BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

NHỚ LẠI MỘT LẦN GẶP ĐỒNG MÔN LÊ THIỆN NGỮ - Võ Văn Cẩm


              
                           Tác giả bài viết Võ Cẩm


NHỚ LẠI MỘT LẦN GẶP ĐỒNG MÔN LÊ THIỆN NGỮ

Lê thiện Ngữ một cái tên quá quen thuộc. Một đồng môn Nguyễn Hoàng, học sau tôi nhiều năm. Nếu như đồng môn một trường khác thì chắc chắn tôi không biết Ngữ là ai, và chắc chắn Ngữ cũng chẳng biết tôi là ai. Vì Ngữ vào trường thì tôi đã ra khỏi trường.

Mối quan hệ thân thương, của một ngôi trường mất tên, đã hằn sâu vào tâm khảm của những thế hệ học trò đã từng cặp sách đến đó, dù thời gian đến trường không còn đếm năm, đếm tháng, đếm ngày, mối quan hệ lạ kỳ mà nhiều lần ngồi ngẫm nghĩ, xem lại trong hơn 50 đầu sách viết riêng về trường mình, hàng trăm Cựu HSNH và hàng chục thầy cô, chưa ai nói được lý do về mối liên kết keo sơn, có hàng trăm buổi họp mặt thân thương trong và ngoài nước, có hàng ngàn lượt phát học bổng và nhiều lần trao những món quà có giá trị cho đồng môn gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật do các Đồng môn Nguyễn Hoàng chung tay. Mà trong chúng tôi chưa ai lý giải nổi.

Khi chiến tranh bùng phát mạnh trên quê hương tôi. Các học trò rời trường như đàn ong vỡ tổ, không một lời chia tay, hay vài trang nhật ký, không biết đi đâu, về đâu… Và với quy luật tự nhiên, khi quay về như có một cái gì đó níu kéo, nơi mảnh đất linh thiêng, nơi vùng đất học, nơi tổ ấm mà chúng tôi rời xa một cách vội vã, nơi xây dựng ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.

Những năm 2006-2007 khi tiếng chim gọi đàn vang xa, trong tâm thức của mỗi đồng môn, dù ở phương trời nào, trong hay ngoài nước, dù Sài Gòn, Đồng Nai, Đà Nẵng, Huế hay Quảng Trị, dù Úc hay Mỹ, dù Pháp hay Canada đều háo hức ngày về. Tôi gặp Ngữ trong những giờ phút đầm ấm thân thương ấy ở buổi hợp mặt tại nhà Đỗ tư Nhơn, mà Ngữ là một trong số ít người tiên phong tổ chức họp mặt Cựu HSNH Quảng Trị lần đầu tiên. Tôi nhớ một người đồng môn dáng cao cao, đen như một nông dân, đến nắm tay tôi thật chặt, với nhiều cái bóp tay thật mạnh, như thầm nói rằng "mừng quá" mà anh không nói thành lời. Hôm ấy, tôi là người duy nhất từ xa trở về có mặt trong buổi gặp mặt ấy, dự bàn cho cuộc họp mặt ngày mai.

Thế rồi những lần sau trở lại không thấy bóng dáng anh, tôi phải hỏi thăm mới tìm gặp được anh. Tôi không hỏi anh về lý do đó? Cũng như mọi lần ra quê, tôi ra Đông Hà cùng Tầm đến nhà thắp hương cho thầy Nguyễn Viết Trác. Người thầy mà tôi cho là linh hồn của những ngày đoàn tụ của chúng ta sau này. Mới đây nghe tin Ngữ lâm bệnh nặng, và qua bài viết của Trị, mọi người xót xa cầu nguyện cho anh chóng hồi phục. Cuộc đời là vô thường: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không ai có thể thoát khỏi quy luật ấy.

Trong thời gian ngắn thôi, ta ngoái nhìn lại bao nhiều bạn bè, người thân quen ra đi. Rồi chúng ta còn có cơ hội nào gặp lại? Bài học tình người, tình đồng hương, đồng môn vận chặt vào người tôi như một chất xúc tác mạnh. Và lắm lúc tôi ngồi ngẫm: Cuộc đời ngắn ngủi thế, rồi một ngày kìa chẳng còn bao xa chúng ta cũng như Thầy Thái mộng Hùng, thầy Trác, thầy Sét, thầy Tuấn... Cũng như các Đồng môn Nguyễn Văn Xiễn, Tạ Quang Trung, Hoàng Hữu Ly, Đoàn Ngung, Nguyễn Lớn... Rồi lần lượt đến các thế hệ... Một ngày cũng không xa, cái sân chơi đầy trí tuệ, đầy tâm huyết, đầy tình thương, đoàn kết, chia sẻ, gắn bó mang tên ngôi trường Nguyễn Hoàng thân thương cũng không còn. Vì sân chơi nầy "Không có tính KẾ THỪA".

Thời gian còn lại không nhiều, chúng ta hãy gần nhau hơn, gắn bó nhau hơn, biết đoàn kết, thương yêu, chia sẻ, biết lấy cái vui chung làm cái vui riêng và ngược lại, đừng tách cái chung thành cái riêng và cũng đừng lấy cái danh xưng tập thể làm cái của riêng mình, riêng nhóm. Vì như thế chắc chắn sức mạnh của sân chơi của chúng ta sẽ yếu đi, và sự sống còn sẽ ngắn lại. Chúng ta mở mắt thật to, mở tâm, mở trí thật lớn, nhìn bao quát về cuộc sống đời thường, ngay cái tài năng, chức vị, giàu sang và bao nhiêu cái quý giá trên đời kể cả cha mẹ, vợ, con, người thân, chúng ta đều bỏ lại mà không một cái bắt tay, một lời chia biệt, một lời khuyên.
Khi vào đời bằng 2 bàn tay trắng và ngày ra đi ta mang được gì? hoàn lại trắng tay. Ta chỉ còn lại những cử chỉ thân thương, những hành động tốt, những việc làm nhân nghĩa, đạo lý, những việc làm mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người thân, bạn bè, bà con, xóm giềng, đồng loại. Cũng lắm lúc ngồi ngẫm: Sao đời ngắn ngủi thế? Cái vô thường của tạo hóa có đó? Cái bệnh tật rình rập? Tại sao người ta không rộng lượng, thứ tha? Sao không biết Chị ngã em nâng? Mà lúc nào cũng hằn học, tìm cái sai mà cành cựa, xoi mói, thậm chí ôm chân, nịnh hót để mưu cầu lợi ích cá nhân, ăn cắp tài sản chung làm của riêng mình, dùng phe đảng, bè cánh để hãm hại người khác, để che lấp những sai trái, xem của cải nặng hơn nhân cách và đạo lý, tình người.

Nhiều khi ngồi ngẫm: Những hành động, những việc làm của mình mà vui thích, thảnh thơi, nhẹ nhàng. Tuy việc làm ấy không lớn, chỉ mang lại một chút cỏn con niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Và lúc nào mình cũng lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình và theo thuyết nhà Phật: niềm vui ấy, hạnh phúc ta gieo, những niềm vui ta đem đến cho người khác, biết thương yêu chia sẻ, ngay cả những cái ta biết, ta chuyển từ ác nghiệp qua Thiện nghiệp. Đó là thứ tài sản ta được mang theo khi ta rời thân xác để được làm kiếp khác. Tùy theo duyên nghiệp kiếp này mà ta có cuộc sống kiếp tới. Theo Đức Phật Con người có muôn lượng kiếp, sự sống con người như một vòng tròn không có khởi đầu và không có kết thúc. Có nhiều tôn giáo xem sự sống con người như một đường thẳng, mà đường thẳng thì có điểm khởi đầu và có điểm kết thúc. Việc ta làm ta chịu, cái nhân ta gieo tốt thì ta được quả lành, không ai cho ta nhân và ta cũng không cho ai quả. Ta có thể gieo duyên lành hay ác để thay đổi nhân hay quá mà nhà Phật gọi là duyên nghiệp.

Cái cảm xúc của mình đi hơi xa chút xíu rồi. Xin chúc Ngữ chóng bình phục. Thân tâm an lạc. Để được đến sân chơi mà một thời mình đóng góp, xây dựng.

                                                          Sài Gòn 4g30 sáng 12/7/2020
                                                                         Võ Văn Cẩm

Không có nhận xét nào: