BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

MÊ NGỘ - Truyện ngắn của Trần Vũ Minh


                 
                                     Nhà văn Trần Vũ Minh


               MÊ NGỘ
 (Truyện ngắn đã đăng trên VNQĐ tháng 4 /2011 số 724)

Dinh quan phó đô tướng Vân Đồn mùa thu năm 1287.

Nhân Huệ Vương - Trần Khánh Dư cùng các quan ngự nơi “Lầu thưởng nguyệt ” ngắm hoa. Cả tháng nay, đám gia nhân tỏa đi khắp nơi tìm của ngon vật lạ. Những vò “Hoàng hoa mỹ tửu” đã hạ thổ bách niên, “mứt sen Dương Châu” đựng trong dĩa sứ men nâu chạm rồng đời Hán, trà “Ngọc Tĩnh” núi tuyết pha với sương đêm hứng bằng lá sen được đưa về từ Kinh Bắc. Món mặn có “Chim trời vỗ cánh”, “cháo Bát trân hầm tay gấu”, “nem công Tây Tạng”, “chả phượng Sơn Đông”, “óc khỉ đảo Hải Nam”… Cái giống hoa quỳnh đất Châu Hoan sao mà đài các cao sang đến thế, kiêu sa như thiếu nữ đến tuổi cập kê, nồng nàn mà e ấp, thanh cao quyến rũ đến lạ kỳ. Về khuya, cả khóm hoa khẽ lay động, rồi từng cánh, từng cánh cứ nhè nhẹ xòe ra đón nhận tinh túy của đất trời. Phút chốc, những cánh hoa trắng muốt ngự trên đài hoa phớt hồng từ từ cong lại, mềm mại như dải lụa, tỏa hương, ướp vào không gian dưới trời đêm se lạnh. Loài hoa này cũng lạ, cứ từ từ dâng hiến rồi vội vã lụi tàn, để lại sự tiếc nuối cho người thưởng lãm.

Đang ngất ngây trong men say cùng với những lời chúc tụng của các quan, bỗng Vương nhớ lại…

Ngày ấy, vương được đức Thánh Tông nhận làm “Thiên tử nghĩa nam” rồi được vua ân chuẩn ban tước “Nhân Huệ Vương” vì giỏi cầm quân. Vương ngất ngây trên chiếc ghế của quyền lực. Phụ thân của ngài ngày xưa làm đến thượng tướng mà cũng chỉ đến tước Hầu. Bây giờ, mỗi câu nói, cái lắc đầu của Vương là đất bằng nổi sóng, Vương muốn gì được nấy. Trong dinh thự của Vương, những bữa tiệc diễn ra thâu đêm suốt sáng. Các quan lớn nhỏ, những nhà quyền quý, khách buôn ra vô nườm nượp, vàng bạc đầy nhà, thuyền buôn của Vương tỏa đi khắp muôn nơi, điền trang thẳng cánh cò bay, thái ấp chẳng kém gì cung vua phủ chúa. Rồi ngài thông dâm với công chúa Thiên Thụy là con dâu của Hưng Đạo Vương. Theo vương pháp, vương phải tội đánh đến chết. Đức Thánh Tông vì quá yêu vương nên mật dụ cho quan án, sai lính đánh chúc đầu gậy xuống. Nhờ vậy qua một trăm trượng mà vương vẫn sống. Vua ban chỉ: “Đó là trời tha!” Vương được miễn tội chết rồi bị đuổi về quê.

Từ khi Vương bị bãi chức, các quan kiếm cớ lánh xa, môn khách cũng thưa dần, vương phủ vắng tanh, tịnh không một bóng người lui tới. Phò thịnh bỏ suy, tình đời bạc bẽo, biết vậy nhưng ruột vương vẫn đau như cắt. Giường êm, nệm ấm mà như nằm trên gai, miệng đắng như nếm mật. Cách đây mấy năm, làm sao vương hình dung ra được thảm cảnh này. Vương trằn trọc cho đến khi gà eo óc gáy…

Một đêm không ngủ được, Vương vùng dậy, một ý nghĩ vụt đến, ánh mắt lóe lên… Vương thét gọi người hầu lấy nón, áo rồi vội vã ra đi…

Tháng mười. Mùa đông năm Nhâm Ngọ. Vua chuẩn tấu lời tâu của Quốc công tiết chế Hưng đạo vương - Trần Quốc Tuấn về bến Bình Than cùng với trăm quan bàn kế chống giặc. Vua tựa thuyền rồng, dưới lọng vàng tàn tía, tư lự. Đứng bên vua là Hưng Đạo Vương cao lớn uy nghi, chòm râu ngài đã điểm bạc. Bỗng từ xa một giọng ngâm cất lên, vang trên sông lạnh:

Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi chi bán rứa, gửi rằng than
Sớm chiều miễn được đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài chi gốc củi tàn
Mong với lửa hương cho trọn kiếp
Mà xem sắt đá chẳng bền gan
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác
Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn.

Tiếng ngâm như lạ như quen, như hờn như giận… Lòng vua xao động. Ngẩn người trong giây lát, vua vẫy viên nội giám lại gần:

- Ngươi xem kia có phải là Nhân Huệ Vương đó chăng?

Viên nội giám lom dom nhìn ra. Một người đàn ông còn trẻ, cao lớn, xống áo xộc xệch đang chèo một chiếc thuyền nhỏ, đã cũ chở đầy than, chiếc nón cời bị gió thổi nghiêng lộ ra gương mặt nhem nhuốc nhưng cặp mắt vẫn sáng quắc, bộ râu ba chòm đen nhánh, phất phơ trước gió.

- Muôn tâu, đích thị là Nhân Huệ Vương rồi ạ.
- Hãy mời vương đến gặp ta!

Vương đến, quỳ trước thuyền rồng:
- Tôi chỉ là kẻ bán than quê mùa rách rưới. Quan gia có điều chi dạy bảo?
- Thôi đừng giấu ta nữa. Đấng nam nhi như con mà cũng khốn khó đến thế này ư? Hãy trở lại với ta, cùng triều đình lập công diệt giặc…

Tháng mười hai năm đó, Vương được phong làm phó đô tướng trấn giữ Vân Đồn. Khách khứa lại tụ về như cũ…

… Cơn gió mạnh thổi qua, cây cối ngã nghiêng, hoa trong vườn rơi lả tả. Vương giật mình rời bỏ những hồi ức thăng trầm trong quá khứ. Sắc mặt vương chợt đỏ chợt tái khi nhìn những điệu bộ qụy lụy khúm núm, những lời tâng bốc trơ trẽn của các quan… Một tiếng cười bật ra khô khốc sắc lạnh như dao chém đá khiến đứa hầu gái run lẩy bẩy, chiếc chén ngọc phỉ thúy rơi xuống vỡ tan. Vương bật dậy, vung kiếm, đứa hầu gái gục xuống, máu tuôn xối xả… Mặt không biến sắc, Vương tra kiếm vào vỏ, thét người hầu lấy thêm rượu. Các quan mặt xanh như tàu lá, kiếm cớ cáo lui.

Tay vuốt ve đốc kiếm, Vương cười lớn rồi khật khưỡng bước vào, buông mình xuống chiếc gường thất bảo kê trong trướng gấm. Bỗng Vương ú ớ, chân tay co quắp rồi ngã vật ra… Một bầy quỷ sứ mắt đỏ khé, nhe nanh múa vuốt nhấc Vương lên khỏi mặt đất. Vương phủ dập dềnh chao đảo. Vương rú lên hoảng loạn, muốn chạy nhưng đôi chân như hóa đá, đất như sập dưới chân. Một chiếc gông to tướng xiết chặt lấy đầu và hai tay vương. Chúng đưa Vương đến bên một con sông nước đen ngòm, tanh nồng mùi máu, khí lạnh thấu xương, mây đen tầng tầng lớp lớp. Những đợt sóng cao như trái núi đổ ập xuống, xõa ra như hàng ngàn chiếc vòi bạch tuộc khổng lồ. Một chiếc cầu kết bằng xương trắng vắt ngang, tiếng xương khô cọ vào nhau rổn rảng, không khốc ghê người. Vương ngất đi… Khi tỉnh lại, Vương thấy mình đang ở một nơi lạ hoắc, âm khí bốc lên ngùn ngụt, những ngọn đuốc đỏ ngầu, chập chờn ma quái. Vương rùng mình. Chung quanh vương, những bàn chông sắc lạnh, gươm giáo, chùy đồng, vạc dầu, cột lửa cháy phừng phực. Các phi nhân lõa thể vươn những cánh tay dài ngoẳng khô khỏng xanh lét, khều khào nhảy múa. Người bị phanh thây, kẻ bị tùng xẻo, máu me dầm dề, thịt xương vương vãi trên nền đá lạnh. Tiếng kêu la thảm thiết, chó ngao gầm rú. Ba hồi khánh đá trầm đục vang lên. Lát sau, một người cao lớn trên đầu đội mũ miện mười hai tua đính kim cương rũ xuống khuôn mặt đen như sắt nguội, chòm râu vễnh ngược, ngài oai vệ bước ra ngự trên long án. Hai bên có pháp quan, quỷ sứ đứng hầu. Mặt ngài âm u lạnh lẽo, cái lạnh lẽo âm u của bầu trời trước cơn dông tố. Từ đôi mắt ngài phóng ra những tia sáng xanh lét, xoáy vào vương:
- Trần Khánh Dư! Ngươi có biết vì sao ngươi phải đến đây không?
- Ta chưa được biết ngài là ai và đây là chốn nào? Ta có tội gì mà ngài bắt đến đây?
- Đây là Diêm cung và ta là Diêm Ma Pháp Vương. Ở dương gian, ngươi xuất thân quý tộc, nhờ chút võ công mà được hữu dụng nơi thời loạn. Có quyền cao chức trọng, ngươi không lấy đó làm mừng, không tu nhân tích đức cho con cháu mai sau, lại lấy tiền bạc làm lẽ sống, quên cả nghĩa tình. Đất nước đang trong cơn binh lửa, ngàn cân treo sợi tóc. Thân làm tướng mà ngươi buôn bán cả khí cụ, quân lương, ăn chơi hưởng lạc, chà đạp lên đạo lý, coi mạng người như cỏ rác, chém giết bừa bãi không biết ghê tay. Là bề tôi mà ngươi dám làm điều ô nhục với cả công chúa, lỗi đạo quân thần. Ngươi đã biết tội của ngươi chưa?

Vương vuốt nhẹ chòm râu, rung đùi cười khẩy:
- Ngài làm vua nơi địa phủ, còn ta là vương chốn dương gian. Hỏi có mấy ai không say quyền lực, không ham tiền của, gái đẹp không mê? Được như ta có mấy người chịu bỏ qua cơ hội? Cờ đến tay phải phất. Vương tướng như chim ưng, quân dân như vịt. Lấy vịt mà nuôi chim ưng thì có điều gì là lạ. Ngài cũng thế mà thôi, cũng vợ con thê thiếp, mà có vợ con thê thiếp thì phải có tiền. Còn công chúa dẫu là cành vàng lá ngọc thì cũng là người trần mắt thịt, cũng khát khao thèm muốn như ai. Biển nào rồng ấy, đôi ngã âm trần biết ai cao thấp. Luật trời đã phân định mỗi người một cõi, sao ngài cứ làm khó cho ta?

Diêm Vương vỗ án:
- Câm ngay! Đừng ngụy ngôn! Ngươi đã không chịu noi theo cái đức của tổ tiên, vội quên đường nhân nghĩa. Đem nhân cách, thân mạng ra làm tôi tớ cho đồng tiền thật đáng khinh. Công danh phú quý vuột đến, vuột đi cũng chỉ là giấc mộng. Thúc tổ của ngươi – Thái sư Trần Thủ Độ năm xưa, nửa đời bôn tẩu, gây dựng cơ đồ. Quyền uy tột đỉnh, dưới một người mà trên vạn người thế mà Thái sư không màng danh lợi cho riêng mình, vẫn thanh trong cao khiết, lòng không vướng bận, chỉ lo cho dân cho nước, cho dòng tộc, cho con cháu mai sau. Ông vẫn canh cánh trong tâm là bá tánh còn lầm than khổ cực, soi đức lớn trong muôn điều bình dị, lấy hạnh phúc của muôn dân làm niềm an lạc. Về với tổ tiên, Thái sư chỉ với tấm áo mong manh, đôi hài cỏ gói trong ba thước đất mà tiếng thơm để lại ngàn thu. Thế mà các ngươi, những kẻ là hậu duệ của Thái sư, chỉ biết vun vén cho riêng mình, coi thường đạo lý, tự cho mình cái quyền tối thượng là định đoạt số phận của người khác. Ải Vân Đồn nơi, ngươi đang trấn giữ, có biết bao người đang phải sống trong câm lặng mà tâm bất phục. Bây giờ các ngươi cậy thần cậy thế, say sưa với uy quyền, xem nhẹ nỗi đau, mất mát của lê dân. Có được ngày hôm nay, cả Đại Việt đã phải đổi bằng núi xương sông máu, ngàn vạn người da ngựa bọc thây, thịt xương phơi nơi chiến địa, hồn hoang mả lạnh không người hương khói, vợ mất chồng, con mất cha, nhà tan cửa nát, các ngươi có còn nhớ nữa không?...

Vương cúi đầu im lặng, mồ hôi tướp ra từ mọi lỗ chân lông, ngài gục xuống, nước mắt lả chả tuôn rơi, hồi lâu mới thốt nên lời:
- Bẩm Diêm Vương. Bây giờ đời nhá nhem, mọi chỗ mọi nơi vàng thau lẫn lộn. Lắm người ở ngôi vị cao sang mà chỉ yêu nước thương dân bằng đầu môi chót lưỡi. Với bề trên, họ ton hót đủ điều rồi dâng bạc vàng châu báu, của ngon vật lạ là xong! Quan trên phần lớn chỉ tìm hiểu dân tình qua các quan sở tại, mà các quan sở tại thì lúc nào chẳng tô son trát phấn cho nơi mình trấn nhậm, đổi trắng thay đen, lòng dạ khó lường. Từ dưới lên trên, khi thì tâng bốc, lúc ngấm ngầm mưu hại lẫn nhau để tranh giành địa vị, chức tước và những nơi béo bở, lo vun vén cho riêng mình. Như thế thì làm sao họ còn quan tâm đến những đục trong, ấm lạnh ở đời? Làm sao họ còn yêu nước thương dân như những lời họ nói... Cái liêm cái đức thuở xưa chỉ còn trong sử sách. Phép làm quan bây giờ phải lựa thời, lựa thế, làm sao tôi dám một gậy chống trời?

Diêm Ma Pháp Vương vỗ án, mặt ngài đỏ như gấc:
- Ngươi đừng lắm lời. Chỗ này u tối, nơi kia sáng láng. Như Hưng Đạo vưong - Trần Quốc Tuấn làm đến Quốc công tiết chế, thống lĩnh ba quân, quyền quân, vận nước đều ở trong tay, việc lấy lại ngôi vua cho dòng đích dễ như lấy đồ trong túi, thế mà Quốc công vẫn một lòng trung quân ái quốc. Yết Kiêu, Dã Tượng, những tùy tướng của Quốc công thà làm nô bộc suốt đời cho thánh nhân còn hơn làm quan mà không minh bạch. Chiêu Văn Vương - Trần Nhật Duật tay không vũ khí, một chiếc quạt lông, với đứa tiểu đồng vẫn ung dung vào trại của Trịnh Giác Mật, lấy cái tâm cái đức thu phục người man di làm phên dậu cho triều đình là vì cái gì, đó không phải là vì vua vì nước hay sao? Như Hoài Văn Hầu, tuổi nhỏ chí cao, vì căm thù giặc mà bóp nát quả cam lúc nào không biết. Là hoàng thân quốc thích, quyền cao chức trọng, hưởng ơn vua, ăn lộc nước, sao ngươi không xả thân vì nước? Không gạn đục khơi trong, chuộc lại lỗi lầm xưa cho vẹn lòng trung nghĩa? Sao ngươi không học theo cái đức của cha anh lại toa rập theo lũ sâu mọt. Điền trang thái ấp của các ngươi do đâu mà có? Chẳng lẽ đó không phải là mồ hôi, là nước mắt của dân đen? Tội của ngươi kể đã rành rành. Pháp quan đâu, khanh hãy cho hắn xem tường tận!

Pháp quan cúi đầu vâng mệnh, ngài dùng thần lực vung mạnh đôi tay.
Một luồng sáng xanh quét đến, nhấc bổng vương lên. Họ bay về dương gian, qua những cánh rừng, những làng mạc ruộng đồng. Giữa bầu trời đêm, những vì sao xa xăm nhấp nháy. Chỗ này mài gươm, nơi kia luyện võ rầm rập suốt ngày, đám tráng đinh cởi trần, đóng khố. Trên tay họ hằn rõ hai chữ “ Sát Thát” vết máu còn tươi. Hai người bay đến lộ Đà Giang, giữa núi non trùng điệp, rừng cây trải dài ngút ngát. Những dân binh người Nùng, áo chàm đẫm mồ hôi đang mải mê tập luyện. Trên những thân cây cổ thụ, cội rễ sù xì, vồng cong uốn lượn được đục đẽo rất công phu là hàng trăm mũi tên khổng lồ xuyên qua…

Bỗng Vương chú ý đến một thiếu niên trạc mười sáu mười bảy tuổi, đôi mắt trong veo rực sáng nhưng hai má còn phinh phính bụ sữa, chàng ta vận áo vóc kiểu con nhà võ, vấn khăn nhiễu như người lớn, dong dõng cao, lưng đeo thanh gươm của dòng họ Đông A, chuôi nạm bạc, nhanh nhẹn hiên ngang bên cạnh vị thủ lĩnh người Tày - Nguyễn Thế Lộc có thân hình to cao rắn chắc như cây lim cây sến. Căn lều tướng phất phới một lá cờ lớn thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Vương buột miệng: “Hoài Văn Hầu cháu họ ta, người đã bóp nát quả cam vua ban trên bến Bình Than dạo nọ đây ư?”

Vương giật nảy mình khi pháp quan đưa bàn tay móng dài như vuốt hổ ra phía trước, trời đất quay cuồng chao đảo, mặt đất nứt ra. Một chiếc hố sâu hun hút, Pháp quan vung mạnh tay, ném vương vào đấy… Vương rú lên, choàng dậy, mồ hôi vã ra như tắm.

Ải Vân Đồn những ngày đông giá buốt. Vương trầm ngâm, mắt buồn rầu dõi vào rừng mơ già khẳng khiu trụi lá đang chìm dần trong sương lạnh. Những ngày gần đây, Vương dật dờ như cái bóng, lòng cứ trào lên những đợt sóng ngầm, những xót xa ân hận, phiền muộn, tiếc nuối khiến Vương ngắc ngư run rẩy như lên cơn sốt. “Dụ chư tỳ tướng hịch văn” của Quốc công tiết chế, là ý chí của cả Đại Việt còn văng vẳng bên tai vương như nước cuộn sóng trào. Rồi các bô lão từ mọi miền đất nước đổ về, họ là những người dân quê mùa chất phác, suốt đời một nắng hai sương với nương dâu ruộng lúa, chưa bao giờ được hưởng bổng lộc, chút ơn mưa móc. Thế mà khi đất nước lâm nguy, được quan gia vời về bàn việc nước, họ đều khẳng khái tâu lên, trăm miệng một lời: “Xin quan gia cho đánh” làm rung chuyển cả tòa điện Diên Hồng. Kẻ áo vải còn biết đường phải trái, lo cho giang sơn xã tắc. Còn ta, một vương tôn quý tộc lại không bằng họ, đáng hổ thẹn lắm thay...

Lòng như lửa đốt, Vương vội vã lên ngựa, vào triều, tâu với quan gia xin được lập công chuộc tội. Nể lời quan gia và biết vương là một vị tướng tài, thông thạo về thủy chiến, Quốc công tiết chế cử Vương làm thống lĩnh quân tiên phong đi đánh đoàn thuyền chở lương thực và khí giới của tướng giặc Trương Văn Hổ.

Mùa đông, bến Vân Đồn sương mù dày đặc, mưa phùn như rây bột, nước lạnh như băng, vương cùng năm trăm quân tinh nhuệ cởi trần, đóng khố, miệng ngậm dao, lặn xuống sông, đục thuyền giặc. Trận ấy quân ta thắng lớn, cả đoàn thuyền của Trương Văn Hổ chìm xuống lòng sông. Thoát Hoan đang chiếm giữ Thăng Long, mất lương thực khí giới, như cá nằm trên thớt. Đức vua khen: “Có trí lược, biết vì dân vì nước”. Vương được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân…

* *

Tam Điệp mùa xuân năm 1326.

Đức ông Nhân Huệ Vương tuổi đã lục tuần, thân hình ngài vẫn còn săn chắc, phong thái lẫm liệt. Ngài mặc áo lụa ngắn mầu vàng, bắp tay cuồn cuộn, tóc búi củ hành, chiết khăn nhiễu Tam Giang đầu rìu, quần ống sớ xắn cao. Tay cầm cày, tay cầm roi, ngài lội bì bõm phía sau một con trâu đực mới vực. Đuôi trâu đã được một trưởng lão buộc cẩn thận bằng dây lụa điều. Gần sang ngọ. Sắp mãn xuân, trời không nóng nhưng hanh khô, người và vật dường như đã thấm mệt. Chú trâu bỗng nhảy cẫng lên, bùn bắn tung tóe. Mọi người như nín thở, hai tráng đinh nhảy vội xuống ruộng, ghìm chặt chân trâu, mời vương lên bờ. Mọi người hồi hộp lo lắng. Áo đẫm mồ hôi, nét mặt đức ông rạng rỡ, ngài cười xòa:
-Ta chỉ quen chinh chiến nơi sa trường. Thế mới biết cầm roi trâu còn khó hơn cầm kiếm.

Bữa ăn được các thôn nữ Yên Trường dọn ra trên thảm cỏ bên khu rừng già. Những chiếc nồi đồng lớn được mở ra, cơm gạo mới thơm phức trắng muốt, mấy xanh cá đồng kho tương, canh cua rau dền, thêm món thịt lợn luộc thái phay chấm mắm cáy, vài hũ rượu làng Vân. Đức ông và các bô lão cùng dân, đinh Trường Yên ăn uống rất ngon miệng. Nâng bát nước chè xanh vàng sánh của một thôn nữ mới dâng, ngài vẫy hai gia tướng thân tín là Bùi Hùng và Nguyễn Cảnh lại gần:
- Các ngươi bên ta gần nửa đời người, tung hoành trên chiến địa, trải qua hàng trăm trận, sướng khổ có nhau. Nào là đánh đuổi Nguyên Mông, rồi cùng vua Anh Tông bắt chúa Chiêm Chế Chí, dẹp tan nạn giặc giã phía Nam. Mấy mươi năm, giang sơn đã sạnh bóng thù, thế mà giờ đây có người còn đói cơm, rách áo. Hai ngươi hãy cùng ta giúp dân gây dựng, lo việc nông tang điền thổ, chăm bón cho mùa màng tươi tốt, đó cũng là gốc rễ vậy. Khi xưa, vua Lê Đại Hành dẫu việc triều chính bộn bề mà Người vẫn ngự ra cày ruộng “Tịch điền” với dân. Cho đến triều ta, đức tiên đế Thái Tông cũng noi theo gương ấy. Đủ biết nghề nông ở nước Nam ta thiết yếu vô cùng. Là kẻ hậu sinh, ta học theo cái đức của tiền nhân, nhưng đây cũng là ý nguyện của ta.

Quay về phía dân làng, giọng đức ông trầm lắng:
- Ta một đời lưng voi yên ngựa, xông pha nơi trận mạc. Đất nước yên bình, được quan gia và triều đình cho về an hưởng tuổi già, vui cùng cây cỏ, bạn với gió trăng. Nay đến đây thấy đồng cỏ bát ngát, sông nước hữu tình, núi non hùng vĩ. Thế đất lòng người khiến ta cảm kích. Chỉ tiếc là nhiều nơi đất đai còn bỏ hoang cho cỏ mọc. Ta muốn nơi đây sẽ xanh tươi trù phú, dân được ấm no để không phụ lòng trời đất tổ tiên.

Rồi đức ông xuất tiền của và cho gia nhân giúp dân khai khẩn những vùng đất hoang hóa, bồi đắp đê điều, khơi thông mương máng, đóng thuyền bè và lập nên trại An Trung.

* *
Đã mấy mùa đông qua xuân lại. Đức ông Nhân Huệ Vương - Trần Khánh Dư râu tóc đã bạc phơ. Sáng nay, ngài ngồi bên chiếc bàn gỗ quý được chạm trổ rất công phu trong vườn cây ăn trái, cùng các bô lão trại An Trung nhâm nhi chén rượu mai hoa mà vua Trần Anh Tông vừa mới ngự ban cho bậc lão công thần. Chiếc gậy trúc chạm rồng bịt vàng đã lên nước nhẵn bóng dựng bên cạnh. Năm nay mùa màng tươi tốt. Cả vùng Trường Yên người người náo nức chuẩn bị vào lễ hội đua thuyền, chọi trâu. Đức ông dõi mắt nhìn ra xa, dãy Tam Điệp uy nghi sừng sững, trên bến dưới thuyền, kẻ mua người bán tấp nập. Những cánh lúa xanh mơn mởn trải dài ngút ngát. Ngài sảng khoái ngâm mấy câu thơ của thái sư Trần Quang Khải năm nao:

“Chương Dương cướp giáo giặc
Cửa Hàm Tử bắt thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu”.

                                                               Bình Thuận tháng 4 – 2011
                                                                         Trần Vũ Minh
 .......

*. Thời nhà Trần, quan gia là vua.

Không có nhận xét nào: