BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

CHUYỆN CON TRĂN DƯỚI BỤI CỎ HÔI - Đinh Hoa Lư




     CHUYỆN CON TRĂN DƯỚI  BỤI BỔI CỎ HÔI 
                                                                             Đinh Hoa Lư

Đám đất quanh vườn tôi càng lúc càng bạc màu vì tôi chưa bao giờ cho nó nghỉ. Hết vụ bắp xong lại trồng khoai. Trồng khoai mà không có bổi thì chỉ có cuốc ra "rễ khoai" chứ chẳng có củ nào. Bổi càng lúc càng hiếm; hết cắt xa rồi lại cắt gần.

Cây bổi lót cho vồng khoai, người dân xã Sơn Mỹ chúng tôi gọi là cây 'nàng nàng' ; ngoài quê Quảng Trị còn gọi là cây cỏ hôi hay cây bông cợi, ở tù 'cải tạo' nhất là tại Ái Tử chúng tôi hay đi cắt loại "phân xanh" này hết núi sạch rừng. Tôi nghĩ vậy không biết có đúng chăng?

Hôm nay tôi gặp may vì có đám bổi gần nhà, cạnh con đường dẫn vào xóm trong. Vừa cắt bổi, tôi vừa nghĩ đến ngày đầy tháng đứa con trai thứ hai của hai vợ chồng, chưa biết lấy chi làm cho nó 'vui cửa vui nhà'?


Nhà tôi hồi này là mái trường, nơi vợ tôi dạy cho con em trong thôn. Từ ngày có gia đình tôi trú ngụ, mái trường hết cái cảnh 'buồn hiu- buồn hắt' do có người trông nom. Dù sao, nhờ vào việc 'tự nguyện' trông nom trường, tôi có lợi là canh tác xung quanh, hoa màu xanh tốt. [1]

Đám bổi xanh ngắt, còn đẫm ướt hơi sương sáng. Tôi khom người, cái liềm cắt nghe soàn soạt. Vừa cắt bổi, tôi nghĩ tới ngày 'khẳm tháng' tức là đầy tháng đứa con. Có thể vợ tôi chỉ cần mua thêm tôi ít nếp, hai cặp đường đen trên chợ. Chuyện gà vịt, thì có con gà mái tơ chưa nhảy ổ.
Thời gian bứt bổi, tôi liên tưởng đến mấy ‘chú rắn lục’ hay đeo vắt vẻo trên cành bổi. Lá bổi cũng màu xanh lục, tiệp với màu da của chúng khó phân biệt. Thú thật, tôi hơi ớn; nhưng nghĩ tới hình ảnh ngày bới khoai- những củ khoai căng tròn, lủ khủ, nhờ bổi làm phân lót vồng khiến tôi quên mất sợ hãi hay e ngại.
-Sợ thì lấy chi ăn?
Đúng thế, "sợ thì lấy chi ăn?" bụng bảo dạ thế; ý nghĩ này khiến tôi bạo dạn, thoăn thoắt tay trái trần trụi vơ lấy mấy cành bổi, tay phải đưa liềm cắt mạnh...

Bổi mới lên sau vụ mưa đầu mùa, mới đó mà đã bị cắt sạch thành từng đống. Triền đất cạnh cái vực lở trong làng, giờ đã lộ ra nền cát trắng, lợn cơn lá khô. Những gốc bổi cây cỏ hôi vừa bị tôi cắt xong, chơ vơ như những ngọn chông nhìn thẳng lên trời.
Tôi chợt điếng người ! tim như thót lại... một vật dài tròn như khúc gỗ nằm yên cạnh chân tôi bao lâu mà tôi chẳng hề hay biết!

- UI CHAO CON TRĂN !

Màu của nó thì tôi không lầm vào đâu được. Những bông tròn như loài trăn gấm còn sót lại ở những vực khe gần biển Hàm Tân sau thời kỳ "khai hoang phục hóa", di dân Quảng Trị vào đây hồi 1973. Tôi không ngờ con trăn nằm bất động ở miếng đất bổi gần vực lở này. Không chừng, nó có thể nuốt con gà, con chó, hay con gì đó của nhà chú Đồng, hàng xóm với tôi?


Thật ra, tôi không sợ hãi ngoại trừ lay hoay như 'gà sắp nhảy ổ ', không biết tính sao, sợ con trăn đi mất . Nó mà bò đi xem như tôi mất tiêu 'một đống tiền' ! Ngoài liềm trong tay ra, tôi chẳng có cái gì ! bao không, mà dây cũng không.
Con trăn giờ hơi nhúc nhích, hình như nó từ từ... di động ?
Bỗng có một bóng người đang tới gần... tôi mừng quá :
- Chú Đồng, chú Đồng ơi, con trăn ! con trăn!
Chú Đồng [*] đang dắt chiếc xe đạp thồ ra khỏi nhà; sáng nay hình như chú ấy lên rẫy trễ hơn mọi khi.
- Mô?... Mô?

Chú Đồng vứt ngay chiếc xe đạp cái "phịch" bên con đường mòn, chạy tới gần tôi. Thời này mà nghe chuyện trăn là chuyện vớ được mớ tiền chứ không phải là chuyện sợ hãi rùng rợn nào cả. Trăn người ta đem bán trong thôn đồn hà rầm! Ba con thú như tắc kè, trút nhím còn bán được huống gì trăn là chuyện 'cao cấp'!
Tôi đưa tay chỉ xuống con trăn đang nằm bất động như khúc gỗ dài cạnh chân tôi chưa tới một mét.
- Chú Phúc giữ khúc đuôi nghe, để tui chận khúc đầu hắn cho!
Chú Đồng nói là làm ngay. Phần tôi lúc này không biết sao rất can đảm, chẳng e dè chút nào. Tôi mím môi dùng hai tay cầm chắc vào phần đuôi. Chú Đồng túm ở phần cổ, hai người nhấc bỗng con vật lên...

Con trăn dài gần hai mét, nặng chình chịch. Lần đầu tiên trong đời tôi túm một con rắn lớn - con trăn. Mà lạ ghê ! nó im lìm 'ngoan ngoản' không một phản ứng chống cự gì cả; như ‘bị bệnh’ , ai làm gì thì làm. Đó là cái may mắn cho cả hai chúng tôi. Chú Đồng vừa cùng tôi xách con trăn ra phía đường vừa nói lớn cho tôi nghe:
- Chắc hắn đớp gà của tui nên hai ngày ni tui tìm không ra con gà mệ nơi chú Phúc ơi!
- À ra rứa !
Tôi đồng tình. Trăn ăn rồi thì nằm yên chờ tiêu hóa... tiêu hóa ra răng tôi chẳng biết nhưng biết qua sách vở, lời kể trăn chưa ăn thì hung hăng nhưng ăn rồi thì nằm yên ai làm chi thì làm?!?

Quả thế, hắn nặng thiệt. Khúc bụng của nó trĩu xuống. Hai chú cháu ráng hết bình sinh túm ở đầu và đuôi mang nó đi. Ngang nhà tôi, vợ tôi mới thức dậy, vội che mắt không dám nhìn khi thấy hai chúng tôi xách con trăn bông đi ngang. Thời kỳ này, nhà ông Thu ở xóm trên, cạnh con đường chính lên xã là nhà buôn bán trăn cung cấp cho Thành Phố (Sai Gon). Cũng may nhà ông Thu không xa lắm. Chưa vào sân nhà, hai chú cháu đã kêu ông Thu ơi ới!


Trước cái sân rộng của nhà ông Thu đang phơi vài mẫu da trăn chờ ngày lên Thành Phố (SG) bỏ mối. Hồi này tôi biết mang máng có thể da trăn dùng làm bót loại cao cấp cho phụ nữ hay thứ chi đó ? Tôi chẳng cần biết làm chi; chỉ cần biết số tiền con trăn hôm nay là bao nhiêu thôi?
Ông Thu ra dáng chuyên nghiệp, lấy cái thuớc dây ra, rồi nhíu mày đo đo... tính tính gì đó:
-Con trăn ni...thiếu một tấc... Chà tiếc thiệt! nếu khôn thì hắn thuộc loại BA rồi ! giờ hắn thuộc loại HAI thôi!
Người viết cũng xin nói rõ một tí với bạn đọc:
Loại BA thì khoảng từ 30. ngàn trở lên giờ nó loại Hai thì trong vòng hai chục ngàn trở xuống.

Hai chúng tôi nghe thì nghe và biết thì biết vậy. Nếu chúng tôi không bán con trăn này ở đây thì biết bán nó chỗ nào? Không bán thì vô lý đem về nhà cho vợ con sợ bỏ ‘chạy tán loạn’ hay sao?
Giờ ông Thu mới 'tính chi ly' thêm một lần nữa, ông cho giá cuối cùng là mười tám ngàn đồng, tiền 'chồng'ngay không thêm không bớt!
Thời này một ngày tôi vào rừng bửa ra cho đầy chiếc xe đạp thồ củi về chợ bán chỉ vỏn vẹn 100 đồng bạc 'cụ Hồ' thôi. Nói thế để bạn đọc hình dung giá trị mười tám ngàn đồng ngang đâu?
Chú Đồng và tôi không nói ra, nhưng chắc rằng đều cùng một ý tưởng đó là: tiếc hùi hụi ! do con trăn 'trời cho' kia chỉ thiếu có MỘT TẤC.
Chỉ một tấc mà mất đi MƯỜI NGÀN bạc, lớn quá đi thôi?! bao nhiêu gánh khoai mới được một ngàn?

Mấy đứa con nít lúc này nghe chúng tôi bắt được trăn bu tới sân nhà ông Thu càng lúc càng đông. Mấy o đang nách rổ đi chợ Tân Sơn, chỉ dám ngó sơ vô sân nhà ông Thu. Con trăn bông vẫn nằm yên không chống cự, chẳng vùng vẫy gì; tuy thế, tay chúng tôi đâu dám buông, cả một đống tiền!

TIỀN TRAO NGAY GIỮA SÂN NHÀ ÔNG THU: MƯỜI TÁM NGÀN!

Chủ nhà giờ bỏ con trăn vào cái bao, chuẩn bị chiều nay giao lên Ba Tô, có mối của ông trên đó.

Hai chú cháu cầm tiền xong liền rủ nhau ra quán chú Hoàng trước chợ "liên hoan" một bữa cho 'sướng cuộc đời'. Cả hai đồng ý cùng tiêu chung một ngàn, còn lại mỗi người chia nhau tám ngàn rưỡi.
Chú Đồng bỏ ngày rẫy, tôi mất một ngày bứt bổi trồng khoai. Tiếc gì hai ngày lao độn ; khi không , 'của đâu' trên trời rơi xuống!
Chú Hoàng chủ quán, giờ đem hai chai bia Sài Gòn 'xanh' ra kèm theo một ít lòng bóp làm đồ mồi. Dân lao động như chúng tôi ngồi uống bia Sài Gòn, ăn đồ nhậu như hôm đó kể cũng lạ ? nhưng mà chẳng lạ vì hai chú cháu bán con trăn một chút chi trong làng ai cũng nghe tin.

                              Tác giả và chú Hoàng chủ quán gần chợ Sơn Mỹ 7/1995

Quán chú Hoàng vừa là quán ăn, chú còn sửa xe đạp. Thời này xe đạp là phương tiện chính cho người dân di chuyển. Vào rừng cũng nó – đó là xe đạp thồ. Đi buôn xa cũng nó - tức là xe đạp thồ heo con hay chuyên chở hàng hóa. Hình ảnh con đường đất liên tỉnh 23 lở lói hư hao và phương tiện chỉ là những chiếc xe đạp là số một mà thôi. Nếu không có xe đạp thì chỉ có hai bàn chân con người tháng ngày nhịp bước chai lì cũng như bao bàn tay thô ráp của giới nông dân năm tháng làm bạn với rẫy nương. Tôi khó quên trước mặt quán chú Hoàng còn có hai cái quán chuyên sửa xe đạp khác của anh Oai và anh Lợi nữa. Một thời thợ sửa xe đạp làm không hết việc...

Chú Đồng và tôi vừa uống bia vừa nói chuyện "trên trời dưới đất", không đâu vào đâu. Chuyện rẫy bị đốt luộc [**] khổ như thế nào? chuyện con heo rừng phá sắn, chuyện thằng Thanh bẫy được con heo rừng thật to, tiếc thiệt đến khi vào thăm lại bẫy, con heo rừng chết ngắt ba ngày, thịt có mùi thối!?

Nói gì thì nói, hai chú cháu không dám quá chén, nghĩa là "liên hoan" trong 'một ngàn thôi', không quá hạn. Vừa nhấp nháp miếng bia Sài Gòn thơm thơm vị bia la de ngày xưa, tôi vừa lấy tay sờ ngoài túi quần xem tám ngàn rưỡi phần tôi còn không? cùng lúc cảm giác ngụm bia mát lạnh đang trôi dần, sâu vào cổ.

Chú Đồng hôm nay vui vẻ cười nói, nhưng chú không biết rằng tôi còn mừng vui hơn chú nữa do cái hôm may mắn đó chính là ngày đầy tháng con trai tôi khi không cha nó "TRÚNG SỐ" TRỜI CHO"

                                                              Đinh Hoa Lư

                     Nhớ về Sơn Mỹ một thời trồng khoai, bứt bổi


*
[1] Hồi này tôi xin làm phu trường để có thêm 'tiêu chuẩn' vài ký gạo nhưng không được vì 'lý lịch'
[*] Chú đây là cách gọi thân mật bà con lối xóm
[**] Rẫy luộc : rẫy chặt hạ xong, chưa khô hoàn toàn bị cháy dang dở nên dọn dẹp rất tốn công

Không có nhận xét nào: