BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

CÔNG CHÚA NGOẠI QUỐC DUY NHẤT Ở VIỆT NAM ĐƯỢC LẬP ĐỀN THỜ - Hòa Trần

Vì có công huấn luyện voi chiến cho Đại Việt nên công chúa nước Lào là Nhồi Hoa được lập đền thờ tại thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai (Nho Quan - Ninh Bình).

                                  Đền Thượng thờ công chúa Nhồi Hoa. Ảnh: TG.
                 

CÔNG CHÚA NGOẠI QUỐC DUY NHẤT Ở VIỆT NAM ĐƯỢC LẬP ĐỀN THỜ
                                                                                         Hòa Trần

Sơn Lai là vùng đất cổ, hiện thuộc phạm vi của Quần thể Danh thắng Tràng An. Vào thế kỷ X, Sơn Lai là cửa ngõ phía Tây của “Hoa Lư tứ trấn”, thời nhà Trần (năm 1226), vùng đất này thuộc trấn Thiên Quan. Thời Hậu Lê, Sơn Lai thuộc phủ Thiên Quan, xứ Thanh Hóa.

Năm thứ 2 niên hiệu Thuận Thành Hồ Hán Thương (năm Nhâm Ngọ 1402) và tháng ba con đường từ Tây Đô (tức Thanh Hóa) đến Hóa Châu được sửa sang xây đắp lại, dọc đường cho đến phố xá có thể truyền thư tín, nên gọi là đường Thiên Lý. Sơn Lai nằm trên trục đường Thượng đạo này.

CÔNG CHÚA HUẤN LUYỆN VOI CHIẾN

Đền Thượng Thái Sơn nhỏ bé, cổ kính giữa đỉnh đồi Đền được người dân Sơn Lai quanh năm hương khói, tổ chức lễ hội đậm bản sắc Việt - Lào.

Các cao niên thôn Thái Sơn nói rằng, đó là ngôi đền thiêng nhất trong vùng, ai xin gì cầu gì đều rất ứng nghiệm. Bởi vậy, du khách về thăm Danh thắng Tràng An, nhiều người phải cố công tìm đến đền Thượng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Tân Mão năm thứ 2 (1471) (Minh Thành Hóa thứ 7)... Thổ quan phủ Trấn Ninh là Cầm Công sai đầu mục sang chầu và dâng cống. Thổ quan châu Thuận Bình là bọn đạo nhị đến chầu. Bấy giờ vua về đến Thuận Hóa, tri châu là đạo Nhị và em là đạo Đồng cùng bộ lạc hơn 100 người đem 5 con voi đến cống... Giáp Ngọ năm thứ 5 (1474) (Minh Thành Hóa năm thứ 10)... Nước Ai Lao cống sản vật địa phương”.

Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình, trong thời kỳ chống giặc phương Bắc, nước Ai Lao (Lào) đã hết lòng giúp đỡ, ủng hộ Đại Việt. Truyền thuyết tại thôn Thái Sơn kể rằng, dưới thời vua Lê Thánh Tông (hiệu Hồng Đức (1460 - 1497), công chúa Nhồi Hoa được vua cha giao trách nhiệm đưa sang và huấn luyện một đàn voi chiến cho Đại Việt.

Khi xong nhiệm vụ, trên đường trở về không may công chúa lâm bệnh. Binh lính đi theo phải hạ trại, đóng hai đồn thành dinh lũy tại đồi Đền và đồi Đập lo thuốc thang cho bà. Sau một thời gian điều trị nhưng bệnh tình công chúa không hề thuyên giảm và qua đời tại trại đồi Đền.

Cũng theo truyền thuyết, sau khi công chúa Nhồi Hoa qua đời, sứ giả báo về triều đình Đại Việt, vua Lê Thánh Tông cho quân thần về làm lễ, an táng tại khu vực đồi Đền, xây khu lăng mộ và cho lập đền thờ công chúa ngay tại đó.

Sau đó, nhà vua cho người sang nước Ai Lao báo tin. Triều đình Ai Lao liền chạm chân dung công chúa trên gỗ và đưa sang Đại Việt làm lễ viếng, đồng thời để lưu niệm tình đoàn kết giữa hai nước Đại Việt – Ai Lao. Truyền thuyết này rất thích hợp với bối cảnh lịch sử thời bấy giờ.

PHONG THÁNH TRÊN ĐẤT VIỆT 

Đền Thượng tọa ở trên cao, phía Tây là lăng mộ công chúa Nhồi Hoa, phía Nam là núi Hóe Vụng, phía Đông là núi Mỏ Phượng, phía Bắc là núi Chon Gà. Đền quay hướng Nam, được xây dựng vào thời Hậu Lê.

Riêng tòa Trung đường và Hậu cung còn giữ nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, lợp ngói vảy, cửa làm theo lối chân quay, then cài, bậc cửa bằng gỗ. Đỡ mái bằng hệ thống 4 cột cái và 12 cột quân đều bằng gỗ lim.

Trong tòa Hậu cung thờ Nhồi Hoa công chúa có long đình để bức chân dung công chúa chạm trên gỗ, tương truyền là bức chạm do triều đình Ai Lao xưa đem sang. Tòa Hậu cung cũng treo đôi câu đối: “Long sử hà niên lưu tiết liệt/Phượng sơn chung cổ hưởng linh thanh”, nghĩa là: Sử sách ngàn năm lưu nghĩa tiết/Núi Phượng còn mãi tiếng linh thiêng.

Phía Tây đền Thượng là nơi đặt lăng mộ của công chúa Nhồi Hoa. Ngôi mộ nhỏ, được tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ khá nguyên vẹn kiến trúc ban đầu với đôi câu đối: “Lăng cơ ngật lập chung nhi thủy/Anh khí lưu truyền cổ cập kim”.

Đặc biệt, trong đền Thượng có bức tượng Voi phục khá cổ kính và đẹp. Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, đối với đình đền thì việc xuất hiện các bức tượng voi, ngựa… là rất bình thường. Tuy nhiên, đối với đền Thượng – nơi thờ công chúa Nhồi Hoa – người chuyên huấn luyện voi chiến lại mang một ý nghĩa, một ý niệm khác.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Quang Liễn cho rằng: “Hình ảnh voi phục ở đền Thượng Thái Sơn có hai khía cạnh ý nghĩa. Thứ nhất thể hiện công trạng của người được thờ; thứ hai thể hiện uy quyền hoàng gia”.

Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình, từ năm 2007 đền Thượng thôn Thái Sơn cùng với đình chùa Chàng, thôn Chàng thuộc xã Sơn Lai cũng thờ Nhồi Hoa công chúa được công nhận là di tích lịch sử.

Hàng năm tại di tích diễn ra lễ hội truyền thống vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, ngoài phần rước kiệu quanh làng, tổ chức tế còn nhiều trò chơi dân gian như: Chọi gà, đấu vật, kéo co, cờ người... Đặc biệt có múa hát theo điệu Chăm Pa (điệu múa hát cổ truyền của nước Lào) để tưởng nhớ về công lao của công chúa Nhồi Hoa.

Hiện nay, tại di tích đền thờ Nhồi Hoa công chúa còn lưu giữ khá nguyên vẹn một số sắc phong triều Nguyễn. Trong đó có sắc phong vào ngày 12 tháng 1 năm Tự Đức thứ 6 (1852) phong cho công chúa mỹ tự “Linh Quang Huyền Cảm Diễm Quyên Nhàn Uyển chi thần”. Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) được phong là Thượng đẳng thần.

Vì công chúa chẳng may qua đời trên đất khách nên nhiều người cho rằng, Nhồi Hoa công chúa là vị thần bản mệnh cho những người đi xa, đi làm ăn ở nước ngoài. Cho nên, không ít khách đến lễ là những người sắp xuất ngoại, thậm chí cả những người muốn tìm thân nhân đang biệt tích cũng đến khấn vái cầu mong đoàn tụ.

Quanh đền Thượng, đâu đó vẫn lưu truyền những câu chuyện huyền bí nửa hư nửa thực về sự linh thiêng của công chúa Nhồi Hoa. Rằng, không ít người từ Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… đến khấn xin công chúa đưa con cái của họ bị mất tích trở về. Sự linh ứng sau đó đã khiến khách đến lễ vái tạ ơn rất đông.

Những câu chuyện kỳ bí về công chúa Nhồi Hoa ở đền Thượng có thể chỉ là giai thoại truyền miệng. Tuy nhiên, điều đó cũng chứng tỏ sự yêu mến của người địa phương đối với nàng công chúa ngoại quốc duy nhất được lập đền thờ trên đất Việt.

                                                                                           Hòa Trần

Nguồn:
https://giaoducthoidai.vn/cong-chua-ngoai-quoc-duy-nhat-o-viet-nam-duoc-lap-den-tho-3850090.html

Không có nhận xét nào: