BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

DẤU XƯA TUY PHONG, BÌNH THUẬN - Phan Chính


           


DẤU XƯA TUY PHONG, BÌNH THUẬN

Qua ngữ liệu, nguồn gốc địa danh của một vùng đất người ta có thể hình dung được một phần nào quá trình hình thành và những dấu tích có giá trị lịch sử mà thời gian đã dần dần đánh mất. Tuy Phong ngày nay được biết đến là một nơi địa đầu của tỉnh Bình Thuận, khắc nghiệt của nắng gió nhưng được thiên nhiên bù đắp lại bằng nhiều di tích, danh thắng luôn là những dấu ấn vừa lôi cuốn vừa lạ lùng. Thời gian từ phủ nâng thành tỉnh Bình Thuận vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), chia làm hai phủ Ninh Thuận và phủ Hàm Thuận, cùng lúc lập thêm 2 huyện Tuy Phong và Tuy Định (theo tổ chức hành chính bấy giờ huyện trực thuộc phủ). Năm 1836, phủ Ninh Thuận (thuộc tỉnh Bình Thuận) có 2 huyện An Phước, Tuy Phong. Huyện Tuy Phong có 4 tổng Bình An, Nghĩa Lập, Tuy Tịnh và tổng đảo Phú Quý (Thuận Tĩnh) gồm 10 đảo lớn nhỏ.

Theo địa chí tỉnh Bình Thuận, năm đầu Đồng Khánh (1886) trích 2 tổng Truy Tĩnh và La Bá cho thuộc Hòa Đa Thổ huyện và sau đó tách 7 xã cũ Tuy Phong đưa vào phủ Ninh Thuận và sáp nhập vào tỉnh Khánh Hòa. Huyện Tuy Phong lúc này còn hai tổng Bình Thạnh, Tuy Tịnh thuộc về phủ Hàm Thuận (Bình Thuận). Từ năm 1910, tổ chức hành chính Phủ và Huyện ngang nhau, tỉnh Bình Thuận có 2 phủ Hàm Thuận và Phan Lý (Chăm) và các huyện Hòa Đa (Kinh), Tuy Lý (Chăm), Tánh Linh và Tuy Phong (gồm tổng Bình Thạnh và Phú Quý)… Sự thay đổi về địa giới, sáp nhập đối với Tuy Phong trong quá trình lịch sử hình thành vùng đất cũng là cơ hội để hội tụ được những giá trị hòa hợp, làm nên bản sắc văn hóa của địa phương.   Trong bài “Vè thủy trình từ Huế vô Sài Gòn” (tập san Sử - Địa, Saigon 1970), đoạn qua vùng biển Tuy Phong với lời lẽ mộc mạc, dọc dài các địa danh mà chính xác như một bức hải đồ:
“Qua Mũi Dinh cho liền chín vại/ Tắt mặt trời xách lái ra đi/ Nhắm chừng bãi Lưới đã qua/ Tây phương chỉ mũi lái đà gác đông/ An Hòa lẳng lặng muôn phần/ Bãi Tiên đã khỏi khu Ông lại gần/ Lau Cau, Cà Ná là đây/ Lòng Sông mũi Chọ thẳng ngay La Gàn/ Ngó vô thuyền đậu nghênh  ngang/ Gành Son, Trại Lưới xênh xang làm nghề/ Cửa Duồng nay đã gần kề/ Lạch kia Phan Rí ghe nghề xôn xao…”.


Với chiều dài bờ biển 50km từ địa giới tỉnh Ninh Thuận đến bờ sông Sông Lũy - Phan Rí Cửa, theo sách xưa đó là vũng La Loan rồi kế tiếp là vũng La Xa nhưng theo tư liệu Trung Hoa thì thường gọi tắt tên cũ nguyên là chữ Hán phiên âm từ gốc tiếng Chăm.  Thời xưa, giao thông bắc - nam chỉ theo đường biển và đường quan lộ. Đường biển bằng ghe bầu, giương buồm nương mùa gió mà đi. Bài vè để cho các lái, tài công dựa theo các địa danh ven bờ ghé vào lấy nước ngọt, thực phẩm hay mua bán và tránh xa những mũi đá, rạn ngầm hiểm nguy bằng bài vè ngâm nga cho dễ nhớ, dễ đọc. Từ bắc vào nam có bài vè từ Huế ra Nam Định gồm 150 câu và từ Huế vào Sài Gòn có 182 câu. Trong đó, nguồn tư liệu bài vè này có sự góp phần rất lớn của ông Lê Văn Tho, một nhà hàm hộ nổi tiếng ở Phan Thiết. Tuy nhiên trong ghi chép, chữ viết, phát âm của ngư dân địa phương có nhiều địa danh khác nhau nhưng vẫn có thể suy luận được. Bờ biển Bình Thuận kéo dài 192 km, trong đó Tuy Phong có gần 10 địa danh được nhắc đến, nhưng do quá trình phát triển cư dân đã làm biến mất và được thay thế bằng những địa danh hành chính mới. Trong các địa danh có nguồn gốc từ xa xưa, thì La Gàn ngày nay có một lai lịch khá đặc biệt. Theo đó mũi La Càn, La Xa đều phiên âm Latin từ chữ Hán là La Càn, Lagan. Đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825) đổi thành La Hàn. Qua bản đồ của giám mục Taberd, một nhà truyền giáo, từ năm 1838 đã lập ra bản đồ “An Nam đại quốc họa đồ” ghi chép khá đầy đủ về biển đảo Việt Nam bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lưu trữ tại thư viện đại học Yale (Mỹ). Địa danh La Gàn, xuất xứ do phiên âm từ chữ Hán là La Càn và trên bản đồ ghi mũi “Lagan”, chuyển qua chữ Việt trở thành địa danh La Gàn. Trường hợp này cũng tương tự địa danh Khê Gà/ Khe Gà (Hàm Thuận Nam) khi trên bản đồ của người Pháp là Kéga - phát âm thành Kê Gà hay mũi Vị Nê viết là Viné, đọc tắt thành Mũi Né cho đến sau này.  Một địa danh nữa được nhắc tới mà hiện nay cũng có nhiều cách viết, cách giải thích khác nhau, đó là Cù Lao Câu. Tên gọi xưa với hòn đảo thơ mộng này là Tân Lang Dữ (dữ là đảo, hòn) do chuyển từ tên Nôm ra Cù Lao Cau (Hòn Cau), không phải như nhiều người nghĩ Cù Lao Câu ở đây là nơi thu hút ngư dân làm nghề câu vì tập trung có nhiều cá biển. Thực ra Tân Lang có nghĩa là cây cau (aréquier), tức cùng nghĩa là người mới cưới vợ. Trên bản đồ phủ Ninh Thuận trong “Thông quốc diên cách hải chử” cũng có ghi Tân Lang Dữ. Các bản đồ về tuyến đường biển đông Ấn Độ từ năm 1618 hoặc bản đồ Taberd cũng ghi “Cù Lao Cau”. Như vậy, đúng nghĩa phải là Cù Lao Cau (hòn Tân Lang/ Tân Lang Dữ) nhưng do bị chệch âm của người bản địa từ Cau thành Câu. Hòn đảo này cách bờ xã Phước Thể gần 7 hải lý, cảnh quan đã đẹp về tên gọi nhưng còn có giá trị tiềm năng thiên nhiên với khoảng 234 loài san hô, 34 loài thủy sinh vật biển quý hiếm…


Trong “Đại Nam nhất thống chí” dưới triều Nguyễn, ở phần Sơn Xuyên mô tả về Gò Xích Thổ (đất đỏ):
“Ở phía tây nam huyện. Nguyên có một động cát cao từ thôn Lương Sơn chạy đến, qua phía trước tỉnh thành cũ, đến đây đột khởi một gò đất sắc đỏ, phàm những ghe buồm đi biển, qua các chỗ Vị Nê và La Hàn đều trông thấy cả. Dưới có giếng tên là Long Hạm, nước trong và ngọt. Năm Tự Đức thứ 12 (1859) dựng đồn ở đấy gọi là đồn Xích Thổ”(1), vị trí này khoảng gần cầu Sông Đồng. Tên gọi theo chữ Hán, ngọn đồi này có tên là Xích Thổ Cương tức Gò Đất Đỏ, nhưng do sau này viết sang chữ Việt sai dấu giọng và dẫn đến sai cả nghĩa, từ Gò Xích Thổ / Đất, lại thành Xích Thố (?)…  Trước năm 1975, tại đây có một đồn lính VNCH trú đóng với tên đồn Xích Thố. Dù có sự lẫn lộn nhưng dần dần quen thuộc với người dân địa phương về một địa danh, lại cũng có người nghĩ rằng “xích thố” ở đây là con ngựa chiến có bộ lông màu đỏ theo truyện tích xưa (2). Qua mắt nhìn sẽ thấy không phù hợp với địa hình dải đồi “đất đỏ” (xích thổ) nổi lên giữa vùng cát trắng mênh mông ở đây. Quá trình phát triển cư dân có xu hướng từ bắc vào nam, thì Tuy Phong có nhiều ưu thế là cửa ngõ Bình Thuận, nhưng từ Cá Ná vào chỉ là vùng đất cát hoang hóa, lùm bụi và thú dữ hoành hành cho nên dân cư chỉ dồn về phần đất dọc biển phía nam. Theo tư liệu trong “Việt Nam những sự kiện lịch sử” thì ngày 18.2.1916, toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Phan Rí (Bình Thuận), tức cách đây hơn 100 năm và chỉ sau năm thành lập thị xã Phan Thiết (1898) không xa. 

Lần theo những địa danh xưa nay không còn trong hệ thống hành chính nhưng có thể hình dung được sức sống tiềm ẩn của vùng đất đầy nắng gió, khô hạn quanh năm và một thời bị băm nát bởi chiến tranh. Vậy mà, những địa danh cũ, mới lại đầy sức sinh động vươn mình với nghề khai thác hải sản truyền thống như Phan Rí Cửa, Phước Thể, bãi Dẻ, bãi Đá Chẹt, bãi Đầm, bãi Trọ, La Gàn… Tuy Phong có lợi thế một bãi biển được thiên nhiên ưu đãi giàu cảnh sắc tuyệt vời trong không gian biển trời lãng mạn. Đó là Gành Son, Đồi Dương, Bình Thạnh và các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng như chùa Cổ Thạch, Tháp Chăm, đình Bình An, đồi Cát Bay, lăng Ông Nam Hải… gắn liền với những huyền thoại, những câu chuyện có giá trị nhân văn. Cù Lao Câu, bãi đá bảy màu ở bãi biển Bình Thạnh đã trở thành “đặc sản” thu hút ngày càng nhiều đối với khách du lịch từ các nơi. 


                                               Tháp Chàm Pô Dam
   
Với đường sắt song hành cùng quốc lộ lA tuyến bắc - nam, Tuy Phong có nhiều thuận lợi về giao thương, kết nối các vùng miền trong phát triển kinh tế. Tính từ năm 1832, Tuy Phong được thành lập huyện đến nay đã đi qua chặng đường lịch sử gần 190 năm hình thành và phát triển với bao nỗi thăng trầm. Địa giới Bình Thuận với Ninh Thuận từ cột mốc là rặng núi đá Cà Ná hoang sơ chạy dài, trườn mình ra biển trở thành bức bình phong che chắn và làm nên vùng đất biển Tuy Phong êm ả, sóng nước hiền hòa. Từ khi làn sóng lưu dân các tỉnh miền Trung và một bộ phận người Chăm xuôi nam đã chọn nơi này mở đất lập làng, quần tụ cư dân qua những địa danh mang dấu tích xa xưa. Những địa danh đó đã gợi lên hình tượng cứng cỏi, bản lĩnh trước sóng gió mà rất đỗi tự hào đứng vững trên mảnh đất thiêng liêng. Không phải tự dưng Gành Son, Xích Thổ Cương nhuộm mình sắc đỏ, bãi đá màu Bình Thạnh lung linh dưới nắng trời, tiếng chuông chùa Cổ Thạch, Bảo Sơn vẫn rưng rưng…bởi phải thấm đẫm máu, nước mắt của các thế hệ nối tiếp nhau để có điều kỳ diệu trên quê hương Tuy Phong hôm nay. 

                                                                                       Phan Chính
 *
(1) Đại Nam Nhất Thống Chí, q.12- Nxb Nhà Văn hóa-Bộ VHGD/VNCH-1965.
(2) Thố theo nghĩa Hán Nôm còn là con Thỏ. Nhưng theo tích xưa trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa, Xích Thố là con tuấn mã huyền thoại của hai võ tướng Lã Bố và Quan Vân Trường… Cả hai nghĩa đều không phù hợp với sách ĐNNTC đã ghi Xích Thổ Cương (Thổ/Đất). Trong sách “Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”- Nxb Khoa học Xã hội, nhắc đến địa danh Xích Thổ ở Biên Hòa, cho rằng vùng “đất đỏ” nằm giữa Bà Rịa với Xuyên Mộc - có thể đó là huyện Đất Đỏ ngày nay, vùng đất bazan màu đỏ là phù hợp với “Xích Thổ”.

Không có nhận xét nào: