BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

ĐỌC THƠ CỔ NHỚ NGƯỜI XƯA: ĐẶNG DUNG - Nguyên Lạc




ĐỌC THƠ CỔ: CẢM HOÀI

1. Bài cảm xúc 1

Phí chi bút mực anh hùng luận?
Ai người nước Việt hãy cùng ta
Nói chi cho lắm mòn chữ nghĩa?
Xăn áo cùng nhau giữ sơn hà!

"Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma" *
"Đầu bạc giang san thù chưa trả" **
Mấy độ mài gươm dưới trăng tà

Ngàn năm vẫn nhớ lời thơ cổ
Rạng đấng hùng anh của nước nhà
Hoài Cảm Đặng Dung lời thê thiết
Nén trầm tôi kính ... mắt lệ nhòa!

...........

* Câu thơ trong bài Cảm hoài - Đặng Dung
**  Tản Đà dịch

2. Bài cảm xúc 2

"Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma"

Dưới trăng mài kiếm Long Tuyền
Mài luôn cho bén lời nguyền nước non
Thề rằng quyết giữ vẹn toàn
Giang sơn gấm vóc mãi còn thiên thu
"Tiệt nhiên định phận thiên thư" +
Kiếm này ta chém giặc thù xâm lăng!

.........

+ Nam Quốc Sơn Hà - Lý Thường Kiệt


PHÂN TÍCH HAI CHỮ ANH HÙNG

“Anh” trong “anh hùng’ có nghĩa là tốt đẹp, tài hoa hơn người, kiệt xuất, xuất chúng. Nghĩa gốc của chữ “anh” là loài hoa đẹp nhất.
Còn “hùng” trong “anh hùng” có nghĩa là người dũng mãnh tài giỏi, siêu quần, kiệt xuất
Anh hùng: Nhân vật phi phàm xuất chúng, chỉ người có kiến giải, tài năng siêu quần xuất chúng.

ĐỊNH NGHĨA ANH HÙNG

“Anh hùng là hành động của một người vì đại cuộc không xem sự sống chết của mình là quan trọng tuyệt đối, sống vì tha nhân, hy sinh vì dân tộc, cho dù có phải chết thì vui lòng đón nhận. Khi bàn đến hai từ “anh hùng” thì ý niệm thành công không nằm trong thuộc tính định nghĩa cho từ đó. Thử tra hai từ Heros trong các bộ Encyclopedia thì biết. Đông Tây đều định nghĩa như thế” 
                                                                                  (Laiquangnam)

LUẬN ANH HÙNG

Ta thử luận về vài nhân vật nổi tiếng được cho là anh hùng:


 1. Kinh Kha

- Nhân vật Kinh Kha này ai cũng biết qua việc hành thích Tần Thủy Hoàng. Nhân vật này thường được nhiều người Việt nhắc đến, ca tụng trong nhiều bài văn thơ. Suy gẫm chuyện Kinh Kha, tôi thấy ông ta đâu phải là người anh hùng.
Nguyễn Du đã chê bai: Kinh Kha đi thích khách Tần Thủy Hoàng chỉ vì có người biết đến mình và vì sự đối đãi thừa mứa. Kinh Kha chỉ là một con rối, hành động không vì tấm lòng trung dũng (diệt kẻ tàn bạo, phò người đức độ), đâu có hy sinh vì dân tộc, mà hành động chỉ vì sự mua chuộc và kích động của người khác.
Đây là trích đoạn bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, phần chê bai Kinh Kha.

Thần dũng nghị nhiên duy độc quân.
Đồ đắc Điền Quang khinh nhất vẫn.
Khả liên vô cô Phàn Ô Kỳ,
Dĩ đầu tá nhân vô hoàn thì.
Nhất triêu uổng sát tam liệt sĩ,
Hàm Dương thiên tử chung nguy nguy.
(Kinh Kha Cố Lý– Thơ chữ Hán Nguyễn Du)

Dịch thơ

Liều thân chỉ vì kẻ biết mình,
Huống được Điền Quang tự đâm cổ.
Khá thương Phàn Kỳ chẳng tội chi.
Đem đầu cho mượn chẳng hoàn gì.
Một sớm chết oan ba liệt sĩ.
Hàm Dương, Thiên tử vẫn uy nghi.
                           (Nhất Uyên dịch)

Kinh Kha là nhân vật Tàu, người Tàu có ca tụng hay không là chuyện của họ; tại sao ta là người Việt mà lại ca tụng, vinh danh?!
- Anh hùng là như Đặng Dung của VIỆT NAM ta đây, ta hãy thử luận bàn về nhân vật này.


2. Đặng Dung

Đặng Dung (1373 - 1414) con trai của Đặng Tất. Ông  là tướng lĩnh của vua Trùng Quang Trần Quý Khoáng - nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
Các vị anh hùng -dưới sự lãnh đạo của Đặng Dung đã đánh nhau ròng rã trên dưới bảy năm (1407-1413) với  80 vạn quân dân binh  Minh do Trương Phụ đẫn đạo xâm lấn Việt Nam, một binh lực hơn hẳn mình nhiều lần

“Chuyện khó tin trong binh sử thế giới, trường hợp hy hữu này duy chỉ có trong quân sử Đại Việt. Khi vị tướng tư lệnh lại là cầm đầu toán người nhái cảm tử rất gọn nhẹ đánh thẳng vào sào huyệt kẻ tử thù. Tháng 8/1413, được biết quân Trương Phụ vào đến Thuận Hóa, và kéo binh tập kết vào ngã ba sông này để tổ chức cuộc săn đuổi vua quan Hậu Trần đang đóng quân ở trên bờ; quan thái phó Nguyễn Súy và quan đại tư mã Đặng Dung nửa đêm chia quân đến đánh Trương Phụ. Quan thái phó Nguyễn Súy dùng thuyền nhẹ đánh nghi binh, giặc Minh trào về phía Nguyễn Suý, và thừa lúc đó Quan tư mã Đặng Dung lao mình xuống nước trước, hơn mươi chiến sĩ cảm tử quân lao theo sau. Họ bơi nhanh về phía thuyền lớn nhất, sáng nhất trên sông. Từ dấu hiệu của Đặng Dung, bọn họ leo lên được thuyền của Trương Phụ, dùng đoản đao thịt lẹ các tên lính trên sàn. Họ nhào vào tên mập mạp nhất, phương phi nhất và đã bắt sống tên này, lôi y xuống nước. Y la lên. Do vì không biết thường ngày tên Trương Phụ mặc quần áo gì, do chưa thấy mặt kẻ thù lần nào, nên họ đã bắt lầm. Thừa cơ Trương Phụ lập tức nhảy xuống sông lấy cái thuyền con mà chạy thoát.”
                                                                                 (Laiquangnam)

Đánh nhau ròng rã trên dưới bảy năm (1407-1413) với một binh lực hơn hẳn mình, có lúc quân đội Đặng Dung cũng đã thắng nhiều trận lẫy lừng, nhưng dài hơi thì cuộc đọ sức đã không cân sức. Than ôi! ông đã bại trận! Trên đường bị bắt đưa về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) để làm nhục, vua tôi Đặng Dung đã ca hát như không có chuyện gì xảy ra, thắng bại là lẽ thường tình đối với người tráng sĩ một khi họ đã toàn tâm toàn ý, hết lòng, hết sức vì dân tộc. Đặng Dung, trong vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến, đã ngâm cho vua tôi nghe bài thơ Cảm Hoài này, vừa ngâm vừa gõ nhịp xuống ván gỗ thuyền, cùng vui và sẵn sàng đón nhận mọi sự trả thù tàn bạo của kẻ thù. Trên đường bị giải về Yên Kinh, Trung Quốc ông và vua Trùng Quang đã nhảy xuống sông tự vẫn.
Qua các điều trên, rõ ràng ta thấy Đặng Dung mới xứng đáng hai chữ anh hùng

3. Bài thơ Cảm Hoài

Đây là bài thơ Cảm Hoài (Nỗi niềm hoài bão) của Đặng Dung.
Bài thơ này là một bản anh hùng ca mang tâm trạng về thế sự, trong ấy thể hiện rõ phong cách của người tráng sĩ, người anh hùng trong cơn quốc nạn. Lý Tử Tấn, một học giả thời Lê, tác giả Chuyết Am văn tập, khi đọc bài thơ này đã hết lời ca tụng người sáng tác ra nó là “phi hào kiệt chi sĩ bất năng” (không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể sáng tác được như vậy).

Cảm Hoài

Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.

 Tạm dịch nghĩa:

Nỗi Niềm Hoài Bảo

Thế sự mang mang lại tuổi già
Thiên hạ thì vô cùng hãy nhập vào mà hát hàm ca
Thời đến bọn đồ tể, bọn câu cá cũng thành công dễ dàng
Thời qua anh hùng cũng đành nuốt hận
Hết lòng vì chúa có hoài bão xoay trục đất
Rửa giáp binh không lối kéo ngược dòng sông ngân hà
Thù nước chưa báo thì đầu bạc trước
Bao thời qua đội trăng mà mài kiếm long tuyền.

Vua Lê Thánh Tôn có tặng cho dòng dõi họ Đặng hai câu thơ:

Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng

Nhân đọc lại dòng thơ cổ yêu nước, tôi đốt 3 nén hương trầm để tưởng nhớ đến người xưa, đến công ơn của tiền nhân đã đổ ra biết bao xương máu để xây dựng và bảo vệ nước nhà.

                                                                                       Nguyên Lạc
...........

@ Mời đọc :

-  Đặng Dung với Cảm Hoài, phần 1
http://www.art2all.net/tho/laiquangnam/lqn_dangdung_p1.htm
-  Niệm Đặng Dung của Phạm Ngọc Lư
http://www.art2all.net/chantran/chantran_tho/phamngoclu/niemdangdung.html

Không có nhận xét nào: