lô Sơn, cũng tuồng nét chữ. Chàng lắp bắp, bán tín bán nghi :
- Nhưng Âu Dương Túc đã chết lâu rồi, sao lại là Lý Cựu ?
- Điều đó tiểu sinh cũng không hiểu, nhưng nếu Lý Cựu là Âu Dương Túc thì đến nay, e Lý Cựu cũng không còn trên đời này nữa.
- Tại sao vậy ? Quách Phong thất sắc.
- Lần gặp đó, tiểu sinh biết Túc mắc chứng bệnh trầm kha, không thể sống hơn 5 năm. Chính Túc cũng biết điều đó. Có lẽ khi cái chết đã gần kề bèn cải danh gác bút ở ẩn chăng ?
Quách Phong chấn động tâm can, tinh thần bấn loạn. Ngồi bất động mà lòng như dậy sóng. Chợt nhớ những lời như trăn trối của Lý Cựu trước lúc chia tay. Chàng đã bị một đòn nặng nề để khám phá ra mình. Trong cơn suy tưởng, chàng thấm thía lẽ vô thường của kiếp sống. Tất cả là phù vân, có gì phải quan trọng, bận tâm, kể cả cái mà lâu nay chàng cho là quan trọng nhất : Cõi thơ. Giờ đây trong ý nghĩ chàng, Lý Cựu có phải là Âu Dương thi tôn không, cũng không còn quan trọng nữa. Chàng chỉ còn hình ảnh một gã đồ tể bần hàn, lận đận, mang trên vai bao khổ lụy hình hài. Có lúc, đã chia sẻ cùng chàng những ngày tháng đẹp ở Hắc Sa thôn.
Quách Phong quay trở về chốn cũ, dù không biết còn gặp Lý Cựu hay không. Vẫn nghe loáng thoáng lời Chu Thiên Bút trước lúc chia tay như mũi kim đâm vào tim nhỏ máu :
Cõ lẽ Âu Dương Túc vì biết trước cái chết nên đã trở thành Thi Tôn. Khi con người ý thức đời mình ngắn ngủi, sức sống càng mãnh liệt. Thơ cũng vậy chăng ?
                                                                          
                                                                              Lương Minh Vũ

* "Nằm nghiêng nhớ núi" Tập truyện, NXB Hội Nhà Văn 2006

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

MÙA THU – APOLLINAIRE – BÙI GIÁNG – PHẠM DUY - HOA THẠCH THẢO - La Thụy sưu tầm và biên tập


       

    Sắc màu thu đã gieo nhiều cảm hứng cho hồn thơ tứ nhạc. Nhiều bài thơ, bản nhạc viết về THU dù đã trải qua bao năm tháng phôi pha vẫn in đậm nét trong lòng người thưởng lãm. Là người yêu nhạc (loại nhạc có air “bán cổ điển”), ai mà không thuộc các bản “Buồn tàn thu” của Văn Cao, “Giọt mưa thu”, “Đêm thu”, “Con thuyền không bến”… của Đặng Thế Phong , “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn Từ Linh , “Thu vàng” của Cung Tiến, “Em ra đi mùa thu” của Phạm Trọng Cầu, “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn , “Mùa thu Paris” của Phạm Duy, “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển, “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương v.v… Đặc biệt, bản “Mùa thu Chết” của Phạm Duy, bản nhạc hay nhưng có nhiều thắc mắc về xuất xứ của ca từ.
     Bản nhạc này lấy ý của bài thơ “L’ADIEU” của Guillaume Apollinaire, điều này có lẽ được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên lời Việt của bản nhạc “Mùa thu chết” thì không ít ý kiến cho rằng là do chính thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp bài “L’ADIEU” nói trên, Phạm Duy chỉ phổ nhạc mà thôi. Để nhìn nhận cho khách quan, ta thử đối chiếu nguyên tác với bản dịch của Bùi Giáng và lời nhạc của Phạm Duy.

 a/ Bài thơ của Apollinaire:

           L'ADIEU

           J'ai cueilli ce brin de bruyère

           L'automne est morte souviens-t'en
           Nous ne nous verrons plus sur terre
           Odeur du temps brin de bruyère
           Et souviens-toi que je t'attends

           GUILLAUME APOLLINAIRE


b/Bản dịch của thi sĩ Bùi Giáng :

           LỜI VĨNH BIỆT

           Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo (*)

           Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi 
           Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
           Mộng trùng lai không có ở trên đời
           Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
           Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó... 

                                                   BÙI GIÁNG

   (*) Câu này còn có dị bản:

          Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo

c/ Ca từ trong bản “Mùa thu chết” của Nhạc sĩ Phạm Duy:

           MÙA THU CHẾT

           Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

           Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
           Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
           Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
           Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho !
           Em nhớ cho,
           Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
           Trên cõi đời này, trên cõi đời này 
           Từ nay mãi mãi không thấy nhau
           Từ nay mãi mãi không thấy nhau...
           Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
           Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
           Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
           Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
           Vẫn chờ em, vẫn chờ em
                 Vẫn chờ....
                                    Vẫn chờ... đợi em !

                                            PHẠM DUY

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

HA – GA VÀ ÍT – MA - ÊN



           
              Nhà thơ Xuân Ly Băng


       HA – GA  VÀ   ÍT – MA - ÊN
                         Sáng thế 24, 15-20


       Nàng bế con chúi đầu đi trong sa mạc
       Gió cát dập vùi
       Hừng hực nắng trời như thiêu đốt mẹ con
       Bánh ăn đã kiệt
       Bầu nước  cạn hết từ lâu
       Khốn đốn vô cùng !
       Nàng ngồi bệt xuống
       Hôn con rồi đẩy nó vào bụi cây
       Ngước mắt lên trời
       Nghẹn ngào nàng than thở:
       Đức Chúa ở đâu rồi?
       Đau lòng tôi lắm, Chúa ơi !
       Làm sao để con tôi thoát chết
       Nàng ngoái lại nhìn bầu trời quê hương
       Nước mắt chảy ròng ròng
       Nhớ lúc ra đi!
       Nàng nghẹn ngào than thở :
       Ap-ra-ham, tôn chủ ơi !
       Tình nghĩa sao chỉ có thế thôi,
       Ai đem tôi đến cho ông?
       Sao ông nhẫn lòng xua đuổi tôi đi?
       Sa-ra, lệnh bà ơi!
       Ghen chi ghen lắm hủy đời tôi nay

       Rồi nàng khóc rống lên
       Ít-ma-ên khóc giật giọng
       Âm thanh chạm đến mây trời
       Đức Chúa sai thần sứ xuống :
       Can đảm lên, đừng sợ, Ha-ga ơi!
       Hãy nâng đứa trẻ dạy
       Nước uống đã có đây
       Hãy cho nó uống gấp!
       Nàng biết chăng:
       Đức Chúa đã chọn nó từ lâu
       Làm thành một dân tộc
       Lang thang khắp sa mạc
       Cung tên vút kín bốn phương trời

                           XUÂN LY BĂNG

CẢM XÚC CÀNH CỦI MỤC, THƠ XUÂN LY BĂNG - La Thụy

Có lẽ Xuân Ly Băng là nhà thơ công giáo được người yêu thơ biết đến nhiều nhất, sau Hàn Mặc Tử . Xin giới thiệu bài thơ CÀNH CỦI MỤC in trong tập thơ “KINH SẦU TRÊN QUÊ HƯƠNG” của nhà thơ Xuân Ly Băng (tức Đức Ông Linh Mục J.B.Lê Xuân Hoa) qua cảm nhận của La Thuỵ  

                                                                                                                                
          CẢM XÚC CÀNH CỦI MỤC                                                                   (Thơ Xuân Ly Băng)   

       Mấy hôm nay đang bâng khuâng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết (đang rét căm căm đó, thoắt cái đã hừng hừng lên lửa nóng) chợt đọc bài “ CÀNH CỦI MỤC ” của nhà thơ Xuân Ly Băng , in trong tập thơ “KINH SẦU TRÊN QUÊ HƯƠNG” , lòng tôi càng bâng khuâng hơn với sự biến ảo vô thường của nhân sinh, được thi nhân cảm hoài qua những dòng thơ mượt mà, êm dịu nhưng thật đậm nét suy tư triết học.  

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

THU - Thơ La Thụy


    


THU
                               
Cánh nhạn tung trời vun vút bay                                   
Hồ trường dốc cạn đẫm men cay                                   
Văn chương nợ ấy còn chưa trả                                    
Giáo nghiệp phận này lại phải vay                                   
Mộng đẹp chưa tròn mà chợt tỉnh                                     
Tình hồng chẳng vẹn lại thêm say                                   
Lá vàng bay lả ngoài song đó                                   
Thoảng tiếng đàn ngân ai nối dây !?!

                                           La Thụy        
                                 

THU CẢM - La Thụy cùng thi hữu


    


       THU CẢM                                

Heo may gợn nhẹ lá vàng rơi                                
Cảnh sắc trời thu đẹp rạng ngời                               
Thạch thảo xòe hoa cười góc núi                               
Hải âu tung cánh điểm lưng trời                               
Tình thơ tuôn chảy dường khôn cạn                                
Ý nhạc trào dâng tưởng nỏ vơi                               
Ai đó tri âm cùng chuốc chén                               
Ngắm quỳnh thưởng nguyệt bạn lòng ơi !

                                          La Thuỵ       

HOẠ:                                                                         

Bài hoạ 1                                              

CẢM THU                                              
(Bát điệp từ)                                

Lặng ngắm mưa thu tí tách rơi.                                
Nắng thu đan xéo dải khăn ngời.                                
Hàng cây thu rủ bên sườn dốc.                                
Bầy én mừng thu ở giữa trời.                                
Bến cũ mùa này thu vẫn ngập .                                
Đò xưa năm ấy liệu thu vơi .                                
Thu về ta nhớ người tri kỉ.                                
Khắc khoải tình thu lắng tiếng ơi.                                 

                            Robert Nguyen                                

Bài hoạ 2                                          

TÌNH THU                                

Chiếc lá ven hồ lặng lẽ rơi                                
Mây soi đáy nước lượn ngang trời                                
Cúc chen cành biếc vàng khoe sắc                                
Sen điểm hồng tươi đẹp rạng ngời                                
Cách biệt muôn trùng tình vẫn thắm                                
Xa nhau mấy độ nghĩa đầy vơi                                
Thu này ta sẽ về bên nớ                                  
Thưởng nguyệt vui cùng nhé bạn ơi                                                             
                                  Vương Trung                                 

Bài hoạ 3                                                 

VÔ ĐỀ                                 

Lặng ngồi cảm nhận gió thu rơi                                  
Vệt nắng thu sao nhẹ sáng ngời                                 
Hàng liễu chờ thu mòn mỏi đợi                                 
Từng bầy én đón thu ngang trời                                 
Thu về sóng dậy bên bờ lạnh                                  
Thu đến lòng ta chẳng thấy vơi                                 
Chạnh nhớ tình thu vào thủa ấy                               
Nhẹ nhàng đón nhận thu người ơi

                         Thienkhuc@  
                                   
Bài hoạ 4

THU SAY

Gió cuốn hiên ngoài chiếc lá rơi                                  
Trăng đêm vằng vặc sáng ngời ngời                                  
Hồng lan lãng đãng vùng chân núi                                   
Hoàng cúc thênh thang cả góc trời                                   
Tiếng hạc sương đưa nghe chới với                                 
Cung đàn gió thổi nhận đầy vơi                                   
Chén tình chưa cạn trăng mờ khuất                                 
Bấc khóc trong lòng gọi Nguyệt ơi
                                           
                                          Ký Gàn
                             

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

SƠ THU TỰ THÁN - La Thuỵ và các thi hữu


      


SƠ THU TỰ THÁN                                     

Sương lam rắc muối tóc xanh rồi                                    
Mộng đẹp hoa niên ủ mãi thôi                                    
Cơm áo đong đưa lòng dậy sóng                                    
Sách đèn dang dở miệng hoen cười                                  
Hùng tâm thuở ấy tàn dây dẫn                                    
Tráng khí ngày nao tắt lửa mồi                                     
Tri kỷ dõi tìm nào mấy bóng                                    
Chiều thu con nước có trôi xuôi ?

                             LA THỤY                                             

HỌA 
             
                      
Bài hoạ 1
                                                             
NGÀY THU                                     

Đã đành hoa tóc điểm sương rồi                                    
Thì đổi đông sầu dạo nhạc thôi                                     
Cho “dậu mồng tơi” mơn mởn sống  
Để “trăng Vĩ Dạ” lửng lơ cười                                    
Trường đời vinh nhục, tuồng chông bẫy   
Canh bạc đỏ đen, miếng bả mồi                  
Níu kéo men thơ, duyên hạnh ngộ                                    
Ngày thu bao lá có rơi xuôi

                                   Lương Bút