BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

KIM ĐÂU, CHỢ SÒNG: LÀNG TÔI ! - Hà Huy Hoàng


       
                Tác giả bài viết Hà Huy Hoàng


KIM ĐÂU, CHỢ SÒNG: LÀNG TÔI!
                                        Hà Huy Hoàng

Tận cùng trong ký ức, Làng đối với tôi chỉ là một xóm nhỏ: Xóm Bún, cũng có con sông uốn lượn ven làng, cũng có tiếng nhạc kẻo kẹt trưa hè oi bức của luỹ tre xanh bao bọc xung quanh như bao làng quê nghèo khó của vùng đất Quảng Trị. Nơi tôi đã được sinh ra, dưới bàn tay của Bà Mụ miệt vườn, cái thời xa xưa ấy làm gì có nhà hộ sinh, làm gì có bệnh xá và những điều kiện đầy đủ như bây giờ.

Tôi là con thứ ba trong gia đình, trước tôi là hai chị gái nên tôi đã được đón nhận trong niềm vui sướng vô cùng lớn của ba mẹ và ông bà nội - ba tôi là con trai thứ hai và là Út trai của nhà nội. Tôi lớn dần lên cho đến bốn năm sau, khi mẹ sinh thêm một em gái, cũng là lúc năm mẹ con đã phải dắt díu nhau rời làng quê trong một buổi chiều mưa lạnh đầy trời, đi về thị xã Đông Hà phía xa mờ mịt - bởi những xung đột khó tránh khỏi giữa mẹ chồng và nàng dâu, mẹ có nhiều lần kể về những nỗi gian truân của mình khi về làm dâu ở xóm Bún, tôi thì chẳng ghi nhớ được điều gì cụ thể vì trong mắt tôi ông bà nội thật tuyệt vời, chắc do tôi được ông bà hết mực cưng chiều. Mẹ con tôi sống ở nhà ông bà ngoại khoảng hơn nữa năm, ba tôi lại đón về thị xã Quảng Trị nơi ông đang đồn trú. 

Kể từ đó tôi xa hẳn làng quê, nhưng có một điều thật lạ kỳ! Nơi chôn nhau cắt rốn như quyện chặt vào quãng đời thơ ấu của tôi, khi đã đủ lớn mỗi khi có dịp nghỉ là tôi về quê nội. Lễ - tết - hè, hay những ngày cuối tuần là tôi có mặt ở quê, lúc thì về cùng ba, lúc thì một mình theo xe của các chú lính của ba về chơi dăm bữa rồi các chú lại đón vào khi có chuyến công tác tiếp theo, vì thế biết bao kỷ niệm của thuở ấu thời với quê nội luôn hằn sâu trong tâm khảm của tôi. Tôi đi chăn bò, bắt chim, bắt dế khắp các cánh đồng làng, hái sim ở rú Ôốc, tôi đã từng nhận biết được vị thơm ngọt, vẻ đẹp nên thơ, lãng mạn của màu tím hoa sim ngay từ những ngày mình còn bé xíu xìu xiu, từ những khoảnh rừng lúp xúp cây dại cao không quá đầu người ở ven làng nội!!!


Tôi biết luôn cả trò chơi bỏ cứt bò khô vào lon đồ hộp rỗng, đốt cháy lên đưa ra trước gió lạnh mùa đông để kiếm thêm chút hơi ấm cho thân mình, tôi biết bẩy con dong đất ở đồi cát trên khoảnh rừng phía đi vào làng chính, loại dong này to nhất chỉ bằng ngón chân cái, so với loại ở miệt Phan Rí trong Nam thì chẳng nhằm nhò gì, tôi biết tát cá bằng gàu dai, bằng xe đạp nước ở bàu Ốốc, đi cày ở ruộng nước, đi bừa răng, bừa bôộng, đi đập đất bằng cái chày vồ to gần bằng nửa thân mình, ở những mảnh ruộng mùa khô, những mảng đất được cày lên cả tảng lớn, gặp phải cái nắng chói chang gay gắt của miền Trung làm khô cứng lại như đất sét.

Thời đó tôi đã thắc mắc không hiểu sao lại không làm cho đất vỡ ra khi nó còn ướt nhỉ, sao phải đợi đến khi khô khốc mới làm công việc này!!?? Hèn chi tất cả những bàn tay của bà con anh em nông dân ngày ấy luôn có những nốt chai sần, thô ráp!? Và nữa, đến mùa gặt cứ thấy các cô chú anh chị, sau khi bó xong hai bó lúa to đùng, dùng đòn xóc đưa lên vai thế là phải chạy một mạch từ đồng về đến nhà cho dù khoảng cách từ hai nơi có xa đến mấy. Tôi hỏi lý do, bà nội giải thích phải chạy như vậy vì nếu để xuống sẽ có hai vấn đề xảy ra: một là không có ai phụ đưa lên vai trở lại, vì chỉ có đàn ông trai tráng mới có đủ sức xóc hai bó lúa to quá khổ thân người như thế lên vai; hai là để xuống lúa sẽ bị rơi rụng rất nhiều. Tuy còn nhỏ tôi vẫn tự hỏi, sao không chia làm hai chặng, mỗi người đi một nửa đoạn đường thì sẽ đỡ mệt và bảo đảm chẳng có hạt lúa nào rơi, xa quá thì chia làm ba chặng, chạy theo kiểu dây chuyền, hoặc làm một trạm nghỉ có giá đỡ để khi thấy mệt, thợ gặt có thể tựa gánh lúa vào nghỉ đôi ba phút rồi lại tiếp tục công việc vất vả của mình. Những thắc mắc cắc cớ của tôi chẳng được ai ghi nhận và lưu tâm để cải tiến công việc đồng áng cho bớt phần khổ nhọc....
Tất cả những công việc trên tôi đều tham gia như một trò chơi của mình, có những buổi chiều khi về đến nhà người tôi toàn nghe mùi lông bò, vì bận đi và về tôi đều vắt vẻo trên lưng của chú bò đực đầu đàn với cục u to đùng trên cổ, nơi tôi vịn tay vào để làm điểm tựa, đung đưa theo nhịp chân cao thấp của “anh cả” với tâm trạng vui thích tột cùng! ....


Ơi làng tôi, biết bao kỷ niệm êm đềm và đong đầy thương nhớ!! Quên sao được những đêm trăng vằng vặc của trời Thu, sau này ở trong Nam rất hiếm khi tôi được thấy lại một đêm trăng thanh gió mát như ở quê mình, cơm canh được dọn ra trên chiếc nôống, cả nhà quây quần với những món ăn dân giã. Lấy ánh trăng thay cho ánh đèn dầu trong bữa ăn quả thật cũng thi vị vô cùng! Vị mặn ngọt, thơm bùi của món mắm quả, (quả dưa làm mắm, loại dưa giống với loại dùng lấy hạt để làm hạt dưa ngày Tết ở trong Nam, tôi nghĩ vậy. Có ai còn nhớ món này không nhỉ?!), hình như đã thấm đẫm vào tận từng chân răng của tôi kể từ những ngày xưa thật xa đó, đến mãi bây giờ tôi chẳng thế nào quên được, và cũng đã thật lâu lắm rồi tôi chưa được một lần nếm lại kể từ tháng ba năm 1972, cái năm được coi là năm định mệnh quá khắc nghiệt dành cho những con dân người Quảng Trị, món này mà ăn vào những ngày lạnh mùa đông thì bao nhiêu cơm cũng không đủ. O Đá, chị kế của ba tôi nấu ăn ngon tuyệt và dưa mắm cũng một tay O làm. O đi lấy chồng xa, ở làng gì qua khỏi làng Vỹ Thừa xa tít, tôi không nhớ rõ tên, nhưng vì không có con cái nên O về ở cùng để chăm sóc ông bà nội, tôi được hưởng lây những tài lẻ từ O. Nội tôi có tất cả sáu người con: O Khế, Bác Bộ, O Đá, O Mít, ba tôi và O Sẻ, đây chỉ là những tên tục, tên thật của tất cả O, Bác đều rất hay. O Khế và O Sẻ đều về làm dâu làng Trúc Kinh, cách xóm Bún một con sông nhỏ, con sông bắt nguồn từ phía dãy Trường sơn, chảy qua làng Trúc Khê, Trúc Kinh, mà tôi đã đề cập từ đầu bài, sau này anh Ngà con O Cả đặt tên cho con sông này là Trúc Giang và anh lấy nó làm bút danh của mình, kể ra tên cũng hay thật!! O Mít là con của bà nội thứ và hình như tôi cảm nhận được sự phân biệt đối xử khá rõ ràng đối với O và các anh chị, riêng ba tôi có vẻ thương O nhiều hơn. Tôi cũng vậy, tôi thương O nhất nhà và chắc vì thế nên tôi cũng được nhận lại tình cảm tràn đầy từ phía các anh chị con của O. Chị Lan (chồng chị: anh Trần Kim Trọng tử trận năm nào tôi quên mất rồi, chỉ nhớ cháu Thuỷ lúc đó còn nhỏ lắm), đi buôn chuyến, có thức gì ngon đều luôn dành phần cho tôi không khi nào sót. Anh Toàn, anh Hữu là hai anh chuyên bày trò cho tôi. Trong khu vườn của nội tôi có một hàng cây hóp, loại cây này trong miền Nam không có, tôi cứ tưởng nó giông giống cây trúc nhưng không phải. Giống này nhỏ hơn tre nhiều, chỉ to gần bằng ngón chân cái, lóng ngắn hơn cây trúc, phần ruột rỗng chỉ bằng cây đũa, loại cây chuyên để chẻ lạt gói bánh tét và chuyên để làm đồ chơi cho bọn nhóc tì chúng tôi: “Ống soóc”, loại súng mà tôi nghĩ ai đã từng là dân ở các làng vùng quê Quảng Trị đều biết đến thứ này lúc còn bé, không biết có đúng không!? Chỉ có tôi mới được bà nội cho chặt bất cứ ống nào trong dãy hóp đó, mà tôi thích. Vậy là hai anh Toàn, Hữu được ăn theo và bày cho tôi cách làm, cách chơi, biết cả cách chế thêm một ống đạn chứa hột bời lời để trở thành một khẩu súng liên thanh, trong nhóm bạn cùng lứa ở xóm, chỉ duy nhất mình tôi có cây súng có thể nhả đạn liên tục, thế mới “oách xà lách” chứ!. Hột bời lời thì đầy cả đó, trong các lùm cây xanh rậm vây quanh vuờn nhà nội, tôi tha hồ chơi cho bằng thích. Ông ngoại tôi cũng có hai bà, vì thế trong một lần vui miệng khi nói chuyện với ba: Hai ông nội ngoại đều thế, đến bác và ba thì chỉ có một, hay là “cách một ô ăn một ô” ba hè!? Kiểu nói khi chơi ô làng (ô quan) thời trẻ nít, ba bảo ăn thua con có gan hay không mà thôi, con vợ mi, nó xé xác ra chừ! Tôi vốn được khen đẹp trai xưa nay là nhờ đức... sợ vợ, nên đành thôi vậy! (Đố mi ngo ngoe Bưởi hè!) - Bưởi là tên tục của tôi do bà nội đặt…
(còn tiếp).
                                                                                  Hà Huy Hoàng

Không có nhận xét nào: