BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

NHỮNG THẮC MẮC VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI - Đặng Xuân Xuyến




       NHỮNG THẮC MẮC VỀ ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

(Trích trong HỎI ĐÁP VỀ CHUYỆN KÍN CỦA ĐÀN ÔNG của Đặng Xuân Xuyến; xuất bản năm 2008)

Thắc mắc:
 - Tôi đọc báo, thấy các thuật ngữ như khuynh hướng tình dục đồng giới, quan hệ tình dục đồng giới hoặc hành động đồng tính... Tôi thật sự không rõ các thuật ngữ đó có sự khác biệt gì không? Rất mong anh giải thích giúp.

Giải đáp:
Thuật ngữ khuynh hướng tình dục đồng tính được dùng để chỉ những người có thái độ, tình cảm thân thiện "đặc biệt khác lạ" với những người cùng giới do sự cuốn hút của những ngưòi mà họ "yêu thích", kiểu gần giống như tình cảm trai gái, hoặc có ham muốn quan hệ sinh lý với người cùng giới nhưng không biểu hiện bằng hành động cụ thể mà chỉ "âm thầm" trong suy nghĩ, tình cảm.

Các nhà tâm sinh lý tình dục trên thế giới khẳng định có số lượng lớn người như vậy nhưng không bao giờ họ thừa nhận điều đó.

Còn người đồng tính là người có khuynh hướng tình dục đồng giới và có ham muốn quan hệ tình cảm, sinh lý với người cùng giới bằng hành động cụ thể.

Thắc mắc:
 - Thưa anh, thế nào thì gọi là người đồng tính lộ? Thế nào thì gọi là người đồng tính ẩn?

Giải đáp:
Những người luôn thể hiện ra ngoài như nói năng, cử chỉ ... đối nghịch với giới tính của mình thì gọi là đồng tính lộ, còn gọi là bóng.

Những người luôn ăn mặc, cử chỉ, nói năng theo đúng phong cách giới tính của mình, có nghĩa, họ che đậy, giấu đi sự nhập nhèm về giới tính của mình thì gọi là người đồng tính ẩn. Những người có trình độ, danh tiếng và địa vị trong nghề nghiệp, xã hội thường chọn cư xử (ẩn) như vậy.

Thắc mắc:
 - Thưa anh, thế còn những người đàn ông “pêđê”, kiểu phấn son lòe loẹt và ăn nói yểu điệu như phụ nữ thì sao? Họ có phải là người đồng tính luyến ái lộ liễu, hay còn gọi là bóng lộ không?

Giải đáp:
Không. Những người đàn ông thích mặc đồ phụ nữ hoặc ăn nói yểu điệu là “xuyên giới tính” (tran-sexual). Họ không hẳn là đàn ông cũng không hẳn là đàn bà, không thể hội nhập với bên nào được nên thường tụ tập lại với nhau thành từng nhóm. Tất nhiên, khuynh hướng tình dục của họ thường rơi vào khuynh hướng tình dục đồng giới, vì thế, dư luận xã hội có thể vì ác cảm với cách ăn mặc, cử chỉ, hành động của nhóm tran-sexual này mà phần nhiều khinh khi, xa lánh những người đồng tính.

Thắc mắc:
 - Thưa anh, có phải người đàn ông đồng tính đều thích  được gọi là chị, là dì, được đối xử như đối xử  như với phái liễu yếu đào tơ?

Giải đáp:
Anh nghĩ chắc chỉ những người thuộc diện “xuyên giới tính” mới có tâm tư, mong muốn như vậy.

Đa phần những người đàn ông đồng tính rất ghét những ai có cư xử, hành động với họ như với người thuộc phái yếu. Dù em có là bạn thân của họ, đã biết rõ mười mươi khuynh hướng tình dục đồng tính của họ nhưng nếu em gọi họ là chị trước đám đông thì anh nghĩ chắc chắn em sẽ bị họ cho quả đấm vào mặt.

Thắc mắc:
 - Chú ơi. Cháu là một thanh niên 18 tuổi, rất đẹp trai và trông rất nam tính nhưng cháu lại bị bệnh đồng tính. Liệu có thuốc nào chữa được bệnh đồng tính luyến ái không chú?

Giải đáp:
Hiện nay y học không xem đồng tính luyến ái là bệnh. Họ không bị tâm thần, không loạn dâm như nhiều người nghĩ, không bị thiếu testosterone (hormone nam tính). Cũng không phải vì hồi nhỏ những đứa trẻ đó được cha mẹ cưng chiều, cho mặc đồ con gái hay do tính tình có vẻ ẻo lả, thích chơi trò con gái mà sau này lớn lên thành "gay". 

Cho đến nay, đối với đồng tính luyến ái thật sự thì mọi sự trị liệu bằng thuốc, tập tính, tâm lý, thậm chí cả “cưỡng chế”… đều thất bại. Điều này giống như người bình thường trong một hoàn cảnh nào đó (bị giam giữ, sống tập thể) cũng không thể trở thành người đồng tính, dù bị mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ… Tóm lại: Đồng tính luyến ái thật sự là trạng thái không thể đảo ngược. 

Do đồng tính luyến ái không phải là bệnh nên không có thuốc gì để chữa trị. Răn đe, cấm đoán chỉ vô ích; càng không nên ép buộc phải có bạn gái, lấy vợ.

Vì vậy, trong trường hợp này, cháu hãy chấp nhận sự thật để sống cuộc sống có ích hơn.

Thắc mắc:
- Vậy tỷ lệ bao nhiêu % là người đồng tính luyến ái trong xã hội?

Giải đáp:
Theo thống kê của các nhà khoa học trên thế giới thì tỷ lệ người đồng tính chiếm khoảng 3 - 5% dân số nhưng số liệu đó chưa hẳn đã chính xác. Phát hiện điều tra uy quyền của Mỹ lại cho con số: 35% thuần khiết yêu người khác giới, 55% đã trải nghiệm đồng tính luyến ái, số còn lại hoặc là đồng tính luyến ái hoàn toàn, hoặc là “lưỡng tính luyến ái”.

Gần đây, các nhà khoa học về tâm lý và tình dục trên thế giới đã công bố kết quả điều tra (từ 15 tuổi trở lên) ở San Francisco (Hoa Kỳ) thì người đồng tính nam ở đây có tỷ lệ cao nhất thế giới, khoảng 20% dân số. (theo Thanh Niên số 100, và Công an Thành phố Hồ Chí Minh số 1433, ngày 11/04/2006). Như vậy, tỷ lệ người đồng tính nam đang ở mức báo động.

Thắc mắc:
 - Thưa anh, lý do nào làm cho người đồng tính sống trong tâm trạng mặc cảm, sợ sệt?

Giải đáp:
Do “khác người” trong việc lựa chọn “đối tượng tình dục” và “tình yêu” của người đồng tính không được xã hội chấp nhận  nên người đồng tính luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, sợ sệt.

Với người dị tính (tình yêu với người khác giới), thì sự thể hiện tình cảm thường công khai, được xã hội chấp nhận, còn người đồng tính, thì ngược lại: âm thầm, lén lút vì sự kỳ thị của xã hội. Đây chính là lý do làm người đồng tính dễ bị tổn thương, luôn sống trong tâm trạng hoảng loạn và “mặc cảm tội lỗi".

Thắc mắc:
 - Căn cứ  những biểu hiện nào để nhận biết rõ bản thân mình có phải là người đồng tính?

Giải đáp:
Nhận biết người khác là có phải là người đồng tính hay không rất khó, nhưng để biết bản thân mình có phải là người đồng tính hay không, thì căn cứ vào những biểu hiện sau:

1. Không rung động trước người khác phái, dù người đó hoàn hảo về hình thức và tính cách.
2. Có những biểu hiện nội tâm như của người khác phái.
3. Thích và cảm thấy thoải mái khi giao tiếp với người cùng giới.

Nếu hội tụ cả 3 yếu tố trên, hoặc 2 yếu tố đầu, hoặc yếu tố 1 với yếu tố thứ 3, thì chắc chắn bạn là người đồng tính.

Thắc mắc:
 - Thưa anh, ở cạnh nhà em có một anh người mẫu, anh ấy từng đoạt giải Siêu mẫu nam năm... được mệnh danh là gã Đông - Juan máu lạnh. Em rất ngưỡng mộ vẻ đẹp rất đàn ông của anh ấy nhưng cách đây 10 ngày, em vô tình chứng kiến cảnh anh ấy và một nam người mẫu khác làm cái chuyện chỉ dành cho 2 người khác giới. Anh ấy phân trần với em (vì biết em nhìn thấy) rằng do nhu cầu “chuyện ấy” của anh ấy quá cao nên anh ấy mới vậy! Anh có thể cho em một lời giải thích được không? Em cám ơn anh nhiều!

Giải đáp:
Như anh đã trình bày (Trong bài: Đông - Juan thời hiện đại, in ở cuốn GIỚI TÍNH VÀ GIỚI TÍNH THỨ 3), những gã Đông - Juan lưỡng tính, hay gọi đúng tên là gã Đông - Juan đồng tính, sau những cuộc tình chớp nhoáng với những người phụ nữ nhẹ dạ lại thích tìm đến những người đàn ông khác để được yêu thương, chở che như tình chồng vợ.

Trong các cuộc tình đồng giới ấy, những gã Đông-Juan thực sự đóng vai trò là các "thím", các "mợ" với đầy đủ đức tính của những "bà chằn". Trong thế giới người mẫu, không ít chàng bảnh chọe, đầy nam tính và gợi cảm đã tự biến mình thành "điếm đực" của cả quý ông, quý bà. Họ chụp ảnh "khoe thân thể" 100% rồi tung lên mạng với lời quảng cáo "kết bạn" để "săn lùng" những kẻ háo sắc, bệnh hoạn. Kè kè bên họ trước công chúng là những tiểu thư xinh đẹp, đài các, nay một nàng, mai một nàng với những biểu hiện thật tình tứ, lãng mạn, nhưng khi đêm về, họ lại cúc cung chiều chuộng những gã "trai tơ" còn hơn những bà vợ yêu chiều chồng nhất.

Những gã Đông-Juan kiểu này tạo ra vô vàn lý do để ngụy trang cho hành động khác thường và được người đời chấp nhận, coi là bình thường vì cho rằng do nhu cầu "chuyện ấy" quá cao của chàng Đông-juan nên mới có cuộc tình “oái oăm” như thế (hoặc không nhận thấy những chuyện khác người bởi sự che chắn rất giỏi của các gã Đông-Juan), mà không nhận ra rằng: Thực ra, những chàng Đông-Juan lại chính là những người đàn ông thật yếu đuối và rất nữ tính.

Thắc mắc:
 - Ở cạnh nhà cháu có một anh là gay, vừa mới cưới vợ đầu năm. Gần đây thấy bảo vợ anh ấy đã mang thai. Cháu thấy thật vô lý vì gay thì làm sao có con được. Hay đấy không phải là con của anh ấy hả chú?

Giải đáp:
Nhiều người cho rằng: Người đồng tính không thể sinh con được. Đó là nhận thức sai lầm. Khi xây dựng gia đình (gia đình dị tính), dù là người đồng tính hay dị tính, việc không có con chỉ sảy ra trong các trường hợp sau:

1. Một trong hai người mắc bệnh vô sinh
2. Không sinh hoạt tình dục

Thực tế, khá nhiều người đồng tính xây dựng gia đình và vẫn sinh con đẻ cái, thậm chí có người đồng tính còn xây dựng gia đình hai, ba lần, với tổng số con cũng không ít.

Thắc mắc:
 - Thưa anh, em nghe nói: Người đồng tính phát hiện ra mình có ham muốn tình dục khác người từ thời ấu thơ, nhưng  một cậu bạn em lại hoàn toàn khác, bởi hồi chưa có vợ, cậu ấy rất nam tính, thật sự  nam tính nhưng gần đây, khi vợ con đuề huề rồi, cậu ấy lại có những biểu hiện rất pêđê như ôm hôn em, nói yêu em...  Sao lại vậy hả anh?

Giải đáp:
Cũng có người bị đồng tính nhưng không biết mình là đồng tính, bởi họ vừa lớn lên là xây dựng gia đình, rồi sinh con đẻ cái, có cuộc sống bình thường như bao gia đình dị tính, có khác chăng là trong con người họ luôn có cảm giác bị bức bối, hụt hẫng và thiếu thiếu ... một “thứ gì đó” rất quan trọng nhưng cũng rất mơ hồ về lĩnh vực tình cảm, nên cuộc sống gia đình của họ không được suôn sẻ.

Giáo sư Elisabeth Badinter giải thích: “Thông thường những người đàn ông này cưới vợ hoàn toàn thực tâm, không biết những xung năng đồng tính luyến ái của mình. Phần lớn họ chỉ nhận ra sự đồng tính luyến ái của mình khi đã cưới vợ và làm bố. Sự có ý thức đến dần dần, đau đớn và tạo mặc cảm tội lỗi một cách khủng khiếp.”

Báo cáo điều tra của ông Frader Green cho biết rõ hơn về người đồng tính luyến ái: “Trong số người đồng tính, có 20% thuộc dạng tinh thần, chưa từng có quan hệ tình dục (có nghĩa chỉ "thích" người cùng giới trong tình cảm, suy nghĩ), có 35% thỉnh thoảng có quan hệ và 15% thường xuyên có quan hệ tình dục (....) Những khúc mắc tâm lý giới tính của những "người vợ" là đàn ông và những "người chồng" là đàn bà càng nghiêm trọng hơn. Họ thường rơi vào thế làm chủ trong dạng đồng tính luyến ái.”

Với nhóm người này, khi gặp “đối tượng đặc biệt” trong hoàn cảnh “đặc biệt” sẽ lao vào cuộc tình đồng giới thật mãnh liệt. Ngôn ngữ dân gian gọi là “đa hệ”, còn thuật ngữ của các nhà tâm sinh lý tình dục gọi là “lưỡng tính luyến ái”, có nghĩa người đó có nhu cầu sinh lý với cả 2 giới.

Thắc mắc:
 - Trong một bài viết của mình, anh cho rằng: Những người đồng tính rất sợ sự đồng tính. Có đúng như thế không?

Giải đáp:
Không ít người cho rằng sở dĩ bị đồng tính là do những người đồng tính thích như vậy. Thực ra, người đồng tính không có quyền lựa chọn. Với người dị tính, chuyện đồng tính chỉ thực sự “ghê sợ” khi có sự “tiếp xúc thân mật”, hoặc “thể hiện tình cảm” từ đối tượng cùng giới, nhưng người đồng tính, sự "ghê tởm" đó luôn thường trực trong suy nghĩ, hành động.

Mặc dù ghê sợ sự đồng tính nhưng người đồng tính không thể “triệt tiêu” được ham muốn quan hệ sinh lý với người cùng giới. Họ lập hàng rào ngăn cản “tình yêu đồng giới” nảy nở nhưng chính họ lại tự phá bỏ vì ý chí không thắng được tình cảm. Bằng lý trí, họ lẩn tránh những gì liên quan tới chuyện đồng tính, thậm chí trốn chạy người họ say đắm nhưng xung năng tình dục đồng tính thúc giục, đến chừng mực nào đó, họ bị khuất phục, gục ngã đến thảm hại. Đó chính là mâu thuẫn, là nỗi đau không thể vượt qua của người đồng tính.

Thắc mắc:
 - Tôi nghe nói: Chính những người hay bài bác, khinh khi người đồng tính thường là những người giới tính thực chất không được rõ ràng?

Giải đáp:
Bằng kết quả điều tra vai trò của các tác nhân kích thích đồng tính trên đàn ông dị tính, bao gồm 35 người đàn ông kỳ thị đồng tính và 25 người đàn ông không kỳ thị đồng tính, các nhà khoa học (Hudson và W. A. Ricketts, 1980 - A.H. Buss và M.Perry, 1992) đã đưa ra kết luận: Những người kỳ thị sự đồng tính thực ra là những người đồng tính đang cố chối bỏ con người đồng tính của mình.

Hai nhóm đàn ông này được cho tiếp xúc với các tác nhân kích thích dục tính bằng cách xem phim dị tính, đồng tính nam và đồng tính nữ và theo dõi sự thay đổi về kích thước dương vật. Họ được yêu cầu điền vào bảng câu hỏi về mức độ gây hấn.

Cả hai nhóm đều cho thấy có sự gia tăng kích thước dương vật khi xem phim dị tính và đồng tính nữ. Duy nhất chỉ có nhóm đàn ông kì thị đồng tính có sự cương cứng dương vật khi xem phim đồng tính nam.

Rõ ràng là những người kì thị đồng tính có một mức độ tương quan với các kích thích đồng tính mà các cá nhân này có thể không nhận thức được hay tìm cách chối bỏ khuynh hướng thực của con người mình.

Lý giải về vấn đề này, trong tỏc phẩm NHÂN DẠNG NAM, Giáo sư Elisabeth Badinter giải thích: "Thực ra, sự sợ đồng tính liên quan tới nỗi sợ thầm kín của những ham muốn đồng tính luyến ái của chính riêng bản thân họ (....) Nỗi sợ đồng tính luyến ái vạch trần ra điều mà nó tìm cách che đậy". Giáo sư Elisabeth Badinter cũng khẳng định: Những người đàn ông thực thụ thường không có thái độ ác cảm khi giao tiếp với người đồng tính vì họ tự tin vào tố chất đàn ông của họ, không sợ tính nam của mình bị đe dọa. Tuy nhiên, theo thiển ý của anh thì "bản năng tự vệ" trong con người họ vẫn có những biểu hiện để tạo ra "khoảng cách" nhất định khi tiếp xúc với người đồng tính.

Thắc mắc:
 - Tôi nghe mọi người nói: Đồng tính luyến ái thường rơi vào những người hoạt động văn hóa nghệ thuật. Điều đó có đúng không ạ?

Giải đáp:
Đồng tính luyến ái tồn tại từ xa xưa và có ở trong mọi tầng lớp, nhưng người ta thường thấy tỷ lệ người đồng tính luyến ái cao ở giới nghệ sỹ, kinh doanh, chính trị...

Thực ra, tỷ lệ người đồng tính ở các giới như nhau, nhưng nhóm người trên, do họ là những người hoặc thành đạt, hoặc là người của công chúng nên đời tư dễ bị để ý, chính vì thế mà mọi người ngộ nhận về nhóm người đó có tỷ lệ đồng tính cao hơn các nhóm khác.

Thắc mắc:
 - Thưa anh, sự bất công của xã hội dành cho người đồng tính là gì! Sự kỳ thị của xã hội với người đồng tính sẽ dẫn tới hậu quả gì?

Giải đáp:
Công bằng mà nói, người đồng tính là những người chịu nhiều thua thiệt, đau khổ trong cuộc sống. Trong con mắt mọi người, dù người đồng tính có tài giỏi, tử tế đến đâu, có ích cho xã hội thế nào thì họ vẫn cứ là kẻ "biến thái", "lập dị", bị tránh xa vì "kinh tởm". Một ông tổng thống, một nhà bác học hoặc một nhà thơ, một nhạc sỹ thiên tài ... nếu đã là người đồng tính thì dù có vắt kiệt tài năng, trí tuệ để cống hiến cho nhân loại vẫn cứ phải đương đầu với sự ghẻ lạnh, "khinh rẻ" của người đời. Một kẻ giết người, một tên ăn trộm, một gã lừa đảo, nhiều khi còn được "tôn trọng" hơn nhiều những người đồng tính. Đây chính là một bất hạnh, một nghịch lý của xã hội mà người đồng tính không thể vượt qua.

Chúng ta thừa nhận, xã hội hiện đại tuy có thay đổi đôi chút khi nhìn nhận vấn đề đồng tính, nhưng thái độ “kinh tởm” sự đồng tính có lẽ sẽ bất biến theo thời gian. Sự kỳ thị của xã hội với người đồng tính không giúp họ thay đổi được lối sống mà ngược lại, càng làm cho họ bất mãn, mặc cảm và nảy sinh tư tưởng “nổi loạn”, dẫn đến những hệ lụy thật đau lòng.

Thắc mắc:
 -  Thưa anh, đồng tính luyến ái có phải là “trái với tự nhiên”? Là suy đồi đạo đức?

Giải đáp:
Tự nhiên rất phong phú và hoàn toàn không phụ thuộc vào quan niệm của con người. Dù con người quan niệm thế nào thì trong tự nhiên bao giờ cũng có đa số và thiểu số khác biệt, dị biệt mà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ, xác đáng. Ví dụ như  đa số người thuận tay phải nhưng lại có một ít người thuận tay trái chẳng hạn.

Thường thì các loài cây muốn ra quả thì hoa cái phải được thụ phấn từ hoa đực, nhưng cũng có một ít loài cây lưỡng tính có thể tự kết trái. Động vật có vú thì thường sống trên cạn, nhưng cá voi là động vật có vú lại sống dưới nước. Chẳng lẽ như vậy là trái lẽ tự nhiên? Hiện tượng đồng tính luyến ái không chỉ xảy ra ở loài người mà còn ở khá nhiều loài vật khác. Phải chăng những con vật đó cũng “đua đòi ăn chơi, vi phạm” đạo đức?

Vấn đề là ở chỗ, con người thường quen coi những gì giống với số đông, thuộc về số đông, được số đông thừa nhận như là “quy luật” (cả tự nhiên lẫn xã hội). Vì vậy những gì khác với số đông thì bị coi là trái quy luật và thường không được chấp nhận, nhất là ở những nơi có nhiều thành kiến.

Thắc mắc:
 - Thưa anh. Đồng tính luyến ái có phải là do di truyền?

Giải đáp:
Nguyên nhân dẫn đến đồng tính từng được các nhà khoa học thế giới cho rằng do gen, hoóc môn, hoặc nhiễm sắc thể trong cơ thể con người bị xáo trộn, thay đổi. Nhưng qua các thực nghiệm khoa học, các cuộc điều tra và thăm dò dư luận thì lời khẳng định đó bị sụp đổ.

Khi giải phẩu kiểm tra gen của người đồng tính, người ta thấy nhiễm sắc thể không thay đổi mà chỉ có sự biến đổi rất nhỏ về gen. Còn hoocmôn chỉ có sự thay đổi về ngưỡng cảm thụ nội tiết tố hướng dục vào tuổi dậy thì. Đấy chưa phải là căn nguyên cho hành động đồng tính phát triển.

Đi xa hơn, các nhà tâm sinh lý tình dục đã tiến hành các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học về đồng tính luyến ái. Người ta thấy có những gia đình, qua mấy thế hệ không có ai là người đồng tính nhưng bỗng dưng xuất hiện một chú "gà cồ" lạ hoắc không chịu cất tiếng gáy. Người ta cũng thấy có gia đình hoặc vợ hoặc chồng là người đồng tính nhưng con cái của họ sinh ra giới tính lại rất rõ ràng. Qua các cuộc thử nghiệm tự nguyện, người ta tiêm hoóc môn nam cho người đồng tính nam, hoóc môn nữ cho người đồng tính nữ thì kết quả trái với mong muốn: Họ (người đồng tính) không thay đổi khuynh hướng tình dục, trái lại, càng kích thích sự "thèm khát gần gũi" với người đồng giới. Điều đó khẳng định gen, hoóc môn không phải là nguyên nhân gây ra đồng tính luyến ái ở con người. Điều đó cũng khẳng định: Đồng tính luyến ái không mang tính di truyền.

Thắc mắc:
 -  Như vậy đồng tính luyến ái là tại bẩm sinh chứ không phải do di truyền hoặc ảnh hưởng của xã hội, của các mối quan hệ?

Giải đáp:
Zwang (1985) cho rằng có “rối loạn trong cấu trúc của bản năng cố định đối tượng”. Cấu trúc này được cho là nằm rất sâu trong “hệ não rìa” (limbic system), là một trong những khu vực khó nghiên cứu và ít được hiểu biết nhất của não bộ. Nó có nhiệm vụ tạo ra, rồi sau đó cố định “hình ảnh đối tượng”.

 Chẳng hạn: Khi một nam thiếu niên bình thường đến tuổi dậy thì, hình ảnh “đối tượng” trong đầu em luôn luôn là một thiếu nữ, cho dù sau đó em vào chùa tu và đến khi chết vẫn không biết đàn bà là gì. Về phía phụ nữ, nhiều người suốt đời không biết đến đàn ông, nhưng hình ảnh “đối tượng” trong đầu vẫn là một người khác phái. Ở người đồng tính ái, hình ảnh đối tượng lại là người cùng phái. Và đây là một hình thức của bản năng nên không có cách nào sửa đổi được. Điều đó lý giải tại sao những người dị tính không thể chấp nhận quan hệ tình dục đồng giới dù họ có bị bức bách trong bất kỳ trường hợp nào.

Thắc mắc:
 -  Em nghe bạn em nói: Các bệnh tâm thần cũng có thể gây nên đồng tính luyến ái. Điều đó có đúng không?

Giải đáp:
Có thể. Các nhà khoa học về tâm lý và tình dục cho rằng: Đôi khi đồng tính luyến ái xuất hiện như là một trong những biểu hiện (triệu chứng) của bệnh tâm thần phân liệt cũng như những bệnh thần kinh nội tạng mà các bệnh nhân có xu hướng thực hiện các hành động khác nhau chống lại xã hội và phá hủy những chuẩn mực đã được xã hội chấp nhận. Nhưng trong bệnh tâm thần phân liệt còn có cả các hiện tượng không kiểm soát được hành động của bản thân.

Thắc mắc:
 -  Tại sao một số người đồng tính luyến ái muốn công khai nói về khuynh hướng tính dục của họ?

Giải đáp:
Vì được chia sẻ với người khác cũng là điều rất cần thiết cho sức khỏe tinh thần, để không bị dồn nén quá mức. Một nghiên cứu bởi nhóm sinh viên y khoa tại New Zealand phát hiện:

- Những người gay trẻ phát triển vấn đề về sức khỏe tâm thần cao gấp 5 lần người dị tính cùng trang lứa.
- Những lesbian trẻ thì khá hơn, nhưng vẫn tìm thấy họ có nguy cơ phát triển vấn đề về sức khỏe tâm thần gấp đôi người phụ nữ dị tính.

Quá trình phát triển bản sắc ở những người đồng tính luyến ái nam và nữ, thường được gọi là quá trình bộc lộ, có liên hệ mật thiết với sự điều chỉnh tâm lý - những người đồng tính luyến ái nam hoặc nữ càng khẳng định bản sắc của mình thì càng có sức khỏe tinh thần tốt hơn và có sự tự tin hơn.

Thắc mắc:
 -  Tại sao "quá trình bộc lộ" lại khó khăn đối với một số người đồng tính luyến ái?

Giải đáp:
Vì những định kiến sai lầm của cộng đồng đối với người đồng tính, làm cho quá trình bộc lộ của họ trở nên rất khó khăn, đau đớn, thậm chí bế tắc muốn tự tử.

Những người đồng tính cũng rất lo sợ bị gia đình, bè bạn và cả tôn giáo của mình xa lánh nếu họ bộc lộ ra.

Đặc biệt là những người đàn ông có trình độ văn hóa, thành đạt, hoặc là con trưởng sẽ rất khó chấp nhận sự thực “con người giới tính” của họ với chính bản thân họ mà luôn tìm cách trốn chạy, đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Ngoài ra, những người đồng tính cũng thường là đối tượng để xã hội kỳ thị và đàn áp. Sự đe dọa này là trở ngại chính khiến cho những người đồng tính  không dám bộc lộ bản thân.

Thắc mắc:
 -  Thưa anh! Có phải những người đồng tính rất dễ phát hiện ra nhau là người “cùng hệ”?

Giải đáp:
Phần lớn những người đồng tính, khi gặp nhau dù chỉ vô tình là họ đã nhận ra nhau là người cùng hệ. Không ai giải thích được điều đó. Người ta chỉ nói rằng đó là kết quả của nhiều cuộc điều tra, thực nghiệm tự nguyện của những người đồng tính.

Tuy nhiên, có những người đồng tính, phải qua rất nhiều lần tiếp xúc, họ mới “phát hiện” ra đối tượng cũng là người cùng hệ với mình.

Người bình thường, khi tiếp xúc với người đồng tính rất khó nhận biết người đang giao tiếp với mình là dân đồng tính, trừ phi những người đồng tính đó quá “lộ liễu”, hoặc tự nói ra mình là người đồng tính.

Thắc mắc:
 -  Thưa anh! Em thấy mọi người nói tình yêu của những người đồng tính thường không chung thủy, rất dễ kết hợp nhưng cũng rất dễ chia tay. Tại sao vậy?

Giải đáp:
Điều này cũng thật dễ hiểu, bởi cuộc sống lứa đôi thường có những ràng buộc nhất định vì bản chất đích thực của tình yêu, vì ý nghĩa, hạnh phúc của cuộc sống vợ chồng và vì tương lai hạnh phúc của con, cháu nên con người ta sẵn sàng chấp nhận đánh đổi, hy sinh, chịu đựng, (nếu có hoặc nếu cần) những vất vả, cực nhọc... để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Còn những mối tình đồng tính, ngoài nhu cầu sinh lý ra, họ không có những ràng buộc (mặc dù họ khao khát được có những ràng buộc đó) để có được giá trị, hạnh phúc đích thực của cuộc sống vợ chồng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Hơn nữa, những người đồng tính thường không tự thoả mãn với người bạn tình hiện tại, luôn khao khát những người bạn (tình) mới vì cho dù người bạn hiện tại có chiều chuộng, đáp ứng nhu cầu sinh lý cho họ đến mức nào thì tất cả cũng chỉ đạt tới sự "nửa vời" nên họ vẫn thấy hụt hẫng và còn thiếu thiếu. Đấy chính là những lý do mà những mối tình đồng giới không thể thuỷ chung và rất dễ tan vỡ.

Thắc mắc:
 -  Em thấy mọi người bảo rằng: Người đồng tính khi phát hiện đối tượng là người “cùng hệ” với mình là liền tỏ tình?

Giải đáp:
Thường thì như vậy, nhưng nhiều trường hợp, khi biết rõ “đối tượng” cũng cùng hệ với mình và có “tình cảm” với nhau nhưng họ vẫn "dửng dưng", thậm chí còn cố chứng minh cho "đối tượng" thấy sự rõ ràng về giới tính của mình, vì họ muốn danh dự của họ được bảo toàn. Nhất là trường hợp những người đồng tính đã có địa vị, danh tiếng trong nghề nghiệp, xã hội, thì việc "làm quen" với người đồng tính khác sẽ không khác gì "lạy ông tôi ở bụi này" nên càng khó sảy ra.

Thắc mắc:
 -  Thưa anh! Làm thế nào để biết rằng mình đang yêu một chàng gay?

Giải đáp:
Một nghiên cứu của Trung tâm tâm thần Hoa Kỳ năm 1993 khẳng định: Những chuyển biến tình cảm của người đồng tính không giống như những người bình thường là do họ luôn có cảm giác lo sợ bị lộ thân phận đồng tính nên thể hiện tình cảm một cách thất thường và mang tính đối phó. Chẳng hạn, đôi lúc họ tỏ ra rất quan tâm và biết cách làm cho người yêu cảm thấy mình đang được yêu thương cực kỳ nhưng sự việc này thường chỉ diễn ra khi trước đám đông. Còn sau đó họ lại lạnh nhạt, thờ ơ trong mối quan hệ và thường xuyên lẩn tránh những cử chỉ yêu thương từ người yêu của họ.

Thắc mắc:
 - Ngoài những điều anh đã nói còn có biểu hiện gì để căn cứ vào đó phán đoán được “chàng” của mình là gay?

Giải đáp:
Nhiều chàng gay có chung một điều là rất “lợi khẩu” trong các cuộc “khẩu chiến”, biểu hiện ở chỗ: Dù bề ngoài của chàng rất manly, rất đậm đặc chất đàn ông nhưng nếu bạn tinh ý sẽ phát hiện rằng đôi lúc chàng của bạn còn chua ngoa hơn một bà già khó tính.

Mặt khác, chàng luôn có những cử chỉ làm điệu quá đáng như một cái gật đầu rất kiểu cách hay cách cầm ly mà ngón tay út cứ xoè ra. Khi đứng trước phái mạnh, nhất là đứng trước các anh chàng đẹp trai thì chàng của bạn có cư xử như điệu hơn, chú ý gây ấn tượng hơn hoặc lúng túng hơn, thậm chí đôi khi quên mất mình đang nói gì .

Thắc mắc:
 -  Thưa anh, nếu như vậy thì tất cả những người đàn ông hay chì chiết, “chua ngoa” với người khác thì đều là dân Pêdê?

Giải đáp:
Ồ, bạn hiểu sai rồi. Đấy chỉ là một trong số những đặc điểm của nhiều người đàn ông đồng tính chứ không phải cứ người đàn ông nào “chua ngoa, khó tính như bà già” sẽ là người đồng tính. Ngay trong những người đàn ông đồng tính cũng không hiếm những anh chàng có tác phong, ăn nói cực kỳ nam tính. Nếu suy luận như  bạn thì thật oan uổng cho rất nhiều đấng mày râu đấy.

Thắc mắc:
 -   Giờ thì em mới hiểu tại sao cậu bạn em lại mất tự nhiên, đỏ hết mặt khi gặp mấy anh nhà báo đẹp trai! Thì ra cậu ấy là một chàng gay.

Giải đáp:
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống mất tự nhiên, đỏ mặt, thậm chí còn luống cuống khi gặp người cùng giới nên em không thể căn cứ vào những biểu hiện như thế để khẳng định bạn em là người đồng tính.

Chẳng hạn, khi người ta ngưỡng mộ tài năng, đức độ của một ai đó, hoặc họ có cảm tưởng mình bị thua kém một ai đó về một lĩnh vực nào đó cũng sẽ có những biểu hiện như vậy.

Để kết luận người ấy có phải là người đồng tính hay không rất khó vì em phải tổng hợp thật nhiều những “bất lợi” của người ấy về tố chất đàn ông và phải thật khách quan phân tích. Còn nếu người ấy chỉ có vài biểu hiện như em đặt “dấu hỏi” mà đã vội “tuyên án” thì thật sai lầm.

Thắc mắc:
 -  Em thấy bác sỹ nói rằng: Người đồng tính thường không cương quyết vì họ là người sống tình cảm nên rất ít khi có hành động bạo lực?

Giải đáp:
Theo anh được biết thì đa phần người đồng tính luyến ái là người có bản chất hiền lành, sống trọng tình cảm nên họ thường dùng tình cảm để giải quyết mọi ân oán, mâu thuẫn. Tuy vậy cũng không thể căn cứ vào đó để cho rằng: Những người đồng tính thường sống tình cảm và không có hành động bạo lực.

Thắc mắc:
 -  Bạn em bảo: Người đồng tính thường khéo tay, đa tài. Điều đó có đúng không anh?

Giải đáp:
Người đồng tính thực ra cũng như mọi người: Cũng có người thế này, người thế nọ, người khéo tay, người không khéo tay... Chẳng qua vì người đồng tính do không phải “bận bịu” về chuyện yêu đương trai gái, chuyện vợ con nên họ có quỹ thời gian dành cho công việc, sự nghiệp nhiều nên thành công của họ nhanh hơn, dễ nổi trội hơn.

Để hiểu hơn về người đồng tính luyến ái, bạn nên tìm đọc cuốn ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI VÀ NHŨNG HỆ LỤY hoặc cuốn GIỚI TÍNH VÀ GIỚI TÍNH THỨ 3 do Công ty Văn hóa Bảo Thắng (344 Đường Láng - Đống Đa - Hà Nội) liên kết xuất bản. Sách đang có bán tại các cửa hàng sách trong toàn quốc.

Thắc mắc:
 -  Em đọc một bài báo, đại ý nói rằng: Người đồng tính không có tinh thần che chở, bảo vệ người khác giới vì trong suy nghĩ của họ, người “khác giới” đó chính là người cùng giới với họ?

Giải đáp:
Anh nghĩ không phải vậy! Đấy chỉ là lối suy diễn thường thấy ở một vài nhà báo thiếu “thực tế”. Những nhà báo này đã gián tiếp làm xã hội hiểu sai, hiểu không đúng về người đồng tính.

Nếu đúng vậy thì đã không có những câu: “Cậu ấy đàn ông thế mà lại gay. Tiếc nhỉ!”, hoặc “Duyên dáng, nữ tính vậy mà Less ư? Tiếc thật!”

Thắc mắc:
 -  Thưa anh! Tại sao cộng đồng cần hiểu biết hơn về đồng tính luyến ái?

Giải đáp:
Mọi người cần có hiểu biết hơn về các xu hướng tình dục và đồng tính luyến ái để giảm bớt những kỳ thị và thành kiến. Những thông tin chính xác về đồng tính luyến ái là cần thiết cho giới trẻ để họ xác định bản sắc tính dục của họ. Có người lo ngại nếu tiếp xúc với những thông tin về đồng tính luyến ái sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành xu hướng tình dục, những lo ngại này hoàn toàn không có căn cứ.

Những người biểu lộ thái độ dung nạp những người đồng tính luyến ái là những người hiểu rõ về một số người này. Do đó, các nhà tâm lý cho rằng thái độ không dung nạp là thái độ không dựa trên cơ sở thực tế mà chỉ dựa trên những định kiến.

Thắc mắc:
 -  Em nghe nói Abraham Lincoln là người đồng tính! Không biết đó có phải là sự thật? Anh có thể giúp em câu trả lời được không?

Giải đáp:
Học giả C.A.Trip đã khẳng định: Abraham Lincoln  có quan hệ đồng tính với David V.Derickson, đội trưởng đội cận vệ. Trong cuốn "Thế giới thầm kín của Abraham Lincoln", C.A.Trip đã chỉ rõ mối quan hệ giữa họ vượt quá nhiều ranh giới cần có của người cận vệ với tổng thống. Sự thân mật giữa họ đã khiến dư luận ngạc nhiên. Virginia Fox, vợ một thứ trưởng hải quân đã viết trong nhật ký (vào năm 1862): "Có một anh lính điển trai ở đây đã hiến mình cho tổng thống, đi xe cùng ông ta, và khi bà Lincoln đi vắng, thì ngủ cùng ông ta! Kỳ lạ thế!". Còn Thomas Chamberlain, chỉ huy trung đoàn của Derickson thì bình luận: "Đại uý Derickson một cách thật đặc biệt đã có được sự yêu mến của tổng thống đến nỗi khi bà Lincoln vắng nhà, anh ta được ngủ lại qua đêm cùng giường với tổng thống và nghe nói còn được mặc cả áo ngủ của tổng thống". Khi Derickson bị thuyên chuyển, Lincoln đã cố gắng hết sức để giữ lại.

Ông Tripp còn nói: “Nhiều nhà viết tiểu sử Abraham Lincoln, gồm có Carl Sandburg, đã cảm thấy được vấn đề đồng tính ở Lincoln.” (Sandburg viết mối quan hệ Lincoln và Joshua Speed có "những nét của hoa oải hương, mềm mại như violet tháng năm"). Ông Tripp còn dẫn ra những điều rất bí mật, như việc bà mẹ kế Sarah Bush Lincoln, người rất hiểu Abraham Lincoln, nhận xét: "Theo tôi biết, Lincoln không mê con gái!", hay như Billy Green, người có quan hệ đồng tính với Lincoln ở New Salem đã nói: Lincoln có bộ đùi "thật sự hoàn hảo".

Vấn đề đồng tính của vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ đã được các học giả bàn cãi rất nhiều trong mấy năm gần đây. Đặc biệt Ông Tripp, bằng những phân tích rất cẩn trọng, kỹ lưỡng đã đưa ra kết luận: Vị tổng thống vĩ đại nhất của người Mỹ, chính là một người đồng tính luyến ái.

Thắc mắc:
 -  Chồng tôi là người đàn ông đẹp trai, nam tính và rất thành đạt. Chúng tôi lấy nhau đã mười năm và có với nhau 2 con (1 trai, 1 gái) nhưng gần đây tôi phát hiện ra chuyện động trời: Chồng tôi và chồng bạn thân của tôi “yêu” nhau đã 3 năm nay. Tôi đau khổ lắm vì không biết phải làm gì bây giờ?

Giải đáp:
Về chuyện của chị, tôi xin lược trích 3 cách “giải quyết tình huống” của bạn đọc trên trang VnExpress.net để chị tham khảo. Hy vọng chị sớm bình tâm trở lại và tìm cho mình cách giải quyết tốt đẹp nhất!

Cách 1: Khi tôi bắt gặp được chuyện của anh và người bạn thân ấy tôi không nghĩ mình đã sống được đến ngày hôm nay... Tôi đau khổ, hoảng loạn, thậm chí kinh tởm con người anh nhưng rồi hình ảnh những việc làm tốt đẹp của anh, bản chất tốt đẹp của anh đã làm dịu dần nỗi đau trong tôi. Tôi quyết định âm thầm xâm nhập vào thế giới riêng của anh... Ngày tháng trôi qua hơn 1 năm kể từ ngày tôi bắt đầu tìm hiểu... Tôi thương anh nhiều hơn có lẽ không phải vì yêu, bởi tình yêu ấy đã chết ngay cái ngày tôi bắt gặp anh và người bạn đang cùng nhau ân ái... Nhưng tôi thương anh thật lòng không có chút thương hại, tôi cũng thương và khâm phục người bạn của anh...

Đọc đến đây có lẽ các bạn sẽ cho tôi bị điên, nhưng không, đó là sự thật, tôi quyết định mời cả hai người làm trái tim tôi tan vỡ gặp nhau để nói hết những gì tôi có thể... Tôi yêu cầu họ hãy cứ sống với cái thế giới của các anh nhưng phải hứa với tôi không được làm cho 2 đứa con bé nhỏ của tôi biết chuyện này, chúng sẽ xem thường cha của chúng... Và tôi quyết định ly hôn, nhưng vẫn bảo vệ hạnh phúc cho anh.

Giờ đây tôi thanh thản hơn bao giờ hết, cả ba chúng tôi và 2 đứa con tôi vẫn cuối tuần gặp nhau, và tôi cũng hướng cho con tôi điều mà nó không được xúc phạm đến cha của chúng nếu lớn lên chúng biết chuyện.

Cách 2: Xã hội Việt Nam vẫn chưa chấp nhận người đồng tính, nên rất ít người dám công khai nhận mình là người đồng tính. Chỉ có một số rất nhỏ dám sống đúng với khuynh hướng tình dục của mình. Một số khác kín đáo hơn, tuy sống cuộc đời như những người đồng tính, nhưng bề ngoài không ai biết họ là đồng tính, vì sức ép gia đình và xã hội quá mạnh, họ phải lập gia đình và sống như một người có vợ/chồng. Đây là trường hợp chồng chị.

Chị nên trình bày thẳng thắn với anh. Anh nên sống thực với con người của mình và chị cũng không nên oán trách anh.

Tôi biết anh rất đau khổ, khi phải sống ngược lại bản năng của mình vì sức ép gia đình và xã hội. Anh đã và đang phải ‘đóng kịch’ để được mọi người xem anh là người "bình thường". Chị cũng đã và đang phải ‘đóng kịch’ vì anh. Năm nay chị mới có hơn bốn mươi tuổi, chị còn ít nhất hơn ba mươi tuổi nữa để sống. Chị có muốn vì một người chồng đồng tính mà phải "đóng kịch" suốt cả một đời không?

Vấn đề ở đây không phải là chị nên bỏ anh, cũng không phải anh chị nên bỏ nhau. Vấn đề là anh chị nên trả tự do cho nhau. Vấn đề là anh chị nên chấm dứt "màn kịch" anh chị đã đóng 20 năm nay. Cố gắng giải quyết moị việc êm thắm mà không ảnh hưởng gì nhiều đến con cái.

Mong chị có nhiều sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn này.

Thân mến Nguyễn Ngọc Thanh

Cách 3: Mình chắc rằng, chồng chị là một người mạnh mẽ và rất đàn ông nên chị mới không phát hiện sớm? Có thể chồng chị bị đồng tính trước khi cưới chị. Do hoàn cảnh gia đình, công việc, hay một nguyên nhân nào đó mà anh phải lập gia đình để được vui lòng cha mẹ đã già yếu, hay chỉ để chứng tỏ anh cũng có gia đình như bao người khác để che mắt bạn bè, đồng nghiệp. Hoặc cũng có thể anh “gác kiếm” sau một thời gian chán nản với chuyện đồng tính. Nhưng cơ bản anh ấy là một người tốt, anh ấy cũng lo cho gia đình, lo cho chị và các con, chỉ có điều là anh ấy không quên được cảm giác ân ái, yêu thương với người đồng giới cho nên khi gần gũi với chị, anh ấy cũng không có hứng thú gì và càng không muốn có quan hệ xác thịt với chị.

Như vậy có 2 phương án chị cần giải quyết, chị tham khảo nhé.

- Phương án 1: Nếu chị còn thương anh ấy và lo cho những đứa con của chị thì hãy xem anh ấy là một người bạn. Có thể chị và anh ấy và các con vẫn ở chung một ngôi nhà, nhưng ranh giới giữa chị và anh ấy chỉ là tình bạn, từ đó chị có thể tâm sự, nói chuyện rõ ràng với anh ấy. Có thể chị để cho anh ấy đi giải quyết chuyện sinh lý với người cùng cảnh ngộ vì đó là vấn đề sinh lý của người đồng giới, chị có cấm cũng không có kết quả đâu.

- Phương án 2: Nếu chị không chịu nổi cú shock về người chồng đồng tính thì chị nên ly dị với lý do 2 người sống không hợp nhau. Chị đừng nên ly dị với lý do người chồng đồng tính, chuyện này cũng là điều sỉ nhục và xấu hổ nhất đối với chồng chị. Hãy ly dị một cách âm thấm và nói với anh ấy rằng chị vẫn là người bạn tốt của anh ấy và sẽ không bao giờ tiết lộ điều này cho ai hết.

Chúc chị sáng suốt để đưa ra quyết định cho riêng mình, hy vọng rằng chị sẽ có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc.

----------

Tham khảo thêm:
https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2015/09/nhung-thac-mac-ve-ong-tinh-luyen-ai-tac.html

Không có nhận xét nào: