BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

TỪ NÚI CẨM KÊ ĐẾN MŨI KÊ GÀ - Phan Chính


               

        TỪ NÚI CẨM KÊ ĐẾN MŨI KÊ GÀ

        Công trình kiến trúc hải đăng Khe Gà tuy ngày nay thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), chỉ cách xa thị xã La Gi khoảng 30 km bờ biển, nhưng có mối quan hệ sâu xa về lịch sử vùng đất và đời sống xã hội, con người La Gi. Đêm đêm ở La Gi vẫn thấy rõ ánh đèn chớp tắt xoay tròn trên ngọn tháp cổ kính này. 


          Từ xưa đã có nhiều bản đồ hàng hải cổ đại Trung Quốc và một số nước phương Tây, với nhiều hình thức ghi chép, hình vẽ tiêu danh về vùng biển Đông Nam Á. Đây cũng là cơ sở rất cần thiết cho hoạt động hàng hải.Tuy nhiên phần lớn đều viết theo thuật ngữ hàng hải bằng chữ Hán rồi dần về sau qua phiên âm, phiên dịch cho nên nhiều địa danh cũ được mô tả không còn đúng trong thực tế hoặc đã được thay thế. Theo bản đồ hàng hải “Đại Nam toàn đồ 1841” qua hải phận Bình Thuận có thể bắt đầu với phía nam vịnh La Loan, từ mũi La Gàn (Tuy Phong) đến mũi Vị Nê/ mũi Nê (tức Mũi Né)… Mũi Né trước đây có nhiều tên gọi theo địa hình như Vị Nê sơn, Vị Nê úc (Úc là Vũng), Vị Chủy (Mũi Vị)- trên bản đồ Taberd người Pháp ghi Mũi Viné, Nê thành Né …

           Dọc bờ biển Bình Thuận, trong số các mũi đá núi nhô ra biển phải kể đến mũi Kê Gà, được coi như một kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ. Ở đó còn có ngọn tháp hải đăng do kỷ sư người Pháp tên Chanavat thiết kế xây dựng vào năm 1897 (gần 120 năm) có độ cao 65m so mặt nước biển, trên diện tích đảo rộng khoảng 5ha. Toàn  bộ vật liệu gạch, đá lấy từ Pháp sang. Tháp hải đăng hình bát giác mỗi cạnh 3 mét, cao 41 mét và một cầu thang xoắn ốc 184 bậc bằng thép cả trăm năm không bị hư hỏng. Tháp hải đăng được gắn ngọn đèn chạy bằng máy phát điện có công suất 1.000W, có thể chiếu sáng trong tầm nhìn đến 22 hải lý. Nay bóng đèn được thay bằng pin năng lượng mặt trời. Đây là vùng biển hiểm nghèo trên đường hàng hải từng chôn vùi dưới làn sóng ngầm hung hãn biết bao con tàu đã bặt tăm một cách bí ẩn.

       
                                             Hải đăng mũi Kê Gà.                                                     
           Địa danh Xích Khảm Sơn (Xích là đỏ, Khảm là khuất dạng, Sơn là núi) chỉ được nhắc đến trong sách cổ, đó là một dãy núi đất màu đỏ trong truyện “Đông tây dương khảo” của Chiêm Thành. Nơi này có lưu dấu vua Chăm bôn tẩu để tránh bị Giao Chỉ truy bức vào năm 1481 và trong “Thông quốc diên cách hải chử” mô tả vùng đồi núi nhô ra sát biển ghi là Kê Úc Đại Sơn (nghĩa là “Núi lớn Vũng Gà”- Úc là Vũng, Kê là Gà), nhưng trong “Đại Nam toàn đồ 1838” lại ghi là Kê Chủy (Mũi Gà- Chủy là mũi, mỏm). Về vị trí thì nằm trên địa bàn thôn Văn Kê, xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) ngày nay, cặp theo đường ĐT.719 có ngọn đồi đất cát pha màu đỏ. Phải chăng có mối quan hệ nào với Hòn Lan nằm trên bờ biển cách xa khoảng hơn cây số. Gọi là Hòn nhưng chỉ là một ngọn đồi cát với những tảng đá ong màu đen tuyền và cũng có thể từ một hòn đảo nhỏ bị bồi lấp. Hàng năm có người Chăm làng Hiệp Nghĩa (Tân Thuận) đến đây bày lễ cúng bái. Cảnh quan Hòn Lan trước đây rất đẹp, có cánh rừng cây xanh và bàu nước rộng tạo nên một không gian thanh bình. Bãi cát trắng dưới chân Hòn Lan mịn màng kéo dài đến Hòn Một (thuộc làng chài Cây Găng), về hướng nam khoảng một cây số. Tên gọi Hòn Đá Một, nhưng người địa phương gọi tắt là Hòn Một bởi hình dáng lẻ loi cô độc, khi nước thủy triều dâng cao Hòn Một chìm khuất dưới sóng. Hòn Một cũng như Hòn Lan đều gắn với những truyền thuyết khá ly kỳ.

           Nói đến Mũi Kê Gà, theo sách Đại Nam nhất thống chí mô tả, gọi đây là Cẩm Kê Sơn (núi Gà Gấm), có những tảng đá lớn nằm ngang ra bờ biển và không xa, ngoài biển có hòn đảo tên Kê Dữ (Đảo Gà). Cách đặt địa danh thời xưa thường dựa theo địa hình thiên nhiên và tầm quan sát lúc bấy giờ, nhìn từ biển thì những động đồi cát cao, cây xanh che phủ cũng dễ nhầm là núi. Cho đến sau này, khu vực núi Cẩm Kê có loài chim trỉ giống như gà rừng với bộ lông màu sặc sỡ, thường tụ tập thành bầy ở khe suối để uống nước bên cạnh mũi đá nhô ra biển nên mới có tên Khe Gà. Như vậy cũng địa điểm này trước đó là Xích Khảm Sơn do căn cứ vào màu đất đỏ của dãy núi mà có. Trải qua thời kỳ bị biển xâm thực xói mòn, một phần đất mũi của núi Cẩm Kê tách rời ra biển cách xa đất liền gần 400 mét, hình thành một hòn đảo nhỏ thơ mộng, kỳ vỹ này. Nhưng ít ai gọi đảo Kê Dữ này là hòn đảo mà quen dùng với tên gọi Mũi Kê Gà vì khoảng cách với bờ không xa, gần như một phần đất nối dài, có mùa con nước thủy triều xuống thấp ngư dân có thể lội qua.


                                           Xóm chài Kê Gà.

           Có sách ghi theo bản đồ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) năm 1650 là bản đồ đầu tiên người phương Tây viết chữ quốc ngữ latin về địa danh “Kéga” dựa trên bản đồ chủ yếu bằng chữ Hán Nôm của bản đồ Hồng Đức năm 1490 được vẽ bằng bút lông thể hiện núi, rừng, biển đảo của vương quốc An Nam. 

            Liên quan đến cách viết, cách gọi với địa danh này là Kê Gà, Khe Gà, Khê Gà… sẽ dẫn đến nhiều giải thích khác nhau. Trước năm 1975, trên bản đồ hàng hải, một số văn bản hành chánh, sách giáo khoa (Địa lý lớp Đệ nhị - NXB Sống Mới, Sài Gòn 1960 của Tăng Xuân An) ghi là Kê Gà. Nhưng nếu coi đây là địa danh kết hợp từ Hán-Việt có nghĩa là Gà Gà thì không mấy hợp lý? Trước đó đã có tác giả Lê Hùng Hiếu (tạp chí Xưa-Nay số 130 tháng 12/2002) dẫn chứng, trong tiếng Pháp không có các phụ âm KH và H nên các địa danh trên bản đồ Pháp ghi chép theo phiên âm, chỉ ghi phụ âm K (Kéga). Có thể hiểu Kê (Ké) ở đây là Khe hoặc Khê vì cách đó không xa có một con suối từ núi chảy ra biển, sách xưa ghi là Đại Khê và người địa phương quen gọi là Khe Cả. Chính xác hơn, có thể gọi Khe/ Khê Gà là hợp lý, nhưng một khi địa danh đó đã có một quá trình dài thấm đậm trong tình cảm, thói quen của người dân địa phương thì khó mà thay đổi.

                                                                           Phan Chính
                                                          (Tạp chí Xưa- Nay, Xuân 2017)

Không có nhận xét nào: