BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

ĐỌC “THÁNG TƯ MÀU NHỚ” CỦA PHẠM ĐỨC MẠNH - Đặng Xuân Xuyến


   


THÁNG TƯ MÀU NHỚ

Tháng Tư
cờ
hoa
đất trời rợp sắc đỏ

tiếng khóc vỡ òa màu nhớ
người qua cõi chết trở về
nổ bung nụ cười chiến thắng
non sông một dải nối liền

Tháng Tư
những người lính kiệt sức vì đạn bom
thoi thóp sống
lết tìm nhau
nhặt mảnh vụn xuân thì đang trôi mất
hàn rỉ sét chiến tranh
bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội

Tháng Tư
ký ức dâng tràn
mẹ thắt ruột chờ con
nỗi đau tê dại
hình viên đạn chẻ đôi găm xé vào tim mẹ
đứa bên này
đứa bên kia
hết đối đầu chĩa súng vào nhau
sao lặng lẽ không về

Trắng hồn khăn tang
kiếp phong trần bày lên niết bàn lạnh lẽo
mẹ thắp nén hương đắng đời sinh nở
dằn cơn vật vã cô đơn
húp cháo
chờ được phong danh hiệu

Tháng Tư
những ngôi biệt thự nguy nga
phơi quyền lực
giàu sang trước phố
ẩn náu gam xấu hổ
người qua vội bước chân xa

Tháng Tư
mùa tha thứ cho nhau
nhìn từ nhiều phía
hạnh phúc
khổ đau
ai muốn quên
ai hoài nhớ

Người lính
bị nhuốm chất độc da cam
ngâm đời trong bể khổ
làm sao gieo hạt tương lai

Ngày
sống ngồi niệm được thua
nuôi ký ức

Đêm
tập chết mơ chốn vô thường
chuông hồn
ru giấc thời gian cũng ám ảnh
giật mình…

                       27. 04. 2020
                   Phạm Đức Mạnh


       

ĐỌC “THÁNG TƯ MÀU NHỚ” CỦA PHẠM ĐỨC MẠNH

Sáng nay, 30 tháng 04.2020, đọc bài thơ TÔI của Phạm Đức Mạnh, nhà phê bình Nguyễn Xuân Dương đã chia sẻ trên dòng thời gian của ông, tôi còm: “Cái giá của "chiến thắng" sao mà đắt thế? đau thế?”.
Tối nay, đọc nhà thơ Phạm Đức Mạnh trả lời:
“Còn hơn thế Đặng Xuân Xuyến ạ. Có người may mắn vượt qua, đổi đời. Có người không may mãi chìm ngập trong nỗi đau, cơ cực không thoát ra được.”
Tôi tự hỏi: - Chả có lẽ cái giá của chiến thắng là nhục? Là tội ác? Thế thì phũ quá, mà nói thế cũng chả hẳn đúng, chả nên. Tôi không trả lời ông vì tin ông đang đau lắm, đang hận cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” nhiều lắm. Nói đúng hơn, ông đang hận xã hội này với đầy rẫy những bất công, ngang trái, những mảnh đời sống không bằng chết đang hiển hiển trước mắt, đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong cái xã hội đang dần mất đi những luân thường đạo lý, đang bị “tiền” - “quyền”“côn đồ” khuynh đảo.

Chiều, đọc bài “Tháng Tư màu nhớ” của ông, tôi đã còm: “Những câu thơ như cứa vào tim người đọc!” Và rất nhanh ông trả lời: “Để ta luôn nhắc mình đừng quên quá khứ, đừng bao giờ mất cảnh giác, thỏa hiệp... ”. Rất tác phong người lính: nhanh và thẳng. Tôi cũng qua đời lính, cũng đã từng cầm súng giữ biên cương, đối diện với giặc Tàu (dù chỉ vài tháng) nên thích sự thẳng thắn, dứt khoát, mau lẹ trong hành xử (trả lời bạn facebook bình luận) của ông.
Đến giờ, tôi vẫn bị ám ảnh những hình ảnh người lính sau cuộc chiến bị chế độ phụ bạc, bỏ rơi như ông đã khắc họa trong “Tháng Tư màu nhớ”: Phũ, mà đau, nhưng oái oăm lại đúng, chả ai phản bác được vì đó là những lát cắt của cuộc sống đang diễn ra và chưa biết đến lúc nào sẽ kết thúc:

THÁNG TƯ

những người lính kiệt sức vì đạn bom
thoi thóp sống
lết tìm nhau
nhặt mảnh vụn xuân thì đang trôi mất
hàn rỉ sét chiến tranh
bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội

câu: “bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội” đau và đắt quá. Tôi ngẩn người với suy nghĩ có phần ngờ nghệch: Sao người ta cứ rầm rộ tổ chức những lễ kỷ niệm, “ngày chiến thắng”, “ngày giải phóng” làm gì nhỉ? Giá người ta hiểu được nỗi đau bị bỏ rơi, bị phụ bạc của những người lính sau cuộc chiến: “bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội”, để giảm bớt những ngợi ca chiến thắng, những chúc tụng làm tứa máu hàng triệu con tim người Việt không chỉ một thời ở phía bên kia chiến tuyến thì hay biết bao.

Vâng. Những người lính “thoi thóp sống / lết tìm nhau” không chỉ để “nhặt mảnh vụn xuân thì đang trôi mất / hàn rỉ sét chiến tranh” mà còn “bó vết thương lòng kiếm tìm đồng đội” để an ủi phần hồn của những người đã nằm xuống. Tuy không hẳn tất cả đều vậy nhưng những hình ảnh như thế lại khá phổ biến thì đau và đáng hận lắm chứ?!

Khi đọc những câu thơ: “mẹ thắt ruột chờ con / nỗi đau tê dại / hình viên đạn chẻ đôi găm xé vào tim mẹ / đứa bên này / đứa bên kia / hết đối đầu chĩa súng vào nhau / sao lặng lẽ không về”, tôi lặng người nhớ tới những câu thơ tài hoa của nhà thơ Chử Văn Long: “Mùa xuân về trên mộ hai người lính / Một phía bên kia, một phía bên này / Những ngọn cỏ gà bò lan chầm chậm / Như những bàn tay tìm gặp bàn tay.” (Xuân về trên mộ hai người lính - Chử Văn Long). Tôi giật mình với suy nghĩ: Chiến tranh, mãi mãi chỉ những người dân, người lính mới thấm thía tội ác của chiến tranh bởi chỉ họ mới là những người phải trả giá, phải chịu mất mát, hy sinh vì thế dù “thắng” hay “thua” thì họ vẫn là những người bị mất mát, đau khổ nên thơ của những người dân, người lính mới đau với nỗi đau của tình người, của nhân tình thế thái.

Vâng. Cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” đã kết thúc 45 năm nhưng hệ lụy của cuộc chiến “nồi da xáo thịt” có lẽ còn nhức nhối rất lâu.

                                                         Hà Nội, 20g35 ngày 30.04.2020
                                                                ĐẶNG XUÂN XUYẾN

* Lời tác giả Đặng Xuân Xuyến:

Sáng nay, 01 tháng 05 năm 2020, nhà văn, nhà báo Phạm Đức Mạnh trao đổi qua điện thoại với chúng tôi về 2 đoạn trong bài viết “ĐỌC ‘THÁNG TƯ MÀU NHỚ” CỦA PHẠM ĐỨC MẠNH’ ” của tác giả Đặng Xuân Xuyến:

 (01): - Chả có lẽ cái giá của chiến thắng là nhục? Là tội ác? Thế thì phũ quá, mà nói thế cũng chả hẳn đúng, chả nên. Tôi không trả lời ông vì tin ông đang đau lắm, đang hận cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” nhiều lắm. Nói đúng hơn, ông đang hận xã hội này với đầy rẫy những bất công, ngang trái, những mảnh đời sống không bằng chết đang hiển hiển trước mắt, đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong cái xã hội đang dần mất đi những luân thường đạo lý, đang bị “tiền” - “quyền” và “côn đồ” khuynh đảo.

(02): Đến giờ, tôi vẫn bị ám ảnh những hình ảnh người lính sau cuộc chiến bị chế độ phụ bạc, bỏ rơi như ông đã khắc họa trong “Tháng Tư màu nhớ”: Phũ, mà đau, nhưng oái oăm lại đúng, chả ai phản bác được vì đó là những lát cắt của cuộc sống đang diễn ra và chưa biết đến lúc nào sẽ kết thúc:
Cảm nhận bài thơ chưa thật đúng với ý của tác giả Phạm Đức Mạnh.

Đành rằng một bài thơ có nhiều góc nhìn, nhiều cách tiếp cận, cảm nhận, không nhất thiết phải như ý của tác giả thơ và cảm nhận của chúng tôi dựa trên câu chữ, hình ảnh của bài thơ nhưng để đồng thuận với tác giả thơ, chúng tôi sẽ thay 2 đoạn văn trên như trao đổi của nhà văn, nhà báo Phạm Đức Mạnh.

Không có nhận xét nào: