Ở
Quảng Trị cũng có hội chơi chim săn quy tụ những người có chung đam mê, sở
thích để cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra, hội
còn lập ra quy chế hoạt động và bảo tồn một số giống loài tự nhiên.
Đưa chim săn đuổi chuột đồng. Ảnh: Minh Trí
XEM
THẢ LOÀI CHIM SĂN CHUỘT ĐỒNG Ở QUẢNG TRỊ
Minh Trí
Trong những năm gần đây, giới chơi chim săn mồi (hay
còn gọi Falconry) ở Việt Nam tuy mới mẻ nhưng ngày càng được nhiều người biết đến.
Thú chơi này đòi hỏi sự công phu, tính kiên trì của người huấn luyện.
Anh Kiên, Hội trưởng Falconry 74 Quảng Trị (Hội chơi chim săn Quảng Trị 74) rủ rê
tôi tham gia buổi đuổi chim, chuột phá hại lúa của chim săn.
Anh nói thêm: Nên đi để thấy và hiểu thêm về thú chơi
chim còn mới lạ trên địa bàn tỉnh mình. Đối với tôi, lời mời của anh Kiên thật
hấp dẫn, nên dẫu bận đến mấy tôi cũng cố sắp xếp thời gian tham gia.
Như đã hẹn, một
ngày giữa tháng 2, nhóm 9 người chúng tôi mang các chú chim săn tiến về đồng ruộng
Gio Linh. Thông thường những chuyến đi này xuất phát từ nguyện vọng của nông
dân trước nạn phá lúa của một số loài chim, chuột.
Trước đây để đối phó với chim trời, người ta làm vài
hình nhân phất phơ nón lá, cầm gậy đặt giữa ruộng khiến chim sợ không dám sà xuống
phá lúa. Lâu ngày chim quen dần với hình nhân vô hại, đến người thật cũng chẳng
khiến chúng sợ hãi.
Theo kinh nghiệm của người dân, cứ vùng nào xuất hiện
chim săn mồi bay lượn xác định lãnh thổ thì nơi đó không có chim, chuột quấy
phá, lúa vì thế trở nên tốt tươi. Thế nên họ sáng kiến nhờ chim săn can thiệp.
Chim săn mồi là tên gọi chung cho các loài như: Ưng, cắt,
đại bàng, ó biển, cú, mỗi loài được chia ra nhiều “chi”, như ưng Ấn Độ, đại bàng ưng...; cắt nhỏ, cắt Pere (cắt lớn);
đại bàng núi, đại bàng bụng hung, đại bàng thảo nguyên...
Để sở hữu “vua bầu
trời”, người chơi phải bỏ ra từ vài trăm ngàn đến hàng trăm triệu đồng, tùy
theo “đẳng cấp” từng loài.
Như ưng Ấn Độ, giá cả xê xích từ 1,3 triệu - 2 triệu đồng/con
tùy vào chim non và chim bổi (chim lớn mới bắt về). Nhưng nếu là đại bàng núi,
chim non thấp nhất cũng vài chục triệu đồng, còn chim non nuôi trưởng thành giá
cao hơn nhiều.
Nhiều người
thích thú khi thấy người chơi chim thổi còi và đưa găng tay làm hiệu lệnh thì
chú chim to lớn đang bay lượn trên cao ngoan ngoãn trở về nhẹ nhàng đậu trên
găng tay chủ.
Để được như vậy,
đòi hỏi chú chim phải được nuôi dưỡng tốt và trải qua một thời gian huấn luyện
tương đối dài. Chim săn mồi nói chung thông minh, rất quyến luyến người nuôi.
Trong việc nuôi dạy chim săn mồi đòi hỏi người chơi phải
có kiến thức về giống loài đặc biệt này. Nếu không khéo, chim sẽ gây nguy hiểm
cho chính chủ nhân của chúng.
Để huấn luyện
được một con chim biết săn mồi theo sự điều khiển của chủ thì không hề đơn giản.
“Ngoài việc phải tìm hiểu tập tính từng loài,
nếu không có tính kiên nhẫn, tốt nhất đừng theo đuổi thú chơi này. Bởi sau khi
bỏ một số tiền, thời gian và cả tình cảm để nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện mà
chim không nghe lời, bỏ người nuôi bay đi thì khác nào cầm tiền ném lên trời”,
anh Toàn, một thành viên hội chim săn mồi ví von.
Nhân
cách người chơi chim
Falconry 74 Quảng Trị có 9 thành viên đến từ Hướng
Hóa, Gio Linh, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà. Tôi thắc mắc với anh Kiên,
tại sao trên địa bàn tỉnh có nhiều người cùng sở thích này, nhưng hội chỉ ngần
này thành viên.
Anh Kiên cho biết: “Nói
hội này hội nọ, nhưng thực ra mấy anh em cùng đam mê chim lập thành một nhóm để
cùng giao lưu, trao đổi, giúp đỡ nhau, rồi lập ra quy chế để nhóm hoạt động và
bảo tồn giống loài tự nhiên. Theo quy chế, hội viên muốn gia nhập hội phải có
niềm đam mê lành mạnh; sống trung thực, tôn trọng con người và thiên nhiên; có
ý thức bảo tồn các loài chim.
Vài
tiêu chuẩn thế thôi mà điều chỉnh tất cả mọi hoạt động của hội. Có một người
chơi chim đã lâu năm khao khát được làm thành viên, nhưng chứng kiến anh ta bắt
được con chim của một người khác mà không chịu trả lại nên chúng tôi không thể
cho gia nhập làm thành viên của hội”
Mọi
người cho rằng: Người chơi chim như thế là thiếu nhân cách, sống không trung thực”.
Trên facebook của
hội thường xuyên có nội dung kêu gọi cộng đồng cùng bảo tồn thiên nhiên. Mới
đây hội đăng nội dung: Đã đến mùa ghép đôi sinh sản của các loài chim, trong đó
có chim săn mồi, vì sự phát triển của bộ môn chung, Hội chim săn mồi Quảng Trị
74 thông báo từ ngày 1/2-15/7/2020 sẽ không duyệt bài mua bán chim bổi trưởng
thành.
Mua bán chim bổi thời gian này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới
số lượng chim ngoài tự nhiên. Thành viên đăng bài có nội dung này sẽ bị xóa và
chặn thành viên. Hội mong muốn những người yêu chim săn ủng hộ để góp phần
trong việc bảo tồn số lượng chim săn mồi sống ở môi trường tự nhiên.
Nhiều ý kiến cho rằng, nói chơi chim để bảo tồn là hơi
quá. Nhưng hãy tưởng tượng, chim bị đánh bẫy thay vì bị giết thịt thì những chú
chim này vẫn có thể khỏe mạnh, tung tăng bay lượn khi được người chơi mua về
nuôi dưỡng, chăm sóc công phu.
Theo anh Nhã, một
thành viên đến từ xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa thì người chơi bên cạnh đam
mê phải có kiến thức để phân biệt và ý thức rõ loài nào cấm, loài nào được phép
nuôi. Đây chính là cách để người chơi có trách nhiệm hơn với đam mê của mình.
Anh cho biết thêm, nhiều lần anh em trong hội cứu hộ
những con chim bị săn bắt bằng cách mua hoặc xin từ các thợ săn rồi đem về chữa
lành vết thương, thả về với môi trường tự nhiên.
Các thành viên cũng nhiều lần rơi vào tình huống “chim
bay đi không trở lại”. Tuy nhiên, ai cũng vui vẻ chấp nhận xem như mình không
có duyên với chúng.
Nhiều quan niệm
cho rằng, chim săn đại diện cho lòng dũng cảm, tính kiên trì, tinh thần quyết
tâm và cách sống khoáng đạt, tự do. Con người muốn thuần hóa chim phải hiểu và
đồng cảm với vật nuôi, biết chia sẻ bằng tình cảm thương yêu chân thật để thiết
lập một mối quan hệ bền chặt.
Thật
thú vị khi quan sát con đại bàng ưng của anh Nhã-một thành viên trong nhóm-thấy
sau mỗi lần bay lượn làm chúa tể của một vùng trời, lại trở về bất động, lặng
yên bên chủ, trong cái mũ trùm đầu che kín cặp mắt sắc lạnh. Lúc này mặc dòng đời
tấp nập, mặc những gì xảy ra xung quanh, nó vẫn bình thản... một cách hoang dã.
Minh
Trí
(Báo Quảng Trị)Nguồn:
https://danviet.vn/thu-choi-chim-san-moi-tha-chim-duoi-chuot-dong-o-quang-tri-20200527235921498.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét