BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

BÀI THƠ “QUAN THƯ” TRONG KINH THI - Hoàng Nguyên Chương




Nguồn:
http://thohoangnguyenchuong.weebly.com/th417-d7883ch-ch7919-haacuten/bi-th-quan-th-trong-kinh-thi

Bài “quan thư” (chim Thư kêu) là bài tình ca mở đầu ở phần Quốc phong (thiên Châu Nam) và cũng là mở đầu cho toàn bộ quyển Kinh Thi. (Kinh Thi là một tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc được sáng tác khoảng từ đầu thời Tây Chu đến cuối thời Xuân Thu. Hiện nay nó còn 311 bài thơ, chia làm 3 bộ phận lớn là Phong, Nhã, Tụng). Như vậy, bài thơ “quan thư” này đã xuất hiện hơn 2600 năm, nó đã đi vào lòng người và còn tồn tại đến hôm nay mặc dù Kinh Thi đã từng bị Tần Thủy hoàng cho đốt sạch. Thế mới biết sự tồn tại của bài thơ hay còn bền bỉ hơn cả những tòa lâu đài cung điện đã từng có ở trên mặt đất

Ngự bút bài thơ Quan thư (Chu Nam) của vua Thanh Càn Long và bức tranh minh họa


BÀI THƠ “QUAN THƯ” TRONG KINH THI

關雎 QUAN THƯ (1)

鳩, Quan quan (2) thư cưu (3)
洲。 Tại hà chi châu.
女, Yểu điệu thục nữ (4)
逑。 Quân tử (4) hảo cầu

菜, Sâm si hạnh thái (5)
之。 Tả hữu lưu chi
女, Yểu điệu thục nữ,
之。 Ngụ mị cầu chi.

得, Cầu chi bất đắc,
服。 Ngụ mị tư phục
哉。 Du tai! du tai!
側。 Triển chuyển phản trắc.

菜, Sâm si hạnh thái,
之。 Tả hữu thái chi
女, Yểu điệu thục nữ,
之。 Cầm sắt (6) hữu chi

菜, Sâm si hạnh thái
之。 Tả hữu mạo chi
女。 Yểu điệu thục nữ.
之。 Chung cổ lạc chi

* Khuyết danh

* Dịch nghĩa:

QUAN THƯ

(CHIM THƯ KÊU)

I) Chim Thư cưu cất tiếng kêu quan quan
Ở trên cồn bãi sông.
Như người con gái hiền thục dịu dàng
Sánh đẹp đôi cùng người quân tử.

II) Rau hạnh mọc so le um tùm
Cả bờ trái bờ phải theo dòng nước chảy
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta thức ngủ đều mơ tưởng đến nàng

Mơ tưởng đến nàng mà không được gặp
Thức ngủ đều mong nhớ
Ôi ! Triền miên! Triền miên!
Để ta luôn trằn trọc trăn trở.

III) Rau hạnh mọc so le um tùm
Hái bên trái rồi hái bên phải
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta ước mong được cùng nàng kết duyên cầm sắt

Rau hạnh mọc so le um tùm
Chọn hái cả bên trái rồi bên phải
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta muốn giúp cho nàng vui bằng tiếng chuông trống

* Dịch thơ:

QUAN THƯ...

(Chim thư kêu...)

I) Chim thư cưu họa tiếng
Hót trên cồn bãi sông
Như cô gái dịu hiền
Sánh đẹp đôi quân tử

II) Rau hạnh mọc lô nhô
Ven theo dòng phải trái
Người con gái dịu hiền
Thức ngủ ta mơ mãi

Mơ nàng chưa được gặp
Thức ngủ đều nhớ mong
Ôi! Nỗi nhớ triền miên
Cứ bâng khuâng trằn trọc.

III) Rau hạnh mọc lô nhô
Trái phải trông nàng hái
Người con gái dịu hiền
Ta ước duyên cầm sắt.

Rau hạnh mọc lô nhô
Trái phải gom từng cọng
Người con gái dịu hiền
Xin chào vui chuông trống.

* Hoàng Nguyên Chương dịch

   
               Đọan đầu Kinh Thi trên trúc (ảnh Internet)

======/= =====

Chú thích

1 - Quan thư: Tên đề bài thơ. Những bài thơ trong Kinh Thi hầu hết đều không có đầu đề nên người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt tên đề cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu”.
2- - Quan quan: Theo chú giải của Chu Hy (đời Tống): Quan quan là tiếng chim trống và chim mái ứng họa nhau.Như vậy đây là từ tượng thanh nếu đọc theo âm bạch thoại là “Kwuan kwuan” vì “quan quan” chỉ là âm Hán Việt.
3- Thư cưu: Cũng theo Chu Hy : thư cưu là loài chim nước, loài chim này còn có một tên khác nữa là “vương thư”, hình dạng giống như chim phù y, chúng thường xuất hiện ở khoảng sông Trường giang và sông Hoài. Chim này sống có đôi nhất định, người ta chưa hề thấy chúng sống lẻ loi hay sống dư cặp. Chúng thường lội chung, tình ý đậm đà nhưng không hề lả lơi.(Lược trích chú giải của Chu Hy)
4- Thục nữ, quân tử: Theo ý của Khuông Hành (đời Hán) và sách của Mao công ( đời Hán) thì cho thục nữ (người con gái hiền lành) là bà Thái Tự (Hậu phi của Chu Văn vương), lúc bà còn thôn nữ. Còn quân tử (người có tài đức nhân cách hơn người) là vua Văn vương. Quan niệm này đã bị giới phê bình ngày nay bác bỏ. Bỡi vì đây là bài dân ca mang tình điệu chất phác thật thà đã xuất phát từ giới bình dân, nói lên tình cảm đơn phương của chàng trai với cô gái hái rau. Nó không hề dính dáng gì đến chuyện của phi tần vương đế.
5- Hạnh thái: Rau hạnh. Theo Chu Hy nó còn có tên là rau tiếp dư, rễ mọc ở đáy nước, lá màu đỏ tía hình tròn, đường kính hơn một tấc, nổi trên mặt nước. Rau này mọc ven theo hai bên bờ trái phải dưới dòng sông .
6- Cầm sắt: Đàn cầm (Có 5 dây) và đàn sắt (có 25 dây). Là hai loại đàn cổ thường dùng hòa âm với nhau. Cầm sắt mang biểu tượng chỉ tình vợ chồng hòa hợp.
Bởi vậy, câu “cầm sắt hữu chi” nếu hiểu là đem đàn cầm, đàn sắt ra để đánh cho người thiếu nữ nghe thì không hợp lý mà nó chỉ có nghĩa là chàng trai mơ ước muốn được cùng thiếu nữ hái rau sánh duyên cầm sắt (duyên chồng vợ) mà thôi.
Cũng do cách lý giải của Chu Hy và các người thời trước mà ta lại thấy có những ý như “u nhàn thục nữ, hoặc cảnh vua cho người hái rau về nấu chín rau rồi bày hai bên…” chứ thực ra trong nguyên tác không hề có những ý này.

         
                              Chim Thư Cưu - theo google

Giới thiệu một số bản dịch khác:

1)  Bản dịch của Tản Đà

Thư cưu kêu quan quan
Quan quan cái con thư cưu,
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai,
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.

Muốn ăn rau hạnh theo dòng
Muốn cô thục nữ mơ mòng được đâu.
Nhớ cô dằng dặc cơn sầu,
Cho ta dằn dọc dễ hầu ngủ yên.

Muốn ăn rau hạnh hái về,
Muốn cô thục nữ nay về cùng ta.
Tiếng chuông tiếng trống vui hòa,
Tiếng cầm tiếng sắt mặn mà yêu đương.

                                          Tản Đà dịch

   

2) Bản dịch của Tạ Quang Phát: (Tác giả đã dịch Kinh Thi thời nay)

+ Quan thư 1:

Quan quan kìa tiếng thư cưu
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy
U nhàn thục nữ thế này
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.

+ Quan thư 2:

So le rau hạnh lơ thơ
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên
U nhàn thục nữ chính chuyên
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời
Nếu cầu mà chẳng được người
Khi mơ khi tỉnh bồi hồi nhớ thương
Xa xôi trông nhớ đêm trường
Chiếc thân trằn trọc trên giường nào yên.

+ Quan thư 3:

 Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
Bên sông rau hạnh vắn dài,
Đem về nấu chín mà bầy hai bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.

                                Tạ Quang Phát dịch

3) Bản dịch chưa rõ tên tác giả:

Quan quan kìa tiếng thư cưu
Đôi chim hót họa bãi sau sông Hà
Nết na cô gái mặn mà
Cùng chàng quân tử thật là xứng đôi

So le rau hạnh ngắn dài
Cô em ngắt hái ngọn ngòai ngọn trong
Yêu nàng anh những ước mong
Cầu mà chẳng được anh trông đêm ngày
Chao ôi là cái đêm dài
Băn khoăn trằn trọc thức hòai nhớ em
So le rau hạnh mọc xen,
Cô em ngắt hái đôi bên nhịp nhàng,
Nết na cô gái dịu dàng
Ước ao cầm sắt cùng nàng hợp duyên
So le rau hạnh mọc xen,
Cô em ngắt hái đôi bên nhịp nhàng
 Nết na cô gái dịu dàng
Ước ao chuông trống cùng nàng hòa vui

            (Chưa tìm ra tên tác giả đã dịch)

                                                             Hoàng Nguyên Chương




4 nhận xét:

Bâng Khuâng nói...

“Quan thư”– Bài thơ là bài ca dao nổi tiếng xuất xứ từ vùng Chu Công cai quản, nay thuộc Thiểm Tây. Khổng Tử từng khen: “Quan thư vui mà không sa đà, buồn mà không thảm thương”, nghĩa là đúng mức, hợp đạo trung dung. “Quan thư” hay vì nó thể hiện một tình yêu trong lao động trong sáng, thiết tha và lành mạnh.
Bài thơ là hình ảnh của một chàng trai theo đuổi một cô gái trẻ đẹp. Mở đầu là âm thanh của tiếng chim “thư cưu”, một loài chim mà lúc nào con trống và con mái cũng có đôi có cặp bên nhau. Nghe tiếng chim kêu gọi nhau, anh ta mơ màng nghĩ đến cô gái hái rau hạnh, rồi nhớ thương, rồi trằn trọc, đêm đối với anh sao dài thế. Rồi tưởng tượng ra ngày cưới, anh mong ước được gặp mặt, mong ước được trao duyên… Ở đây tình yêu biểu lộ rất chân thành và tha thiết:

Nhớ cô dằng dặc cơn sầu
Cho ta trằn trọc dễ hầu ngủ yên
Người con gái dịu dàng xinh đẹp
Ta hằng mong ước

Mong ước chẳng được
Đêm ngủ không yên
Đêm dài sao, dài sao
Ta trằn trọc trăn trở.
(Dịch thơ)

Ca dao Việt Nam có câu:

– Đêm nằm lưng chẳng tới giường
Chỉ mong trời sáng ra đường gặp nhau

– Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than

Nhà thơ chân quê – Nguyễn Bính với bài “Tương tư”, cũng với nỗi lòng không biết tỏ cùng ai:

Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho

*
Một lần nữa lòng ước mong kết đôi được nhắc đến, nhưng ở đây là âm thanh của tiếng “đàn cầm”, “đàn sắt”, tiếng “chiêng”, “trống” – những thứ nhạc cụ mà nhạc điệu hòa huyện với nhau rất hay

Từ yêu đến mong kết duyên – chung thủy. Cái gọi là tính chân thật của ca dao dân ca là ở đó. Nó nói thẳng lòng mình không quanh co giấu diếm. Ngoài ra, hai cặp câu đầu tạo thành khổ thơ ở đây như không có vẻ gì gắn kết với nhau, trước mắt ta là hai lớp màu riêng biệt, các sự vật dường như rời rạc với nhau, bỗng dưng gần gũi kết hợp cùng nhau, đấy là cái đặc sắc của bài thơ.

Quan trọng hơn, cái để xác định “Quan thư” là bài tình ca dân gian không phải như Khổng Tử nói là: “Đúng đạo, vui mà không sa đà, buồn mà không thảm thương” mà là ở chỗ: cái đẹp cái uyển chuyển của cô gái, ở đây là cái đẹp, cái uyển chuyển trong lao động. Nói cách khác tình yêu ở đây bắt nguồn từ lao động, nó mộc mạc, chân chất, không phấn son, không tô vẽ, nó tiêu biểu cho tình yêu trong Kinh Thi. “Quan thư” hay còn vì cách TỈ, khi mượn đôi chim “thư cưu” để nói về mình và người con gái mà chàng trai yêu. Tác giả đã từ xa đến gần, từ vật đến người, làm cho ta nhớ đến bài “Hôm qua tát nước đầu đình” (bỏ quên cái áo, cái áo sứt chỉ đường tà vì mẹ già chưa khâu và đương nhiên chưa có ai khâu hộ). Ở bài này, hai chữ “Quan quan” hình dung nên tiếng kêu của một loài chim, “yểu điệu” thể hiện nét đẹp của một thục nữ. “Triển chuyển” để khắc họa tình trạng do tương tư không ngủ được, vừa có âm thanh hài hòa, lại có hình tượng sinh động. Bài “Quan thư” còn có một đặc điểm nghệ thuật nữa là ở thủ pháp “HỨNG”, tức là khêu gợi mượn sự vật bên ngoài (tiếng chim) để khêu gợi tình cảm bên trong nhằm mục đích nói lên tiếng lòng của mình. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, “Hứng” là cách dùng mang ý nghĩa như tỷ dụ, tượng trưng, làm nổi bật… Nhưng bởi “Hứng” nguyên là một tư duy bay bổng, do tình cảm và liên tưởng sản sinh ra, cho nên dù ý nghĩa khá hiện thực đi nữa, nó vẫn không cứng nhắc, cố định mà là bóng gió, tế nhị. Ở bài thơ “Quan thư” bằng việc mở đầu bằng hai câu: “Quan quan thư cưu, tại hà chi châu” nguyên là do khi mượn cảnh vật trước mắt để “hứng khởi” cho đoạn văn sau: “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”. Nhưng tiếng gáy hòa nhau của đôi chim cũng có thể so với sự tìm lứa đôi giữa nam nữ, hoặc sự ân ái giữa trai gái. Bài “Quan thư”, còn sử dụng lối “trùng chương điệp cú”, với mỗi lần lặp lại thì tính chất lại cao hơn sâu hơn.

Bâng Khuâng nói...

Trong thời đại của Kinh Thi, đối với việc hạn chế tiếp xúc giữa nam nữ chưa nghiêm khắc như sau này, nên chúng ta thấy được những chàng trai và cô gái trẻ tự do hẹn hò, gặp gỡ nhau để nói chuyện tình yêu, bày tỏ tâm sự của mình.
Nỗi nhớ thương quyến luyến của chàng trai đối với người mình yêu trong bài “Quan thư”, ở Ca dao Việt Nam thì:
Anh trông em như cóc trông mưa
Ngày trông đêm tưởng như đò đưa sông.
Hoặc:
– Đêm nằm lưng chẳng tới giường
Chỉ mong trời sáng ra đường gặp nhau
– Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
Hay:
Đàn cầm đã bén duyên tơ
Năm canh luống những ngẩn ngơ tiếng đàn
Ở đây xuất hiện âm thanh của tiếng đàn cầm, mà trong bài “Quan thư” của Kinh Thi cũng đã từng nhắc đến, thể hiện sự hòa hợp, giao hòa giữa đôi uyên ương.

Bâng Khuâng nói...

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu thái chi
Yểu điệu thục nữ,
Cầm sắt hữu chi
*
Rau hạnh mọc lô nhô
Trái phải trông nàng hái
Người con gái dịu hiền
Ta ước duyên cầm sắt.
*
QUAN THƯ là bài ca dao cổ của Trung Hoa trong Kinh Thi. Đọc đoạn thơ trên tôi liên tưởng đến ca dao Việt Nam:

Ới cô cắt cỏ một mình
Cho tôi cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho tôi cắt với làm đôi vợ chồng

NỖI NIỀM nói...

Kinh Thi là một tổng tập thơ ca cổ nhất của Trung Quốc xưa, xuất hiện khoảng giữa thế kỷ VI trước công nguyên. Ban đầu sách này chỉ gọi là “THI”, chứ chưa gọi là “Kinh Thi”. Từ khi Khổng Tử đem Thi, Thư, Lễ, Nhạc dạy cho môn đệ, các nhà Nho đời sau mới gọi là “Kinh”. Đến đời Hán mới chính thức có tên “Kinh Thi”. Đến lúc này, bộ tác phẩm văn học gồm 305 bài thơ đời Chu mới được mệnh danh là “Kinh Thi”.
Trong 305 bài Kinh Thi, có ca dao của nhân dân, có sáng tác của quí tộc. Một khối lượng lớn về dân ca trong Kinh Thi là những sáng tác truyền khẩu được tập hợp lại, có thể đã được nhuận sắc ít nhiều, nhưng nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên.
Vào đời Chu, 305 bài thơ trong Kinh Thi đều được xem như những chương nhạc, vì tất cả đều được phối với các thứ đàn, sáo, có thể hát lên được. Khổng Tử dùng Kinh Thi để dạy học trò và cũng đính chính một số chỗ trong Kinh Thi. Vì mối quan hệ mật thiết giữa Khổng Tử với Kinh Thi mà các nhà Nho cùng học giả đời Hán đã gọi ông là người san định cuốn Kinh Thi.