Giới
thiệu bài viết về HỒ DZẾNH của nhà văn Vũ Thư Hiên…
Từ khi nhà nước về tiếp quản Hà Nội, Thanh Châu biến mất
khỏi văn đàn. Đề tài, bút pháp thuộc dòng lãng mạn bị coi là nọc độc. Tác giả Tà Áo Lụa, Bóng Người Ngày Xưa… giờ đây
ngồi lặng lẽ nơi mảnh đất tự tạo bên cái bàn trà nhỏ đã lên màu cánh gián và bộ
trà màu đất nung tí tẹo.
Hồ
Dzếnh và tác giả, 1986
Vũ
Thư Hiên có bút danh là Kim Ân, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam
năm 1988 với tác phẩm 'Miền thơ ấu'. Ông là con trai của ông Vũ Đình Huỳnh - thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
HỒ
DZẾNH
Vũ Thư Hiên
Vũ Thư Hiên
Nhà văn Thanh Châu có một giang sơn riêng – một gác
xép bằng gỗ ghép.
Thời ấy, tức là cái thời trong câu chuyện này, gác xép
có ở hầu hết các nhà đông người mà chật hẹp. Gác xép tăng diện tích ở không được
bao nhiêu, nó chỉ bằng một phần ba diện tích căn phòng dưới nó, nhưng là một mảng
riêng tư của Thanh Châu, nơi ông dành để tiếp bạn, người nhà không hề lai vãng.
Để lên cái gác xép ấy tôi phải leo một cái thang dựng
ngược, bám cứng vào hai thành lung lay của nó mà nhích từng bước để rồi chui
qua một lỗ vuông hẹp.
Người thường xuyên có mặt trên gác xép của Thanh Châu
là Kim Lân, cây bút số một về chuyện nhà quê. Người thứ hai là “ông Giê Su ở phố Hàng Thuốc Bắc” Bùi
Xuân Phái. Người mảnh khảnh, nói cho đúng là gày xác ve, gương mặt xanh trắng
khắc khổ rất giống mặt Đấng Cứu Thế trên các tượng Chịu Nạn đã làm nên biệt hiệu
ấy.
Tôi thường gặp Bùi Xuân Phái ở gác xép của Thanh Châu,
nhưng để trò chuyện tâm tình với anh thì chỉ có thể ở gác xép nhà anh. Người tự
xưng “nhát gan bậc nhất Hà Thành”, hễ
thấy gác xép của Thanh Châu có quá ba khách là anh lịch sự bắt tay mỗi người một
cái rồi ù té.
Từ cái lỗ vuông ấy, vào một ngày không còn nhớ, nhô
lên một mái đầu chải ngược, đường ngôi rõ ràng, khuôn mặt xạm đen với nụ cười
phô những cái răng dài.
- Hồ Dzếnh đấy! - Thanh Châu ghé vào tai tôi.
Tôi không quên được hình ảnh ấy – nó gắn chết vào trí
nhớ.
Con người lộc ngộc, xương to, thịt ít, ngồi xuống bên
tôi:
- Vũ Thư Hiên?
Thanh Châu gật.
Chắc hẳn Thanh Châu, hoặc Kim Lân đã nhắc đến tôi nhân
câu chuyện đụng tới thế sự văn chương. Và còn một lẽ nữa - trong các khách của
Thanh Châu tôi ít tuổi nhất.
Chả là hồi ấy dư luận đang ồn lên với bài “Giương cao ngọn cờ tính Đảng, chống chủ
nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ” của Tố Hữu. Nó hứa hẹn một trận
đánh, rất có thể sẽ là một vụ “Nhân Văn -
Giai Phẩm” thứ hai, Tôi được nêu tên vì truyện ngắn Đêm Mất Ngủ. Cùng với tôi còn có Nguyên Ngọc với Mạch Nước Ngầm và Ngô Ngọc Bội với Chị Cả Phây. Có thêm hai người chịu trận
là may cho tôi, chứ một mình thì nguy to.
Lời phê phán của nhà thơ lãnh tụ lần này không gây ra
đám cháy lớn. Tuy nhiên, sau bài báo đó các ông tổng biên tập, các thư ký toà
soạn liền cầm kính lúp soi từng chữ trong mỗi vần thơ, mỗi câu văn. Mấy truyện
ngắn hiền như đất của tôi gửi đến đều bị trả lại. Hỏi vì sao thì các vị cầm trịch
nhe răng cười.
Trong hoạ có phúc. Tôi không được in thì lại được được
tiếp chuyện các bậc đàn anh nhiều hơn.
Kim Lân phát mạnh vào vai tôi: “Mặc mẹ nó! Được Tố Hữu đập, coi như “lúy” công nhận ông có chiếu trong
làng văn. Hay chứ không dở”.
Nói thế, Kim Lân phải tin tôi lắm. Câu ấy mà đến tai Tố
Hữu thì lôi thôi to. Được Kim Lân tin, tôi sướng âm ỉ. Hiền lành một cục, thận
trọng cũng một cục, thế mà rồi có lúc anh cũng bị nện cho một trận với truyện
ngắn “Con chó xấu xí”. Người ta nói
tác giả ví văn nghệ sĩ trung thành với đảng như con chó ghẻ xấu xí nọ, nó gắng
sức giữ nhà cho chủ, thế mà vừa trơn lông đỏ da là chủ vật ra làm thịt. Một
truyện ngắn hay, giọng văn mộc mạc, khó có thể tìm được một câu được hiểu là
móc máy. Kim Lân cười buồn: “Cái bọn phê
bình có cần chó gì nghệ thuật. Nghề của bọn ấy là bới. Cứ thằng nào viết văn
không nổi là y như rằng nó quay ra làm phê bình”. Nguyễn Tuân trăn trối trước:
“Này, đừng có chôn tôi bên cạnh một thằng
phê bình đấy nhá!”.
Nói cho công bằng, những nhà phê bình đôi khi cũng có
ích ra phết. Không có họ độc giả không hiểu hết ý của tác giả, họ vạch ra mới
thấy. Không kể những trường hợp các phê bình gia bịa ra những cái tác giả không
chủ tâm. Như Văn Ngan Tướng Công của
Vũ Tú Nam chẳng hạn. Người đảng viên trung thành của đảng viết chuyện chơi chơi
cho trẻ con, nhưng các nhà phê bình lại thấy trong đó sự xỏ xiên: đảng là con
ngan hãnh tiến, bay không biết bay, bơi không biết bơi, chỉ nỏ mồm cạc cạc.
Không nổi tiếng như Nguyễn Tuân, nhưng Thanh Châu vẫn
cứ là một bô lão trong nghề, được nhiều cây bút trẻ trọng vọng. Họ đến với anh,
thành kính như vụng trộm hành hương về một quá khứ đã bị chôn.
Thanh Châu bỏ bút đã đành, nhưng Kim Lân, trẻ hơn
Thanh Châu cả chục tuổi, hoạ hoằn mới cho ra một truyện ngắn. Vì “ngứa nghề” (chữ của Kim Lân), chứ không
phải vì nhuận bút. Nhuận bút bấy giờ còm cõi lắm. Đã thế lại chỉ có vài tờ báo
nhận đăng thơ, hoặc truyện ngắn. Người muốn trở thành nhà thơ, nhà văn lại quá
nhiều. Thiên hạ muốn cái tiếng cái danh, chứ nhuận bút họ không màng. Ấy là
chưa kể họ còn phải nghiến răng móc túi cho những bữa chiêu đãi các vị chức sắc
ở các thứ toà soạn.
Trong lần đầu gặp gỡ, Hồ Dzếnh nắm chặt tay tôi, bóp
bóp vài cái. Ấy là anh khen đấy, Thanh Châu giải thích. Anh ý nhị nhìn tôi, cười
tủm tỉm.
Sau mới biết Hồ Dzếnh ít khi tỏ thái độ khen chê. Anh
là người kín kẽ, kiệm lời.
Thanh Châu nhận xét vắn tắt về Hồ Dzếnh:
- Của hiếm trong văn học. Bút pháp của ông ấy có muốn
học cũng không được – là văn đấy, mà cũng là thơ đấy.
Trong số khách của Thanh Châu, Hồ Dzếnh là một nhân vật
đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ anh lặng lẽ đến, lặng lẽ leo lên, rồi trầm ngâm nhấm nháp
trà quạu, không nói không rằng.
Lối viết của anh, chẳng khác gì của Thanh Châu, đã
không còn đắc dụng. Viết văn giờ là công tác phục vụ cách mạng, phục vụ công
nông binh, là trách nhiệm và sự nghiệp của nhà văn. Viết cái gì, viết thế nào,
đã có đảng cầm tay chỉ việc. Mặc dầu không dính dáng gì với đám phản động “Nhân Văn - Giai Phẩm”, nhưng anh vẫn bị
người ta nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ - bọn văn nghệ sĩ cũ không thể tin – lũ ấy
kém mười lăm phút đầy phản động. Để yên thân, thỉnh thoảng anh cũng có một bài
thơ nhạt nhẽo trên tờ Lao Động. Anh không bao giờ nhắc đến chúng.
Tôi đọc Hồ Dzếnh rất sớm, lúc mới lên mười. Cha tôi
thường mang về cho tôi những cuốn Sách Hồng cho trẻ con, mỗi cuốn là một chuyện
cổ tích. Chúng được kể với giọng dí dỏm, dễ hiểu, lôi cuốn. Lại có cả một cuốn
sách thơ cho trẻ con, không nhớ là của ai, trong đó có hai câu còn đọng lại lâu
trong trí nhớ:
Hôm
qua trời đổ mưa rào,
Mặt
trời sợ ướt lẩn vào đám mây.
Cuốn sách đầu tiên, đích thực sách, mà tôi được đọc,
là Chân Trời Cũ.
Một ngày, mẹ tôi mua Chân Trời Cũ về. Bà đọc chăm chú, có lúc thừ người ra, lấy tay dụi
mắt – bà khóc thầm.
Chờ cho mẹ đọc xong, quên nó rồi, đi vắng rồi, tôi mới
dám lấy nó ra từ trong giỏ kim chỉ của bà. Lệ trong nhà là thế, trẻ con không
được đọc sách người lớn.
Tôi không biết nói về cảm giác của tôi là thế nào khi
đọc Chân Trời Cũ. Một nỗi xúc động bất
ngờ trong tâm hồn trẻ thơ chăng? Có thể không phải thế, hoặc không rõ ràng là
thế. Những câu chuyện bình dị về những kiếp người, được viết bằng thứ tiếng Việt
chân chất, không uốn éo, không màu mè, gợi nhớ những gì tôi đã biết, đã thấy
trong cuộc sống bé bỏng của mình. Chúng để lại trong tôi ấn tượng mạnh chưa từng
có.
- Anh là người thày đầu tiên dạy tôi yêu văn – tôi nói
với Hồ Dzếnh - Còn hơn thế, anh làm cho tôi hiểu tiếng Việt của ta đẹp đến là
nhường nào.
Nghe tôi, Hồ Dzếnh cười bẽn lẽn. Tôi dùng đúng chữ phải
dùng – anh bẽn lẽn thật sự. Mặt anh đỏ lên, mắt anh chớp chớp, anh lúng túng
trước lời khen. Những con người lớn thật sự bao giờ cũng mang trong mình một đứa
trẻ.
- Anh hiểu tôi rồi đấy – anh khẽ nói với tôi, như nói
một mình – Tình yêu đối với văn chương không bắt đầu bằng cái gì khác ngoài
tình yêu ngôn ngữ. Chuyện để kể thì ai mà chẳng có. Nhưng để viết nó ra, cho nó
có hình hài, cho nó sống dậy, cho nó đi lại, trò chuyện được với mọi người thì
ngôn ngữ là cái quan trọng hàng đầu. Và duy nhất. Nó quyến rũ mình, nó hút hồn
mình, nó rủ rê mình, và sau hết, xúi giục mình cầm lấy cây bút.
Tôi được nghe lời tâm sự này vào một đêm khuya ở ngôi
nhà nhỏ của anh, số 80 Hòa Mã, khi Hà Nội đã ngủ yên.
- Tiếng Việt là âm nhạc, anh ạ. Thoạt kỳ thuỷ, những
câu văn xuất hiện như một dòng nhạc. Nó ngân nga mãi trong đầu trước khi mình đặt
bút lên trang giấy trắng những chữ đầu tiên. Nó là một cái gì đó rất mơ hồ, ta
chưa thể hình dung. Nó như mây như gió, không sao nắm bắt được, không làm chủ
được, không sai khiến được nó. Cái ấy cứ cục cựa trong đầu, đòi được thoát ra.
Ta như bị bức bách phải cho nó đi xuống trang giấy, thành một vần thơ, một câu
văn. Sau đó thì vần thơ ấy, câu văn ấy, sẽ tự kéo theo nó những chữ khác, những
câu khác. Rồi cứ thế, một bài thơ, một truyện ngắn ra đời.
Tôi trích ở đây một đoạn trong Chân Trời Cũ tả người khách tha hương ngồi bên bến đò vắng tanh vắng
ngắt trong chiều tà.
“Người
ấy giở nắm cơm ra nhai trệu trạo, đoạn đứng lên bắc loa miệng gọi đò: ‘Tồ ui!’
Trời
đã ngả màu tím. Khách không tin còn đò. Nhưng rồi con đò ở bờ bên kia cũng rời
bến sang với khách. Đêm ấy khách được ngủ đỗ trong nhà cô lái đò tốt bụng.
Mấy
tiếng tù và khuya rúc lên, bay vào gian nhà vắng. Lắng biết mọi người đã ngủ
yên cả, vị thần tử của giang sơn Trung Hoa vắt chân chữ ngũ, khe khẽ ngâm một
bài thơ cổ, qua nỗi xúc động đột nhiên tụ lại trong người:
Uỵt
loọc, vú thày sướng mủn thín,
Coóng
phống, dì phố, tui sàu mìn,
Cú
chấu sèng ngồi Hồn Sán sì.
Dề
pun, chống séng tâu hác sin.
(Nguyệt
lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang
phong, ngư hỏa, đối sầu miên,
Cô
Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ
bán, chung thanh đáo khách thuyền) [1]
Ngay
lúc ấy, từ gian buồng bên, nổi lên mấy tiếng gì như chuột rúc. Lữ khách, thấy đứt
mạch cảm hứng, càu nhàu trong bóng tối:
-
Ấy dà! Cẩm tố xỉ a! (Chà! Lắm chuột thế!)
Nhưng
đó không phải tiếng chuột rúc. Đó là tiếng người con gái chở đò ban tối cười
qua hai làn môi khép kín.”
Cuốn
Chân Trời Cũ gồm nhiều truyện ngắn, theo ghi chú của
tác giả thì nó được viết vào tháng Giêng năm 1940, xuất bản lần đầu năm 1942. Về
sau, nó được tái bản nhiều lần. Tôi rất nhớ hai câu kết của truyện ngắn Ngày Gặp
Gỡ:
“Người
khách sang sông chiều muộn ấy về sau này là cha tôi. Và cô lái đò, là mẹ tôi”.
Không hiểu sao mà câu sau cùng này lại biến mất trong
lần tái bản sau cùng. Mà tôi cho rằng đó là câu khép chuyện hay nhất. Nó mới giản
dị làm sao! Mới đẹp làm sao!
Tôi có lần viết ở đâu đó: “Tôi có hai người thầy: Hồ Dzếnh chỉ cho tôi thấy cái đẹp trong ngôn ngữ
giản dị; Nguyễn Tuân, ngược lại, dạy tôi cách sử dụng những từ cầu kỳ đúng chỗ
để tăng sức mạnh của câu văn. Cả hai cho tôi hiểu tiếng Việt là âm nhạc, đích
thực là âm nhạc, với những tiết tấu riêng, với sự xen kẽ của những toàn hài và
cung chướng để đưa người đọc đi xa hơn, cùng với liên tưởng bất giác để bay xa,
vượt lên trên những con chữ”.
Hồi ấy, còn nhỏ, tôi chưa gặp thơ Hồ Dzếnh. Lớn lên, đọc
anh tôi mới hiểu ra tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ theo nghĩa đen, đã ảnh hưởng tới
anh mạnh đến thế nào.
Trời
đẹp như trời mới tráng gương
Chim
ca ánh sáng rộn ven tường
Có
ai bên cửa ngồi hong tóc
Cho
chảy lan thành một suối hương.
Một khúc khác:
Em
cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể
lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó
trên tay thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi
nói khẽ, gớm, làm sao nhớ thế!
...
Em
cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi
sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ;
Nếu
trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình
mất vui khi đã vẹn câu thề,
Ðời
chỉ đẹp những khi còn dang dở
.
Thư
viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho
nghìn sau ... lơ lửng ... với nghìn xưa....
Trời
không nắng cũng không mưa,
Chỉ
hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung.
Chiều
buồn như mối sầu chung
Lòng
im nghe thoảng tơ trùng chốn xa
Ðâu
hình tầu chậm quên ga
Bâng
khuâng gió nhớ về qua lá dày
Hay bài thơ Chiều
đã được Dương Thiệu Tước phổ nhạc mà nhiều người thuộc nhưng không biết là
những vần thơ của Hồ Dzếnh:
Trên
đường về nhớ đầy
Chiều
chậm đưa chân ngày
Tiếng
buồn vang trong mây
Chim
rừng quên cất cánh
Gió
say tình ngây ngây
Có
phải sầu vạn cổ
Chất
trong hồn chiều nay?
Tôi
là người lữ khách
Màu
chiều khó làm khuây
Ngỡ
lòng mình là rừng
Ngỡ
hồn mình là mây
Nhớ
nhà châm điếu thuốc
Khói
huyền bay lên cây ...
Tôi không rành lý luận văn học. Tôi cũng không có ý định
nghiên cứu về văn Hồ Dzếnh. Cái đó không phải việc của tôi – tôi không có cả
tài năng lẫn hứng thú. Tôi có đọc một số bài nghiên cứu về Hồ Dzếnh. Trong những
bài này có khá đủ dữ kiện để người đọc biết về Hồ Dzếnh với tư cách một văn
tài. Nhưng tôi còn muốn nhiều hơn – một chân dung Hồ Dzếnh, con người và cuộc đời.
Sau khi quen Hồ Dzếnh, tôi tìm đọc lại các tác phẩm của anh. Ngôn ngữ trong những
tác phẩm ấy tất nhiên khác với ngôn ngữ hiện đại. Nhưng nó không lỗi thời. Cái
đẹp vẫn còn đó nhờ sức mạnh của ngôn từ giản dị.
Năm 1986 Hồ Dzếnh vào Sài Gòn. Lần gặp gỡ này tôi được
gần anh nhiều hơn những buổi tối ngắn ngủi ở ngôi nhà phố Hòa Mã. Ngắn ngủi là
vì muốn nghe chuyện anh lắm tôi cũng không thể ngồi quá khuya, khi chị bắt đầu
đi ra đi vào, có ý nhắc đã đến giờ anh đi ngủ.
Ở Sài Gòn, hôm nào Hồ Dzếnh cũng đến rủ tôi đi ăn
sáng. Bắt đầu bằng món phở ở một quán theo anh là rất tuyệt ở chân cầu chữ Y,
đoạn đi tiếp, nhâm nhi ly cà phê ở một quán khác, gần nhà hàng Bát Đạt trên đường
Trần Hưng Đạo, nó cũng tuyệt không kém. Một người bạn sành ăn sành uống đã cho
anh lời khuyên, nó được anh nắn nót ghi vào mảnh giấy nhét trong túi ngực.
Tôi chở anh đi bằng xe Honda 67. Chúng tôi phóng vèo
vèo trên chằng chịt phố xá. Ngồi sau, anh ôm cứng tôi, luôn cục cựa, hết quay
phải lại quay trái.
Không biết trong những chuyến cưỡi ngựa xem hoa ngày ấy
có làm anh nhớ đến Cô Gái Bình Xuyên năm 1945 hay không. Nó là tác phẩm lần đầu
và cũng là lần duy nhất Hồ Dzếnh rời miền ký ức thân quen để bay lên những tầng
trời tưởng tượng. Một thư sinh Bắc Kỳ lạc bước vào Hòn Ngọc Viễn Đông gặp một nữ
tướng cướp. Chàng yêu nàng. Nàng yêu chàng. Một hôm nàng đi cướp, bị bắn. Xót
nàng, băng bó cho nàng xong, chàng ôm nàng trong lòng, thủ thỉ bảo nàng hãy ở
nhà, chàng sẽ đi làm công việc nguy hiểm ấy thay nàng. Nữ tướng cướp nghe
chàng, cười rũ. Nàng ép đầu chàng vào ngực mà bảo: công việc ấy không phải của
anh mà, anh hãy cầm số tiền này rồi về Bắc đi. Nơi này, việc này không phải
dành cho anh.
- Tôi không giàu tưởng tượng – nhắc đến Cô Gái Bình Xuyên, anh cười anh – Cái gì
dính với tôi, với những kỷ niệm trong đầu thì tôi viết được, hễ bịa là y như rằng
hỏng, anh ạ.
- Ờ, Cô Gái Bình
Xuyên không tồi, nhưng với anh, tôi nghĩ nó là một thất bại.
Tôi nói toạc, không sợ anh giận. Chúng tôi quen nói với
nhau thật thà, không kiêng nể.
- Nghề của ta thế đấy. Cái mình viết đã thả ra là
không cách nào đuổi theo để bắt nó về. Vì vậy mà viết xong tôi thường để đấy rất
lâu rồi mới cho in.
- Nghĩa là anh còn nhiều bản thảo đắp chiếu?
Hồ Dzếnh tránh câu trả lời.
Hồ Dzếnh viết thận trọng. Nhưng chỉ chừng ấy tác phẩm
đã được anh thả ra cũng đủ làm phong phú thêm nền văn học mà ta quen gọi là tiền
chiến. Những gì anh viết còn cho ta thấy được một hiện tượng khác - ấy là một
người nước ngoài hoàn toàn có thể sáng tác bằng tiếng Việt không khác gì người
Việt.
Nghe nói người Hoa khuyến khích con trai Hoa lấy vợ Việt
nhưng ngăn cấm con gái Hoa lấy chồng Việt. Chuyện này có thật - người ta làm thế
là để bảo vệ nòi giống, và cả mở rộng nòi giống nữa. Chẳng thế mà những người
Tàu tha hương giữ gìn tiếng Hoa lắm lắm, cho dù có lưu lạc đến tận đẩu tận đâu
trên địa cầu. Hơn bất cứ cộng đồng di dân nào, người Hoa coi mất ngôn ngữ là mất
gốc. Tiếng bản địa đối với họ vĩnh viễn là ngôn ngữ thứ hai, chỉ đủ dùng trong
giao tiếp là được, không cần hơn. Thời tôi, nhiều người Hoa thuộc thế hệ thứ ba
thứ tư vẫn không nói sõi tiếng nơi mình sinh sống.
Trường hợp Hồ Dzếnh là hãn hữu. Mặc dầu theo phong tục
của người Hoa, anh ắt phải học và rành tiếng Hoa hơn tiếng Việt. Anh sáng tác
được bằng tiếng Việt do anh có mẹ người Việt, và tiếng mẹ đẻ của anh đã chiếm
lĩnh toàn bộ tâm hồn anh.
Cuộc gặp gỡ nhiều ngày với Hồ Dzếnh ở Sài Gòn cho tôi
hiểu anh thêm. Chúng tôi có đủ thời gian cho những chuyện tâm tình.
Cũng trong cuộc gặp gỡ này tôi mới biết trong sâu thẳm
tâm hồn, Hồ Dzếnh có một vết thương khó lành và không đáng có. Dù anh đã có một
chỗ đứng trong văn đàn Việt Nam, anh vẫn luôn cảm thấy có sự phân biệt: anh là
nhà văn, nhưng là nhà văn người Tàu, hoặc tử tế hơn, nhà văn gốc Hoa.
Mặc dầu người Hoa đến Việt Nam đã ăn đời ở kiếp trên đất
này, đã chôn nhiều thế hệ cha ông ở đây, đã được người bản địa hiền hoà mở rộng
vòng tay đón nhận, coi như người trong gia đình lớn các tộc người cùng sống
chung với nhau trên một mảnh đất, nhưng đã xảy ra không ít cảnh đau lòng.
Sử sách còn ghi trận quân Tây Sơn tàn sát một vạn sinh
linh người Hoa ở cù lao Phố vào thế kỷ 18. Trong cơn thịnh nộ: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/
Đánh cho nó ngựa xe tan tác/ Đánh cho nó mảnh giáp không còn/ Đánh cho nó biết
nước Nam anh hùng có chủ”, đến đàn bà trẻ con người Hoa cũng không thoát khỏi
ngọn giáo lưỡi gươm thù hận.
Theo thống kê không được coi là chính xác, năm 1978 và
đầu năm 1979 đã có hai vạn rưởi người Hoa vượt biên giới phía bắc để trở về
Trung Quốc. Nhà nước Trung Hoa đỏ đặt tên cho nó là “nạn kiều”.
Tất cả bắt đầu bằng một tờ truyền đơn giả mạo tựa hồ của
chính quyền Trung Quốc kêu gọi người Hoa mau mau trở về tổ quốc để tránh một cuộc
“tắm máu” sắp xảy tới. Tờ truyền đơn
do một tên vô danh tiểu tốt ở Quảng Ninh học tiếng Trung ở Nam Ninh (Trung Quốc)
thảo ra, dưới sự khuyến khích của tên quan thầy nắm công tác tổ chức ở trung
ương. Tác giả tờ truyền đơn về sau leo lên một trong những chức vị cao nhất
trong hệ thống nhà nước. Công lao được ghi nhận của y là đã xua đuổi được hàng
vạn người Hoa ra khỏi Việt Nam mà không tốn một viên đạn. Tôi không viết tên
chúng ra đây – chúng không đáng được nhắc đến.
Thế là những con người, chứ không phải những con vật,
đã ăn đời ở kiếp trên đất nước ta bồng bế nhau, dắt díu nhau, bỏ ruộng, bỏ vườn,
bỏ nhà cửa, bỏ mồ mả cha ông, chạy về đất nước mà tổ tiên họ đã bỏ đi để tới đất
này. Ở mảnh đất mà bỏ lại đàng sau, những địa danh chỉ được mơ hồ biết đến, được
nhớ tới, trong những truyền thuyết và những chuyện kể về đêm của những ông già
bà cả. Thế mà giờ đây bất thình lình họ phải bỏ hết để chạy về cố quốc: một
chân trời xám xịt đầy một màu máu của đủ thứ cách mạng long trời lở đất, hết
cái này đến cái khác, mà họ được nghe từ những đồng bào sống sót trốn qua biên
giới.
Tổng số người Hoa rời khỏi Việt Nam từ Bắc chí Nam
trong thời kỳ này lên tới gần một triệu trong số gần hai triệu người Hoa sinh sống
ở Việt Nam, theo một con số thống kê.
Kim Lân, theo tôi quan sát, là bạn thân nhất của Hồ Dzếnh,
Nhưng hình như có những tâm sự chua xót Hồ Dzếnh chưa hề nói với bạn. Không phải
anh có điều gì phải giấu giếm. Chỉ là anh không muốn nói, không muốn kể, những
chuyện đau lòng.
Tôi may mắn hơn. Tôi được nghe anh kể những gì đã xảy
ra với anh trong năm 1978:
- Tờ truyền đơn khốn nạn ấy có tác động kinh khủng.
Người ta tin nó là thật. Họ chép lại, trao tay nhau, rồi lời đồn loang xa. Thế
rồi người Hoa theo nhau ùn ùn kéo đi. Của nả trong nhà còn gì mang ra bán cho bằng
hết, bán rẻ như cho, lùng sục mua vàng. Nhẫn một chỉ, nửa chỉ, vài đồng cân,
mua hết, không cân kẹo, không phân biệt thật giả, dắt tất tật vào lưng quần.
Lưng đeo ba lô, vai khoác tay nải, họ dắt díu nhau lên đường. Nước mắt lưng
tròng, họ hối hả đi, thất thểu đi. Thảm lắm, Tội nghiệp nhất là những gia đình
Hoa Việt - chồng đi, vợ ở lại, vợ đi, chồng ở lại. Những đứa con mếu máo chia
tay nhau, đứa đi đứa ở, xảy đàn tan nghé. Tôi có anh bạn bác sĩ đông y người
Hoa, vợ Việt, hai đứa con, một trai một gái. Anh chồng mang theo con trai, vợ ở
lại với con gái. Bao nhiêu là nước mắt. Chia tay họ, tôi khóc ròng.
- Còn anh thì sao? – tôi hỏi.
- Tôi không đi.
- Tất nhiên, anh còn đang ngồi đây với tôi mà.
Hồ Dzếnh thở dài:
- Tôi không thể đi. Nơi này là quê hương tôi, là đất
nước tôi, là tình yêu của tôi. Tôi không thể bỏ.
- Những người ra đi không lôi kéo anh?
- Có chứ. Người ta đến nhà rủ tôi đi cùng. Hằng ngày.
Người ta thương tôi, lo sợ cho tôi.
- Còn chính quyền?
- Chính quyền?
- Người ta có làm khó anh nhiều không?
- Có đấy. Họ đến nhà, giục gia đình tôi đi. Không phải
một lần. Tôi lánh mặt. Họ hỏi vợ tôi: “Bao
giờ ông bà mới chịu đi?”
- Chị trả lời thế nào?
- Nhà tôi bảo: “Tôi không biết. Thuyền theo lái, gái
theo chồng. Trong nhà tôi, ông ấy là người quyết định, không phải tôi. Các ông
đi mà hỏi ông ấy!”
- Ông ấy không chịu giáp mặt chúng tôi. Chúng tôi biết
– ông ấy đang ở trong nhà – họ nói.
- Ông ấy đi từ sớm, thức dậy tôi đã không thấy ông ấy
đâu. Chắc ông ấy không ngủ được, dậy xong là đi. Các ông thử tìm ở mấy quán cà
phê xem có ông ấy có đấy không?
- Rồi họ cũng tóm được tôi, bảo tôi đi theo – anh tiếp
– Đi thì đi. họ là nhà nước, mình là dân, lại là người Hoa, thứ người hạ đẳng.
Ngồi lên command-car, hai người ngồi hai bên. Như sợ tôi trốn mất. Họ định đưa
mình đi đâu đây, tôi nghĩ? Xe rẽ vào Hỏa Lò, anh ạ. Cái Maison Centrale này người
Hà Nội có ai không biết. Tôi tự hỏi: “Mình
làm gì mà họ bắt cơ chứ”? Rồi cái xe đỗ lại trong một cái sân rộng.
Tôi hình dung cái sân Hỏa Lò sạch bong với mấy dàn nho
queo quắt. Tôi đã đứng đây khi đi thăm cha tôi vào thời thuộc Pháp. Tôi cũng đã
đứng đây chờ được đưa vào xà lim, thời cách mạng.
- Theo chân họ, tôi bước vào một căn phòng trống huếch
trống hoác, ở tường hậu có một cái bàn giấy. Lấy thêm ghế, phân ngôi chủ khách.
Chủ ngồi trong. Tôi ngồi ngoài. Mời uống trà. Thuốc lá sang, Thăng Long bao bạc
hẳn hoi. Chuyện trên trời dưới đất.
Sau hết, mấy tay công an mới vào đề:
- Anh nhất định không chịu đi?
- Tại sao tôi lại phải đi?
- Người Hoa đi cả, anh ở lại làm gì?
- Nhà tôi ở đây, vợ con tôi ở đây, đi đâu? Việc gì tôi
phải đi?
Họ nhìn nhau, cười. Cứ như họ nghe một câu trả lời của
người điên. Tôi bặm môi, không nói thêm câu nào nữa. Nói làm gì? Có nói họ cũng
chẳng hiểu. Với họ, tâm hồn con người là thứ vớ vẩn, họ không thể hiểu, không
thèm hiểu. Rồi họ đứng lên, ra hiệu cho tôi đi theo.
Anh im lặng, nhớ lại.
- Họ đưa anh đi đâu?
- Qua một cửa lớn nhiều song sắt. Rồi một cửa nhỏ,
cũng nhiều song sắt. Con đường dẫn tới một hành lang tối, hai bên là những cánh
cửa sơn xám có then cài với những cái khóa bằng đồng”.
Tôi thảng thốt:
- Đó là khu xà lim 1, gọi là Xà lim Án chém. Tôi từng ở
đấy. Họ giam anh?
Hồ Dzếnh trầm ngâm. Rồi cười buồn:
- Lúc ấy tôi cũng nghĩ thế - chắc mình sẽ bị giam ở
đây.
Anh có vẻ là cấp trên trong hai người mở nắp cái ô nhỏ
bên trên cánh cửa, kiễng chân nhòm vào, rồi ra hiệu cho tôi nhòm theo. Cái lỗ
quan sát ấy tôi biết qua sách. Người Pháp gọi nó là le judas. Tôi không phải kiễng chân, tôi cao hơn anh ta, Nhòm vào,
tôi giật bắn mình - bên trong là một cái xác trần truồng, gày đét. Nghe động,
cái xác hé mắt. Hoá ra là một người sống. Tất nhiên, anh ta không nhìn thấy
tôi, cái lỗ ấy chỉ cho anh ta thấy hai con mắt. May, không phải một người quen.
Tiếp theo, họ mở thêm vài cái ô như thế nữa, vẫy tôi lại, nhưng tôi lắc.
– Rồi sao?
- Rồi họ đưa tôi về nhà, cũng trên chiếc command-car ấy.
Trên xe, chúng tôi không ai nói với ai câu nào. Chỉ khi mở cửa xe cho tôi xuống,
người công an cấp trên mới đặt tay lên vai tôi: “Anh thấy rồi đấy – anh muốn về Tàu hay muốn ở lại trong cái chỗ anh vừa
thấy?”
Câu chuyện Hồ Dzếnh kể làm tôi bàng hoàng.
Lại thêm một cái không thể ngờ có thể xảy ra trong cuộc
cách mạng mà tôi đi theo từ thuở thiếu thời. Những người mà tôi từng gọi là đồng
chí đã hành xử tàn nhẫn đến thế đấy, với một nhà văn hiền lành không hề chống lại
họ thậm chí trong ý nghĩ.
Đoạn hồi ức này tôi ghi lại để thêm vào những gì nhiều
người đã viết về Hồ Dzếnh.
Lần gặp anh ở Sài Gòn là lần cuối. Sau đó chúng tôi
cũng không có thư từ, điện thoại cho nhau. Tin nhắn cuối cùng anh gửi cho tôi
là bài viết thay cáo phó trên tờ Văn Nghệ,
* * *
Tháng 8 năm 1991, tôi ở Warszawa.
Một buổi chiều, sau khi uống cà phê ở quán U Szwejka [2]
trên quảng trường Konstytucji, tôi thả bộ tới đường Marszałkowska thì một chiếc
taxi trờ tới. Ắt hẳn anh lái nghĩ tôi là một du khách đang lớ ngớ tìm đường.
Ngạc nhiên làm sao, vừa ngồi vào xe, lên tôi thấy bên
mình một tờ báo tiếng Việt.
Một hàng tít lớn đập vào mắt : “Nhà văn Hồ Dzếnh không còn nữa”.
Xem ngày tháng thì thấy tờ báo mới ra hôm qua. Chắc hẳn
nó là của một người Việt vừa đi từ phi trường Okiecie vào thành phố đã bỏ lại.
Tôi bàng hoàng.
Tôi ít khi nghĩ tới cái chết, cho chính mình, cũng như
cho những người tôi biết. Sự sống vốn chẳng là vô hạn với bất cứ ai – biết là
thế, nhưng bất ngờ vẫn cứ là bất ngờ. Thậm chí trong hành trang của tôi vẫn còn
đấy cái đồng hồ quả quít cổ mặt sứ tôi mua ở chợ đen Donbass để gửi cho Hồ Dzếnh.
Có lần nào đó anh nói với tôi anh thích đồng hồ quả quít hơn đồng hồ đeo tay.
Nó gợi nhớ cái đồng hồ của cha anh - vật còn lại lâu hơn mọi thứ khác sau khi
cha anh qua đời và mẹ anh phải bán đi tất cả.
Tôi nhoài lên ghế trên, hấp tấp nói lại địa chỉ. Thay
vì về nhà, tôi bảo anh tài xế đưa tôi đến chỗ khác. Ở thương vụ Việt Nam tôi có
thể nhờ gửi tin nhắn bằng telex nhanh nhất về cho con rể.
Các con tôi đã có mặt trong tang lễ, thay tôi tiễn đưa
nhà văn mà tôi yêu mến đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Thêm một lần, tôi tin ở tâm linh.
Nó có thật hay không có thật tôi không biết. Bằng sự
tình cờ hi hữu, Hồ Dzếnh gửi cho tôi lời nhắn cuối cùng:
“Tôi
đi đây. Chào nhé!”.
Vũ Thư Hiên
2016
Những
tác phẩm đã xuất bản của Hồ Dzếnh:
- Quê Ngoại (thơ, gồm những bài góp nhặt từ năm 1935 đến
1942, xuất bản năm 1943);
- Hoa Xuân Đất Việt (thơ);
- Chân Trời Cũ (tập truyện ngắn, xuất bản năm 1942
(nhà xuất bản Hoa Tiên);
- Một Truyện Tình 15 Năm Về Trước (tiểu thuyết, ký bút
hiệu Lưu thị Hạnh (nhà xuất bản Hoa Tiên)
- Hai Mối Tình hay Tiếng Kêu Trong Máu (truyện dài, ký
bút hiệu Lưu thị Hạnh (nhà xuất bản Hợp Lực, 1968);
- Dĩ Vãng (tiểu thuyết)
- Những Vành Khăn Trắng (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu
thị Hạnh);
- Đường Kẽ Mãnh (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật ,số
187, 12-12-1943);
- Nhà Nhiều Con (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật, số
206, 11-6-1944).
- và nhiều truyện ngắn khác đăng rải rác trong các
giai phẩm xuất bản thời tiền-chiến.
[1]
Bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, đời Đường.
[2]
Tên quán được đặt theo tên nhân vật cuốn tiểu thuyết lừng danh “Chuyện phiêu
lưu của anh lính Sweik dũng cảm” của nhà văn Séc Jaroslav Hašek (1883 - 1923)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét