BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

TIỄN NHAU BẰNG MỘT NỤ CƯỜI - Kiệt Đoàn



       Gần 30 năm sống chung 1 mái nhà, chung cả căn phòng, ngoài tình anh em, ông còn như là người bạn thiết. Mà thật, bạn cũng nhiều đứa là bạn chung.

       Khuya trước đó, tôi về, vừa uống lon bia với ông, vừa ngồi viết 2 cái notes "Nghề" và "Viết ngắn", hẹn nhau lướt sóng vàng kiếm chút tiền nhậu chơi. Nào ngờ lon bia đó cũng là lon bia cuối cùng hai thằng còn ngồi với nhau. Đến bệnh viện, ông nằm như đang ngủ, mặt mày thân thể cũng chẳng có vết thương nào ngoài một chỗ ngay chân tóc. Nằm chết tình cờ, nằm chết như mơ...

      Thôi thì xác thân gởi lại cho đời. Khóc than vốn cũng là điều ông chưa từng thích, dù có là đám tang của ai. Nghe cha xứ giảng kinh, đọc mấy câu thành ngữ Hán Việt, tôi suýt cười, quay qua bên cạnh tính thì thầm tay này dám xài thành ngữ Hán Việt với bọn chuyên dịch kiếm hiệp, nào ngờ quay qua chỉ nhìn thấy cái áo gai mình đang khoác trên người. Kỷ niệm ùa về, khiến mắt cũng cay cay.

         Suốt mấy ngày, nghe bao người đến đọc kinh cầu nguyện, mong linh hồn ông lên thiên đường, tôi chợt nhớ mình từng khuyên ông lỡ có chết nhớ đừng lên thiên đường tại trên đó chắc không có bạn nhậu đâu. Còn bây giờ, tôi cũng cầu nguyện, không phải nguyện cho ông lên thiên đường, mà nguyện rằng ông sẽ tìm được chốn yên vui thích hợp cho mình. Trần gian là cõi tạm, cõi ông đang tới liệu có phải là cõi tạm hay chăng? Hay ông vẫn chỉ tiếp tục rong chơi, tìm cho mình những niềm vui?

     Đêm trước, ngồi với anh Vũ, tôi nói rằng chắc tới giờ ông còn chưa biết rằng ông đã chết. Giả như có linh hồn, chắc rằng hiện tại ông cũng đang rong chơi nhìn bọn tôi uống bia nói chuyện mà cứ nghĩ đó chỉ là giấc mơ. Chỉ là giấc mơ này ông vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại.
Cõi hiện tại giờ là cõi mơ của ông, còn cõi hiện tại của ông nơi đâu tôi không thấy được. Chỉ mong rằng ở bất cứ chốn nào, ông vẫn giữ cho mình nụ cười tự tại an nhiên lần cuối mà tôi thấy.

Hình ảnh
     Cái gì rồi cũng sẽ đi vào lãng quên. Thời gian vô tận chỉ bởi vì ký ức còn hữu hạn. Ly biệt, vốn là để tương tụ. Tương tụ cũng là khởi nguồn cho ly biệt. Bi thương chỉ là vì chưa thoả niềm vui đã gặp mà vội sớm chia ly... Ông đã chọn cách rời đi, tự tay bôi xoá những trang đời sắp viết. Tôi ở lại, cố gìn giữ thời gian hữu hạn bên nhau bằng những ký ức tươi đẹp còn lưu trữ.

       Còn nhớ ông nói người ta nên gượng cười mà chớ nên khóc. Thôi thì đám tang này, tôi cười đùa, mang tới những tiếng cười rộn rã để tiễn biệt nhau...

      Dữ quân kim thế vi huynh đệ, canh kết tha sinh vị liễu nhân...


      Đời này cùng ông làm huynh đệ, những mong kiếp khác cũng là người thân.
      Tiễn nhau bằng một nụ cười. Mộng chưa lay tỉnh cho người rong chơi...       
                                                                                       KIET DOAN 
                                                                                   LaGi, 18/08/2012                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             
                                    

                                    Hình ảnh


                                    

HOÀNG THỊ NGÀY XƯA, NGÀY NAY - Phanxipăng

Nguồn :   http://chimvie3.free.fr/48/phanxipn_HoangThiXuaNay.htm
           
Bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của thi sĩ Phạm Thiên Thư  được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát cùng nhan đề vào năm 1971,  được nhiều ca sĩ lần lượt thể hiện, tạo sức lan toả sâu rộng.  Cũng từ đó, đề cập đến nữ nhân vật trong tác phẩm Ngày xưa Hoàng Thị, vì lắm lý do, có những ngộ nhận đã xảy ra khá nực cười

   
                   Thi sĩ Phạm Thiên Thư. Ảnh: Phanxipăng

THƠ BAY BẰNG CÁNH NHẠC

Phạm Thiên Thư có họ tên Phạm Kim Long, chào đời năm Canh Thìn 1940 tại Hải Phòng trong một gia đình Đông y mà cha gốc Thái Bình, mẹ gốc Bắc Ninh. Giai đoạn 1943 - 1951, Phạm Thiên Thư sống ở Hải Dương, rồi theo gia đình vào Nam, cư ngụ tại Sài Gòn từ năm 1954. Lớp đệ tam (tương đương lớp 10 hiện thời), Phạm Thiên Thư học trường Trung học tư thục Văn Lang ở khu Tân Định, quận 1, chung lớp với một nữ sinh gốc Hải Dương là Hoàng Thị Ngọ tuổi Nhâm Ngọ 1942. Phạm Thiên Thư kể:
- Hoàng Thị Ngọ dáng người thanh mảnh, tóc thả ngang vai. Xếp hàng vào lớp, nàng đứng đầu hàng nữ, tôi đứng cuối hàng nam. Vào lớp, nàng ngồi bàn đầu, tôi ngồi bàn cuối. Ngọ học giỏi, còn tôi thì giỏi... đánh lộn. Thế mà tôi yêu nàng. Yêu đơn phương. Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân. Nhà Ngọ ở đường Trần Quang Khải. Mỗi lần tan trường, nàng ôm cặp đi bộ về nhà, tôi cứ lẽo đẽo theo sau.
Phạm Thiên Thư thi đỗ tú tài bán phần (1) rồi trở thành sinh viên phân khoa Phật học thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh (2). Từ năm 1964, Phạm Thiên Thư trở thành tu sĩ Phật giáo với pháp hiệu Thích Tuệ Không, trải qua các chùa Kỳ Quang (3), Từ Vân (4), Vạn Thọ (5). Mặc dầu ăn chay và khoác nâu sồng, những mỗi lần đi về khu Tân Định, Phạm Thiên Thư lại bâng khuâng luyến nhớ mối tình đơn phương thuở học trò. Xúc cảm, Phạm Thiên Thư sáng tác bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị, âu yếm gọi rõ tên nàng trong khung cảnh mây đỏ, cây đỏ, hoa đỏ, bụi đỏ:

Em tan trường về                                                          
Cuối đường mây đỏ                               
Anh tìm theo Ngọ                               
Dáng lau lách buồn                               
(...)                              
Mười năm rồi Ngọ                              
Tình cờ qua đây                              
Cây xưa vẫn gầy                              
Phơi nghiêng dáng đỏ

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

NỤ HÔN TRỞ VỀ ... Hoàng Lê Nguyễn




    A Lô và nà Ô La !!
    Hoàng Lê Nguyễn khi đọc BÔN MÙA THAY LÁ, khi nhìn tấm hình Trường xưa, khi nhớ đêm vừa bên nhau tại Ngãi Giao BRVT.
   Xin đừng chê trách, xin vui lòng: Nhận - Đọc - Ngâm - Hát cùng HLN bài Thơ Nhạc dưới đây bằng tất cả Một tấm lòng, Chục tấm lòng, Trăm tấm lòng, Ngàn Vạn tấm lòng của mãi mãi NGUYỄN HOÀNG xưa...

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

YÊU NGƯỜI ĐẸP - Nguyễn Khắc Phước

                                                               Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước
                  

      Bà bán trứng báo với bà bán thịt rằng thầy Dương sắp cưới vợ, bà bán thịt liền chuyển tin mừng nóng sốt đó chị bán cá, và chỉ một vài phút sau, tất cả tiểu thương của chợ Xép, nơi thầy Dương thường đến mua hàng, đều biết tin. Ngay hôm sau thì đến bất cứ quán cà phê hay bún mắm nào cũng nghe người ta kháo nhau về chuyện thầy Dương sắp lấy vợ.
       Thầy Dương là ai mà có vẻ quan trọng vậy?
       Đó là một thầy giáo dạy môn sử ở một trường cấp hai trong thị xã. 
       Đa số thầy giáo dạy môn sử không được dạy thêm nên đời sống khó khăn, phải kiêm nhiệm thêm một nghề phụ như chạy xe ôm, thợ điện, thợ ống nước hoặc thợ may… Riêng thầy Dương nhờ gia đình ở ngoại ô có đất vườn khá rộng do ông bà để lại nên cả gia đình chuyên nghề trồng rau mang vào thị xã bán, do vậy, đời sống cũng tạm qua ngày. Cứ đi dạy về là thầy ra vườn tưới nước, nhổ cỏ, xịt thuốc… Công việc cũng không lấy gì vất vả lắm.
       Nhưng nếu chỉ như vậy thì có gì đặc biệt đâu mà người ta phải bàn tán về việc thầy lấy vợ?
       Chuyện này chưa biết kể từ đâu, có lẻ nên kể từ hồi thầy còn là học sinh trung học trong thị xã. 
       Người ta thường nói có tật có tài và sắp xếp họ theo dị tật: nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún. Tài đây thường chỉ là tài vặt: lém lỉnh, láu cá, ba xạo chớ chẳng phải tài học hành hay kinh doanh gì. Mà thầy Dương thì được hai đặc điểm là vừa lùn vừa hô. Vóc dáng thầy nhỏ thó, loắt choắt thấp bé, có lẻ hồi nhỏ thầy thiếu dinh dưỡng. Nói vậy mà không phải vậy. Thầy Dương không phải là người ba xạo, láu cá gì. Thầy cũng có tài, không phải những tài vặt trên mà tài làm thơ và tán gái. 
      Hồi còn học trung học thì thầy tán cô nữ sinh đẹp nhất trường mình rồi những hoa khôi trường khác. Khi đi học sư phạm, thầy tán cô sinh viên đẹp nhất trường sư phạm. Khi về thị xã dạy, thầy tán cô giáo đệp nhất trường mình. Khi đi học bồi dưỡng hè, thầy tán cô giáo đẹp nhất huyện rồi đến cô giáo đẹp nhất thị xã. Tiếp sau đó thầy tán những cô công nhân là người đẹp trong những nhà máy, xí nghiệp quanh thị xã. Không ở đâu có người đẹp mà thầy không đến tán, chỉ chừa có một phương là học sinh cũ của trường mình. 
      Cũng nên mở ngoặc đôi chút là hồi còn đi học thầy học toán tàm được nhưng khá môn văn. Thi vào bách khoa hỏng, hồi đó chưa có nguyện vọng hai, thầy được chuyển sang học sư phạm. Thầy xin học môn văn nhưng không được mà chỉ được chọn môn sử. Thầy chẳng thích môn sử chút nào nhưng đành phải chịu, nếu không thì về làm vườn trồng rau. Tốt nghiệp sư phạm, thầy được điều về thị xã quê nhà dạy học từ đó đến nay. Dù dạy môn sử nhưng thầy vẫn ham mê văn học. Thầy thường làm thơ và đề tài tương đối an toàn là sắc đẹp phụ nữ. Cứ gặp người đẹp là thầy làm thơ ca tụng, đôi khi xuất khẩu thành thơ ngay tại chỗ để tặng cô hàng cà phê hay chủ quán nhậu. Những dịp như vậy, thầy thường đọc to cho bạn bè thưởng thức, dù thơ thầy nghe lơ lớ câu chữ của Huy Cân hoặc Xuân Diệu nhưng rồi ai cũng vỗ tay khen vì không phải ai cũng thuộc nhiều thơ như thầy.
      Giỏi làm thơ tán gái như vậy nhưng không hiểu sao mãi đến năm bốn lăm tuổi thầy Dương vẫn phòng không chiếc bóng. Mấy bà tiểu thương trong chợ Xép gần nhà thầy đã quá quen với thầy vì thầy là khách hàng thường xuyên đi chợ mua thực phẩm. Có bà muốn gả con gái cho thầy nhưng sợ thầy chê con bà không được đẹp chớ không phải sợ tính thầy hâm hâm.
     Thầy giáo dạy sử và trồng rau để sinh sống thì làm gì có đủ tài chính để chu cấp cho những người đẹp hoặc hoa khôi có nhiều cơ may lấy chồng con nhà đại gia nên chẳng ai dại gì mà lấy một thầy giáo vừa xấu trai vừa không có gì khá giả như thầy. Đó là điều ai cũng hiểu, riêng thầy thì không. 
      Rồi tuổi thanh niên trôi qua nhanh chóng và thầy Dương hình như cũng không còn nghĩ đến chuyện vợ con nữa vì những phụ nữ đẹp vừa tuổi thầy để lấy làm vợ thì đã đi lấy chồng hết, chỉ còn ít cô ế chồng vì xấu. Mà xấu thì thầy không ưng.
      Tuy nhiên, số phận dường như định sẵn cho thầy và rốt cục lại lấy được một người đẹp thuộc đối tượng mà thầy tránh bấy lâu.
      Số là thế này. Trong một buổi họp phụ huynh học sinh, thầy Dương tình cờ hỏi một ông bố học sinh cô con gái của ông là Liễu bây giờ học hành ra sao. Liễu là học trò cũ của thầy và một thời là học sinh đẹp nhất của trường thầy. Ông bố nói thiệt đang sắp xếp cho Liễu lấy chồng nước ngoài vì gia đình ông rất khó khăn, cần kiếm chút tiền để trả nợ nần. Hỏi chuyện xã giao vậy thôi rồi quên chớ thầy không nghĩ ngợi gì.
     Vào thời gian ấy, người ta mở một con đường lớn ngay bên cạnh nhà thầy Dương, do đó, đất vườn của thầy trước đây chỉ là đất nông nghiệp rẻ tiền nay trở thành đất nền, giá cao gấp mấy trăm lần. Thầy thôi không trồng rau nữa mà chia đất vườn thành lô nền nhà để bán và thầy trở thành tỷ phú trong một thời gian ngắn. Có tiền rồi thầy xây nhà, sắm xe và lại nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng tiêu chuẩn vợ đẹp vẫn còn y nguyên. Thầy bỗng nhớ lại câu chuyện tình cờ giữa thầy và ông phụ huynh nọ có con gái đinh lấy chồng ngoại để kiếm tiền. Thầy tìm thăm Liễu. Những tin tức về những rủi ro mà phụ nữ lấy chồng nước ngoài có thể gặp phải được đăng nhan nhản trên báo nên đủ để thầy thuyết phục Liễu thôi nghĩ đến việc lẫy chồng nước ngoài. 
      Lần này thì có lẻ thầy không cần làm thơ vì tài sản của thầy đủ để người ta xiêu lòng. Không lâu sau đó, gia đình ông phụ huynh ấy đồng ý gả con gái mà trước đây từng là hoa khôi của trường thầy cho thầy, dĩ nhiên với sự đồng ý của con gái họ. Liễu ấy lúc đó chỉ trển hai mươi tuổi, nghĩa là trẻ hơn thầy hai lăm tuổi. 

      Ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, chắc chắn Liễu đã có người yêu. Chỉ cần điều tra đôi chút, thầy Dương biết Liểu đang yêu Hóa, một thanh niên trong thị xã. Là người có học, thầy tự nghĩ không nên hỏi han vợ về những chuyên riêng tư. Thế nhưng thầy không thể không buồn vì trong đêm động phòng hoa chúc, Liễu cứ kêu “Hóa, Hóa”, sáng ra thầy hỏi, Liễu nói “quá, quá’ chớ không phải “Hóa, Hóa”. (Giọng Quảng Nam khó phân biệt giữa “hóa” và “quá”). Thầy Dương bỏ qua vì biết Liễu còn trinh nguyên.
      Đến ngày Liễu sinh con thì thầy Dương quá thất vọng vì thằng bé chẳng giống thầy tí nào mà giống Hóa như tạc. Bạn bè đồng nghiệp của thầy đến thăm, có người nói chơi : Thằng con mầy giống ai mô chớ có giống mầy đâu! Nghĩ mình phải có bằng cớ khoa học chớ không vội vàng kết luận nên thầy lấy một mẫu tóc thằng bé đi xét nghiệm ADN,và kết luận hoàn toàn không như thầy nghĩ : thằng bé chính là con của thầy chớ không phải ai khác.
      Thầy cũng từng nghe những bà mẹ đang mang thai thường treo ảnh tài tử hay diễn viên trong nhà để con được đẹp trai hay xinh gái. Có thể vợ thầy chỉ lấy thầy vì tiền như lấy một anh chồng Đài Loan hay Hàn Quốc nào đó, còn con tim thì vẫn dành cho người yêu cũ, bằng chứng là khi đang ăn nằm với chồng vẫn kêu “Hóa, Hóa”.
       Là người có học đôi chút, thầy Dương tự hỏi mình có lỗi gì trong chuyện này. Gần hết thời trai trẻ ước mơ lấy được người đẹp, đến khi có người đẹp trong tay mới hay đó chỉ là các xác không hồn.
       Bao lâu rồi bỏ làm thơ, bây giờ có lẻ thầy bắt đầu trở lại, nhưng chắc chắn không làm thơ để tán gái.                                                                                                      Nguyễn Khắc Phước                                                                                                                                      9/2012

LỜI & THƠ RA MẮT TẬP "HỒ XUÂN HƯƠNG TÁI LAI" CỦA PHẠM NGỌC THÁI











   ĐÔI LỜI BỘC BẠCH
    "Lời đầu sách" của tác giả            
                                          
      Thiết nghĩ: Đời người sinh ra trong cõi trần ai… âu cũng chỉ là bể khổ trầm luân, cái nợ đời mà ta phải trả, trả xong rồi thì chết cuốn theo đi những cát bụi cuộc đời. Nhưng liệu "thơ" có phải cũng  ở trong cái nợ đời, nợ kiếp ấy không? Bởi nếu không có thơ cuộc đời tôi sẽ trở thành vô nghĩa! Bươn bả trong đống cát bụi cuộc đời ấy vì miếng cơm manh áo, thơ ca trở thành sứ mạng, là giá trị tồn tại, ý nghĩa về sự sống mà trong những năm tháng tôi đã chứng nhận ở cõi thế gian này.     Như tôi từng viết: Sáng tác thơ là một ham muốn lớn, một niềm vui thú lớn của bản thân tôi sống ở dân gian. Việc bàn cãi về thơ hiện đại ngày nay còn nhiều mâu thuẫn giữa các luồng tư tưởng khác nhau. Song dù thế nào thì thi ca cũng là một thế giới thật kì vĩ, vẻ đẹp của thế giới ấy đầy bí ẩn, giầu sắc thái và huyền diệu.
      Những năm tháng sống của đời người đi lướt qua chốn dương gian, dù là để chịu đầy ải hoặc lãng du... thì cũng có chân giá trị của đời người! Gọi là kỉ vật được sinh ra làm người dâng hiến lại cho đời: “Thế giới của thơ tôi”! Đến một ngày nào đó, tôi không còn nhận biết gì nữa về cái thế giới mà mình đang sống, để có thể tiếp tục viết, tiếp tục làm thơ? Thế cũng đã là mãn nguyện lắm rồi! Coi như tôi đã hoàn thành bổn phận làm người và từ giã cuộc sống với một tấm lòng thanh thản: 

             Nghiệp đã làm xong chẳng còn chi vương vấn
             Tình cũng tàn năm tháng kiếp phôi pha
             Thì em ơi, ta nằm xuống dưới mồ
             Thanh thản chết có gì đâu phải nghĩ.   

 Như nhà thơ Hoàng Hiền Lành trong lời giới thiệu tập thơ "Có một khoảng trời" của tôi - Nxb Hà Nội 1990, đã viết:
- ... Thái làm thơ lâu rồi. Những bài thơ từ những năm còn là một chiến binh xông pha lửa đạn thời chống Mĩ. Thái làm thơ về chiến tranh, về đời sống thường nhật nỗi đời. Đọc những bài thơ của Thái, tôi đã bắt gặp một tâm hồn đau đáu không yên về nỗi bất công mà anh không chịu được. Ở bài thơ nào tôi cũng thấy Thái hiện lên khá điển hình, những xúc động nhiều suy tưởng. Vấn đề thơ Thái đặt ra mang được cái tầm có ý khái quát cao, và nhiều câu hỏi về mỗi số phận con người? Bằng tinh thần trách nhiệm của người cầm bút...   

 Hay như lời của nghệ sĩ điện ảnh và sân khấu Hà Nội Trần Việt Thịnh bình luận:
    - Thơ anh (tức tác giả) bao trùm nhiều đề tài, thể loại. Thể loại   nào cũng đậm đà sâu sắc đến lạ kì!... Anh muốn đi đến tột cùng của thi ca. Đặc biệt mảng thơ tình anh viết khá hay và rất trội. Nó không giống Xuân Diệu hay Thế Lữ; có chăng phảng phất đâu đó của Hàn Mặc Tử; chút cay chua của Hồ Xuân Hương; tính triết lý của Chế Lan Viên hoặc âm hưởng Uýt Man (nhà thơ Mĩ).

      Còn nhà phê bình lý luận văn học Bảo Ngọc thì nhận xét:
     - Trong “Tuyển thơ đại bàng” của Phạm Ngọc Thái chủ yếu là loại thơ tự do, có rất nhiều bài đã đạt độ khúc triết sâu sắc và là những thi phẩm hay. Thơ hàm chứa đầy ý nghĩa trong hình ảnh câu chữ và trong hình tượng thi ca. Nó gắn liền tính chất sâu xa của thơ cổ phương Đông, kết hợp khá nhuần nhuyễn với thi pháp của các trường phái thơ hiện đại châu Âu: Từ trường phái thơ lãng mạn, tượng trưng đến siêu thực… cô đúc lại trong một thứ thơ, gọi là thơ triết học! Nó được đúc kết ra không chỉ từ lý luận thuần tuý, mà gắn liền với đời sống xã hội cùng nỗi dâu bể trầm luân cõi dân gian. Thơ anh giàu tính nhân văn, càng đọc càng thấm thía hơn nỗi lận đận, long đong nơi bờ bến con người. Nhưng trước hết vẫn phải nói: Phạm Ngọc Thái là một nhà thơ của tình yêu!...

      Cám ơn tất cả các bạn dù là nhà thơ, nhà lý luận phê bình hay chỉ là người yêu thơ… đã dành cho tôi những lời ưu ái, chân tình.     Hôm nay, tôi xin trích ra ngót ba trăm bài thơ trong “Tuyển thơ đại bàng” của cuộc đời tôi cho xuất bản vào  tập “Hồ Xuân Hương tái lai” này, để lại ra mắt bạn đọc…sau tập “Rung động trái tim” đã xuất bản gần đây nhất.

     Lời ít tình nhiều. Hi vọng những gì cần nói, thơ sẽ nói giúp tấm lòng và trái tim tôi đến với mọi người.

             Rồi một ngày mai ta sẽ chết
             Trầm thơm loài hoa thảo lạ
             Cỏ lên xanh và gió sẽ reo
             Trong nấm mồ hương khói, có gì đâu.

             Ta đã sống phần đời sau chót
             Trong ngôi nhà ẩn khuất bóng nhân gian
             Một cuộc sống bình thường bầu bạn
             Nửa trăng hồ nửa gã hiền nhân.

             Rồi một ngày mai ta sẽ chết
             Như là chiếc lá vậy thôi
             Gió sẽ hót trên nấm mồ truyền thuyết:
             Rằng, có một thi nhân phiêu lãng đã đi rồi!...

       Đôi lời bộc bạch xin được ra mắt bạn đọc tập thơ tôi!

                                          Hà Nội, năm Nhâm Thìn 2012
                                                        Tác giả tri ân
                                                     Phạm Ngọc Thái                                        
   Chùm thơ trong tập sách đã xuất bản do tác giả chọn gửi:     
                                                               

       1. ĐÊM THU PHỐ VẮNG

           Đêm phố vắng anh đi hay là em không ngủ
           Thu đến rồi lay động trái tim!
           Xào xạc lá, anh nghe xào xạc lá
           Thăm thẳm bóng hình em trong đêm…

           Anh lại dẫn em con đường xưa cũ
           Một thời nào từng in dấu chân thon
           Trước tình yêu ta hoá thành đứa trẻ
           Dẫu mái tóc anh giờ đã hoa sương.

           Tôi sẽ viết cho ai bài thơ đêm thu vắng?
           Tiếng trong khuya em gọi vọng rất xa!
           Trên thảm lá lòng ta say đắm
           Tha thiết bên em vì không muốn đêm qua.
           Ôi, bài thơ cứ theo anh lang thang trong phố
           Kí ức hồi sinh về với tuổi xuân xưa!
           Em lại ru êm như thuở trẻ
           Tấm thân mềm đưa anh vào bến mộng mơ...
                                                                    2007

      2. ĐÀN BÀ ĐẸP NHẤT LÀ KHI ĐÈN ĐÃ TẮT

          Bi kịch đằng sau hạnh phúc đó, em ơi!
          Dầu biết thế nhưng đã chót yêu rồi
          Ta gặp nhau chỉ trong chốc lát
          Giữa đêm tối anh lần vào em thăm thiên thai...

          Khi tắt đèn da em là ánh sáng để anh soi
          Mọi khe ngách trên em anh đều tìm đến đó
          Mặc cho mưa gió đầy trời
          Cũng chẳng bằng tình ta ngất ngây.

          Dù mai nỗi nhớ thương dầy vò anh đau khổ
          Thì đêm nay, em ạ! Cứ đắm say...
          Mọi phiền não trên đời này quên hết
          Lòng cứ yêu, hạnh phúc cứ tràn đầy.

          Đêm tắt đèn em đẹp nhất trần gian!
          Hôn đôi trái em tưởng mình du ngoạn khắp không trung
          Chơi giỡn nguyệt một thiên đường tuyệt thế
          Mong trời cứ đêm để cùng em vui chút nữa.

          Hạnh phúc đời ta, tình qua trong tiếc nuối
          Vì em ơi, hết đêm ta đã phải lìa rồi!
          Đàn bà đẹp nhất là ở trong đêm tối
          Để nhớ nhau suốt đời...

          Đêm tắt đèn thành ánh sáng của thơ tôi!
                                                           2005

      3. ANH VẪN Ở BÊN HỒ TÂY

          Tình để lại vết thương không lành được
          Soi mặt hồ in mãi bóng thời gian
          Em hiền dịu trái tim từng tha thiết
          Người con gái anh yêu nay hóa khói sương tan…

          Ta cũng già rồi, em ơi! Vết thương còn đau buốt
          Hạnh phúc qua như một cánh chim bay
          Nông nỗi đời người để đâu cho hết
          Tình thơ ngây! Tình sao mãi thơ ngây!

          Nhớ buổi đón em cổng trường sư phạm
          Đôi mắt từ xa đã nhận ra người...
          Tình yêu có cái nhìn trong linh cảm
          Giờ ở đâu, người con gái xa xôi?

          Thế đó, em ơi! Tình qua không trở lại
          Xế chiều rồi mà máu tim chảy mãi không thôi
          Em có nghe gió Tây Hồ đang thổi
          Anh ở đây, vẫn bên hồ Tây mây trôi…
                                                  Đêm 2012

 4. XEM TRANH BÁN LOÃ THỂ
Tưởng nhớ bài thơ "Tranh loã thể" nổi tiếng  của thi nhân Bích Khê

       Nàng để hở một vòm trời tuyệt mĩ
       Thế giới là đây! Cuộc sống là đây
       Nàng gieo hoa và ý nghĩa loài người
       Nhưng cũng đẻ cả chiến tranh và hoà bình ra từ trong bụng.

       Lui xuống dưới nàng
       một rừng sâu um tùm che hang động
       Lên trên nàng đôi mỏm núi trắng vô biên
       Thân thể nàng tràn đầy hương nhụy phấn
       Thiếu nữ mặc hở quần: hơn bao lời hoa mĩ phát ngôn!

       Em như gió trăng mà rung động cả vua chúa, thánh thần

       Cuộc sống cần em
       Đâu có cần chiến tranh và bom nguyên tử?
       Khi em cởi ra nhiều
       Điểm báo thế giới càng hiện đại văn minh! (*)
       Nhưng điều đáng đớn đau: là tính nhân loại                                                                                         
       Con người cũng ngày càng nhiều dã tâm gây tội ác?... 
                                                                                 (**)
                                                                                 2011
   
(*) Thế giới càng hiện đại văn minh thì khuynh hướng triển lãm thân thể của các thiếu nữ càng phát triển, tới mức gần như cởi truồng.
(**) Nhà văn Nga Ai-Ma-Tốp đã cảnh báo trong tác phẩm "Đoạn đầu đài" nổi tiếng của ông rằng: Thế giới, cái ác vẫn lấn át cái thiện và con người hiện đại còn ác hơn con sói!

  5. DƯỚI HÀNG SẤU ĐÊM VÀ CON PHỐ NHỎ

      Phố vẫn phố, hàng sấu xưa rụng l
      Ngỡ yên rồi còn lạc bước canh khuya
      Nên câu thơ anh theo đông về vội vã
      Tình của đôi ta dòng sông chảy man mê..

      Đêm đã lạnh vầng trăng còn thao thứ
      Trăng bay trên trời, anh cứ thương e
      Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác!
      Gió nhắc thầm thì, em có nhớ không?

      Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa!
      Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em?
      Thuở đó đẹp nhiều mộng mơ em nhỉ
      Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm.

      Anh lưu giữ chút tình trên trang giấy
      Đi hết phố xa về khắc khoải bên thề
      Rồi tự trách với mình sao buổi ấy:
      Lại giục em lấy chồng để đau mãi con tim?
                                                Mùa đông 2010

   6. CÔ ÁO TRẮNG
              Tặng BN                               
             
        Anh lại có một cô áo trắng
        Mắt nàng nhìn trong biếc mùa th
        Mái tóc xõa, bầu vú nàng hưng phấn
        Ngủ đi em! Nghe bài thơ anh ru…

        Đất Sài Gòn mùa xuân đến trong m
        Có em tôi đi giữa đêm dài thành phố
        Em ơi em… những khi trời trở gió
        Có thấy bóng anh về thao thức bên em?

        Anh nhè nhẹ hôn thầm ở dưới ánh đêm
        Em khoả thân mình để hoá thành nữ thánh!
        Áo em trắng hay là da em trắng
        Có em rồi cuộc sống sẽ vô biên…

        Ta mặc cho năm tháng chảy, nghe em!
        Chỉ có anh và em, chỉ có trời và đấ
        Thế giới văn minh ta không cần gì hết
        Em dẫn anh vào buổi hoang muội nguyên sơ.

        Đêm Sài Gòn khi ấy sẽ như mơ
        Em bọc trong anh không cần quần áo
        Ôi! Nguyệt em đây một động sâu huyền ảo
        Chứa cả thiên đường và vũ trụ bên trong
        Em đừng hỏi vì sao anh yêu em!

        Anh lại có một cô áo trắng
        Vào buổi hoàng hôn hoang vắng cuộc đời
        Đôi mắt nàng cả trời thu đẹp lắm
        Bầu vú nàng mùa hoa trái sinh sôi.
                                                     2007
                                                                                                                                
    7. CÓ MỘT KHOẢNG TRỜI

        Có một khoảng trời để thương để nhớ
        Là khoảng trời ở đó có em
        Những bóng cây trên đường phố thân quen
        Đêm đêm chiếc lá nhớ lại bay về, xào xạc...

        Có một khoảng trời không ai thấy được
        Dẫu đêm nào chớp cũng loè lên
        Có ánh chớp không kéo theo tiếng sét
        Mà rung ngân, rung ngân… trong tim!

        Khoảng trời gió thổi xót đêm
        Hoá sắc cầu vồng nối hai miền thương nhớ
        Cây tình yêu lớn theo cấp số
        Ngược trời về cho ta gần ta.

        Cái khoảng trời khi anh và em đã cách xa
        (xa thật đấy mà cũng gần thật đấy)
        Trong đau đớn anh hoá bờ cát cháy
        Hạt vô tư còn lại… những tàn tro!

                                         Nước Đức
                                        11/10/1988

    8. CON ĐƯỜNG PHƯỢNG ĐỎ

         Em mang màu phượng đỏ ra đi!
         Anh tha thẩn dọc hè phố nhỏ
         Nơi kỉ niệm của mối tình sinh nữ
         Xác ve còn bám ở thân cây.

         Con đường phượng đỏ đêm na
         Mây lãng du bay trời xanh vô định
         Những cánh hoa rung trong hoài niệm
         Nghe lòng thổn thức đâu đây!

         Phượng đã cháy lên một thời
         Nửa tóc bạc rồi, nửa mái xanh phơ phất
         Tới một ngày chúng cũng tàn úa hết
         Ta sẽ thành ông bà lão, em ơi!

         Con đường tình đẫm giọt sương rơi
         Gió vẫn xạc xào vi vút thổi
         Giá hồi ấy chúng mình lấy nhau rồi sinh năm đẻ bẩy
         Thì đâu còn phượng để anh ru?

         Em đã mang màu phượng ấy ra đi!
                                                    1994

     9. ĐỘNG BƯỚM

         Phút say đắm tột cùng em mở toang động bướm
         Giữa khu rừng rậm rạp nguyên sinh
         Nàng thơ thẫn thờ si mê hưng phấn
         Bướm của em chứa cả thánh thần lẫn yêu ma…

         Có ai chưa em đã vào khai phá?
         Để bướm vẫy vùng, bướm thỏa ước ao
         Và khi ấy em sẽ không còn là trinh nữ
         Bờ bãi đời người bướm vẫn lượn như sao.

         Thân nhi nữ một thế giới mênh mông hoang dại
         Cấu thành bên trong bao yếu tố mĩ miều
         Tự thiên thai chẳng phải vẽ vời nắn gọt
         Lạc vào vườn em trái cấm ngọt hương tươi.

         Tình yêu từ đâu anh không biết?
         Mà rung cảm tâm hồn, lay động trái tim!
         Nhưng yêu nhất là bướm em
                            có sức chinh phục diệu huyền
         Đêm đêm bướm thường bay ra trong phòng ngủ…

         Bướm của em trên đời mãi còn quý giá
         Đến lúc cần bướm lại sinh con…
         Không lời thơ nào tả hết được vẻ đẹp bướm em
         La la la la là!...(*)

                                                                             2005

 (*) Câu thơ cuối cùng này do chính tác giả đã sửa lại, để tránh sự hiểu lầm làm ảnh hưởng đến phật giáo.                                                                  

   10. ĐÊM HỒ TRÚC

         Đêm nghe Trúc Hồ động
         Tiếng chão chuộc vọng đưa
         Chợt lòng anh thổn thức
         Chuyện ngày xưa ngày xưa...

         Tình yêu như cơn mưa
         Thấm sũng đời bãi cát
         Hồn thiếu nữ ngây thơ
         Một chân trời tím sắc.

         Cuộc sống bờ bến nước
         Đầm khoả ánh trăng vàng
         Song cuộc sống còn cả
         Dông bão và ly tan!

         Vòm xanh kia vẫn cũ
         Chỉ có hương bay ra
         Sóng vỗ không thấy khác
         Bóng nước xa mờ xa.

         Anh nhìn bao đôi lứa
         Đến chỗ ta ngày xưa
         Nụ hôn thành dấu hỏi
         Cháy lên trời hư vô?

         Trúc Hồ đêm hồ đêm
         Hương mãi vòng ký ức
         Tiếng chão chuộc, em ơi!
         Còn vọng bên bờ nước...

                   Phạm Ngọc Thái