BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

TÍNH CÁCH DỊ THƯỜNG CỦA TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT QUA GÓC NHÌN NHÀ SỬ HỌC HÀN QUỐC CHOI BYUNG WOOK - Lê Công Sơn

Vùng đất phương Nam ghi dấu công lao của người hùng Lê Văn Duyệt. Ông là một trong 3 vị quan Tổng trấn thành Gia Định có uy tín và được dân yêu kính, tôn sùng dù tính cách có phần lập dị.


Tượng Tả quân đúc bằng đồng nguyên chất tại khu Lăng thờ Lê Văn Duyệt ở TP.HCM
Ảnh: T.L


TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT QUA GÓC NHÌN NHÀ SỬ HỌC HÀN QUỐC CHOI BYUNG WOOK
                                                                                     Lê Công Sơn

Nguồn gốc của thành Gia Định, theo sách Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng (1820 -1841) của nhà sử học Hàn Quốc Choi Byung Wook (do Omega và NXB Hà Nội ấn hành):

“Gia Định thành được thành lập vào năm 1808, sau thời gian triều đình Huế lập ra Bắc Thành với bộ máy hành chính được giao cho các võ quan và củng cố quyền lực bằng vai trò của người Hoa định cư tại đây. Nguyễn Văn Nhân được chỉ định làm quan Tổng trấn đầu tiên của thành Gia Định. Sau này, Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Văn Duyệt kế nhiệm. Quan Phó Tổng trấn Gia Định thành, có thể xác định: Trương Tiến Bảo (quê Vĩnh Long) và Trần Văn Năng (quê Khánh Hòa). Hai Hiệp trấn là Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh lần lượt quê ở trấn Biên Hòa và Phiên An, thuộc Nam Bộ”.

                Cảnh Lăng Ông Bà Chiểu xưa - nơi thờ Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: T.L

NÓNG TÍNH, MÊ… CHỌI GÀ VÀ NUÔI CHÓ

Ban đầu quyền lực của quan Tổng trấn thành Gia Định cũng tương tự như viên quan đồng chức ở miền Bắc nhưng trên thực tế, phạm vi quyền lực sau đó lớn hơn vì còn chịu trách nhiệm thanh sát và kiểm soát nước láng giềng Chân Lạp, đồng thời tạo nguồn thu thuế cho triều đình trong các hoạt động giao thương, làm ăn ra bên ngoài.
Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt là người có tài nhưng tính cách cũng có nhiều điều phải bàn tới, thậm chí tác giả Choi Byung Wook còn cho  là “dị thường”. Sách đã dẫn tiết lộ:

“Những thuộc hạ và binh lính bình thường không thể nói chuyện với ông. Ngay cả đồng liêu cũng thường không dám nói chuyện vì ông quá cứng rắn, lạnh lùng. Vào năm 1801, khi nghĩa quân Tây Sơn sát hại Tống Viết Phúc – môt đồng sự mà ông rất yêu mến – có tin là Lê Văn Duyệt đã cuồng nộ đến mức giết bất cứ binh lính Tây Sơn nào ông gặp, cho đến khi Nguyễn Phúc Ánh quở trách ông về sự hung tợn này”.

Tuy nhiên, trong các tài liệu của Nam bộ thì tính cách của Tả quân Lê Văn Duyệt được mô tả ôn hòa hơn. Đến thăm Sài Gòn năm 1825, Michel Đức Chaigneau viết: “Ông ta (tức Lê Văn Duyệt) là người rất tài năng cả trên chiến trường và trong lĩnh vực quản lý. Dân chúng sợ ông nhưng rất yêu mến ông thực lòng, vì ông là người công bằng”.

                            Tờ bạc 100 đồng trước đây có in hình vẽ Tả quân.  Ảnh: T.L


Nơi thờ cúng và phần mộ Tả quân tại TP.HCM có đông người dân, du khách đến thăm viếng mỗi ngày và nơi đây rất nghiêm trang, tôn kính ông.  Ảnh: Quỳnh Trân

Sau này Phan Thúc Trực - một nho sĩ người Nghệ An cũng cố gắng miêu tả quan Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt, rằng Tả quân “đánh chó cho đến chết và tùy tiện chém đầu các quan lại cao cấp ở địa phương”, cùng nhiều thói quen dị thường khác của tả quân cũng được sách sử đã dẫn ghi lại: “Ông nuôi 30 người thuộc bộ tộc thiểu số vùng núi để phục dịch, cùng 100 con gà và 100 con chó. Cứ mỗi khi ông về nhà đều có một con hổ và 50 con chó đi theo”.

Trong nhiều câu chuyện kể về Nam Bộ, “Lê Văn Duyệt từng hiện ra trong giấc mơ của Nguyễn Trung Trực, lãnh tụ phong trào chống Pháp ở Nam bộ trong thập niên 60 của thế kỷ 19 và chỉ dẫn ông cách đánh bại kẻ thù”
(Thái Bạch, Bốn vị anh hùng, kháng chiến miền Nam, tủ sách Sống mới, Sài Gòn 1957).

Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt còn là người mê… chọi gà kinh khủng, mê tới mức ông dám từng tấu trình hài hước trước vua Gia Long về lợi ích của trò tiêu khiển này. “Trang phục ông cũng khá dị hợm, không chỉ đơn giản mà còn rất bẩn thỉu, thoạt nhìn giống như áo quần của những người nghèo khổ nhất…”, tác giả Choi Byung Wook kể trong sách đã dẫn.

TẠI SAO TỔNG TRẤN THÀNH GIA ĐỊNH LÊ VĂN DUYỆT CÒN CÓ TÊN GỌI KHÁC LÀ TẢ QUÂN?

Giải tỏa thắc mắc này, sách Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng (1820 -1841) của Choi Byung Wook lý giải như sau: “Việc dân chúng gọi Lê Văn Duyệt là Tả quân Chưởng cơ cho thấy điều gì đó thuộc về tính cách cá nhân của ông. Đầu tiên, Lê Văn Duyệt được phép tham gia hoạt động quân sự vào năm 1787 và tự chiêu tập binh lính cho riêng mình. Năm 1802, ông được thăng chức Chưởng cơ Tả quân. Dưới sự chỉ huy của ông, cùng năm đó Tả quân bao vây Thăng Long. Trên thực tế, với các tướng lĩnh Gia Định kết liên minh với chính quyền, hành động chung của các binh sĩ và dân chúng gọi viên tướng chỉ huy bằng chính tên gọi lực lượng quân đội mà ông ta thống lĩnh”.

        
           Bên trong khuôn viên Lăng Ông Bà Chiểu thờ Tả quân tại Q.Bình Thạnh 
           (TP.HCM).  Ảnh: Quỳnh Trân

Sau những biến cố buộc Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, suốt thời gian còn lại cai trị của Gia Long, Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt luôn là một trong số ít người được triều đình tin cẩn nhất. “Thậm chí, giây phút vua Gia Long lâm chung, chỉ có Lê Văn Duyệt và quan văn Phạm Đăng Hưng của Gia Định được phép đến bên giường để nghe lời trăng trối. Vị vua sắp tạ thế đã ban cho Tả quân quyền chỉ huy Ngũ quân Đô thống”, tác giả Choi Byung Wook thuật lại.

Sau khi lên ngôi thay vua cha, vua Minh Mạng lại tiếp tục cử nhiệm Tả quân Chưởng cơ Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn thành Gia Định cho đến khi ông qua đời. Để tưởng thưởng những đóng góp của Lê Văn Duyệt, nhà vua còn ban tặng đai ngọc bích quý cho ông, đặc biệt nhất là con nuôi của Tổng trấn thành Gia Định còn được vua Minh Mạng nhận làm phò mã.

                                                                                      Lê Công Sơn

Nguồn:
https://thanhnien.vn/van-hoa/tinh-cach-di-thuong-cua-ta-quan-le-van-duyet-qua-sach-nha-su-hoc-han-quoc-1217417.html

Không có nhận xét nào: