BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

CHUYỆN VUI THƯỜNG NGÀY: CHỮ VÀ NGHĨA - Đình Hy


  

CHUYỆN VUI THƯỜNG NGÀY: CHỮ VÀ NGHĨA
                                                                           Đình Hy

Trong cuộc sống thường ngày, ngôn ngữ có chức năng giao tiếp, biểu đạt những ý nghĩ của chủ thể ra khách quan bên ngoài để truyền thông tin với ý định, mục đích nào đó. Đó là sự kỳ diệu ngôn ngữ của muôn loài, (ở loài người ban đầu là tiếng nói và sau đó đạt một trình độ nhất định là chữ viết hình thành).

Vậy là chúng ta có một thế giới ngôn ngữ. Khi đạt mức tinh luyện những gì trong thế giới ngôn ngữ muôn màu ấy là quá trình trau dồi, sáng tạo hình thành văn hay chữ tốt, thơ ca, thành ngữ, tục ngữ. Trường hợp tiếng Việt của dân tộc, với tư cách là ngôn ngữ quốc gia, tồn tại vốn từ thuần Việt, tiếng Hán – Việt, tiếng Hán, tiếng dân tộc thiểu số, vay mượn từ nước ngoài khác từ hệ Latinh, Slavơ, hoặc Ấn Độ, Ả Rập…

Chuyên đề này nói về một số thói quen nói và viết tiếng Việt trong cuộc sống, nếu để ý kỹ sẽ thấy có một số trường hợp sử dụng theo thói quen, ngộ nhận… mà khi tìm tầm nguyên sẽ thấy sai, thấy rối, có khi trở thành hài hước… Những hiện tượng này cũng có thể là chuyện bình thường, chuyện vui trong thông tin giao tiếp nhưng có khi làm mất đi sự trong sáng tiếng Việt.

1. Dùng thừa chữ: Ví dụ, ngày xuân, ngày gặp mặt, tổng kết, hội nghị… hầu hết diễn giả đều thường có câu chúc quen thuộc: “Chúc mọi người bình yên, sức khỏe, an khang, thịnh vượng!”. “Thịnh vượng” là quá đúng rồi, thậm chí trong “khang” còn có yếu tố “thịnh vượng” nhưng chấp nhận từ độc lập, còn “an khang” trong câu này là thừa thải, trong trường hợp này “an” có nghĩa là bình an, “khang” có nghĩa là khỏe mạnh, vì vậy đã chúc: “bình yên, sức khỏe”, không cần thêm “an khang”, ngược lại dùng “an khang” trong câu “an khang thịnh vượng” thì không cần nói thêm “bình yên, sức khỏe”; trường hợp cụm từ: chúc “giàu sang, phú quý” cũng tương tự thế.

2. Dùng chưa chính xác từ cặp đôi Việt, Hán – Việt: do không tường tận, nên dẫn đến hài hước, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Nhiều người, kể cả học giả nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ thường vấp phải, thống kê trong các sách xuất bản, văn bản khoa học của họ, tần số sai loại này rất cao. Ví dụ: không chỉ người đọc bình thường mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, văn hóa, dịch giả cũng bị vấp phải: để chỉ một tảng đá có khắc chữ, họ thường dùng dày đặc trong công trình nghiên cứu từ “bia ký”. Viết vậy là sai, trường hợp này chỉ có 2 cách dùng đúng: “bi ký”, hoặc “văn bia”. Đơn giản vì “bi ký” nghĩa là “văn bia”, không có chuyện dùng chéo “bia ký”. Ta thường nghe, thạch bi, đó là bia đá, Thạch Bi sơn là núi Đá Bia ở đèo Cả; Tây du ký, nhật ký, bút ký… ký đó là văn ghi chép. Hoặc “khắc cốt ghi tâm”, dù rằng đã có công trình nghiên cứu thành ngữ, tục ngữ đưa câu này vào mục từ, nhưng đó là do biên soạn phần ngọn, phần đuôi. Lý do trường hợp này có 3 chữ Hán, 1 chữ Nôm (chữ ghi). Trong tiếng Hán, khắc là chạm, đục, ghi; cốt là xương, như vậy đã nói khắc là ghi, đã nói cốt là xương, vậy nên câu này là: “khắc cốt ghi xương”, không có yếu tố “tâm”, “can”, tim, gan, lòng, dạ… gì cả. Còn trong trường hợp nếu dùng hoàn toàn 4 chữ Hán thì phải dùng câu: “khắc cốt minh tâm”, minh tâm theo nghĩa khắc/ ghi vào tim/ lòng. Thơ Trịnh Hoài Đức có câu: “Thạch minh tâm giới bạch vân căn”, (nghĩa đen: Đá khắc tấm lòng rễ mây trắng, dịch thơ: Tấm lòng đá khắc vững bền gốc mây).

3. Không bảo đảm đủ từ, chính xác trong dùng từ, dùng câu thoại: nhiều người thích dùng chen vào bài nói những từ, câu tiếng Hán với ý định nhấn mạnh, sang trọng hóa lời nói, bài diễn văn của mình. Điều này dễ chấp nhận, nhưng dùng kiểu mơ hồ sẽ dẫn đến hài hước, nhiều khi “lợi bất cập hại”. Ví dụ: Mấy năm trước, khi nêu vai trò quan trọng của Thư viện, có vị nói: “Thư viện là kho trí thức của nhân loại”!?, đúng ra phải nói là “kho tri thức”. Cùng bàn về việc giảm thuế, có người đồng ý chủ trương và nhấn mạnh: “…phải khoan sức dân”, bài đăng báo, sau đó dấy lên làn sóng bình phẩm, chê trách, thực ra trong câu nói của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”; khi nói, vị này dùng câu trên có ý định tốt song do thiếu mất chữ “thư”, câu nói gần như trái nghĩa. Nêu về hạn chế trình độ tin học của cán bộ thời kỳ mới sử dụng máy vi tính, một vị phát biểu: “Yếu điểm lớn nhất của chúng ta là khả năng sử dụng máy vi tính…”, câu nói vô tình ca ngợi cán bộ, vì “yếu điểm” là điểm quan trọng, trọng yếu nhất, ở đây nhầm lẫn đáng tiếc giữa 2 từ: Yếu điểm và Điểm yếu. Về việc đo nồng độ cồn để xử phạt vi phạm giao thông, có người nói: “Thần Lưu Ly nâng ly lên đặt xuống…”, không có thần Lưu Ly trong tích cũ, chuyện xưa! Xưa kia vào đầu thời nhà Tấn bên Trung Hoa, trong nhóm Trúc Lâm thất hiền có ông Lưu Linh uống rượu nổi tiếng như thần mà thôi…

4. Không tối ưu, đắc ý trong dùng từ, dùng câu thoại: Trong giao tiếp hằng ngày, trong thuyết minh phim Trung quốc, thường nghe câu: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (người quân tử nói một lời; xe bốn con ngựa kéo cũng khó mà chạy theo kịp/ cũng có cách giải thích Tứ mã là giống ngựa chạy nhanh ở Tứ Xuyên)… Câu này dùng bình thường thì cũng tạm được, khả dĩ chấp nhận, nhưng xét trong phạm trù câu đối thì chưa đắc, chưa văn hay chữ tốt, bị mấy ông đồ Nho chê không đạt, vì trong cổ văn Trung Hoa, Việt Nam thường có đối: đối ý, đối nghĩa, đối âm, đối từ loại, nên chữ “Quân tử” không thể đối chữ “Tứ mã”, “nhất ngôn” không thể đối chữ “nan truy” ở 2 câu trên dưới. Xin cung cấp câu xưa nay ít người nhớ nhưng đối chỉnh ý, chỉnh âm, chỉnh nghĩa, chỉnh thứ tự từ loại: “Nhất ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy”, (Một lời nói ra…).
Trên đây là phần bàn về đúng sai, chính xác, không chính xác trong trong sử dụng từ. Còn dưới đây…

5. Phần nói thêm về chữ và nghĩa từ nguyên nghĩa rồi biến đổi theo thời gian, có loại sử dụng và mặc nhiên xã hội thừa nhận, có loại không dùng theo nghĩa ban đầu: lịch sử phát triển tiếng nói, chữ viết, ngữ nghĩa cũng dần theo hoàn cảnh xã hội, tìm lại gốc ban đầu thấy thú vị.
- Dông trong dông gió, dông bão, mưa dông: dự báo thời tiết một số báo, đài, cơ quan khí tượng đã đúng khi dùng từ “dông”, vì nguyên từ dông này xuất phát từ “dương” tiếng Hán mà ra, dương nghĩa là gió lớn tốc lên trong lúc chuyển mưa, chuyển Nôm mang phụ âm “d” = dông, (Lê Ngọc Trụ trong Việt ngữ - Chánh tả tự vị và cả trong các Từ điển Hán – Nôm). Tuy nhiên, không biết do đâu mọi người thường viết “giông”, hay do nhà văn Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết “Giông tố” (1936), người ta quen vậy, thừa nhận và bây giờ có người viết vậy, được xem như không sai. Sau này một tiểu thuyết của nhà văn Liên Xô Daniil Granin viết năm 1962, NXB Cầu Vồng dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 1987 là “Xông vào dông bão”, người dịch đã đúng.
- Khốn nạn: nghĩa bây giờ là hèn hạ, không còn nhân cách, đáng khinh, đáng ghét… tuy nhiên nghĩa xưa là khó khăn, lúng túng, nghèo nàn đáng thương; còn nhớ năm 1926, học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Victor Hugo là: “Những kẻ khốn nạn”, sau này nhiều người dịch lại là “Những người khốn khổ”.
- Trụy lạc: ngày nay nghĩa là tha hóa, đi vào con đường ăn chơi trác táng, bê tha, thậm chí hút chích… thế nhưng đầu thế kỷ XX, truyện ngắn “Hai cảnh trụy lạc” trong tập truyện ngắn “Dọc đường gió bụi”, xuất bản năm 1936, nhà văn Khái Hưng miêu tả các nhân vật vợ chồng Hai Bản, Hải thật đáng thương trong cuộc sống nghèo khó, sa cơ lỡ vận phải đi làm thuê, kéo xe, phu hồ, không hề có cảnh ăn chơi sa đọa… nhà văn gọi đó là cảnh trụy lạc. Bây giờ thấy người có hoàn cảnh nghèo khó như nhân vật Hai Bản mà buột miệng nói “tội nghiệp, thật trụy lạc quá” thì nguy to…
- Xà phòng: ban đầu là từ xà – bông rồi sang từ xà phòng (phiên âm từ tiếng Pháp: savon), sản phẩm “Xà bông cô Ba” của thương gia Trương Văn Bền nổi tiếng toàn xứ Đông Dương từ đầu thế kỷ XX là. Khi phát triển loại bột giặt, người ta gọi là bột giặt, có hãng nổi tiếng là bột giặt Viso của ông Trương Văn Khôi. Như vậy loại để giặt áo quần ban đầu chúng ta phải vay mượn từ nước ngoài xà – bông, đến khi sản xuất chất bột mới quay lại tiếng Việt là “bột giặt”.

Cuộc sống hiện đại ngày càng có biết bao từ đã bổ sung vào vốn từ dân tộc nhưng không có/ chưa có từ thuần Việt thay thế (phiên âm kiểu xà phòng) như: bia, cà – rem, kem, ti-vi, phim, xe tăng, xe công - te - nơ, rơ – mooc, xe buýt… song nói ra ai cũng hiểu. Và sẽ còn nhiều từ phải vay mượn trong tương lai nữa.

Tóm lại, tiếng nói và chữ viết của mỗi đất nước, dân tộc đều có hoàn cảnh lịch sử riêng, bản sắc riêng, gắn bó với đời sống, tâm hồn, tình cảm con người đất nước đó. Quy luật sáng tạo, giữ gìn, phát triển vốn từ của dân tộc, tiếp thu vốn từ vựng dân tộc khác để bổ sung là quy luật tất yếu của con người theo đà văn minh tiến bộ. Trong hành trình ngôn ngữ, cũng có hiện tượng mất/ rơi rụng từ ngữ (kiểu như từ “ngõ hầu”, hoặc thay đổi nghĩa từ so với ban đầu; tuy nhiên tìm về ban đầu (tầm nguyên), cũng giúp cho chúng ta thêm phần thú vị, thêm phần thưởng thức và bớt đi phần sai lệch trong giao tiếp, viết lách… Vài mẫu dẫn trên là với mục đích như thế.
                                                                                          Đình Hy

Không có nhận xét nào: