Có
lẽ quá nhiều người biết chuyện tình bi lụy Trương Chi – Mỵ Nương trên dòng Tiêu
Tương. Vậy sông Tiêu Tương ở đâu tại Việt Nam?
Có lẽ không mấy người không biết chuyện tình bi lụy
trên dòng Tiêu Tương từ câu hát ru: “Ngày
xưa có anh Trương Chi/ Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay/ Cô Mỵ Nương ở lầu
Tây/ Con quan thừa tướng ngày ngày cấm cung/ Trương Chi chở đò ngoài sông/ Cất
lên tiếng hát động lòng Mỵ Nương…”.
Thủy
đình, Đền Đô, Bắc Ninh ngày nay tương truyền được xây dựng trên dấu vết dòng
Tiêu Tương. Ảnh: nguồn internet
TIÊU
TƯƠNG, TỪ TRONG TRUYỀN THUYẾT
Nguyễn Trung Hiếu
1. Một lần có dịp đến Trung Quốc dự cuộc tọa đàm nhỏ về
hoạt động du lịch, tôi được ban tổ chức thu xếp nghỉ ở một khách sạn lớn ở khu
vực phía nam thành phố Bắc Kinh. Từ sân bay về nơi nghỉ, băng qua vùng Thập Tam
Lăng có khu rừng ngô đồng đang mùa rụng lá đầy cảm khái. Bất chợt nhớ câu thơ “Ngô đồng nhất diệp lạc. Thiên hạ cộng tri
thu” trong văn chương Trung Hoa. Và càng ngẩn ngơ hơn khi khách sạn, nơi
đoàn Việt Nam ở mang tên Tiêu Tương - một cái tên gợi nhớ mối tình lãng mạn của
chàng nghệ sĩ xấu xí Trương Chi với nàng Mỵ Nương của đất Việt.
Thú vị sao, ngay giữa trái tim Trung Hoa tôi lại gặp…
Tiêu Tương? Người hướng dẫn viên bảo, đây là khách sạn nổi tiếng ở Bắc Kinh vì
nó đã từng là nơi giam giữ chức sắc cao nhất của thành phố, trong công cuộc chống
tham nhũng của Trung Quốc. Ý nghĩa của tên khách sạn này: “Tiêu Tương là chỉ việc trai gái thương nhớ nhau”! Lý do, đó là tên
một con sông ở phía Nam, trong truyền thuyết, đời nhà Chu, ngàn năm trước có
chàng trai tên Lý Sinh, yêu cô gái tên Lương Ý. Nhân xa cách nhau, nên nàng
Lương Ý có làm bài thơ Trường tương tư, có những câu nổi tiếng:
“Quân tại Tương Giang đầu/ Thiếp tại Tương
Giang vỹ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương Giang thủy”
(Dịch: Chàng ở
đầu sông Tương/ Thiếp ở cuối sông Tương/ Tương tư không gặp mặt/ Cùng uống nước
sông Tương).
Về câu chuyện này, trong Tầm Nguyên từ điển của Bửu Kế
có chú giải, người sau này dùng điển tích sông Tương để chỉ việc thương tưởng của
đôi trai gái yêu nhau. Truyện Kiều có câu: “Sông
Tương một giải nông sờ”.
Còn trong cuốn Từ điển thành ngữ, điển tích, danh nhân
của Trịnh Văn Thanh chú giải mục từ này:
“Tiêu Tương - Chỗ con sông Tiêu và sông
Tương hiệp nhau ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc… Vua Thuấn di giá đi tuần thú và mất
tại đây. Hai bà vợ Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm, đến bờ sông này than khóc. Nước
mắt vấy vào những cành tre. Về sau tre này đều lấm tấm trông như đồi mồi. Người
ta dùng hai chữ Tiêu Tương để chỉ việc trai, gái thương nhớ nhau”.
2. Như vậy cùng chuyện tình trai gái éo le, chung một
địa danh nhưng xa cách nhau về mặt địa lý, có chăng sự vay mượn điển tích, địa
danh giữa hai dân tộc Trung - Việt? Hầu
hết từ điển Việt Nam từ xưa đến nay không có mục từ Tiêu Tương. Vậy sông Tiêu
Tương ở đâu tại Việt Nam?
Cách đây vài năm, trong một hội thảo về quy hoạch ở Bắc
Ninh, Chủ tịch Hội Văn nghệ địa phương này cho biết, theo dân gian sông Tiêu
Tương ở vùng Đông Ngàn cũ (huyện Tiên Du,
Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Dòng sông bị lấp từ bao giờ, nhưng còn truyền lại
huyền sử văn hóa Kinh Bắc với câu chuyện tình lâm ly Trương Chi - Mỵ Nương, là
nguồn cảm hứng văn nghệ của người dân Kinh Bắc.
Sách “Địa chí Hà Bắc - 1980” có viết:
“Sông Tiêu Lương, còn gọi là sông Tiêu
Tương, ở địa giới huyện Tiên Sơn phát nguyên từ hồ Lãng Bạc chảy từ tây sang
đông, bắc qua xã Tương Giang, Vân Tương, qua các làng quan họ nổi tiếng như
Lim, Bưởi, Ó, Se… rồi chảy vào sông Cầu”.
Và sách “Đại Nam nhất thống chí - 1882” (NXB Khoa học
xã hội 1971) mô tả:
“Sông Tiêu Lương ở địa
giới phủ Từ Sơn phát nguyên từ một cái đầm lớn ở xã Phù Lưu, huyện Đông Ngàn,
chảy từ phía tây sang đông bắc, qua xã Tam Sơn huyện Yên Phong, chuyển sang địa
phận hai huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông Thiên Đức”.
Trong bài viết “Sông nước Tiêu Tương hương Cổ Pháp”, cố
Giáo sư Trần Quốc Vượng có nhận định:
“Sông Tiêu Tương là nhánh sông Hồng chảy qua
Đình Bảng - đầm Phù Lưu; sau đó chảy qua Lũng Tiêu, Ó Chọ, Dương Ổ (làng Giấy)
rồi về sông Thiếp (Ngũ Huyện Khê) ở vùng Đồng Bạch; một nhánh chảy xuống xã Đại
Đồng (Tiên Du)…”.
Có lẽ từ huyền tích đó mà dân gian vùng này vẫn lưu
truyền câu ca dao: “Bao giờ rừng Báng hết
cây/ Phù Lưu hết chợ, đất này hết quan”, ám chỉ 3 địa danh: Rừng Báng (Đình
Bảng), Tào Khê (một hệ thống sông khu vực Đông Ngàn, Từ Sơn, Tiên Du, trong đó
có Tiêu Tương) và Phù Lưu có chợ Giàu (là chợ lớn nhất xứ Kinh Bắc). Đây là 3 địa
danh trù phú, vùng đất có nhiều người làm vua, quan trong các triều Lý, Lê, Trần,
đến về sau.
Nguyễn Trung Hiếu
http://baoquangnam.vn/van-hoa/tieu-tuong-tu-trong-truyen-thuyet-85228.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét