Nước
Việt có người họ Lý, đã cầm quân là tất thắng lợi, đã trị nước thì dân được
yên, danh lẫy lừng thiên hạ, tiếng vang khắp xa gần.
DÒNG
DÕI KIỆT HIỆT
Điểm trong sử nước Nam, có hai người làm tướng mà danh
thơm nức tiếng ở triều đại họ sống, dẫu đều là những người tịnh thân. Đó là trường
hợp của Thái úy Lý Thường Kiệt thời Lý và Tả quân Lê Văn Duyệt thời Nguyễn.
Viết về thân thế Lý Thường Kiệt, Nam quốc vĩ nhân truyện để lại vài dòng. Theo đó Lý Thường Kiệt là
người ở phường Thái Hòa thuộc kinh đô Thăng Long. Riêng về dung mạo, vẫn sách
này cho hay "có phong tư dung mạo",
đồng thời tư chất cũng hơn người khi "nhiều
mưu lược, có tài làm tướng".
Theo Việt điện u linh, ông tên thật là Ngô Tuấn, là
con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, Thường Kiệt chỉ là tên tự. Vẫn sách
này cho hay, khi còn ít tuổi, vì vẻ mặt tươi đẹp, Ngô Tuấn được sung làm Hoàng
môn chi hậu, làm hoạn quan theo hầu Lý Thái Tông. Xem Thoát Hiên vịnh sử thi tập,
có miêu tả dung mạo và việc vào cung của ông là "lúc còn trẻ, do có hình dung đẹp đẽ, cùng em là Thường Hiến được
vào hầu trong cung".
Trải qua thời gian, Lý Thường Kiệt được thăng dần đến
chức Nội thị sảnh đô tri rồi Thái úy, trải qua ba đời vua Thái Tông, Thánh
Tông, Nhân Tông. Là Thái giám nhưng Lý Thường Kiệt có tài "kinh bang tế thế hiếm ai bì kịp".
Sự nghiệp của ông, được Đặng Minh Khiêm tổng kết vài lời
trong Thoát Hiên vịnh sử thi tập, xem ra gói gọn mà đầy đủ: "Thường Kiệt từng dẹp giặc Chiêm Thành ở
phía Nam, đánh nhà Tống ở phương Bắc, vây hãm Khâm Châu, Liêm Châu. Làm quan đến
chức Thái úy, tước Thượng quốc công".
VÀO
ĐẤT GIẶC ĐƯỜNG HOÀNG KỂ TỘI GIẶC
Thời Hậu Lý, nơi cõi Bắc là vương triều Tống. Theo Việt
Nam sử lược, nhà Tống để lấy lại tiềm lực của mình sau những cuộc chiến tranh
liên miên với Liêu, Hạ, đồng thời phục hồi uy tín trong nhân dân, quan lại sau
biến pháp Vương An Thạch không được lòng dân, lại nhân lúc nhà Lý chuyển giao
vương quyền từ Lý Thánh Tông đã mất sang Lý Nhân Tông còn nhỏ tuổi đã quyết định
xua quân đánh Đại Việt. Để chuẩn bị lực lượng, lương thảo cho cuộc xâm lược quy
mô, nhà Tống lập ba căn cứ quân sự lớn ở châu Ung, châu Khâm và châu Liêm nằm ở
Nam Trung Hoa.
Sớm nhận thấy dã tâm xâm lược của triều Tống, triều Lý
chuẩn bị mọi mặt để ứng phó với cuộc xâm lăng không tránh khỏi của kẻ thù. Lúc
này, Lý Nhân Tông còn nhỏ tuổi, Thái úy Lý Thường Kiệt trở thành linh hồn của
cuộc kháng chiến, ông ra sức củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Nhận thấy sức mạnh của giặc tập trung ở ba châu Ung,
Khâm, Liêm, phải nhanh chóng triệt tiêu sự hậu thuẫn về lương thực, khí giới
đó, biến sự chủ động của địch thành sự bị động trong chiến tranh xâm lược, Thái
úy Lý Thường Kiệt làm một việc xưa nay hiếm bằng phương pháp "Tiên phát chế nhân" (phát
binh trước chế ngự địch).
Việt Nam phong sử ghi: "Trong niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) vua Lý Nhân Tông sai nhóm
Lý Thường Kiệt và Tôn Đản lãnh quân chia đường tiến vào đánh phá nhà Tống".
Việt điện u linh trong bài "Thái úy trung phụ dũng Võ uy thắng công" cho biết chủ
trương "tiên phát chế nhân"
kế của Lý Thái úy: "ông có nghe người nhà Tống muốn đem binh mã qua nhòm
biên cảnh nước ta rồi gây ra chiến tranh, ông lập tực tâu cùng vua rằng: Đợi
cho giặc đến mà đánh, chi bằng mình đánh trước đi cho chúng nhụt mất nhuệ khí
thì hay hơn".
Quân
Lý hạ Ung Châu
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lý Thường
Kiệt, Tôn Đản dẫn quân chia đường đánh ba châu. Lại để danh chính ngôn thuận
vào đất giặc, ông cho soạn bản "Phạt
Tống lộ bố văn" nói rõ lý do. Nghiên cứu Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại
giao và tông giáo triều Lý thể hiện bản lộ bố ấy được dân Tống ủng hộ vì giúp họ
đánh Tống vì các phép thanh miêu, trợ dịch làm dân Tống khốn khổ; vì quân Tống
muốn đánh Đại Việt...
Kết quả là ba châu của giặc đều bị quân ta phá tan.
Nói về việc này, cứ phải xem phần "sử
luận" của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trong Quốc sử huấn mông để mà thấy
được cái sự tự hào ngàn năm có một:
"Nước
ta xưa đánh nhau với giặc phương Bắc, nhiều phen được to, như nhà Trần với người
Nguyên, vua Lê với người Minh, Nguyễn Quang Trung với người Thanh, đều đủ làm
cho chúng hết cậy mình là nhớn. Tóm sau trước mà nghĩ thời việc đánh Tống này
có giá trị hơn nhất. Các việc kia, đều là giặc sang cõi ta, chiếm đất ta; quân
ta vì chống chế, vì khôi phục mà đánh, đánh mà được. Một việc đánh Tống này thời
quân ta tự tràn sang đất giặc, đường hoàng kể tội vua tướng giặc mà đánh, đánh
mà được, cho nên gọi là có giá trị hơn".
Trong sử Nam ta, vua Quang Trung từng có ý tiến quân
sang đất Thanh nhưng rồi mất sớm. Còn ở trường hợp quân Lý thì rõ như ban ngày.
Hiếm khi nào thấy được, quân ta thực hiện thế thủ chủ động đến như vậy khi vào
sâu nội địa của giặc mà diệt hết sự chuẩn bị quân sự, hậu cần, đưa giặc vào thế
bị động như thế.
Bởi vậy thử hỏi rằng, nếu nhà Tống không bị ta đánh phủ
đầu thì với quân đông tướng mạnh tràn sang, số phận Đại Việt sẽ như thế nào?
PHÁ TỐNG BÌNH CHIÊM
Với chiến thắng phủ đầu, ta đưa địch vào thế bất lợi,
bị động trong cuộc xâm lược, để rồi sau này quân Tống sang đánh Đại Việt, quân
dân ta đã có thời gian chuẩn bị đầy đủ kháng chiến chống kẻ thù, làm nên trận
Như Nguyệt hiển hách đánh tan quân ngoại bang, buộc địch rút chạy về nước không
dám ngoái đầu lại.
Năm Bính Thìn (1076), Quách Quỳ, Triệu Tiết dẫn quân
đánh nước ta. Với lực lượng mạnh, quân Tống nhanh chóng tiến đến bờ Bắc sông
Như Nguyệt (Theo Việt sử địa dư sông nằm
"ở phía Đông Bắc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh"). Bị phòng tuyến
Như Nguyệt chặn lại, quân Tống phải đóng trên trận tuyến dài 30km từ bến đò Như
Nguyệt đến chân núi Nham Biền (Việt Yên, Bắc Giang).
Lợi dụng quân đông với chiến lược đánh nhanh thắng
nhanh, Quách Quỳ tổ chức vượt sông đột phá phòng tuyến quân ta ở bến đò Như
Nguyệt nhưng bị đánh bại. Đại Việt sử ký tiền biên viết:
"Vua
sai Lý Thường Kiệt đón đánh quân Tống ở sông Như Nguyệt. Quách Quỳ lui quân về
lấy châu Quảng Nguyên, Thường Kiệt đón đánh tan quân Tống ở sông Như Nguyệt,
quân Tống chết đến hơn nghìn người, Quách Quỳ đem quân rút lui lại lấy các châu
Quảng Nguyên của ta. Tục truyền rằng Thường Kiệt đắp lũy làm rào ở dọc sông để
cố giữ, một đêm các quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng đọc
to rằng:
Nam
quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt
nhiên phận định tại thiên thư.
Như
hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ
đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch
thơ:
Sông
núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành
rành định phận ở sách trời.
Cớ
sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng
bay sẽ bị đánh tơi bời".
Tiếng
ngâm "Nam quốc sơn hà" kích thích sĩ khí quân sĩ
Quân lính nghe đọc mấy câu thơ ấy, ai nấy đều nức lòng
đáng giặc, quân nhà Tống không tiến lên được. Bị quân ta tiến công, tập kích,
phục kích, cắt đường vận chuyển, lương thực thiếu thốn, bệnh dịch hoành hành,
quân Tống ở vào tình thế bị động. Tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077), Lý Thường Kiệt phản
công đánh mạnh vào trận địa ở Nham Biền. Lại bất ngờ đánh vào cánh quân Triệu
Tiết, tiêu diệt quá nửa số quân Tống. Thất bại, quân Tống phải giảng hòa để rút
về nước. Kháng chiến chống Tống kết thúc thắng lợi. Từ đây nhà Tống không có bất
cứ cuộc xâm lấn nào đối với nước ta nữa. Đúng là cái cảnh được Việt Nam phong sử
ví von:
Nực
cười châu chấu chống xe,
Tưởng
rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng!
Chiến thắng chống xâm lược Tống mãi mãi đi vào sử xanh
Đại Việt cùng công lớn của nhà quân sự tài ba: Thái úy Lý Thường Kiệt. Nhưng
xem đời ông, không chỉ dừng ở chiến công phá Tống, mà sự nghiệp bình Chiêm,
cũng cao cả lắm.
Xem Việt sử tân biên, ghi nhận sự kiện bình Chiêm trước
khi đánh Tống, ấy là năm Kỷ Dậu (1069). Vì Chiêm Thành bỏ cống, lại lén lút thần
phục nhà Tống, vua Lý chỉnh trang binh bị, thực hiện cuộc chinh phạt về nam. Lực
lượng quân nhà Lý chừng 5 vạn, do Lý Thường Kiệt làm Đại tướng đi tiên phong.
Quân
tướng nhà Lý tiến đánh Chiêm Thành
Lần chinh phạt này, quân Lý đuổi vua tôi Chiêm Thành đến
tận kinh đô Chiêm. Chế Củ cùng quân tướng bị cầm tù. Chiến công ấy Việt sử tân biên nhấn mạnh "Người có công trong cuộc đại thắng này
là Lý Thường Kiệt". Để chuộc mạng, Toàn thư cho biết vua Chiêm Chế Củ
đã dâng ba châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý cho Đại Việt, nhờ đó mà lãnh thổ nước
ta kéo dài về Nam. Không chỉ đơn thuần là tướng xông pha trận mạc, mà riêng với
vấn đề cương vực lãnh thổ quốc gia dân tộc, Lý Thái úy là người có tầm nhìn xa
rộng, được đánh giá là "nói đến vấn
đề mở mang bờ cõi ta nên để ý đến Lý Thường Kiệt là người rất ráo riết về ý chí
này hơn hết".
Ghi nhận ở chiến công hiển hách này của nhà Lý trong
cuộc chinh Nam, học giả Hoàng Xuân Hãn đã tổng kết trong Lý Thường Kiệt - Lịch
sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, xét ra thật xác đáng: "trong cuộc nam phạt, Lý Thường Kiệt vừa làm tham mưu, vừa làm thống
soái. Ông đã có công lấy thành, bắt chúa Chiêm, cho nên nước ta mới được nhường
khoảnh đất ba châu phía nam dãy Hoành Sơn. Trong cuộc nam tiến của dân tộc Việt
Nam, Lý Thường Kiệt có công đệ nhất, vì đã mở đường cho các đời Trần, Hồ, Lê,
Nguyễn sau".
Ngoài sự nghiệp phá Tống, bình Chiêm ở trên, đời cầm
quân xông pha sa trường của Lý Thái úy còn ghi nhận việc dẹp loạn Lý Giác ở Nghệ
An khi ông đã tuổi 85, rồi đuổi Chiêm Thành năm Giáp Thân (1084) đều một tay
ông cả.
DANH
THƠM ĐỂ LẠI CHO ĐỜI
Con người Lý Thái úy, thật xứng với lời ngợi khen của
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, rằng: "Ông là người giàu mưu lược, có biệt tài làm tướng suý, làm quan
trải thờ ba đời vua, phá Tống, bình Chiêm, công lao đức vọng ngày một lớn, được
vua sủng ái, là người đứng đầu các bậc công hầu vậy". Há đâu phải thái
giám là không làm nên nghiệp lớn phò vua giúp nước như bậc quan văn, tướng võ
thôi đâu. Bởi thế, ngay trong thời Lý, nhân gian đã rất trân trọng ông, như bài
thơ của nhà sư Thích Pháp Bảo khi soạn bài "Ngưỡng
Sơn Linh Xứng tự bi minh" (bài minh, khắc trên bia, đặt ở chùa Linh Xứng,
núi Ngưỡng Sơn) năm Bính Ngọ (1126) thời vua Lý Nhân Tông, trong đó có đoạn:
Việt
hữu Lý công
Cổ
nhân chuẩn thức
Mục
quận ký minh
Chưởng
sự tất khắc
Danh
dương hàm hạ
Thanh
chấn hà vực.
(nghĩa là: Nước Việt có người họ Lý, Theo đúng phép của
người xưa. Đã cầm quân là tất thắng lợi. Đã trị nước thì dân được yên. Danh lẫy
lừng thiên hạ. Tiếng vang khắp xa gần).
Ban
thờ Thái úy Lý Thường Kiệt tại chùa Sùng Nghiêm, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh
Thanh Hóa. Ảnh: Trần Đình Ba
Kết bài, xin ghi lại bài thơ trong Thoát Hiên vịnh sử
thi tập ghi lại công nghiệp của vị Thái úy nhà Lý như sau:
Anh
em kề cận giúp quân vương,
Tài
lược hơn người tướng mạo tươi.
Đánh
Bắc dẹp Nam huân nghiệp rạng,
Phải
đâu hoạn thị bọn tầm thường.
Trần Đình Ba
Nguồn:
https://soha.vn/vi-dai-tuong-duy-nhat-khien-giac-khiep-so-ngay-noi-sao-huyet-hien-hach-muon-doi-pha-tong-binh-chiem-20200727122627549.htm
https://soha.vn/vi-dai-tuong-duy-nhat-khien-giac-khiep-so-ngay-noi-sao-huyet-hien-hach-muon-doi-pha-tong-binh-chiem-20200727122627549.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét