BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

TRẬN CHIẾN VÌ KURIL: NHẬT CHUẨN BỊ TRẬN TSUHIMA 2 CHO NGA - Vladimir Tuchkov, Lê Hùng và Nguyễn Hoàng dịch

Xin giới thiệu một bài viết của chuyên gia quân sự, kỹ sư  người Nga Vladimir Tuchkov (với tiêu đề và phụ đề trên). Bài đăng trên tạp chí “Svobodnaia Pressa” (Nga) ngày 21/3/2020.
Thêm một đoạn văn ngắn gọn về Hải chiến Tsushima: trận chiến giữa Hải quân Đế quốc Nga và Hải quân Đế quốc Nhật Bản tại eo biển Tsushima trong Chiến tranh Nga-Nhật trong các ngày 27-28/5/1905. Trận chiến với 1 tàu tuần dương, 1 tàu khu trục, 3 tàu đổ bộ cỡ lớn và 2 tàu hộ tống của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.


Hạm đội Nhật do Đô đốc Togo Heihachiro chỉ huy đã tiêu diệt hai phần ba đội tàu Nga dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Zinovy Rozhestvensky. (Đây được coi là một trong những trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử-ND).

TRẬN CHIẾN VÌ KURIL: NHẬT CHUẨN BỊ TRẬN TSUHIMA 2 CHO NGA
                           Vladimir Tuchkov, Lê Hùng - Nguyễn Hoàng dịch

Vừa mới đây, Hãng thông tấn Kyodo News Nhật Bản đưa tin là Hải quân nước này đã bắt đầu đưa vào trực chiến tàu khu trục mới “Maya”. Tổng kinh phí đóng chiếc tàu đầu tiên đưọc mang tên Núi Maya tỉnh Kobe này là 1,6 tỷ USD.

Tàu khu trục thứ hai thuộc lớp này sẽ được đưa vào trang bị cho Hải quân Nhật vào tháng 3/2021.

Theo điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, quốc gia này không có quyền tham gia vào bất kỳ một cuộc xung đột quân sự nào bên ngoài lãnh thổ nước mình. Tuy vậy, tàu khu trục "Maya" lại là tàu hoạt động trên các đại dương, có thể tham gia các hoạt động quân sự ở khoảng cách cách bờ biển nước Nhật hàng nghìn hải lý.

Tàu này có lượng giãn nước 8.200 tấn (tiêu chuẩn) và 10.250 tấn (đầy tải). Chiều dài - 170 m, chiều rộng - 22,2 m, mớn nước - 6,4 m. Ứng dụng công nghệ tàng hình. Tàu có thể chạy với tốc độ 30 hải lý / giờ. Cự ly hoạt động – 4.500 hải lý. Kíp thủy thủ- 307 người.

Tuy vậy, nhưng nếu nói rằng “Maya” là một con tàu được đóng mới từ đầu thì cũng không hoàn toàn đúng. Thực ra nó là phiên bản thứ hai từ tàu khu trục "Congo" được đưa vào trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển (Hải quân) Nhật Bản từ năm 1993.

Tàu “Congo” thực sự là một bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ hải quân của đất nước Mặt Trời Mọc. (Vì) vào thời kỳ đó,Tokyo liên tục đề nghị và hối thúc Mỹ cho phép nước này trang bị cho tàu của mình hệ thống phòng thủ chống tên lửa “Aegis”.

Hơn nữa, yêu cầu tối đa từ phía Nhật Bản khi đó – được sử dụng công nghệ đóng chiếc tàu là phương tiện mang hệ thống “Aegis”- tức tàu khu trục “Arleigh Burke”. Cuối cùng, trước các đề nghị khẩn thiết đó của Tokyo, Quốc hội Mỹ đã đầu hàng (cho phép Nhật) vì cho rằng Nhật Bản quả thực đang bị đe dọa bởi tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên.

Chuyện này xảy ra vào năm 1988, khi "Arleigh Burke" còn chưa được khởi công đóng tại Mỹ.

Đã có 4 tàu khu trục lớp “Congo” xuất xưởng. Chiếc mới nhất được các thủy thủ Nhật tiếp nhận và đưa vào trực chiến năm 1998.

Sau đó, có thêm trong trang bị 2 tàu khu trục hiện đại hơn lớp “Atago” (2007 và 2008).

Tàu khu trục “Maya” mới này vẫn giữ nguyên kích thước và hình dạng như của người tiền nhiệm. Lượng giãn nước có tăng lên một chút. Nhưng còn về tốc độ, cự ly hoạt động, kíp thủy thủ, máy bay lên thẳng- tất cả được giữ nguyên, không có thay đổi gì lớn.

Chỉ có một số thay đổi, và là những thay đổi rất đáng kể và chỉ liên quan đến vũ khí trên tàu khu trục. Có nghĩa là có khác biệt so với cơ số vũ khí của tàu vào những năm cuối thập kỷ thứ hai của những năm 2000.

Tất nhiên, như đã biết, liên quan đến loại vũ khí chính trên tàu- đó là hệ thống “Aegis”, vì nó nên người Nhật mới đóng ba lớp tàu khu trục (“Congo”, “Atgo” và “Maya”) mang tên lửa có điều khiển như vậy.

Để phóng các tên lửa đánh chặn, “Maya” sử dụng các tổ hợp phóng đa năng Mk 41 với 96 ống phóng thẳng đứng.

Trên các tàu khu trục trước đây, kiểu tên lửa được sử dụng không phải là quá “tươi mới”- đó là tên lửa đánh chặn RIM-156 SM-2 dẫn đường vô tuyến và không có các tính năng quá xuất sắc nếu tinh theo các tiêu chỉ hiện đại.

Nếu cự ly tiêu diệt mục tiêu của tên lửa này tới 167 km, thì độ cao đánh chặn tối đa chỉ là 33 km với tốc độ bay tối đa khoảng 3 M. Đem những tên lửa này để “xử lý” các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thì quả là khá khó khăn.

Nhưng để bắn hạ các máy bay dân dụng thì RIM-156 tỏ ra rất hiệu quả- vào năm 1988, chính nó đã bắn rơi một máy bay chở khách của Iran trên không phận Vịnh Ba Tư làm 290 người thiệt mạng.

Trên tàu khu trục “Maya”, các ống phóng Mk-41 được lắp các tên lửa đánh chặn hiện đại hơn nhiều và cũng hiệu quả nhiều. Có hai kiểu tên lửa như vậy.

Đó là tên lửa RIM-161 SM-3 Block II có chức năng đánh chặn các mục tiêu bên ngoài bầu khí quyển, mà trước hết, là các tên lửa đạn đạo tầm trung. Cự ly đánh chặn tối đa là 700 km.

Trần đánh chặn tối đa - 500 km. Khi tiến hành thử nghiệm tên lửa này vào năm 2008, nó đã bắn trúng và phá hủy vệ tinh liên lạc USA-193 của Mỹ khi đó đang ở trên quỹ đạo có độ cao 247 km.

Cần phải nói rằng Lầu Năm Góc đặt rất nhiều kỳ vọng vào khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của dòng tên lửa này (hiện chúng mới chỉ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và một số tên lửa đạn đạo tầm trung) .

Và mỗi phiên bản mới của tên lửa đánh chặn SM-3 lại đưa quân đội Mỹ tiến gần hơn đến một giải pháp dứt điểm giải quyết nhiệm vụ tối đa (đánh chặn được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa).

Bước tiếp theo- sẽ là đưa tên lửa chống tên lửa SM-3 Block II vào trạng thái sẵn sàng chiến đầu hoàn chỉnh và kết thúc công tác thiết kế và thử nghiệm tên lửa SM-3 Block IIB.

Thực ra, nói cho đúng thì khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vừa nói tới ở trên chỉ liên quan đến vũ khí tên lửa "thô”, có nghĩa là những tên lửa không được trang bị tổ hợp chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương một cách hiệu quả - chủ yếu là những tên lửa của Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng đang ráo riết hoàn thiện năng lực tấn công của mình.

Kiểu thứ hai- tên lửa đánh chặn RIM-174 SM-6- đó là phiên bản hoàn thiện tiếp theo của dòng SM-2. Thay cho thiết bị dẫn đường vô tuyến tới mục tiêu, nó được trang bị đầu tự dẫn radar.

Tốc độ tăng lên tới 3,5 M. Trần bắn vẫn như cũ – chỉ 33 km, nhưng cự ly bắn tăng lên 240 km. Mặc dù trong các nhiệm vụ của nó có cả nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo và các khối tác chiến, nhưng RIM-174 SM-6 có thể đối phó thành công nhất với các tên lửa hành trình và máy bay.

Các loại vũ khí còn lại đều là vũ khí truyền thống cho tàu lớp này. Nhưng thay cho tên lửa chống hạm “Harpoon” đã lỗi thời của Mỹ là các tên lửa chống hạm “Type 12” “thuần Nhật”. Những tên lửa này cũng được đặt trong các tổ hợp phóng Mk 41.

Để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ chống ngầm, người Nhật sử dụng tên lửa chống ngầm có điều khiển RUM-139 VL-Asroc do Mỹ sản xuất, - các tên lửa này cũng được phóng từ Mk 41.

Có các ngư lôi cỡ 324 ly. Hai khẩu pháo phòng không sáu nòng 20 ly. Một pháo cỡ nòng 127 ly. Xét tổng thể, mọi thứ đều cân bằng và hợp lý.

Tàu khu trục “Maya” được trang bị các phương tiện vô tuyến- điện tử rất hiện đại. Trước hết, đó là một radar ba tọa độ ăng ten mạng pha chủ động kết nối với hệ thống “Aegis”. Hệ thống này (“Aegis”) cũng còn có ba radar chỉ mục tiêu được sử dụng trong trường hợp phóng tên lửa đánh chặn SM-2.

Có một sonar làm việc cho hệ thống thông tin- chỉ huy tác chiến chống ngầm. Và cũng còn có một tổ hợp tác chiến điện tử hiện đại.

Và như vậy, Nhật Bản có 7 tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển được trang bị hệ thống “Aegis”. Còn 2 tàu khu trục nữa có “khiêm tốn hơn một chút” được đưa vào trang bị cho Hải quân trong những năm 80.

Số lượng các tàu khu trục Nhật Bản có chức năng chống cả tàu mặt nước và tàu ngầm là rất lớn. Trong thế kỷ 21, đã có 20 tàu thuộc bốn lớp – “Asahi”, “Akazuki”, “Takanami” và “Murasame” được đưa vào trực chiến. Còn 10 chiếc khác nữa– thuộc các lớp “Asagiri” và “Hatsuyuki” - được đóng vào những năm 80 và 90. Tổng cộng, tính cả các tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển là 39 tàu.

Còn có thêm 4 tàu mang máy bay lên thẳng “Izumo”, mỗi tàu có thể mang tới 28 máy bay. Và còn có 6 khinh hạm lớp “Abukuma”.


Rõ ràng là, sức mạnh Hải quân Nhật Bản vượt trội so với hạm đội tàu mặt nước không chỉ của Hạm đội Thái Bình Dương, mà còn ngay cả của toàn lực lượng tàu nổi Hải quân Nga.

Và đây là một thực tế rất đáng báo động trong bối cảnh sự hỗn loạn đang ngày càng tăng trong các tiến trình chính trị và kinh tế trên thế giới. Như chúng ta thấy, nếu xảy ra bất kỳ một cuộc xung đột nghiêm trọng nào, sẽ không có bất kỳ ai (tàu nào) đến hỗ trợ các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương Nga.

Nga không có một lực lượng đủ sức đối phó trên biển với 39 tàu khu trục, 4 tàu mang máy bay lên thẳng và 6 khinh hạm.

Còn Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản- đó lại là một chủ đề rất đặc biệt. Tất cả 22 tàu ngầm đang hoạt động- đều là tàu ngầm phi hạt nhân. 11 chiếc sery “Oyashio” và 11 chiếc lớp “Soryu”.

Nhưng vấn đề là ở chỗ người Nhật ứng dụng các công nghệ trong lĩnh vực chế tạo động cơ hoàn thiện đến mức các công trình sư Nga hiện nay vẫn chưa với tới.

Tất cả các tàu ngầm Nhật đều sử dụng tổ hợp động lực AIP (Air-independent propulsion) với động cơ Stirling. Nhờ vậy mà tàu ngầm Nhật có thể lặn dưới nước liên tục không cần nổi lên tới 2-3 tuần.

Nhưng vừa mới tháng 3 này, các công trình sư Nhật Bản lại còn đã tiến xa hơn nữa. Vào đầu tháng 3, chiếc tàu ngầm thứ 11 lớp “Soryu” với cái tên “Oryu” đã được đưa vào biên chế.

Thay cho động cơ AIP, tàu “Oryu” sử dụng ắc quy lithium-ion có ưu thế hơn hẳn so với ắc quy axit-chì truyền thống trên các tàu ngầm.

Chúng có công suất lớn hơn 2-3 lần. Nhờ vậy mà tàu có thể di chuyển trong một thời gian dài với tốc độ cao khi tấn công đối phương hoặc trong trường hợp phải “thoát ly” kẻ thù. Một ưu thế rất nổi bật nữa là thời gian sạc nhanh hơn nhiều so với ắc quy truyền thống.


Tàu ngầm Nhật “Oryu” đã là chiếc tàu ngầm phi hạt nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng ắc quy lithium-ion. Những ắc quy này cũng sẽ được trang bị cho tất cả các tàu ngầm tiếp theo lớp “Soryu”.

Rất tiếc, các công trình sư, kỹ sư Nga đến giờ vẫn chưa chế tạo xong động cơ AIP, mặc dù những nghiên cứu trên hướng này đã được tiến hành suốt một phần tư thế kỷ qua. Những nỗ lực thử nghiệm ắc quy lithium-ion trên trạm nước sâu AS-31 “Losharik” trong năm ngoái đã dẫn đến một tai nạn cướp đi sinh mạng của 14 thủy thủ tàu ngầm Nga.

                                                         Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn:
https://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tran-chien-vi-kuril-nhat-chuan-bi-tran-tsushima-2-cho-nga-3399019/

Không có nhận xét nào: