BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

KIM ĐÂU, CHỢ SÒNG: LÀNG TÔI ! (phần cuối) - Hà Huy Hoàng


                  
                                  Tác giả bài viết Hà Huy Hoàng                                                                                 

KIM ĐÂU, CHỢ SÒNG: LÀNG TÔI ! (phần cuối) 
                                                            Hà Huy Hoàng

Ngày còn bé thì không sao, nhưng khi bước qua tuổi của bậc trung học, và từ lúc bạn Luyện bằng tuổi tôi, em của anh Thông con chú Trợ, bị mấy ông “giải phóng” ban đêm về “tuyển quân” lên rừng, tôi không còn được ngủ đêm tại nhà nội mỗi lần về thăm. Luyện bị đưa lên vùng trung du với một khoảng cách khá xa làng, cu cậu cũng lanh, giả vờ đi “ẻ” (đại tiện - tiếng Quảng trị), ngồi xuống đất với tư thế làm cho chó chạy lại, cu cậu cứ nhích dần nhích dần xa ra, khi thấy mấy bác “giải phóng” lơ là một chút thế là cậu ta chuồn lẹ, về đến nơi cả làng mừng hú! Lúc tôi còn nhỏ, có lần mấy bác này về chỉ tôi đang ngủ, hỏi O Đá: thằng ni con ông Liệu phải không? Còn bé quá nên mấy bác chưa rớ tới, chỉ điểm danh và để dành?? Phải chi mấy bác chịu khó dắt đi và không bị tiêu tùng trong cuộc chiến khốc liệt, trong trò chơi súng đạn của hai miền Nam-Bắc thời đó, biết đâu giờ này đã thành ông bộ đội với cấp hàm to bự chảng rồi hè!? Nói chơi rứa thôi, tôi không ham “zụ” này! 
Vậy là khoảng chừng bốn giờ chiều mỗi ngày, thanh niên trai tráng trong xóm dắt nhau về thị xã Đông hà ngủ qua đêm, ở quê tôi có từ “đi ngủ” từ đây. Lạ một điều, nhà ông bà ngoại tôi rộng thênh thang, chiếu giường đầy đủ nhưng tôi lại không chịu ở mà lại thích đi ngủ lang với anh em bạn bè hàng xóm, vật vạ khắp nơi, khi thì hiên nhà ông ngoại, khi lên tận trên dốc sỏi lạ huơ lạ hoắc, sáng hôm sau lại dắt díu nhau quay về với việc đồng áng. Có thời gian, khi anh Toàn được nhận làm lơ xe cho nhà ông Một chạy tuyến Đông hà - Cam lộ, hai anh em tôi thường ngủ trên nóc chiếc xe renault đầu bò ở bến xe thị xã Đông hà, tha hồ ngắm non nước trời mây, gặp mưa thì chui tọt vào thùng xe.


Tôi nhớ mãi một buổi sáng, hôm ấy trên đường trở về xóm qua một đêm ngủ bờ ngủ buị ở Đông hà, đa phần chúng tôi lội bộ với khoảng cách năm cây số. Vừa qua khỏi chiếc cống nhỏ cách cồn Mả Đỏ hai trăm mét, tiếng nước chảy róc rách qua đám cỏ xuôi về khoảnh ruộng lúa xanh rì phía xa của bàu Ốc, sau cơn mưa lớn đầu mùa lúc gần về sáng, nghe thật vui tai. Trời ơi! Cá, cá…. cá nhiều lắm anh Toàn ơi! Tôi la lớn và lao xuống đám cỏ, cá rô, toàn cá rô to hơn hai ngón tay một tý, mập ú nù, với những chiếc gai nhọn hoắt, dựng đứng trên sống lưng đang cằn, trườn bằng hai chiếc vây bên lườn, đi ngược với dòng nước chảy. Tôi vừa chộp được hai em, đến em thứ ba thì nghe tay đau buốt, cá rô “nẻ” đau ác thiệt! Anh Toàn bảo tôi ngừng lại, đừng bắt nữa để anh lo, anh cởi chiếc quần dài cột túm hai ống quần lại, tôi chỉ việc dang rộng phần lưng ra, thế là anh thoăn thoắt tóm hết chú này đến chú khác với đôi tay thật thiện nghệ, bỏ gần đầy hai ống quần tây. Mọi người khác đi trước, khi phát hiện ra thì hai anh em tôi đã gom gần hết, anh Toàn bảo, cá rô khi gặp “trộ” mưa đầu mùa thường hay đi ngược dòng nước lên phía trên để tìm nơi đẻ trứng, hôm nay hai eng tam (anh em) mình trúng cú đậm, hên thiệt! Tôi không nhớ rõ lắm về số phận của tất cả những chú cá rô này, chỉ biết một điều, trưa hôm đó tôi ăn thật nhiều cơm với những bụng cá đầy ắp trứng, được kho thật ngon dưới bàn tay biệt tài của O tôi.

       

Và rồi cứ thế, cứ thế! Tôi lớn dần lên không chỉ nhờ những dòng sữa thơm mát, ngọt mềm trong vòng tay ấm êm của mẹ, không chỉ nhờ những trò chơi, những kỷ niệm thân thương nơi làng quê yêu dấu. Tôi lớn dần lên trong hương thơm khó cưỡng của mùi khói đốt đồng cuối vụ, mùi rơm rạ ngai ngái ẩm mục ngày mưa. Tôi lớn dần lên qua những đêm trăng vọng vang tiếng chày giã gạo với bao câu hát điệu hò của bà con họ hàng, chòm xóm mỗi độ mùa về. Quên sao được những đêm hè say giấc bên bà nội, tay không ngừng phe phẩy chiếc quạt mo cau, tìm chút hơi lành cho giấc ngủ cháu thơ, quên sao được ngày đông về lạnh buốt được ngủ vùi tay ấp bên ông! Không biết có ai còn nhớ tới cái lồng ấp ở quê mình không nhỉ?!? Chiếc lồng ấp được đan bằng mây, phần chân đế được đan bằng kích thước với miệng lồng, phần giữa được đan nhỏ lại như thắt cổ chai nhằm để được chiếc “tréc” sành, vật dùng để chứa than nóng được vùi bằng tàn tro giữ ấm qua đêm. Tôi nghĩ, chỉ có những người lớn tuổi tỉnh ngủ mới sử dụng được chiếc lồng ấp này, nhỏ tuổi ngủ say, ngủ mê có mà mang hoạ, gặp dịp bà hỏa ghé thăm như chơi. Có điều công dụng của nó thì thật tuyệt vời! Mặc nhiên mùa hè tôi ngủ với bà nội, ngày đông lại chui rúc vào chăn ấm của ông…

Dân Quảng trị nói chung, dân làng tôi nói riêng có một đặc điểm là hầu như ai cũng biết hát (tôi có chủ quan không nhỉ!?). Không những biết mà còn hát hay nữa, nghe đồn ngày nay có người khi đi dự đám cưới mà không cho hát là sẽ “chận” (giận) và bỏ về, không thèm ăn cỗ. Ha ha!! Nhắc đến điều này để nói đến giọng hò của O tôi, O Đá hò hay dễ sợ, hay do tôi thương O nên luôn nghĩ trong đầu như vậy? Những câu vè, bài hát cứ thấm dần qua từng giấc ngủ hằng đêm. Đến tận giờ này, sau hơn sáu mươi năm tôi vẫn còn ghi thuộc. Có một bài vè nói về việc xây dựng Ấp chiến lược tôi không tiện kể ra nhưng bài này tôi nằm lòng từ đó: Thân phân thằng chự (giữ) trâu (tựa tôi không nhớ rõ nên tự đặt):

“Cơ khổ thằng chự trâu. Ăn quán nằm cầu, khóc Mẹ van Cha. Hai hàng nước mắt chảy ra ròng ròng. Cách sông chợ hói biết nhà chú đâu. Sớm mai chú dũ (bảo)chăn trâu. Tơi lược chẳng có lấy đầu che mưa. Thân tôi đi sớm về trưa. Vác cày vác bừa đã mỏi hai vai. Chú thím ăn rồi, dắt nhau đi nằm. Bắt tôi xay ló(lúa) túi tăm trong nhà. Cái om thì bằng trứng gà, chưa bắc đã sôi, chưa ăn đã hết, chú ngồi chú lo. Ló chú đầy đụn đầy kho, chú cho ăn ít chẳng cho ăn nhiều. Chú ăn cá bống cá thiều, chú cho tui hột mói (muối)trong điều khô khan. Chú mặc áo cặp, áo đan. Chú cho tui miếng giẻ vá ngang vá chằng. Trông chừ cho đến tháng năm, đập trâu lên đôộng bẻ hoa mà nằm…”.

Rồi sao nữa, tự nhiên đến đây tôi quên mất tiêu? Phải chi O Út tôi còn sống, tôi sẽ bổ sung thêm được những câu cuối này một cách thật dễ dàng, vì trên chuyến xe do chú Nhàn - con O - lái, trở về Hoà Bình sau khi dự đám cưới cháu nội của O từ Bình Tuy cách đây hai năm, khi được nhắc đến kỷ niệm của làng quê, O đã ngâm bài vè này không sót một chữ. O mất tháng ba vừa rồi, cái ngày mà dịch Covid-19 bùng mạnh ở Phan Thiết, ở tuổi 90. O bằng tuổi mẹ tôi, nhỏ hơn ba tôi hai tuổi. Người cuối cùng ở lớp cùng vai với ba tôi, rốt cuộc cũng bỏ anh em chúng tôi lại, ra đi mãi mãi! Có những điều khi còn có thể, mình lại vô tâm không chịu tìm hiểu cho đến ngọn nguồn, để rồi giờ lại hối tiếc mãi về sau. Giống như hồi đó, tôi thắc mắc tại sao ông nội tôi lại ở xóm Bún và tại sao xóm Bún lại tách xa ra khỏi làng như thế, hoặc vì sao có tên xóm Bún, không chịu hỏi khi ông, bác, ba còn sống để giờ biết hỏi ai đây!? Cũng như những câu cuối của bài vè kể trên tự nhiên đến giờ này tôi lại quên một cách thật vô lý! Phải chăng vì một điều gì đó thật mơ hồ đã khiến tôi quên đi để rồi phải tiếc nhớ dài lâu hơn ?!? Chắc chắn một số vị cao niên còn ở làng sẽ biết rõ chuyện này. Hẹn dịp về quê sắp đến tôi sẽ tìm hiểu cho tận tường.

       

Hồi ba tôi còn sống, ông luôn đau đáu với làng quê, hễ có dịp là quay về. Việc Họ nhà tôi rơi vào ngày cuối tháng giêng hàng năm, hai ngày sau đó, mùng hai tháng hai âm lịch là ngày việc Làng, bao giờ ba tôi cũng nán lại để thắp những nén nhang tưởng nhớ tiên linh rồi mới xuôi Nam. Sau khi ông mất, tôi là người thay vai, vậy mà chưa một lần tôi tham dự được. Công việc mưu sinh với biết bao bộn bề thường nhật cứ cuốn hút vào vòng xoáy cuộc đời, cứ thế dần trôi, trôi mãi. Mỗi ba năm, tôi và các anh chị em mới về dự Đại lễ của dòng họ một lần, mà lần nào cũng vội vàng quay bước… Ôi làng quê, biết bao thương nhớ cho vừa. Hẹn ngày về thăm lại cố hương. Tôi sẽ qua xóm Bàu, xóm Chợ. Tôi sẽ viếng xóm Đôộng, xóm Biềng. Sẽ ghé về Đình làng, xóm Giếng. Nơi ngày xưa tôi rất ít lần có dịp ghé qua… 

Có người bảo: “Thường chỉ có những kỷ niệm đau buồn nhất mới sống thật lâu trong con người ta!” Tôi đây, lại là một kẻ tham lam tột cùng, muốn ôm hết thảy những kỷ niệm yêu thương thân thiết của làng quê, của tuổi thơ để đi đến trọn cuối cuộc đời!!!

                                                               Sài gòn, cuối tháng 7- 2020
                                                                          Hà Huy Hoàng

Không có nhận xét nào: