BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn NGÔN NGỮ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn NGÔN NGỮ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

NHỮNG CHỮ CÓ LẼ DÙNG SAI TRONG NGÔN NGỮ VIỆT NAM?



1.- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt

 *CHUNG CƯ.  Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
 
*KHẢ NĂNG. “Khả năng” là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng (capacité, capable) với khả dĩ (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.
 
*QUÁ TRÌNH. Quá là đã qua, trình là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi.” Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
 
*HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pélé” “huyền thoại Maradona.”. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 càu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chũ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại.” Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”
 
*HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.
 

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

CÓ CHĂNG, TIẾNG HÁN VIỆT? – Bùi Kim Sơn



Tiếng nói của bất cứ một dân tộc nào cũng vậy, đều biến thiên theo thời gian, không gian, và nhất là trong giao tiếp giữa các dân tộc. Biến thiên, nhưng là biến thiên để hoàn thiện.
 
Tiếng Việt cổ cũng vậy. Xưa, có rất nhiều tiếng còn khá thô mà người thời nay nghe vô cùng lạ tai. Không nói tới tiếng gốc của cả đại chủng trong đó có các nhóm Bách Việt, ngay cả tiếng Việt vào thế kỷ 17, khi các vị linh mục Dòng Tên Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… qua Việt Nam và với mong muốn tạo nên một loại chữ phục vụ cho việc truyền giáo (và cũng nhờ đó mà ngày nay ta có được chữ Quốc Ngữ), đã vô cùng vất vả khi nghiên cứu dùng chữ cái Latin để ký âm cho tiếng Việt.
 
Do các vị đều là những nhà trí thức, nhà ngôn ngữ học… nên khỏi phải nói tới công cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng cho việc ký âm. Như câu sau đây trong Kinh Lạy Cha, bản gốc in năm 1632, đã cho thấy công trình này vất vả như thế nào:
“Cia ciúm toi oẽ tlen bloèi ciúm toi nguyẽn daim Cia cã sám”.
Và theo chính tả được Alexandre de Rhodes chuẩn hóa trong Tự điển Việt Bồ La in năm 1651, câu kinh này đã được viết lại như sau:
“Cha chúng tôi ở tlên blời, chúng tôi nguiẹn danh Cha cả sáng” (Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng).
 
Phải lan man như vậy để thấy rằng tiếng Việt ngày xưa hãy còn thô thiển như thế nào. Nhưng cho tới ngày nay, bốn thế kỷ sau, tiếng Việt cũng như chữ Việt đã trở nên hoàn thiện tới mức không còn thể nào hoàn thiện hơn được nữa.
Trở lại với sự biến thiên của tiếng nói. Biến thiên theo không gian, thời gian là điều đương nhiên. Nhưng biến thiên do giao tiếp qua lại giữa các dân tộc với nhau mới là yếu tố quan trọng mà rõ nét nhất là tiếng Hán Việt.
 

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

TIẾNG VIỆT THỜI NAY – Nguyễn Tuấn



Tui là người lớn lên với Tiếng Việt thời trước 1975, tức là Tiếng Việt trong Tự Lực Văn Đoàn của những Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam,... Đó cũng là tiếng Việt của các tiền bối như Hoàng Xuân Hãn, Phạm Quỳnh, và sau này là Mai Thảo và nhóm tạp chí Bách Khoa lừng danh một thời. Đó cũng chính là Tiếng Việt thời 1945 và sau này được gìn giữ ở trong Nam.
 
Thời đó, chúng tôi nói và viết Tiếng Việt theo thứ tự tự nhiên. Chẳng hạn như chúng tôi được dạy là 'hôi thúi' (hay 'hôi thối') vì một vật thể khi bị chết đi, nó đi từ 'hôi' mới đến 'thúi.' Chúng tôi nói 'khai triển' (khai trương rồi mới phát triển). Các thầy dạy cho biết đó là cách nói của người Việt được coi là thuận với thiên nhiên.
 
Do đó, ngày xưa, Tiếng Việt chúng ta được cấu trúc theo công thức tự nhiên đó. Có thể tìm thấy những chữ thường ngày như: bảo đảm, đơn giản, thành hình, khai triển, ít nhiều, v.v.
 

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

TẠI SAO TRƯỚC 75, Ở SÀI GÒN KHÔNG TÂNG BỐC CA SĨ LÀ “DIVA”? - Matthew Nchuong


Bộ tứ Diva Việt Nam: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà

Trong từ điển Oxford, chữ “diva” được mượn từ tiếng Ý, ban đầu nghĩa là “nữ thần" để gọi những
Nữ danh ca opera, đặc biệt cho giọng hát soprano.
Còn nam danh ca opera giọng tenor thì được gọi là “divo”.
Nhưng về sau “diva” đã trở thành một danh từ dùng để dè bĩu đối với loại phụ nữ ngạo mạn, “thượng đội hạ đạp” - (“diva is a woman regarded as temperamental or haughty”)
(một người đàn bà bị xem là có tính nết cáu kỉnh hay ngạo mạn, khinh rẻ nhân gian).
 

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

DÙNG TỪ NGỮ “GA TÀU THỦY BẠCH ĐẰNG” NHƯ VẬY CÓ ĐÚNG KHÔNG? - Nguyễn Gia Việt



Lịch sử, văn hóa Sài Gòn đã có sự khó hiểu, sai lệch từ những năm sau này, khi mà chữ nghĩa Miền Nam đã bị thay đổi.
 
Lịch sử Bến Bạch Đằng đơn giản. Đây vốn là đất Kompong Luông vùng Sài Gòn. Pháp qua đặt tên đường từ cột cờ Thủ Ngữ tới công trường Mê Linh là Quai le Myre de Vilers, đoạn còn lại tới Ba Son là Quai d’Argonne.
 
Sau 1955 tổng thống Ngô Đình Diệm nhập hai đoạn đường lại đặt thành Bến Bạch Đằng. Kêu là bến vì đây là đại lộ ven sông, dưới là bến sông nhiều ghe tàu. Sau 1975 Bến Bạch Đằng bị xóa tên, đặt thành đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên người Sài Gòn vẫn kêu là Bến Bạch Đằng. Và nay xuất hiện “ga tàu thủy” tại bến Bạch Đằng.

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

NÊN VIẾT “XỬ DỤNG” HAY “SỬ DỤNG” – Gs Trần Huy Bích



Trong cuốn Ngữ vựng tiếng Việt đầu tiên (Westminster, CA, 2017), nơi trang 6, Giáo sư Trần Ngọc Ninh cho biết theo nhận xét của ông, “trong số các nhà văn nhà báo, có chừng 50 phần trăm viết ‘sử dụng’ và áng 50 phần trăm viết ‘xử dụng’.” Nhân thấy hai phía “tương đương,” Gs. Ninh không tỏ ra thiên về phía nào. Ông dẫn lời một nhà làm tự điển, “thói quen là vua trong ngôn ngữ” (sách đã dẫn, cùng trang).

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

VIẾT XMAS, THAY VÌ CHRISTMAS, ĐÚNG HAY SAI? - Minh An



Rất ít thứ có thể châm ngòi cho các “cuộc chiến tranh văn hóa” như từ viết tắt “Merry Xmas” tưởng chừng như vô hại và vô thưởng vô phạt. Nhiều người, đặc biệt những tín đồ Cơ đốc giáo sùng đạo, tin rằng “XMas” là một nỗ lực nhằm “phi Cơ đốc giáo hóa” (de-Christianize) một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của Cơ đốc giáo.
 
Lập luận này nêu rằng, bằng việc dùng “Xmas” thay vì “Christmas”, người ta đã xóa bỏ “Chúa Kitô” (“Christ”) ra khỏi ngày lễ thánh kỷ niệm sinh nhật của Người.
 
Tuy nhiên, như Daniel Payne viết trên Catholic News ngày 22 Tháng Mười Hai 2023, trên thực tế, thực chất vấn đề gần như hoàn toàn ngược lại: “XMas” là một sự đổi mới hoàn toàn của Cơ đốc giáo, nhằm bảo tồn hình ảnh Chúa Kitô là trung tâm của lễ Giáng sinh dưới hình thức viết tắt. Vậy làm thế nào từ “Christ” lại biến thành “X?”
 

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

CHỮ NHO... DỄ HỌC (1) – Đỗ Chiêu Đức


                             
LỜI NÓI ĐẦU
         
"CHỮ NHO... DỄ HỌC". Trước tiên, đây là những hồi ức của một thời giảng dạy chữ Nho trên lớp, được viết lại để gợi nhớ cho một thuở vàng son đã đi qua, và cũng để tự ôn tập lại những kiến thức đã lâu ngày bị bỏ xó vùi chôn trong đống tro tàn của dĩ vãng. Vì thế, "CHỮ NHO... DỄ HỌC" là những bài viết trao đổi trên mạng qua hình thức email với các bạn bè, thân hữu, cựu học sinh, sinh viên ... ở hải ngoại trên khắp thế giới với mục đích vừa tiêu khiển, vừa gợi nhớ, vừa nhắc nhở lại những gì của quê hương Tổ Quốc đã qua để làm ấm lại chút lòng của những kẻ tha phương cầu thực đang sống tạm dung nơi xứ lạ quê người.
         
Vì là những bài viết trao đổi nhau để cùng học tập, nên "CHỮ NHO... DỄ HỌC" không phải là những bài học nghiêm chỉnh như sách giáo khoa chính thống. Đây chỉ là những bài giảng mang tính chất phiếm luận, tùy hứng và tự nhiên như là những lời đang giảng trên lớp của một giảng viên thỉnh giảng không một chút chính quy nào cả!
        
Cho nên, " CHỮ NHO... DỄ HỌC " được viết với những thói quen như sau:
   - Sử dụng từ ngữ tự nhiên của người dân đồng bằng Nam Bộ theo tập quán của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sử dụng nhiều từ " Thì, Là, Mà..." như đang nói chuyện.
   - Giảng lan man tùy hứng như một bài phiếm luận không theo một trình tự nào nhất định cả. Vừa cổ vừa kim, khi Đông khi Tây, lúc văn ngôn lúc thì bạch thoại....
   - Đôi khi lặp tới lặp lui nhiều lần một điển tích, một giai thoại văn học, một từ ngữ đặc biệt... để người đọc dễ nhớ và khỏi phải tra cứu lại tài liệu hay mất công tìm lại ở những bài viết trước.
   - Không có phần bài tập cho mỗi cuối bài, mà thay vào đó là phần Câu Đố Chữ lý thú cho mỗi cuối bài học.
       
"CHỮ NHO... DỄ HỌC" được soạn là do sự cổ vũ khuyến khích của các thân hữu gần xa với chút lòng của kẻ tha hương dị quốc ước mong được góp một chút gì đó để duy trì văn hóa dân tộc cho các thế hệ mai sau.
   
Học hải vô nhai, biển học mênh mông, dù cho có cẩn trọng như thế nào cũng không thể tránh khỏi có điều sai sót. Kính mong các bậc cao minh niệm tình hạ cố chỉ giáo cho.       
Rất lấy làm hân hạnh ! 
                                                                                        杜紹德
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức 
*             
CHỮ NHO ... DỄ HỌC 
                                      
Bài 1:
          
Như ta đã biết, chữ NHO tức là chữ Hán cổ, công cụ dùng để truyền bá đạo Nho của đức Khổng Phu Tử mà thành tên. “Chữ Nho … Dễ Học” là cách nói khuyến khích cho người học bớt thấy khó khi học chữ Nho mà thôi.            
Chữ Nho được hình thành bởi Lục Thư là : Tượng Hình, Chỉ Sự, Hội Ý, Hài Thanh, Chuyển Chú và Giả Tá. Bây giờ thì ta bắt đầu ...Vỡ Lòng bằng chữ Tượng Hình nhé!

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Ý NGHĨA CHỮ TỬ (死) TRONG HÁN TỰ



Chữ TỬ (sǐ) là một chữ Hội Ý. Trong các dạng cổ văn, chữ mô tả hình ảnh một người quỳ gối khóc thương trước di cốt của người đã chết, theo quá trình diến tiến biến đổi dần thành hình thể như ngày nay. Chữ ở khải thư là hội hợp của hai bộ . NGẠT là hình ảnh của hộp sọ có vết nứt, tượng trưng cho bộ xương người chết, trong khi biểu thị cho người quỳ gối khóc thương, nên có nghĩa là chết hay sự chết.
 
TỬ là CHẾT, là trái với SINH, là Không còn sinh khí nữa, kể cả Sinh Thực Vật cũng thế!
Ngoài nghĩa TỬ VONG 死亡 là Chết Chóc ra, ta còn có ...
TỬ CẢNH 死景 : là Cảnh chết, cảnh giả không sinh động.
TỬ GIÁC 死角 : là Góc chết, là Cái thế không có lối ra.
TỬ LỘ 死路 : là Con đường chết, con đường không có lối thoát.
TỬ còn có nghĩa là Cố Chấp, Kiên Trì, như ...
TỬ THỦ 死守, TỬ CHIẾN 死戰, TỬ TÂM 死心 : Cố chấp giữ vững lòng mình, quyết không thay đổi!
 
⭐⭐⭐
 
Nội dung bài viết được trích xuất từ BỘ TÀI LIỆU HỌC CHỮ HÁN, tài liệu do nhóm quản trị fanpage biên soạn theo nguồn gốc và lục thư.

*
Nguồn:
https://www.facebook.com/365156676938517/posts/2920826984704794/?locale=hi_IN

Phụ lục:


Chữ Tử trong Hán tự thông dụng nhất là , có nghĩa là con cái, con trai. Ngoài ra, chữ Tử còn có nhiều cách viết khác nhau trong Hán tự và có những ý nghĩa khác nhau:
 
TỬ : chỉ một cách viết thông dụng này, nhưng có nhiều nghĩa khác nhau:
Con. Bất luận trai gái đều gọi là tử.
Thầy, đàn ông nào có học vấn, đức hạnh đều gọi là tử cả:
Khổng-tử 孔子, Mạnh-tử 孟子, Tuân tử 荀子, Hàn Phi tử 韓非子
- Con cháu gọi người trước cũng gọi là tiên tử 先子, vợ gọi chồng là ngoại tử 外子, chồng gọi vợ là nội tử đều là tiếng xưng hô tôn quý cả.
Gã, dùng để gọi các kẻ tầm thường, như chu tử 舟子 chú lái đò, sĩ tử 士子 chú học trò, v.v.
Tước tử, tử tước 子爵 tước thứ tư trong năm tước (công, hầu, bá, tử, nam)
Mầm giống các loài động vật thực vật cũng gọi là tử, như ngư tử 魚子 giống cá, tàm tử 蠶子 giống tằm, đào tử 桃子 giống đào, lí tử 李子 giống mận, v.v.
Số lẻ, đối với số nguyên mà nói, như phần mẫu 分母, phần tử 分子. Phần vốn là mẫu tài 母財, tiền lãi là tử kim 子金, v.v.
Tiếng giúp lời, như tập tử 摺子 cái cặp, cháp tử 劄子 cái thẻ, v.v.
Có nghĩa như chữ từ .
Một âm là tí, chi đầu trong mười hai chi. Từ mười một giờ đêm đến một giờ đêm là giờ tí.

*
Ngoài ra TỬ còn có những cách viết khác nhau và có những ý nghĩa khác nhau
 
Tử : Màu đỏ tím, dây thao, họ “Tử”
Tử : Gánh vác, đảm nhận, cẩn thận, tỉ mỉ,…
Tử : Cây Tử (dùng để đóng đàn), vật làm bằng gỗ, quê cha đất tổ, cố hương, họ Tử,…
Tử : Hạt giống (cây trồng).
Tử : Rượu ngon.
Tử : Lấy đất đắp vào gốc lúa cho chắc.
Tử : Chê bai, phỉ báng, bệnh hoạn, uể oải, biếng nhác,…
Tử : Kém, yếu, cẩu thả, lười nhác, bại hoại,…
Tử : Cứng.
Tử : Cứng, kẽm, (Zn).

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

"CHƯỞNG MÔN" HAY "TRƯỞNG MÔN" ?


  
Trong các tiểu thuyết về kiếm hiệp, khái niệm Chưởng Môn thường dùng để nói về người đứng đầu một môn phái, vậy còn Trưởng Môn thì sao?
    
Về mặt ngôn ngữ học, MÔN ở đây nghĩa là Môn phái, cái đó không cần bàn cãi, hãy cùng so sánh xem Trưởng và Chưởng có gì khác biệt theo văn hóa “võ lâm”.
    
Từ TRƯỞNG () được đông đảo tầng lớp biết đến hơn, với ý nghĩa là lớn, đứng đầu, như Trưởng phòng, Trưởng ban… nên suy luận ra, Trưởng môn có nghĩa là người đứng đầu môn phái, hoặc dân dã hơn thì là người “lớn” nhất môn phái.
    
Còn từ CHƯỞNG có trong các từ “Chấp chưởng, chưởng quản, chủ quản..”, có nghĩa là nắm giữ, cầm; chức vụ nắm giữ, chức vụ phụ trách.
Ta có những từ ngữ sau:
Chấp chưởng 執掌: nắm (quyền lực)
Chưởng quản 掌管: quản lý, cai quản, nắm giữ
Chủ quản 主管: Người đứng đầu coi sóc công việc.
Chưởng lí 掌理: Quản lí, coi sóc, trông nom.
Chưởng ác binh quyền 掌握兵權 : nắm giữ binh quyền
Chưởng bạ 掌簿: Viên chức trông coi sổ sách.
Chưởng quỹ (掌櫃):  chủ hiệu, chủ quán, chủ hàng
Chưởng khế  掌契: Viên chức coi về việc giấy tờ mua bán, giao kèo….
Chưởng đà 掌舵: cầm lái (thuyền)

Cho nên:
CHƯỞNG MÔN  là người nắm giữ môn phái.
 
So về nghĩa, có thể thấy Trưởng Môn và Chưởng Môn không khác nhau quá nhiều. Song, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa Trưởng Môn và Chưởng Môn, từ đó tam sao thất bản, dần dà người ta thậm chí còn nghĩ Trưởng Môn và Chưởng Môn là một, hay nói cách khác là dùng từ nào cũng được.
    
Tuy vậy, trong những bộ tiểu thuyết võ học nổi tiếng, không chỉ của Kim Dung, có thể thấy danh từ “Chưởng Môn” là định nghĩa duy nhất dùng để chỉ những người đứng đầu một môn phái, ví dụ như Chưởng Môn Nga My – Quách Tương, hay Chưởng Môn Côn Lôn Hà Túc Đạo…
    
Có thể thấy, theo như nền văn hóa “võ lâm”, thì Chưởng Môn mới là danh từ chính xác nhất được dùng, chứ không phải là Trưởng Môn như người ta vẫn lầm tưởng.
 
Theo:
https://www.facebook.com/vuihocchuhan/posts/3512772112176942/

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2023

THANH ĐIỆU TRONG TIẾNG VIỆT GHI BẰNG CHỮ CÁI LA TINH VÀ TRONG ÂM HÁN VIỆT – La Thụy



Thanh điệu là sự nâng cao hoặc hạ thấp giọng nói trong một âm tiết.

Âm tiếng Hán hiện đại (tiếng Hán phổ thông, dựa trên phương ngữ Bắc Kinh) chỉ có 4 thanh bậc: phù bình (tên thông dụng hiện nay là âm bình), trầm bình (tên thông dụng hiện nay là dương bình), thượng thanh và khứ thanh (không chia bậc).
Nhưng âm Hán-Việt lại quy về bốn thanh điệu và thêm hai bậc của tiếng Hán vì dựa vào phiên thiết của âm tiếng Hán.
Trong âm HánViệt trước đây có bốn thanh: bình , thượng , khứ , nhập ; mỗi thanh có hai bậc là phù và trầm (hoặc thanh /trộc ; thượng /hạ )
Như vậy, tổng cộng có 8 thanh bậc: phù bình (浮平), trầm bình (沈平), phù thượng (浮上), trầm thượng (沈上), phù khứ (浮去), trầm khứ (沈去), phù nhập (浮入), trầm nhập (沈入).
*
Từ khi dùng chữ Quốc ngữ làm chữ viết, người Việt có thể diễn tả thanh điệu một tiếng bằng một ký tự nhất định. Tuy vậy, cũng chỉ được 6 thay vì 8, nghĩa là mất 2. Hai thanh phù-khứ, phù-trầm nhập lại thành một, hai thanh trầm-khứ, trầm-nhập cũng nhập lại thành một. Như vậy chỉ còn 2 thay vì 4.
Trong chữ Quốc ngữ, sáu thanh điệu được biểu thị bằng các dấu: sắc (´), hỏi (?), huyền (‘), ngã (~), nặng (.) và không dấu dành cho thanh ngang (phù-bình).
 

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

BÀN LUẬN VỀ “Y DÀI, I NGẮN” – Vương Thanh



Tiếng Việt là một ngôn ngữ dễ viết và dễ đọc, hầu như phát âm sao thì viết như vậy. Nhưng có chữ “y dài” và “i ngắn” tuy chỉ đọc là “i” nhưng có chữ lại dùng “y dài”, chữ lại dùng “i ngắn”. Một số nhà ngôn ngữ học và bộ giáo dục Việt Nam năm sau 1975 vì muốn chỉ dựa theo phát âm mà viết chính tả, họ đưa ra chính sách chỉ dùng một thể “i” ngắn nếu phát âm “i” sẽ không dùng mẫu tự “y” dài và làm ra những thay đổi cho vào từ điển. Tất nhiên, những trường hợp ngoại lệ cũng được nhắc tới, ví dụ như là chữ “túy”, “thúy”  thì không thể không dùng “y” nếu dùng “i ngắn” sẽ thành chữ “túi”, “thúi” và những chữ như là “may” như trong may mắn, may áo, không thể thiếu y dài.
 

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

PHIẾM LUẬN VỀ “NHŨ DANH” – La Thụy



Đọc sách báo tôi thấy có hai quan niệm về NHŨ DANH khác nhau
 
Quan niệm 1:

Ngày nay, trong các bản tin cáo phó cho một người đàn bà, người ta thường viết “nhũ danh” hoặc ghi tiếng Anh là“Maiden name” (Tên thời thiếu nữ)
 
Ví dụ:

Nam Phương Hoàng Hậu nhũ danh là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan (4.12.1914 – 16.9.1963)

Bà Sarah DeRemer Knauss, nhũ danh Clark (24.9.1880 – 30.12.1999)

Hoặc trên thiệp cưới ghi:

Bà quả phụ..................
Nhũ danh  ..................

Từ “nhũ danh” ở đây được hiểu là tên của người đàn bà khi chưa lấy chồng.
 
Có người nói “nhũ danh” chỉ dùng riêng cho phụ nữ mà thôi.
Có lẽ do họ quan niệm: “Nam tu 男須 (trai râu), nữ nhũ 女乳 (gái vú)”
 
Và:
Đàn ông không râu bất nghì,
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con!”
 
Đôi dòng phiếm luận:
 
Với quan niệm như trên thì vú là bộ phận tượng trưng cho phái nữ, râu cằm là bộ phận tượng trưng cho phái nam.
 
Đàn ông có khuôn mặt chữ điền râu quai nón hay “râu hùm hàm én mày ngài” thì oai phong lẫm liệt rất xứng đáng là “bậc tu mi nam tử”. Người đàn ông râu rậm, râu tốt, râu dài được khen là “mỹ nhiệm công” như Quan Vân Trường chẳng hạn
 
Phụ nữ đẹp với tiêu chuẩn “đào kiểm”, “tế yêu”, “trường túc”, “ngọa tầm mi” (má đào, eo thon, chân dài, mày tằm) vẫn chưa đủ mà còn thêm tiêu chuẩn bộ ngực tròn trịa, đôi mông đầy đặn mới đạt tiêu chuẩn về số đo 3 vòng, cùng với chiều cao, cân nặng phù hợp.
 
Nhà văn Mạc Ngôn, (nhà văn đầu tiên mang quốc tịch Trung Quốc, được trao giải Nobel Văn học năm 2012) có tác phẩm  “Phong nhũ phì đồn” xuất bản năm 1995, một thời được dư luận xôn xao bàn tán.

Tác phẩm “Phong nhũ phì đồn” lúc đó khi chuyển ngữ tiếng Việt đã phải đổi tựa thành “Báu vật của đời” để gọi là cho nhã hơn.
“Phong nhũ phì đồn” 丰乳肥臀  nghĩa là “vú đầy mông nẩy” hay “mông to ngực nở”. Dịch là “vú đầy mông nẩy” vừa sát sao, chẳng có gì là thô tục cả. Không hiểu sao mấy ngài dịch giả Việt Nam phải e ngại đi vòng quanh cho dài dòng...

“Vú đầy mông nẩy” thường được quý ông thích đùa gọi “ngực tấn công, mông phòng thủ” chỉ thân hình khêu gợi hấp dẫn bốc lửa của quý bà... làm mấy quý ông cứ “dùng dằng”
 
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong
       
Ông bà ta đã dặn nên chọn vợ phải là tướng “mông nở, ngực to”. Giải thích theo khoa học thì mông nở tức là xương chậu rộng, khi sanh đẻ sẽ dễ dàng, ít rủi ro cho bé sơ sinh hơn người xương chậu hẹp, ngực to thì tuyến sữa phát triển tốt, có nhiều sữa để nuôi con
 
Sự căng tràn của đôi bồng đảo do sự dồi dào của estrogen, ngoài ra còn cần đóng góp của “hạ tầng cơ sở” (mô, tuyến sữa) được quy định tại gien. Căp tuyết lê của nữ giới vừa là bộ phận quyến rũ về giới tính và vừa là cơ quan hậu cần cung cấp dinh dưỡng cho thiên thần nhỏ sau này.
 
NHŨ  có nghĩa là vú và có nghĩa khác là sữa

Vú là bộ phận đặc trưng của phái nữ nên một số danh xưng có từ NHŨ thường chỉ phái nữ chẳng hạn:
NHŨ MẪU (chữ Hán: 乳母; tiếng Anh: Wet nurse), tiếng Việt gọi nôm na là Bà vú hay Vú em, là danh từ để chỉ những người phụ nữ có chồng, có con làm công việc chăm sóc và cho ăn những đứa trẻ sơ sinh của những gia đình khác bằng sữa mẹ.
 
Quan niệm NHŨ DANH là tên chỉ dành riêng cho phái nữ xem ra cũng có lý !?!...

 *
Tuy nhiên

Quan niệm 2:
 
Theo Wiktionary tiếng Việt, theo từ điển Hán Nôm và một một số từ điển như vtudien... thì:

NHŨ DANH: Tên đặt lúc mới sinh.
 

Tên mà người Việt gọi là tên tục thì người Trung Quốc gọi là tiểu danh, được đặt lúc đứa bé còn nhỏ và cũng gọi là nhũ danh khi tên này được đặt lúc đang bú
 
Đôi dòng phiếm luận:
 
NHŨ  có nghĩa là vú, sữa. Ngoài ra còn có nghĩa là con non, sơ sinh.

Nên:
乳名 nhũ danh:  Tên đặt lúc mới sinh.
Nhũ danh trong Tiếng Anh là Milk Name (tên sữa)
 
Mọi đứa trẻ đều có quyền được đặt nhũ danh không kể là trai hay gái. “Nhũ” ở đây chỉ “cái vú”“sơ sinh”. NHŨ DANH hàm ý tên của “trẻ sơ sinh đang còn bú mẹ”.
 
Tên cha mẹ đặt gọi là nhũ danh, đó là tên từ khi còn bú vú mẹ - hay có khi là tên cúng cơm, tên tục.
 
Quý bạn có ý kiến gì về NHŨ DANH theo hai quan niệm trên nhỉ!
 
                                                                                          La Thụy