Nhớ
về Lầu Ông Hoàng là nhớ những chuyện xưa - Ảnh: huu5189 [Hữu Khoa]
ĐỒI
TRĂNG PHAN THIẾT (CHUYỆN TÌNH HÀN MẶC TỬ)
Đứng ở trung tâm thành phố Quy Nhơn có thể nhìn thấy rất
rõ dòng chữ “Ghềnh Ráng - Tiên Sa” màu trắng, nổi bật trên nền xanh lá ở lưng
núi nằm cuối cung đường bờ biển đẹp. Đây là một khu du lịch có các địa danh Bãi
Trứng, Bãi Tiên Sa được ví như một viên ngọc bích giữa biển xanh.
Đến với khu du lịch
Ghềnh Ráng để tìm hiểu về truyền thuyết bao đời (Ảnh ST)
Cảnh
biển mây trời núi đá hòa quyện càng tăng nét hoang sơ hút hồn của Tiên Sa.
Nhưng với
khách phương xa có lòng ngưỡng mộ, yêu mến thi nhân bạc mệnh Hàn Mạc Tử thì lại
phải đến nơi mà nhà thơ nằm bệnh rồi từ trần cũng trên ngọn núi có cảnh quan
hoang sơ và lặng lẽ này. Bất cứ tài xế taxi hay xe ôm nào khi đưa khách đến đây
đều hiếm nói địa chỉ Trại phong - da liễu Quy Hòa mà chỉ nói mộ Hàn Mạc Tử mà
thôi.
Khu
mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử (Ảnh: ST)
Khu vực này bao gồm cơ sở bệnh viện phong - da liễu do Bộ Thương binh -
xã hội quản lý và một “làng bệnh phong” được hình thành từ năm 1929, cách đây
90 năm do một linh mục người Pháp làm nơi tập trung chữa trị những người mắc chứng
bệnh phong gần như bị cách ly với cộng đồng vì thời ấy do định kiến nặng nề, ruồng
rẫy của xã hội… Nay làng phong này có trên 350 hộ gia đình sống dưới những mái
nhà riêng và đường sá không khác gì một khu phố nhỏ nhưng đâu đó vẫn lẩn khuất
một không khí trầm lắng, an bài… Tại dãy nhà đầu làng đối diện với ngôi thánh
đường khá cổ, có một gian nhà được ghi là “Phòng Lưu niệm Hàn Mạc Tử”. Bên
trong có bàn thờ nhà thơ và trên vách treo một số bức chân dung người thân và
người yêu của Hàn Mạc Tử. Đặc biệt còn đó chiếc giường gỗ cá nhân cũ kỹ, mảnh
chiếu ố vàng mà Hàn Mạc Tử đã nằm qua 52 ngày rồi trút hơi thở cuối cùng vào
tháng 11.1940, ở tuổi 28.
Khi đến thăm nơi này, tôi lần dỡ những trang tư liệu về
nhà thơ tài hoa Hàn Mạc Tử trải qua những mối tình từ Hoàng Thị Kim Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương và Thương
Thương. Nhưng trong đó đã có bốn nàng thơ đều gắn bó với mảnh đất Phan Thiết
(Bình Thuận) mà Hàn Mạc Tử từng yêu say đắm và yêu cả trong mộng để làm nên nhiều
vần thơ tuyệt tác cho mãi đời sau. Sau người tình đầu tiên, đầy trắc trở của
Hàn Mạc Tử là Hoàng Thị Kim Cúc (Huế), một tiểu thư con nhà danh giá nhưng rất
yêu thơ văn. Chàng đang tuổi rụt rè nhưng trong thơ thì lãng mạn qua bài “Ở đây
thôn Vĩ Dạ”. Thời gian này, khoảng 1932-1933, đang là thư ký Sở Đạc Điền Quy
Nhơn nhưng Nguyễn Trọng Trí (Hàn Mạc Tử) đã nổi tiếng trên thi đàn. Sau đó vào
Sài Gòn làm báo với nhiều bút danh nhưng với thơ giữ tên Hàn Mạc Tử. Còn với Mộng Cầm có lẽ đây là mối tình sâu đậm
nhất của Hàn Mạc Tử. Mộng Cầm gọi bà Ngọc Sương là dì và nhà thơ Bích Khê là cậu
ruột. Dù sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng Mộng Cầm vào sống ở Mũi Né để học nghề với
người cậu ruột là anh của nhà thơ Bích Khê, làm y tá trưởng một bệnh xá. Trước
đó Mộng Cầm có thơ đăng trên báo Công Luận mà Hàn Mạc Tử đang làm cho báo này
nên mối duyên văn tự nẩy nở. Đến khi Mộng Cầm vào Phan Thiết thì Hàn Mạc Tử có
cơ hội nối lại liên lạc nhiều hơn. Từ đêm hội ngộ trên chiếc thuyền trăng Mũi
Né vào Phan Thiết cũng là bắt đầu cho những ngày hẹn hò, đậm đà thêm qua những
bài thơ trao gửi nhau. Cứ mỗi cuối tuần nàng đứng ở sân ga đợi chàng trên chuyến
xe lửa từ Sài Gòn ra Phan Thiết, biết bao là tình.
Lầu
Ông Hoàng - Nơi ghi dấu mối tình xưa của Hàn Mặc Tử - Ảnh: Eric Viet Thang
Quang
cảnh khi xưa trên ngọn đồi nơi Lầu Ông Hoàng được xây dựng.
Ảnh: anhcauduong
(Tuệ Minh)
Nhưng dấu ấn ngọt ngào, thơ
mộng hơn khi họ dìu nhau lên đồi trăng Phú Hài, nơi có ba ngọn tháp Chăm thờ Pô
Sah Inư và phế tích Lầu Ông Hoàng. Kéo dài gần một năm rưỡi, duyên phận không
thành và Mộng Cầm đi lấy chồng là một giáo học dạy trường tiểu học Pháp - Việt
Phan Thiết, cũng là lúc Hàn Mạc Tử nhận ra căn bệnh kỳ lạ trong mình và âm thầm
trở về Gò Bồi, Quy Nhơn khoảng 1936-1937 để chạy chữa. Thời gian này tập thơ
“Điên” ra đời. Hàn Mạc Tử than thở: “Trời hỡi! Bao giờ tôi chết đi/ Bao giờ tôi
hết được yêu vì/ Bao giờ mặt nhật tan thành máu/ Và khối lòng tôi cứng tợ si?”.
Càng quằn quại hơn, ở trong bài Phan Thiết, Phan Thiết!: “Ta lang thang tìm đến
chốn lầu trăng/ Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang/ Nơi đã khóc, đã yêu
thương da diết/ Ôi trời ơi! Phan Thiết! Là Phan Thiết!/ Mà tang thương còn lại
mảnh trăng rơi”. Trong tuyệt vọng, không còn gì phải e ấp mà chàng phải kêu lên:“Nghệ
hỡi Nghệ! Muôn năm sầu thẳm/ Nhớ thương còn một nắm xương thôi”. Nghệ là tên thật
của Mộng Cầm - Huỳnh Thị Nghệ, quê Quảng Ngãi, theo người thân vào sinh sống ở
Phan Thiết.
TRĨU NẶNG NHỮNG MẢNH TÌNH THƠ
Mai Đình lúc chớm tuổi 17 nhưng đã rất yêu thơ Hàn Mạc
Tử. Đến khi nghe nhà thơ bị trọng bệnh, còn Mộng Cầm đi lấy chồng nên với lòng
mến mộ từ tập “Gái quê”, thông qua Quách Tấn, bạn thân Hàn Mạc Tử, Mai Đình mới
bộc bạch nỗi niềm, trước đây chỉ yêu thơ nhưng nay thương cảm hoàn cảnh nhà thơ
lâm bệnh thì lại thấy trái tim rung động và yêu chàng bằng những bài thơ nồng
nàn: “Mộng hồn em gửi theo chiều gió/ Để được gần anh ngỏ ít lời”, (thơ Mai
Đình). Năm 1939, Mai Đình có ra nhà mẹ Hàn Mạc Tử ở Gò Bồi, Quy Nhơn để chăm
sóc nhưng nhà thơ không cho gặp và chia tay bằng một bài thơ, có câu: “Không biết
nói làm sao cho da diết/ Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn/ Đem mộng xuống gieo vào
muôn sóng mắt/ Nàng! Ôm nàng hai tay ta ghì chặt”… Sau này, Mai Đình thêm một lần
nữa ra tận trại phong Quy Hòa thăm Hàn Mạc Tử đang nằm bệnh. Mai Đình quê Thanh
Hóa có cha là một tùy phái tòa sứ, làm việc ở Phan Thiết (1930) - thực sự là một
người chung tình, âm thầm đến với Hàn Mạc Tử những ngày cùng tận nỗi đau. Với
Ngọc Sương - chị ruột của nhà thơ Bích Khê - người đồng sáng lập trường tư thục
Hồng Đức và Quảng Thuận (Phan Thiết) vào những năm 1934-1939 và cũng là dì ruột
của Mộng Cầm, có thời gian dạy học ở đây. Dù nhiều bài viết gọi là người yêu của
Hàn Mạc Tử nhưng cả hai chưa hề gặp mặt. Câu chuyện thật lạ lùng đối với một
tâm hồn lãng mạn, khi Bích Khê ra Quy Nhơn thăm bạn có tặng cho Hàn Mạc Tử tấm ảnh
trong đó có Ngọc Sương để nhà thơ phôi phai khổ lụy và an ủi lúc mang bệnh. Đó
chỉ là mối tình đơn phương với Ngọc Sương và nhà thơ viết nên dòng thơ: “Ta đề
chữ Ngọc trên tàu chuối/ Sương ở Cung Thiềm gió chẳng thôi”. Thêm một tình tiết
rất cao đẹp liên quan đến Mai Đình, đó là vì hoàn cảnh riêng không thể nào đến
được với Hàn Mạc Tử và Mai Đình biết chàng đang yêu say đắm Ngọc Sương cho nên
tìm đến nhà Ngọc Sương ở Quảng Ngãi, thuyết phục Ngọc Sương hãy yêu và kết hôn
với Hàn Mạc Tử. Cuộc tình cuối cùng của
Hàn Mạc Tử phiêu bồng theo cơn mộng: “Bằng đêm hôm ấy êm như rót/ Lời mật vào
tai ngọt sững sờ” (Tối tân hôn). Người đó là Thương Thương, là con gái của vị
quan Trần Thanh Đạt, làm Tuần vũ Bình Thuận. Lúc này khoảng năm 1940, Thương
Thương còn là một nữ sinh mới 16 tuổi nhưng qua giới thiệu của Trần Thanh Địch
(em nhà văn Trần Thanh Mại) nhằm coi như một “liệu pháp” để nhà thơ ru mình
trong mộng tưởng. Cũng từ đó mà Hàn Mạc Tử đã trút lòng để có được những câu thơ:
“Chiều nay tàn tạ hồn hoa/ Nhớ Thương Thương quá xót xa tâm bào”.
PHAN THIẾT VỚI CÂU CHUYỆN XƯA
Những mối tình của Hàn Mạc Tử, dù có cả tình đơn
phương nhưng đó là những kiều nữ nhân hậu, có tâm hồn thơ và nhiều người đã có
thơ đăng trên các báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Năm 1965, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh
(Nhật Trường) quê Phan Thiết đã sáng tác tình khúc “Hàn Mạc Tử” với giai điệu
ngậm ngùi và hình ảnh Lầu Ông Hoàng tình sử ghi dấu cuộc tình của Hàn Mạc Tử với
Mộng Cầm: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà, nhớ câu chuyện xưa…”.
Từ
Lầu Ông hoàng nhìn về thành phố Phan Thiết
bình yên nằm trong thung lũng lớn. Ảnh: Chungphoto2011
Năm 1991,
khi có điều kiện, Trần Thiện Thanh cùng một số văn nghệ sĩ Sài Gòn ra bệnh viện
phong Quy Hòa, chọn nơi an táng đầu tiên của Hàn Mạc Tử trong nghĩa địa bệnh
nhân phong cũ, ở Khe Nước Ngọc xây lại mộ phần, với qui mô một đài tưởng niệm.
Đồng thời cùng với Ban giám đốc bệnh viện sưu tầm tư liệu, hình ảnh để thành lập
Phòng lưu niệm Hàn Mạc Tử tại khu chữa bệnh trước đây. Có khá nhiều sách báo nghiên cứu về sự nghiệp
văn thơ của Hàn Mạc Tử. Trong đó với những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ từng
là bạn bè của Hàn Mạc Tử như Quách Tấn, Chế Lan Viên, Bích Khê, Trần Thanh Địch,
Trần Thanh Mại… và lớp sau có các chuyên khảo của Phan Cự Đệ, Vương Trí Nhàn,
Hoài Thanh - Hoài Chân, Võ Long Tê... Nhưng với công trình nghiên cứu của Phạm
Xuân Tuyển (đã mất): Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử - Nxb Văn học 1997 và tập sưu
khảo Phan Thiết, Hàn Mạc Tử - do Hội VHNT Bình Thuận ấn hành 2005, đã tiếp cận
được nhiều nhân vật gắn với cuộc đời của Hàn Mạc Tử. Tác giả Phạm Xuân Tuyển đã
đến tận cùng với những tư liệu còn nghi vấn về những cuộc tình và cả bút danh
Hàn Mạc Tử để khẳng định không phải Hàn Mặc Tử… Ngày nay tại Trại phong - da liễu
Quy Hòa (Quy Nhơn), các bia mộ, di tích về Hàn thi nhân đều ghi Hàn Mạc Tử.
Phan Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét