BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

CHIỀU NAY SƯƠNG KHÓI LÊN KHƠI - Hà Đình Nguyên

Huyền Chi là bút danh của Hồ Thị Ngọc Bút, một cô gái sinh năm 1934 tại Từ Sơn (Bắc Ninh), theo gia đình vào Nam từ trước năm1954, khi đang học bậc trung học. Lúc mới vào Nam (1948-1949) cô ở với chị gái tại Đà Lạt, sau đó về Sài Gòn (1950) vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom sạp vải ở chợ Bến Thành. Bài thơ "Thuyền viễn xứ" là một trong 22 bài thơ nằm trong tập thơ "Cởi mở" của Huyền Chi xuất bản năm 1952, trong thời gian cô sinh hoạt với một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký tòa soạn chuyên trách mục thơ cho tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương.

      
                        Tác giả bài viết Hà Đình Nguyên 


         CHIỀU NAY SƯƠNG KHÓI LÊN KHƠI

(Trích trong cuốn "60 Bóng hồng trong thơ nhạc" - NXB Trẻ ấn hành tháng 10/2017). (Tặng Trần Thanh Bình)

Trong những ca khúc mang tâm trạng hoài hương mang nỗi buồn man mác như: Làng tôi (Chung Quân), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Quê mẹ (Thu Hồ), Làng tôi (Văn Cao), Ngày về (Hoàng Giác)… thì Thuyền viễn xứ của Phạm Duy dù có buồn nhưng giai điệu thì khác hẳn: lạ hơn, sang trọng hơn…
Bạn thân của tôi, nhà báo Trần Thanh Bình, có một giọng hát khá tốt cho nên trong những lúc ngà ngà cuộc bia thường được đề nghị hát giúp vui (không đề nghị… cũng hát), và hầu như lúc nào anh cũng cất lên: “Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người. Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa. Một lần qua dạt bến lau thưa. Hò ơi, giọng hát thiên thu. Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về…”  
                                                                               (Thuyền viễn xứ) 

Giọng hát nghiệp dư của Trần Thanh Bình chỉ…cỡ đó, nhưng cũng đủ làm xuyến xao tâm hồn người nghe, nói chi được nghe những danh ca như Thái Thanh, Sĩ Phú hát bài này, cam đoan các bạn sẽ thấy phiêu diêu đến tận…viễn xứ !

      

Thế nhưng, nhiều người chỉ biết Thuyền viễn xứ là của Phạm Duy chứ chẳng mấy ai để ý rằng đây là một ca khúc phổ nhạc, dù trên bìa bản nhạc (thời đó, từ đầu thập niên 1940 cho đến 1954 ở toàn quốc và cả Cao Miên, và từ 1954 đến 1975 ở miền Nam, những bản nhạc được xuất bản dưới hình thức in rời bằng giấy cứng khổ lớn (in 2 mặt, gấp lại ở giữa). Mỗi mẫu bìa là một họa phẩm tuyệt đẹp. Bản Thuyền Viễn Xứ được cả hai nhà xuất bản Tinh Hoa và Á Châu ấn hành nên có hai mẫu bìa khác nhau, một là bức tranh màu nước với bà mẹ già đứng bên hàng liễu rủ nhìn theo bóng con thuyền ra khơi, và một là bức tranh lập thể của Tạ Tỵ với hình ảnh cánh buồm và cây đàn guitar như con thuyền trôi bập bềnh theo sóng nước…) có ghi rõ rằng “Nhạc: Phạm Duy, thơ: Huyền Chi”. Cái tên Huyền Chi này, người viết đã từng ngờ ngợ là nhà thơ Hà Huyền Chi (từng đặt lời cho ca khúc Lệ đá của nhạc sĩ Trần Trịnh). Nhưng…không phải thế!

     
Mẫu bìa bản nhạc Thuyền Viễn Xứ được nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành là bức tranh màu nước với hình bóng bà mẹ già đứng bên hàng liễu rủ nhìn theo bóng con thuyền ra khơi

Huyền Chi là bút danh của Hồ Thị Ngọc Bút, một cô gái sinh năm 1934 tại Từ Sơn (Bắc Ninh), theo gia đình vào Nam từ trước năm1954, khi đang học bậc trung học. Lúc mới vào Nam (1948-1949) cô ở với chị gái tại Đà Lạt, sau đó về Sài Gòn (1950) vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom sạp vải ở chợ Bến Thành. Bài thơ Thuyền viễn xứ là một trong 22 bài thơ nằm trong tập thơ "Cởi mở" của Huyền Chi xuất bản năm 1952, trong thời gian cô sinh hoạt với một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký tòa soạn chuyên trách mục thơ cho tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương.

     
Mẫu bìa bản nhạc Thuyền Viễn Xứ được nhà xuất bản Á Châu ấn hành là bức tranh lập thể của Tạ Tỵ với hình ảnh cánh buồm và cây đàn guitar như con thuyền trôi bập bềnh theo sóng nước…

Và đây là nguyên văn bài thơ Thuyền viễn xứ, mà tác giả là một cô gái 18 tuổi:

“Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhòa như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…”

Quả thật, đọc bài thơ này ít ai nghĩ tác giả là một cô gái 18 tuổi. Tuy lời thơ có vẻ…cổ phong (vốn là chuẩn mực vào thời đó) nhưng vẫn toát lên một nỗi buồn man mác, bố cục bài thơ cũng rất “chắc tay”. Tóm lại, cô gái trẻ này có một hồn thơ rất tinh thế và đã chuyển tải thơ mình một cách rất “có nghề”.

Tập thơ mới in xong tại nhà in Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo thì tình cờ Huyền Chi gặp được nhạc sĩ nổi danh Phạm Duy đến thăm bà Đào (chủ nhà in), cô đã ký tặng nhạc sĩ tập thơ "Cởi mở". Cũng nghĩ là chút duyên văn nghệ thế thôi, bởi đó là lần gặp gỡ duy nhất giữa hai người. Vậy mà người được tặng tập thơ đã chọn một bài thơ lục bát rất…truyền thống trong tập thơ ấy để phổ thành ca khúc. Điều đáng nói là nhạc sĩ Phạm Duy đã trổ tài “phù thủy” khiến trong ca khúc phổ thơ của ông, khó ai tìm thấy bóng dáng của thể loại lục bát. Đã vậy, đoạn giữa được chuyển qua âm giai trưởng nghe vừa xa vắng, vừa rạo rực mênh mang:

“Nhìn về đường cố lý. Cố lý xa xôi. Đời nhịp sầu lỡ bước. Bước hoang mang rồi. Quay lại hướng làng. Đà Giang lệ ướt nồng. Mẹ già ngồi im bóng. Mái tuyết sương mong con bạc lòng…”
Trong “Hồi Ký Phạm Duy” (Tập 3, ấn bản 2008), tác giả viết “Gần hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ ở Sài Gòn…Vào thời điểm này (trước cuộc di cư 1954) Huyền Chi, một cô em bán vải ở Chợ Bến Thành đưa cho tôi phổ nhạc bài thơ nhan đề "Thuyền Viễn Xứ". Bài thơ này nói lên tâm trạng một người Bắc Việt phải rời bỏ bến Đà Giang để vào sinh sống tại miền Nam. Phổ nhạc xong bài thơ nhớ miền viễn xứ, trong tôi lại nổi dậy sự viễn mơ của bài Bên Cầu Biên Giới năm xưa, tôi bèn soạn bài Viễn Du…”.

Có thể thấy rằng bài thơ Thuyền viễn xứ mang tâm trạng chung của những người phải rời xa quê hương thân yêu, nhất là sau Hiệp định Genève 1954. Tuy nhiên hoàn cảnh của Huyền Chi đặc biệt hơn: cha của cô tên là Hồ Văn Ánh, từng tốt nghiệp kỹ sư hỏa xa (Ingénieur technique adjoint) tại Pháp. Những năm trong thập niên 1940 (thế kỷ XX), ông Ánh làm Giám đốc Hỏa xa các tỉnh Nam Trung phần (Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang). Gia đình ông có một biệt thự khang trang tại Phan Thiết, ngoài ra, do ông phải dịch chuyển nhiều nên ngành hỏa xa đã cấp riêng cho gia đình ông một toa (wagong) đặc biệt để tùy nghi sử dụng miễn phí. Do vậy vợ của ông đã lần lượt sinh 6 người con tại nhiều địa phương khác nhau.
Đầu thập niên 1950, có một biến cố xảy ra với gia đình Huyền Chi: bà nội của cô còn ở Bắc Ninh trở bệnh nặng. Ông Hồ Văn Ánh dự tính đưa cả gia đình về Bắc nhưng đến phút cuối do có một người con bị bệnh nên người cha đã đưa anh chị cô về trước, mẹ cô đợi người bệnh khỏe hơn sẽ dẫn các thành viên còn lại về Bắc sau. Tuy nhiên, tình hình loạn lạc lúc đó và tiếp theo là biến cố chia đôi đất nước khiến gia đình cô lâm vào cảnh ly tán.

        

Trong năm 1954, có thời gian hai miền Bắc - Nam được tự do thông thương, và mẹ đã trở về Bắc với cha cô, nhưng bốn người con vẫn ở lại miền Nam vì lúc ấy ai cũng đã có công ăn việc làm và cô cũng sắp kết hôn.
Huyền Chi lập gia đình với giáo sư Trần Phụng Tường vào năm 1954, và theo chồng ra Phan Thiết, nơi ông đang dạy Pháp văn ở Trường Trung học Phan Bội Châu (trước 1975, ở miền Nam, người giảng dạy ở bậc trung học được gọi là giáo sư, dạy ở bậc tiểu học là giáo viên và dạy ở bậc đại học gọi là giảng sư - NV). Ở đây bà mở hiệu sách Bút Hoa và dạy Anh văn…

Nguyễn Phước Thị Liên - một cựu học sinh của Trường Trung học Phan Bội Châu đã “vẽ lại” chân dung của Huyền Chi như sau : “Huyền Chi là một phụ nữ đẹp, tài sắc vẹn toàn. Cô có nước da trắng khỏe, dáng người cao, gương mặt tươi, miệng cười hiền hậu dễ mến, tà áo dài màu thiên thanh đài các trong những chiều lộng gió, khi thầy cô sánh vai giữa thành phố Phan Thiết, đã làm xao xuyến bao tâm hồn nữ sinh lúc bấy giờ…”
                                  (Kiến Thức Ngày Nay số 768 tháng 12/2011)

                                         Vợ chồng nhà thơ Huyền Chi

Sau 1975, gia đình bà Huyền Chi chuyển vào Sài Gòn. Bà hiện vẫn còn sống tại đây, còn chồng bà - ông Trần Phụng Tường mất năm 2010. Trong 7 người con của hai ông bà có 4 người hiện ở Việt Nam, 3 người ở nước ngoài. Chắc chắn những người con ở xa quê này cũng sẽ có tâm trạng như mẹ của mình vào hơn nửa thế kỷ trước, khi: “Chiều nay gửi tới quê xưa. Biết là bao thương nhớ cho vừa. Trời cao chìm rơi xuống đời. Biết là bao sầu trên xứ người – Mịt mờ sương khói lên hương. Lũ thùy dương rủ bóng ven sông. Chiều nay trên bến muôn phương. Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…” (Thuyền viễn xứ)…

                                                                               Hà Đình Nguyên
                                                                                    29.11.2012
Nguồn:
https://www.facebook.com/hadinh.nguyen.39/posts/425034041294876

Không có nhận xét nào: