Trong Hán ngữ, "thiết tha" 切磋 có một nét nghĩa bóng là đau xót. Nghĩa
đen là:
- thiết 切:
cắt, như trong "thiết diện", "thảm thiết", "thống thiết"
- tha 磋:
mài cho nhẵn bóng.
Do đó, "thiết tha" 切磋 hay "tha thiết" 磋切 gợi lên nỗi đau xót thống thiết như cắt
như mài. Chẳng hạn, tác phẩm nổi tiếng tại vùng văn hoá Hán tự là "Sở từ"
楚辭 ở thiên "Cửu
hoài" 九懷 có câu thơ: "Bi tai vu ta hề, tâm nội thiết
tha" 悲哉于嗟兮 心內切磋
(buồn thay than ôi, trong lòng đau xót).
Trong tiếng Việt, "thiết tha" hay "tha
thiết" có thể nói về cảm giác xót xa trong lòng, trong "Cung oán ngâm
khúc" 宮怨吟曲
của Nguyễn Gia Thiều 阮嘉韶
có câu:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai
bày trò bãi bể nương dâu?
Trắng
răng đến thuở bạc đầu
Tử,
sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần?
"Thiết" 切
còn có nghĩa là sát, thân cận, gần gũi, như trong "thân thiết", "thắm thiết". Trong tiếng Việt, "thiết tha" hay "tha thiết" còn có thể nói về
tình cảm thắm thiết, gắn bó: yêu nhau tha thiết, thiết tha công việc...
"Thiết" 切
còn có nghĩa là cần kíp, cấp bách, như trong "cấp thiết", "cần
thiết". Trong tiếng Việt, "thiết
tha" hay "tha thiết"
cũng có thể nói về cảm giác cần thiết, mong cầu được đáp ứng: nguyện vọng tha
thiết, thiết tha yêu cầu...
Hiện tượng đa dạng hoá ý nghĩa của "thiết tha" và "tha thiết" trong tiếng Việt,
ta có thể đánh giá là do yếu tố "tha" bị mờ nghĩa khi vận dụng thực tế
vào ngôn ngữ, tạo cảm giác tổ hợp này bao gồm một yếu tố rõ nghĩa là "thiết"
và một yếu tố hài hoà ngữ âm nhưng có vẻ rỗng nghĩa là "tha" (bị nhìn
nhận như một từ láy). Vì thế, 3 nét nghĩa kể trên tuỳ vào cách hiểu yếu tố
"thiết" 切
là thống thiết hay thắm thiết hay cần thiết.
Ung Chu