Trần
Khánh Dư là tướng tài. Tuy nhiên, vị tướng này tài như thế nào không phải ai
cũng tường tận. Điều quan trọng, nhiều tác giả nghiên cứu lịch sử nhận định Trần
Khánh Dư lắm tài, nhiều tật. Trên thực tế, cần nhìn nhận lại tài của Trần Khánh
Dư đến mức độ nào, tật của ông ra sao?
Bị
phạt đuổi khỏi kinh thành
Đền
thờ Trần Khánh Dư tại Vân Đồn.
TẠI
SAO VUA NHÀ TRẦN TIN DÙNG TRẦN KHÁNH DƯ
Thời đại nhà Trần có nhiều danh tướng, bên cạnh những
vị vua anh minh, có thể kể: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Đại
Vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn Đại Vương Trần Nhật Duật, Nhân Huệ Vương Trần
Khánh Dư.
Trong số những người vừa kể, Trần Khánh Dư là người được
bàn cãi nhiều nhất; đường công danh, sự nghiệp của ông cũng gập nghềnh, chông
gai hơn cả. Đặc biệt, sách sử nhắc đến ông với khen, chê đan cài, không giống
như với trường hợp của Trần Quang Khải, người được ca tụng từ tài năng đến đức
độ.
Trần Khánh Dư là người góp công lớn ở ba cuộc kháng
chiến chống Nguyên Mông. Đặc biệt, ở kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba,
Trần Khánh Dư có công lớn, mang tính then chốt để kháng chiến thắng lợi.
Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc đời của ông bắt đầu từ
chuyện về đời tư: Ông dan díu với công chúa Thiên Thụy, vợ của Hưng Vũ Vương Trần
Quốc Nghiễn (con trai của Hưng Đạo Đại
Vương Trần Quốc Tuấn). Lúc này, vua Trần vì một mặt phải giữ nghiêm phép nước,
mặt khác nể uy của Trần Quốc Tuấn nên ra lệnh đánh chết Trần Khánh Dư. Thế
nhưng, vua ngầm sai người thả cho Trần Khánh Dư trốn đi.
Có thuyết cho rằng Trần Khánh Dư bị vua cho đánh 100
roi nhưng vẫn không chết, đó là do “thiên
mệnh soi sáng” nên được miễn tội chết. Thuyết này mơ hồ, vì nếu đánh hết sức
thì chẳng ai có thể sống sót được. Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có
viết vua dặn: “… đừng đánh đau quá để
không đến nỗi chết”.
Trần Khánh Dư là vị tướng có tài, thể hiện ở những trận
ông chỉ huy đánh úp quân Nguyên ở lần thứ nhất và ở các lần ông ra quân dẹp loạn
ở biên giới nên được thượng hoàng (có thể là Trần Thái Tông) nhận làm con nuôi
“Thiên tử nghĩa nam”, sau đó được phong chức Phiêu kỵ Đại tướng quân, một chức
chỉ có hoàng tử mới được phong.
Đến đây, chúng ta có thể nghĩ rằng Trần Khánh Dư được vua
ưu ái có lẽ do tài cầm quân của ông. Nhưng xem kỹ sách sử sẽ rõ hơn về danh tướng
này.
Trần Khánh Dư sau khi bị cách chức, đuổi đi, ông trở về
Chí Linh, Hải Dương, làm nghề buôn bán than, cùng làm nghề với ông là “những người hèn hạ”, như sử thần Ngô Sĩ
Liên nhận xét.
Có thể thấy, Trần Khánh Dư với uy thế của cha mình là
Thượng tướng Nhân huệ hầu Trần Thế Duyệt, với quá khứ không tầm thường của
mình… vẫn có thể chọn cách sống thượng lưu. Ấy vậy mà ông chọn việc buôn bán
than, dọc xuôi sông nước làm nghề chính, không màng đến công danh chốn quan trường.
Sử thần Ngô Sĩ Liên kể: “Khi ấy thuyền vua đỗ ở bến Bình Than. Nước triều xuống, gió thổi mạnh,
có một chiếc thuyền lớn chở than gỗ, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn,
vua chỉ và bảo thị quan rằng: Người kia có phải Nhân Huệ Vương không? Lập tức
sai người chở thuyền nhỏ đuổi theo, đến cửa Đại Than thì kịp.
Quân
hiệu gọi rằng: Ông lái kia, vua sai đòi nhà ngươi. Khánh Dư nói: Ông già là người
buôn bán, có việc gì mà gọi đến? Quân hiệu về tâu thực như thế. Vua nói: Đúng
là Nhân Huệ Vương rồi, người thường không dám nói như thế”
(Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch,
Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học 2009, trang 301, 302).
Đọc đoạn văn trên có thể rút ra 3 điều: Thứ nhất, Trần
Khánh Dư chọn lối sống bình dân, “đội nón lá, mặc áo ngắn”; thứ hai, ông không
màng đến danh lợi nên từ chối gặp vua; thứ ba, vua hiểu về con người của ông,
người can trường và cá tính vì “người thường không dám nói thế”.
Vua biết tính của Trần Khánh Dư và lại cho người gọi
ông, gặp và xuống chiếu phục chức cho ông, cho làm Phó tướng.
Vua
đã đúng khi phục chức cho “người bán than”
Thực tế lịch sử chứng minh, vua Trần Nhân Tông (và cả
Thượng hoàng Trần Thánh Tông, nên nhớ triều Trần khi cai trị đất nước có cả Thượng
hoàng lẫn vua) đã đúng khi kêu gọi Trần Khánh Dư trở lại làm việc, cho phục chức
tước. Bởi chính danh tướng này đã góp công lớn đánh bại quân viễn chinh Nguyên
Mông ở cuộc chiến lần thứ ba.
Trong hai cuộc chiến Nguyên Mông - Đại Việt lần thứ nhất
và lần thứ hai, giặc Nguyên Mông thua vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên
nhân quan trọng là do thiếu lương thực. Quân Mông Cổ với đội quân kỵ binh luôn
lấy phương châm đánh thần tốc để chiến thắng.
Khi đánh thần tốc, quân chỉ cần mang đồ đạc gọn nhẹ,
lương thực chủ yếu sẽ được cung cấp ở nơi bị chiếm. Đại Việt khi tạm thời lui
quân đã dùng kế sách “vườn không nhà trống”
khiến giặc khi chiếm được đất nhưng không thu được lương thực. Đương nhiên,
quân đói ăn ắt sẽ yếu. Đây là một trong những nguyên nhân chính để quân nhà Trần
phản công thắng lợi.
Ở cuộc chiến lần thứ ba, quân Nguyên Mông rút kinh
nghiệm, cho hẳn một đoàn quân hậu cần chở lương thực đi sau đại quân, không chờ
kiếm lương thực bằng cách cướp bóc nữa.
Cuối tháng 12/1287, quân Nguyên Mông tấn công nước ta.
Lưu ý, theo sau đại quân có Trương Văn Hổ chở 70 vạn hộc lương đi bằng đường biển.
Khác với hai trận chiến trước, quân nhà Trần không dốc sức đánh từ đầu mà chỉ
cho đánh chủ yếu để quấy rối và cầm chân.
Sách sử ghi nhận, lúc này Trần Khánh Dư là Vân Đồn Phó
tướng chỉ huy quân ở đây. Ông mang quân ra đánh nhưng không thể cầm chân 30 vạn
quân của thái tử nhà Nguyên là A Đài và tướng Ô Mã Nhi tiến về Vạn Kiếp… Khi
thượng hoàng nghe tin, sai trung sứ đưa Trần Khánh Dư về kinh hỏi tội. Vị danh
tướng này xin thêm vài ngày, ông biết đại quân đi trước và quân chở lương thực
sẽ đi sau.
Vị tướng này thu nhặt tàn quân đón đánh thuyền chở
lương thực, khí giới của địch, kết quả: “Không
bao lâu thuyền chở lương của giặc quả nhiên đến, Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt
được lương thực, khí giới của giặc nhiều không xiết kể, bắt sống quân giặc rất
nhiều” (sđd, trang 313).
Chúng ta còn ấn tượng mạnh mẽ về trận thắng Bạch Đằng
Giang, nơi Trần Quốc Tuấn và đại quân nhà Trần đánh tan đại quân Nguyên Mông với
thế trận cọc nhọn cắm ở dòng sông này. Tuy nhiên trước đó, Thượng hoàng Trần
Thánh Tông nhận xét khi nghe tin Trần Khánh Dư phá tan đoàn quân lương của
Trương Văn Hổ: “Quân Nguyên chỉ nhờ vào
lương cỏ, khí giới…”. Thượng hoàng còn sai thả tù binh ra để chúng về báo
cho tướng Nguyên Mông biết tình hình lương thực, khí giới đã bị thu giữ để từ
đó chúng mất ý chí chiến đấu.
Trên thực tế, quân Nguyên Mông khi hội quân ở sông Bạch
Đằng đã chờ đón thuyền lương của Trương Văn Hổ nhưng không gặp.
Một chi tiết nữa nếu để ý kỹ sẽ thấy Trần Khánh Dư tài
năng và đức độ như thế nào. Đó là khi viết “Vạn
Kiếp tông bí truyền thư”, Trần Quốc Tuấn đem hết sở học của mình về khoa học
quân sự, ghi chép lại truyền cho hậu thế nhà Trần.
Lạ ở chỗ là người viết bài tựa (bài giới thiệu về cuốn
sách, tóm lược ý chính, tinh thần của sách) cho “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” là Trần Khánh Dư chứ không phải là
người nào khác văn võ toàn tài cỡ như Trần Quang Khải. Người viết lời tựa, chắc
chắn được tác giả, hoặc tự tin tác giả, tôn trọng về mặt kiến thức trong lĩnh vực
sách đề cập, mà ở đây là lĩnh vực quân sự.
Đáng tiếc “Vạn
Kiếp tông bí truyền thư” thất truyền, nhưng vẫn còn bài tựa của Trần Khánh
Dư, thử đọc đoạn trích:
“Người
giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh,
người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết… Sách gồm đủ ngũ
hành tương ứng, cửu cung suy nhau, phối hợp cương nhu, tuần hoàn chẵn lẻ. Không
lẫn lộn âm với dương, thần với sát, phương với lợi, sao lành, hung thần, ác tướng,
tam cát, ngũ hung, đều rất rõ ràng, ngang với Tam Đại, trăm đánh trăm thắng.
Cho
nên, đương thời có thể phía Bắc trấn ngự Hung Nô, phía Nam uy hiếp Lâm Ấp”.
Bài tựa phân tích rõ cái hay, cái sâu sắc của “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, thấu hiểu
suy nghĩ của Trần Quốc Tuấn. Người sâu sắc như thế không thể “tham bỉ” như Ngô Sĩ Liên nhận xét được
(lưu ý Ngô Sĩ Liên thường phê phán nặng những người không tuân thủ Nho giáo, có
cuộc sống phóng túng).
Trần Khánh Dư có cả tài cầm quân trên chiến trường,
sâu sắc trong lý luận khoa học quân sự, dù cuộc sống đời thường còn gây tranh
cãi nhưng là vẫn là danh tướng có công lớn ở triều đại nhà Trần, cho non sông
Việt Nam trong bảo vệ đất nước.
Nguyễn Hưng
Nguồn:
http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-tai-sao-vua-tin-dung-tran-khanh-du-377671.html
http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-tai-sao-vua-tin-dung-tran-khanh-du-377671.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét